Sau khi ban hành Luật quốc tịch mới vào năm 2000 tính tới cách năm ngoái có khoảng 2 triệu người nhập quốc tịch Đức, đạt kỉ lục, do thủ tục được đơn giản hóa đáng kể.

Người Việt đứng hàng đầu nhập quốc tịch ?

Đó là trường hợp người Việt ở Oldenburg, trong vòng 10 năm trước, từ năm 2006 đến cách năm ngoái có 1084 người nước ngoài nhập quốc tịch, thì có 164 người Thổ Nhĩ Kỳ, 161 người Viêt (đứng thứ 2), 148 Irak, 121 công dân EU, 56 Ba Lan, 46 Iran, 35 Syria, 22 Ucraine, 21 Libanon, 20 Serbia, 18 Nga, Hy Lạp và 14 người Kasachstan, số còn lại thuộc những nước dưới chục người. Thống kê trong 27 năm từ năm 1981 – 2007 có 41.499 người Việt nhập quốc tịch Đức, bình quân 1537 người/năm; từ năm 2008 – 2015, trong 8 năm có 16.610 người, bình quân 2076 người/năm. Nghĩa là tốc độ ngày càng tăng. Với tốc độ năm 2015, để nhập quốc tịch Đức hết 87.214 người quốc tịch Việt, chắc cần tới 43 năm, nghĩa là gần nửa đời người ?

Tỷ lệ nhập quốc tịch Đức

Tỷ lệ người nhập quôc tịch các tiểu bang rất khác nhau. Cách năm ngoái, Hamburg và Bremen có tỷ lệ cao nhất, thấp nhất Thüringen và Sachsen. Quốc gia có số người nhập tịch nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 2000 đến cách năm ngoái có hơn 625.000 nguời Thổ nhập quốc tịch, chiếm 32% tổng số người nhập quốc tịch trong khoảng thời gian đó.

Người Việt và tình hình nhập quốc tịch Đức - 0

Số người định cư đủ điều kiện nhập quốc tịch Đức

Theo Danh bạ Trung ương về người nước ngoài Ausländerzentralregister, có khoảng 5,2 triệu người quốc tịch nước ngoài sinh sống ít nhất 8 năm tại Đức. Trong đó gần 57% đáp ứng điều kiện nhập quốc tịch. Ngoài thời gian cư trú, họ đáp ứng các điều kiện khác như trình độ tiếng Đức, thu nhập đủ trang trải cuộc sống hay không tiền án tiền sự.

Để thống kê những người nước ngoài đáp ứng tất cả các điều kiện nhập tịch, Cục Thống kê Liên bang chỉ tính những người nước ngoài sống ít nhất 10 năm tại Đức. Đối tượng này khoảng 4,9 triệu. Cách năm ngoái, chỉ có 2,2% trong số họ nhập quốc tịch Đức. Theo Cục Thống kê châu Âu, số người nhập quốc tịch tại Đức thấp hơn mức bình quân EU: Năm 2014, tỉ lệ nhập quốc tịch toàn EU là 2,6%, trong khi tại Đức chỉ 1,6%.

Kiểm tra trắc nghiệm nhập quốc tịch Einbürgerungstest

Tháng 9.2008, Đức áp dụng cuộc thi trắc nghiệm thống nhất. Theo đó, những người muốn nhập tịch phải trả lời 33 câu hỏi liên quan đến xã hội và chính trị, trong đó phải đúng ít nhất 17 câu, và 10 câu dành cho từng tiểu bang. Lệ phí thi 25 Euro, có thể đệ đơn ở các cơ sở kiểm tra thuộc Cơ quan Nhập cư và tị nạn Liên bang (BAMF). Theo BAMF, năm 2015 có hơn 98% vượt qua được kỳ thi trắc nghiệm.

Đối tượng được nhận 2 quốc tịch:

– Trẻ có bố hoặc mẹ mang quốc tịch Đức sẽ được giữ cả 2 quốc tịch.

– Từ năm 2000, trẻ có bố mẹ nước ngoài, khi đáp ứng một số điều kiện có thể được cấp thêm quốc tịch Đức. Tuy nhiên, trong một số trường hợp phải chọn một trong hai quốc tịch khi đến tuổi trưởng thành (Optionspflicht).

– Về cơ bản, Công dân các nước thuộc khối EU được sở hữu nhiều quốc tịch.

– Đối với Thụy Sỹ và một số nước khác áp dụng ngoại lệ.

Số lượng người song tịch

Hiện Đức có gần 4,3 triệu người có thêm một quốc tịch khác ngoài quốc tịch Đức, trong đó 690.000 quốc tịch Ba Lan, 570.000 quốc tịch Nga, 530.000 quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 2000 đến cuối năm 2015 có khoảng 2 triệu người nhập quốc tịch, trong đó hơn 900.000 người song tịch. Ngoài ra còn khoảng 570.000 trẻ em vừa mang quốc tịch bố mẹ, vừa mang quốc tịch Đức theo nguyên tắc nơi sinh, tức sinh ra tại Đức (số liệu năm 2014). Khoảng 1,3 triệu trẻ có bố/mẹ quốc tịch Đức (số liệu năm 2014). Trong thống kê, họ được tính vào công dân Đức.

Tỉ lệ thành công các đơn xin đa quốc tịch

Ngày càng có nhiều người có hai quốc tịch. Tỉ lệ thành công khi xin hai quốc tịch tùy thuộc quốc gia đến của người đệ đơn. Gần như 100% những người đến từ Iran, Syria, Afghanistan, Algeria, Marokko và Tunesia không thể từ bỏ quốc tịch gốc. Những người đến từ các nước thuộc Bắc và Nam Mỹ có tỉ lệ xin đa quốc tịch thành công rất cao như Mỹ (88%), Argentinien (100%) và Brasil (99%). 17,3% người Thổ mang hai quốc tịch. Những người đến từ các nước thuộc vùng Trung Phi và Đông Phi như Camerun, Uganda và Ethiopia hiếm khi được chấp nhận cho phép đa quốc tịch. Một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Kasachsten có tỉ lệ được đa quốc tịch dưới 10%. Đa quốc tịch, được hưởng lợi ích các quốc gia đó nhưng bất lợi bị chế tài bởi luật pháp nước đó. Chẳng hạn người còn quốc tịch Việt, mang thêm quốc tịch Đức về Việt Nam sẽ bị xử lý mọi vi phạm pháp lý như người Việt không có quốc tịch Đức.

Trách nhiệm lựa chọn Optionspflicht

Từ sau cải cách luật quốc tịch năm 2000, trách nhiệm lựa chọn Optionspflicht được áp dụng với con cái công dân các nước thứ 3. Theo đó, những người có bố mẹ nước ngoài khi sinh ra tại Đức được quyền có hai quốc tịch nhưng phải lựa chọn một trong hai quốc tịch năm 18 tuổi, chậm nhất năm 23 tuổi. Nếu không thực hiện, sẽ tự động bị mất quốc tịch Đức.

Tuy nhiên, từ ngày 20.12.2014, theo Điều §29 Luật StAG, quy định này không áp dụng cho những trẻ sinh ra và lớn lên tại Đức nữa, nếu đã học phổ thông 6 năm tại Đức hay tốt nghiệp phổ thông, học nghề ở Đức.

Những điều kiện nhập quốc tịch cơ bản:

– Cư trú hợp pháp tại Đức ít nhất 8 năm và có quyền cư trú vô thời hạn (Niederlassungserlaubnis).

– Bảo đảm được cuộc sống, không xin trợ cấp theo Bộ luật Xã hội quyển II hay XII.

– Từ bỏ quốc tịch hiện tại.

– Có đủ trình độ tiếng Đức.

– Đỗ kỳ thi trắc nhập quốc tịch.

Tâm tư người nhập quốc tịch

Ở nhiều thành phố, đầu năm mới Chủ tịch thành phố thường tổ chức buổi tiếp đón thân mật những công dân mới tại Toà Thị chính. Những phát biểu cảm động thể hiện tâm tư họ được báo Đức trích dẫn rất thấm thiá:

Thuy Hübner, 32 tuổi, bồi bàn, gốc Việt Nam: “Tôi có chút đau đớn, khi phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Nhưng tôi là công nhân xuất khẩu lao động, sang Đức từ năm 1988, chuyên làm nghề cắt may quần áo. Sau thống nhất, xí nghiệp đóng cửa. Tôi có chồng Đức. Con tôi sinh ra ở đây. Nó đi học và tất cả bạn bè nó ở đây. Họ hàng tôi tại Việt Nam đã coi gia đình tôi vĩnh viễn ở Đức“.

Getu Abraham, 38 tuổi, tiến sỹ y khoa, gốc Äthiopie: “Bước quyết định này của tôi do nghề nghiệp đòi hỏi. Tôi nghiên cứu và giảng dạy, là người Äthiopie thường xuyên tôi gặp trở ngại, như khi tham dự các cuộc hội nghị khoa học ở các nước châu Âu. Ngoài ra, tôi đã tới Đức học đại học năm 1989, cưới vợ người Đức, có gia đình riêng. Hơn nữa, với một thời gian dài như vậy, trong nước phần nào trở nên lạ lẫm. Trả lại hộ chiếu Äthiopie không có nghĩa tôi hoàn toàn không phải không bị xáo động“.

Hatim Satti, 32 tuổi, sinh viên kinh tế, gốc Sudan: “Cách đây 9 năm tôi tới Đức để học đại học. Sau đó tôi muốn trở về. Cái nằm ngoài dự định của tôi là quen thân một phụ nữ Đức, sau đó có con, và bỗng dưng tôi quyết định đệ đơn xin nhập quốc tịch Đức. Khi nhận được sự chấp thuận thôi quốc tịch từ phía Sudan, tôi cũng nao núng. Cuối cùng tôi nhận thấy, quê hương không liên quan đến một tờ giấy. Tình cảm nằm ở tim. Quốc tịch Đức không làm cho tôi trở thành con người khác. Tôi muốn là một người được người khác thừa nhận bởi khả năng của mình.

Juliana Contreras, 32 tuổi, Trợ lý khoa học trường đại học, mẹ Đức, bố Mexico: “Tôi lẽ ra không cần đến quốc tịch Đức. Mẹ tôi là người Đức. Bố tôi là người Mexico, tôi cũng sinh ra ở đó. Cả hai nước đều là quê hương của tôi. Tôi sống ở Đức từ năm 1983. Hộ chiếu Đức đôi với tôi là lịch sử toàn cầu. Tôi muốn tự do đi lại châu Âu. Tôi may mắn không phải từ bỏ quốc tịch cũ. Mexico cho phép hai quốc tịch, không phải từ bỏ quốc tịch nơi mình sinh ra“.

 

Nguồn: Dr. Nguyễn Sỹ Phương

VietNamNet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC