“Giá cả rất cao, mọi thứ rất đắt đỏ”. “Lạm phát ảnh hưởng đến từng sản phẩm tôi dùng”.“Tôi nghèo vì giá cả leo thang”.
“Tăng, tăng và tăng” là câu trả lời mà nhiều người Việt ở Đức nói khi được hỏi về giá các mặt hàng tiêu dùng.
Hôm 11/11, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết tỷ lệ lạm phát hàng năm của Đức đã tăng từ 10% trong tháng 9 lên 10,4% vào tháng 10. Destatis cho biết tỷ lệ này đạt mức cao nhất trong 70 năm qua, theo Reuters.
Theo ông Georg Thiel, người đứng đầu Destatis, giá năng lượng tiếp tục là nguyên nhân chính khiến giá cả các mặt hàng tăng.
“Ai cũng khó khăn hết, giá cả tăng cao, nhất là tiền điện và gas nhưng biết làm sao, phải tiếp tục thôi. May sao đến giờ, nhà hàng của tôi vẫn hoạt động”, chị Thùy Vân, chủ nhà hàng Vân tại Munchen (Đức) chia sẻ với Zing.
Tỷ lệ lạm phát ở Đức đang ở mức cao nhất trong 70 năm qua. Ảnh: Reuters.
Không chỉ vậy, theo anh Thành Luân, sinh viên ngành điều dưỡng tại Đại học Rostock, bang Mecklenburg-Vorpommern, lạm phát ở Đức đôi khi có thể cảm nhận theo tuần.
“Có hôm tôi đi đá bóng về, có mấy đồng xu lẻ định vào mua bánh mì như thường lệ thì nhận ra rằng từng đó tiền là không đủ cho một chiếc bánh nữa”.
Tăng giá không trừ mặt hàng nào
Sống và làm việc ở Đức hơn 10 năm, chị Vân cho biết lần đầu thấy cảnh tượng người dân đổ xô đi tích trữ củi cho mùa đông do lo ngại giá gas tăng và nguồn cung bị thu hẹp. Dù vậy, chị cho biết nhà hàng vẫn phải gắng gượng dùng gas dù giá tăng cao.
“Nấu ăn phải dùng gas mới ngon được. Nấu bằng bếp củi thì chất lượng không bằng, hơn nữa phải xây lò”, chị Vân cho hay.
Anh Thành Luân cho biết nhiều mặt hàng ở Đức tăng đúng thêm 10% trong bối cảnh lạm phát. Ảnh: NVCC.
Đối với anh Thành Luân, tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và giá năng lượng tăng đột biến.
“Tôi cũng rất bất ngờ, nhưng tôi nghĩ khó khăn hơn nữa là đối với những người già có đồng lương hưu ít ỏi. Nhiều siêu thị và cửa hàng cũng có biện pháp tránh gây hoang mang về giá cả bằng cách giữ nguyên giá bán, nhưng giảm khối lượng sản phẩm”, anh Luân cho biết.
Ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu lúc này, lạm phát không còn là con số trên các báo cáo, người tiêu dùng hoàn toàn có thể cảm nhận được sự tăng nhanh của giá các mặt hàng ngay trong mỗi lần đi chợ.
“Những sản phẩm có thể nhìn rõ nhất là ngũ cốc, sữa, bánh mì. Loại sữa tôi hay uống lúc trước có giá là 1 euro, giờ tăng thành 1,1 euro. Ngũ cốc cũng từ 1,99 euro/túi thành 2,2 euro/1 túi”, anh Luân chia sẻ và nói thêm rằng hầu như các sản phẩm thiết yếu tăng đúng với mức lạm phát 10%.
Đồng tình, anh Minh Nhật, hiện sinh sống tại Mannheim, bang Baden-Württemberg, cho biết giá thực phẩm tăng rõ rệt. Là một du học sinh vừa mới sang Đức hồi tháng 9, anh cũng cảm thấy bất ngờ trước tốc độ tăng giá của các mặt hàng.
“Giá dầu ăn hồi trước chỉ có 1 euro/lít, giờ tăng gần gấp 3 lần. Đắt mà vẫn khó tìm lắm”, anh Nhật nói. “Các siêu thị cũng hạn chế số lượng mua hàng. Mỗi khách hàng chỉ được mua 2-3 bình dầu thôi”.
Không những vậy, giá năng lượng cũng tăng rõ rệt trong năm qua. Theo trang tin giá năng lượng Check24, hợp đồng khí đốt hàng năm cho một hộ gia đình ở Đức đã có giá cao hơn 173% so với năm trước.
“Tiền sưởi và tiền điện tăng dẫn đến giá thuê nhà tăng. Tôi ở trong một căn hộ chung cùng 3 người nữa, giá mỗi phòng năm ngoái là 340 euro/tháng. Năm nay, giá đã lên thành 385 euro/tháng. Đây thậm chí chưa phải mức giá cuối vì còn khoản quyết toán chi phí năng lượng hàng năm”, anh Luân nói với Zing.
Nhiều nhà hàng ở Đức như của chị Vân phải điều chỉnh giá trong bối cảnh giá cả nguyên liệu và năng lượng tăng cao. Ảnh: Reuters.
Với việc giá cả tăng mạnh như hiện nay, theo Hiệp hội Bán lẻ Đức (HDE), doanh số bán lẻ trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12 được dự báo sẽ giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức sụt giảm mạnh nhất trong doanh thu Giáng sinh kể từ năm 2007, theo Reuters.
Giải pháp không triệt để
Mùa hè vừa qua, trong bối cảnh giá năng lượng tăng chóng mặt cùng với lạm phát, chính phủ Đức đã đưa ra một số gói hỗ trợ cho người dân, trong đó có việc giảm vé tháng các phương tiện công cộng xuống còn 9 euro.
Cụ thể, trong vòng 90 ngày (từ tháng 6 đến hết tháng 8), hành khách đi lại trên toàn nước Đức bằng các phương tiện công cộng như xe buýt, xe điện và tàu hỏa, ngoại trừ tàu cao tốc, sẽ chỉ phải trả 9 euro/tháng. Tổng giá trị gói hỗ trợ này ước tính khoảng 2,5 tỷ euro, theo Guardian.
Anh Trí Trung cho biết thường đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: NVCC.
Đối với những du học sinh, người Việt đang sinh sống tại Đức, gói hỗ trợ khi được đề xuất đã nhận được sự hưởng ứng tích cực.
“Việc đi lại bằng phương tiện công cộng đối với tôi là điều tất yếu. Các phương tiện này không chỉ có giá vé hợp lý mà còn an toàn, không ùn tắc như những phương tiện cá nhân khác”, anh Trí Trung, hiện sinh sống và làm việc tại Berlin, cho hay.
Đồng tình, anh Thành Luân cho biết: “Tôi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hàng ngày vì mạng lưới phương tiện giao thông công cộng ở Đức thực sự tuyệt vời, rất tiện, đi được nhiều nơi, giá thành rẻ cho sinh viên và người đi làm. Họ có thể mua vé tháng, có nhiều ưu đãi phù hợp với nhiều đối tượng”.
Theo Reuters, từ tháng 6 đến cuối tháng 8, ngành giao thông Đức ghi nhận 50 triệu vé tháng được bán ra, trong đó mỗi tháng trung bình có 1 tỷ chuyến tàu khởi hành.
Tuy vậy, sau một thời gian áp dụng, vé 9 euro đã phát sinh những bất cập với hầu hết người dân tại Đức, bao gồm nhiều người Việt đang sinh sống tại quốc gia này.
“Quá kinh khủng. Lúc vé 9 euro được phát hành, mọi người đổ xô đi phương tiện công cộng nên rất đông đúc, thậm chí có vụ tai nạn tàu vì trật đường ray”, chị Mai Linh – sinh viên sống tại bang Nordrhein-Westfalen, Đức – chia sẻ.
Một người đi xe đạp lên tàu ở Dresden, Đức. Vé tháng 9 euro từ tháng 6 đến tháng 8 đã thúc đẩy nhiều người sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: Reuters.
Theo chị Mai Linh, giá vé 9 euro có ưu điểm nhưng cũng có nhược điểm như gây chậm trễ chuyến, hủy chuyến liên tục khiến cho nhiều người gặp khó khăn vì lịch trình bị thay đổi bất chợt.
“Tàu đông quá nên bị chậm. Vì chậm chuyến nên họ hủy luôn. Sau đó, họ đổi thành chuyến sau nhưng rồi lại tiếp tục bị chậm. Vì tàu chậm nên tôi không kịp đổi chuyến. Cứ thế đến tận 0h, tôi mới về tới nhà”, chị Mai Linh nói với Zing.
Gặp cùng tình huống, anh Trung kể lại: “Suốt thời gian 3 tháng giá vé 9 euro được áp dụng, việc tàu bị quá tải và trễ chuyến là điều không thể tránh khỏi. Tôi thường di chuyển và đi làm hàng ngày bằng phương tiện công cộng nên khó tránh khỏi những ‘trải nghiệm’ như vậy”.
Tuy nhiên, những chuyến tàu đông đúc như vậy sắp tới đây có thể không còn.
Hôm 2/11, Bộ trưởng Giao thông Đức Volker Wissing cho biết nước này sẽ áp dụng vé tháng 49 euro cho các phương tiện công cộng vào tháng 1/2023. Bước đi này được cho là nhằm mục đích cắt giảm lượng khí thải CO2 và giúp người dân đối phó với lạm phát tăng cao, theo Reuters.
Với các nhà hoạt động môi trường, việc tăng giá vé tháng lên gấp hơn 5 lần không phải là một tín hiệu tốt. Theo Hiệp hội các công ty vận tải Đức VDV, nước này đã hạn chế được khoảng 1,8 triệu tấn khí thải carbon trong ba tháng này vé tàu 9 euro được áp dụng.
Do đó, các nhà vận động khí hậu lo ngại mức giá mới, cùng với tình trạng dịch vụ kém ở một số cơ sở vận tải địa phương, sẽ không đủ hấp dẫn để thu hút mọi người từ bỏ phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, với nhiều người Việt tại Đức trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, phương tiện công cộng vẫn là một biện pháp đáng cân nhắc.
“Tôi thấy mức giá này rất hợp lý. Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 1 euro thôi nhưng vẫn có thể dùng cả tháng. Sau này nếu thẻ sinh viên của tôi không áp dụng được nữa thì cũng mua vé tháng 49 euro để đi làm”, anh Thành Luân nói với Zing.
Theo Zing