Sau hơn ¼ thế kỷ, kể từ khi nước Đức tái thống nhất, người Việt đã khắc dấu ấn về món ăn Việt lên lĩnh vực ẩm thực ở Đức, đồng thời „bành trướng“ sang văn hóa ẩm thực của một số nước châu Á khác.

Những người ở lại sau "hợp tác lao động"

Đầu những năm 1990, sau khi nước Đức bất ngờ tái thống nhất, những người Việt sang CHDC Đức theo diện „hợp tác lao động“ đứng trước một sự lựa chọn: Hoặc nhận 3.000 DM tiền đền bù và vé máy bay về nước (vào thời điểm đó 3.000 DM có giá trị rất lớn đối với người Việt), hoặc tiếp tục ở lại Đức với tương lai còn mờ mịt, không biết có được ở lại lâu dài hay không và làm gì để kiếm sống.

Theo ước tính của các phương tiện truyền thông Đức, trong tổng số khoảng 60.000 người lao động Việt Nam trong diện „hợp tác“ vào thời điểm cao nhất năm 1989, có khoảng 15.000 người đã quyết tâm ở lại Đức thử vận may.

Để kiếm sống, người Việt phần lớn lao vào buôn bán, từ việc buôn lậu như buôn bán thuốc lá, làm băng cassette âm nhạc giả để bán, cho tới buôn bán những thứ không bị cấm như chở đồ điện tử ở Tây Đức về bán, quần áo… Thời điểm đầu những năm 1990 ở Đức có thể gọi là thời kỳ „hoàng kim“ của người Việt theo nghĩa rất dễ kiếm tiền, vì nhu cầu hàng hóa của người Đông Đức rất lớn.

Năm 1993, sau khi Chính phủ CHLB Đức sửa đổi luật, cho phép những người Việt Nam theo diện „hợp tác“, không phạm tội nặng như buôn bán thuốc lá lậu với khối lượng lớn và chứng minh được mình có đủ thu nhập để sinh sống, không ăn bám xã hội, được nhận giấy phép cư trú theo dạng nhân đạo (Aufenthaltsbefugnis) kèm theo một ngoại lệ là cho phép hành nghề tự lập ở miền Đông nước Đức thì một số người có vốn đã bắt đầu mở các cửa hàng ăn nhanh (Imbiß, Bistro) cho tới các quán ăn Restaurant.

42 1 Nguoi Viet O Duc Banh Truong Tren Linh Vuc Am Thuc

Việc mở các cửa hàng ăn khi tới định cư ở một quốc gia khác cũng vốn là sở trường của những thế hệ người Việt trước đây như ở Pháp, ở Mỹ, ở Canada, ở Úc…

Thời kỳ đầu ở Đức, nhiều người chẳng nấu ăn bao giờ, chỉ học lỏm một chút cũng nhảy vào làm Chefkoch (bếp trưởng), vì thực khách Đức khi đó chưa biết nên không thể so sánh thế nào là đúng, thế nào là sai. Nhiều người Việt tiếng Đức lọ mọ cũng vẫn có thể làm đầu bếp hoặc làm bồi bàn. Có lẽ lực lượng „bồi bàn“ không sõi tiếng địa phương từ xưa đã khá nhiều, nên lâu nay đã có khái niệm „tiếng Pháp bồi“, „tiếng Anh bồi“ và bây giờ là „tiếng Đức bồi“ chăng?

Món ăn Việt lên ngôi

Thời kỳ đầu những năm 1990, các cửa hàng ăn nhanh, các quán ăn của người Việt thường phải đội lốt quán Tàu như „China-Imbiß“, „China – Restaurant“… bởi vì các món Việt Nam chưa có tiếng, mà người Việt ở Đức thời đó có nhiều tai tiếng.

Giờ đây, các món ăn Việt Nam đã được ưa chuộng, được coi là ngon và bổ, lành mạnh vì có nhiều rau tươi, ít mỡ, nên nhà hàng Việt Nam được mọc lên ở khắp nơi như nấm sau cơn mưa. Hầu như ở các trung tâm thương mại, các nhà ga nào cũng có các nhà hàng ăn nhanh Việt Nam với các thương hiệu đã nổi tiếng như Thăng Long, Asia Gourmet, Mai Mai…

Không những thế, người Việt Nam ở Đức đã bành trướng, „lấn sân“ vào văn hóa ẩm thực của một số quốc gia châu Á khác và đã đạt được những thành công không nhỏ.

42 2 Nguoi Viet O Duc Banh Truong Tren Linh Vuc Am Thuc

Anh Trần Văn Hai trình diễn cách làm Sushi ở Hội chợ Chefs Culinar tại Berlin

Đứng đầu trong Top 10 những quán Sushi nổi tiếng nhất Berlin là quán Mr. Hai Kabuki. Mr. Hai chính là anh Trần Văn Hai, quê ở Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đã kiên trì học hỏi cách làm Sushi của một bếp trưởng người Nhật và sau đó có những sáng tạo, cải biên cho phong phú.

Ngoài ra, còn rất nhiều quán ăn của người Việt bán Sushi hoặc bán đồ ăn châu Á, trong đó có Sushi. Nếu như cách đây hơn 10 năm mới chỉ có vài nhà hàng Sushi của người Nhật với giá "trên trời", thì thời gian gần đây, các nhà hàng Sushi đã mọc lên như nấm. Ước tính tới nay, riêng ở Berlin đã có khoảng 280 nhà hàng Sushi, trong đó có nhiều chủ là người Việt.

Không những thế, nhiều nhà hàng mang tên Thái Lan, Trung Quốc, thậm chí là Ấn Độ, Mông Cổ… ở Berlin và một số thành phố lớn khác cũng do người Việt làm chủ, hoặc là thuê đầu bếp người địa phương nấu, hoặc thuê người Việt đã học được cách nấu của các nước đó.

Thành công trong lĩnh vực nhà hàng của người Việt là thành công quan trọng, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người và truyền bá văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, làm việc trong nhà hàng là một công việc nặng nhọc, phải thức đêm nhiều. Nhiều người phải theo đuổi nghề này vì kế mưu sinh và chúng tôi cho rằng, trong tương lai sẽ không có nhiều người Việt thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba đi theo nghề này của cha, ông, cho dù ngành nhà hàng thời nào cũng có cơ hội phát triển, vì ai cũng phải ăn và ai cũng muốn có được những món ăn ngon, hấp dẫn và lạ miệng của một dân tộc khác.

Nhân nói chuyện „tiếng Đức bồi“, tôi nhớ thời CHDC Đức và một thời gian sau này, trong cộng đồng người Việt ở Đức đã hình thành một thứ tiếng Đức đặc biệt, có nghĩa là chỉ người Việt ở Đức mới hiểu, người Đức cũng không hiểu. 

Vì không nói dài được, người Việt thường nói tắt, ví dụ như vào cửa hàng để mua thực phẩm thì người ta nói „Đi Kau“, vốn là từ „Kaufhalle“ để chỉ cửa hàng thực phẩm thời CHDC Đức, „ở Wohn“ có nghĩa là „ở Wohnheim“, nhà chung cư cho công nhân trước đây có bếp và nhà vệ sinh chung cho cả tầng, „đi Đrét“ có nghĩa là „đi Dresden“… Trước đây từng có một giai thoại về một người Việt cãi nhau với người Đức đã lớn tiếng đe dọa: „Du Blut, Ich Nachmittag!“ theo nghĩa „Mày mà máu thì tao chiều!“. 

 

Nguồn: VOV.VN

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC