Nếu bây giờ tòa án gọi ta tới và tuyên bố cấp cho ta Pass, một cái Pass tỵ nạn chính hiệu chứ không phải mảnh giấy Duldung (1) có hình ảnh con đại bàng dữ tợn và kiêu hãnh cho phép tạm dung từng tháng trong điều kiện nửa đêm cũng có thể bị lôi cổ dậy tống lên xe dông thẳng ra sân bay ấn lên khoang một cái máy bay nào đó quy cố hương thì ta sẽ làm gì? 

Đầu tiên là ngủ. Sẽ lên giường từ tám giờ đêm hôm trước, ngủ, thức, ngủ cho tới tám giờ đêm hôm sau. Rồi sẽ dậy, đánh răng rửa mặt, đóng bộ. Nhất định không phải là bộ đồ đen có đầy đủ nơ gilê vét mà nhiều thằng vẫn diện vào chụp ảnh gửi về nhà làm cả nhà lác mắt vì vẻ sang trọng của thằng con đương kim bồi bàn quán Tàu. Và sau đó? 

Sau đó tôi sẽ gọi taxi đưa tới nơi hôm trước tôi vẫn còn làm việc - một cái quán Tàu có tên là Hoàng Gia viết bằng tiếng Việt. Sẽ đi thẳng vào bếp, ung dung, cởi mở và không có vẻ gì định giúp đỡ đám đồng nghiệp cũ. Sẽ bình tĩnh đứng nghe gã chủ quán vốn là người Tàu chính cống nhưng không biết tiếng Tàu lắp bắp một hồi những câu chửi rủa đầy tức giận vì sự chậm trễ của tôi và vì sự trơ tráo của tôi. Rồi tôi tuyên bố tự Kăndigung. Đòi nốt số tiền tháng nào gã chủ cũng tươi cười bảo vay "thì cậu vẫn làm ở đây, tiền của cậu cũng ở đây chứ có đi đâu". Tôi, bao lâu rồi vẫn biết tiền của tôi đi đâu, nhưng vì không thể để mất chỗ làm chui dù sao cũng không dễ kiếm này nên đành tươi cười lại. Lần này thì đừng hòng! 

Tôi sẽ về nhà sớm hơn mọi ngày. Mọi ngày, thường phải một rưỡi hai giờ sáng tuỳ mùa đông hay mùa hè tôi mới lần mò về được đến nhà. "Con mèo nhỏ của tôi", trọng lượng nay chừng xấp xỉ bảy mươi cân chia cho chiều cao một mét năm ba đang say sưa ngủ. Chưa bao giờ nàng có ý định rời bỏ cái gối ôm để thức dậy ôm tôi và mang ra đặt trước tôi một cái gì đó. Một cái đĩa chẳng hạn. Tôi đã bao nhiêu lần thèm thấy một cái đĩa như thế, nguội lạnh cũng được, để được tin rằng ‘con mèo nhỏ’ của mình không trong quá trình phát triển thành cáo. Để được tin rằng... thèm ước bao giờ cũng là một thứ tự do không phải đóng thuế. Nàng cứ ngủ. 

Ngày hôm sau thức dậy coi như là tôi cũng đã ngủ, nàng đánh thức tôi bắt tôi đánh thức cái xe cà khổ để đưa nàng đi mua bán, đi thuê phim chưởng và phim tình cảm Hồng Kông. Nàng luôn luôn rời xe trong bộ dạng của một người chỉ nhân tiện có người mời thì đi cùng chứ không phải là đồng chủ xe với tôi. Nàng nói rất to ở những chỗ tôi chỉ muốn không ai để ý tới mình và gia đình mình. Điều đó không biết vì sao lại làm tôi đau đớn. 

Nhưng bây giờ thì đừng hòng. Việc nàng có được ở lại cùng tôi không phụ thuộc hoàn toàn vào cái Pass của tôi. Vậy thì tôi phải là chủ nhà như lẽ ra đã là. Vậy thì tôi có quyền quyết định. Cho em Urlaub (2) ở nhà. Anh sẽ làm một chuyến đi xa! 

Tôi sẽ sang Hung, sẽ tìm xem mặt cậu trai vợ tôi vẫn thường thư đi từ lại. Tôi biết cậu ta đồng hương phố với tôi, cận thị như tôi, và ngoài ra, trong cộng đồng người Việt tại đó, đẹp trai nhất nước cộng hòa. Và tôi sẽ mời cậu ta, mời cả bồ cậu ta (nếu có) đi khắp nước Hung. Thành Eghe. Cánh đồng Mô-hat. Những ngôi sao trên bầu trời Budapest. Chúng tôi, tôi tin chắc thế, sẽ trở thành những người anh em tuyệt vời. Và khi trở lại Đức, chính tôi sẽ thư đi từ lại với cậu ta - cái việc mà bấy lâu nay tôi giao phó hoàn toàn cho vợ vì mệt quá buồn quá chán quá. 

Tôi sẽ đi Mỹ. Sẽ dọc ngang ở phố Bôn-sa. Sẽ xem mặt những ông bà người Việt nổi tiếng. Chẳng hạn như cái ông viết những lá thư từ Hoa Thịnh Đốn. Ông liến thoắng với ‘bạn ta’ sao mà tài. Ông đã làm tôi có lúc bị vợ tưởng là ngớ ngẩn khi ngồi cười hớn hở vào đúng lúc nàng sắp bão nổi lên rồi. Nàng im bặt, nhìn tôi chằm chặp đầy vẻ đau đớn kinh hoàng. Tôi thích vẻ đau đớn ấy của nàng và không giải thích rằng tôi vừa nhớ tới một lá thư ông ấy gửi ‘bạn ta’. Bi hài kịch gia đình ông ấy vẽ ra nhân một câu hỏi liên quan tới tình yêu của mẹ cháu sao mà đúng với hoàn cảnh của tôi từ khi trót dại với nàng đến thế! 

Thời gian dài nhất và phần tiền to nhất tôi sẽ dành cho chuyến sang Liên Xô. Liên Xô. Chứ không phải là nước Nga của ông tổng thống chiêu hồi mặt bị xị vì rượu bây giờ. Liên Xô - Đất nước mênh mông vĩ đại; Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Tôi biết bao nhiêu điều về Liên Xô. Dòng sông Ne-va. Ôn-ga Bec-gôn. Thành phố chín trăm ngày bị phong tỏa. Bức tượng Pi-e Đại đế. Những vườn hoa lặng lẽ và những pho tượng trắng lặng lẽ. Như thời gian. Những hàng rào gang tuyệt xảo. Tấm biển "Tránh đừng động vào cây mùa lá rụng" (3)... Thật lạ lùng là tôi có một ấn tượng sâu đậm như thế với Lê-nin-gơ-rat. Nơi tôi chưa đến bao giờ. 

Tôi sẽ đi Daghextan để xem ‘con người và những ngôi sao xa’ (4) ở đấy có gì khác từ khi Liên-xô vỡ vụn. Tôi sẽ tới Kiêcghidi ngắm núi đồi và thảo nguyên, thử thở mùi ngải cứu héo trong gió và nắng của xứ sở này, và sẽ nhớ, sẽ ước ao một người phụ nữ. Không bao giờ là vợ tôi. Mà là nàng Gia-mi-li-a kiêu hãnh, cam chịu, tha thiết và liều lĩnh. Từ ngày cái ông viết Gia-mi-li-a làm chính trị, nhảy vào rồi lại nhảy ra khỏi bộ sậu của Yeltsin chả thấy viết được một cái gì hay như thế. 

Nhưng ở Liên-xô còn có mộ Dũng. 

***

Anh thấy khó thở và vùng dậy. Sắp sáu giờ. Vậy là mình ngủ được có một tí. Trán, cổ, vai toát mồ hôi lạnh. Tay vợ anh âu yếm choàng qua ngực anh. Chị sẽ co mình, thở dài. Hơi ấm từ tấm thân mỡ màng của vợ làm anh dễ chịu. Anh sẽ sàng ngồi dậy, lần mò trong bóng tối về phía bếp, tự pha cho mình một cốc chè. Những hình ảnh trong giấc mơ đứt đoạn, không thể chắp nối và đã mất hết vẻ quyến rũ. "Nhưng đúng là mình có mơ về nó. Sao mà buồn!" 

Dũng chết rồi. Đã mười lăm năm. Như thế là đã mười tám năm anh không thấy bạn. Anh bây giờ bốn mươi. Dũng thì vẫn hai hai. Vẫn trẻ, vẫn tươi, vẫn tài hoa và quyến rũ. 

Dũng quyến rũ cả anh. Đúng hơn là cuộc sống của gia đình Dũng quyến rũ anh. Đã có một thời anh luôn luôn phải dẹp bớt lòng ghen tị ngấm ngầm với Dũng. 

Anh học giỏi như Dũng. Nhưng anh không biết chơi phong cầm, không biết hát những bài tiếng Nga thịnh hành những năm tháng ấy - những năm tháng hai đứa cùng học phổ thông. Bao giờ anh cũng đến trường trong bộ quần áo lùng phùng và may lắm là chưa bị rách mà hai ông anh ban phát và ép buộc phải mặc để được tự do dùng phiếu vải bốn mét của anh. Còn Dũng, dép nhựa Tiền Phong màu trắng, quần simili, cặp da thật, và nếu không thì là đồng phục của câu lạc bộ thiếu niên thành phố. 

Không thể so sánh với Dũng, nhưng không thể không tị hiềm tủi thân ngấm ngầm. Ba Dũng là cán bộ giảng dạy đại học, lại đã đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Mẹ Dũng là cửa hàng trưởng một cửa hàng bông vải sợi. Dũng lại là con một. Bốn bà chị ở trên, đốt út là Dũng. Cái lúc anh vào cấp một và chẳng mấy khi dám mếu máo mách mẹ tội gì của hai ông anh để phòng thân những khi không có mẹ thì Dũng chẳng bao giờ phải nghĩ ra một mong muốn gì. Mọi ao ước đều chỉ được nhận ra khi bà mẹ và các bà chị chiều em làm cho trước. 

Những buổi chiều hè Dũng đi sinh hoạt câu lạc bộ thì anh thường đang ôm một cuốn sách ngồi trong bóng râm cứ mỗi lúc một co bé lại của một mái hiên nào đó, từng lúc lại phóng ra dãy mê rổ bìa các tông gạch cục để xem có đứa nào vứt cục gạch của mình đi chen ngang không. Đôi khi Dũng cũng đi cùng anh, cũng bê giúp anh bao gạo, xách hộ can dầu hay mớ rau mậu dịch tuỳ mùa. Nhưng đó không phải việc thường ngày của Dũng, nên Dũng rất phục anh khi anh bày ra bao nhiêu tem phiếu tính tính toán toán thoăn thoắt tháng này phải mua bao nhiêu mỡ bao nhiêu nạc tháng này được mấy lạng đường đổi phiếu gì lấy phiếu gì để tháng sau mua thêm mấy cân đậu phụ cho anh chị học trường xa về bồi dưỡng. Nhà một gái ba trai. Các anh chị đã nhót đi đại học, bố mẹ còn đi làm, bao nhiêu việc nhà dồn hết vào anh. Cũng nhiều khi anh với Dũng đi với nhau mà không phải bê xách gì. Dũng có một cái xe đạp thiếu niên Liên Xô, không thể đèo nhau và Dũng hay nổi hứng đi bộ cùng anh. Đường từ nhà tới trường có thể đi qua Lò Đúc lên Phan Chu Trinh, cũng có thể rẽ ra Yecxanh qua Tăng Bạt Hổ lên Lê Thánh Tông. Học buổi chiều. Trưa đánh xong bát ô tô cơm nguội mẹ để phần trước lúc đi làm là đến giờ đi. Dũng kể đủ thứ chuyện ở câu lạc bộ. Còn anh thì nhìn trời, nhìn cây, nhìn phố, nhìn đám học sinh học buổi sáng đi ngược lại đoán mò đứa nào chiều về sẽ phải đâm dặm đâm dụi như mình. Rất dễ đoán. Không biết vì sao. 

Gần chỗ rẽ vào trường trước cửa sứ quán Angiêri có hàng cây phượng non. Lá phượng trong nắng và gió trông dễ thương làm sao. Như Hoài Thư - cô bạn cùng học từ hồi cấp hai, lên cấp ba lại cùng lớp mà chưa bao giờ bắt chuyện. Thư xõa tóc ngang môi, mỗi lúc ngoái lại đằng sau tóc lại tung lên, xoay xoay. Êm ái và mướt mắt. Và khi Thư viết, cái cổ rất trắng với đuôi tóc mọc dài sau gáy cúi xuống, thơ ngây và bướng bỉnh. Có lần thi văn nghệ ở trường, Thư mặc một cái áo rất bà già, cổ tròn, màu sẫm. Khuôn mặt Thư thon nhỏ trong bồng bềnh tóc như một búp sen vươn trên chiếc bình men rạn đã làm anh muốn ngừng thở. Anh hiểu cảm giác muốn đưa tay vuốt gáy Thư, muốn lùa tay vào mái tóc như lụa của Thư là gì. Và xấu hổ. Khi đó anh và Dũng mười sáu tuổi. Khi đó là lớp chín. 

Mùa hè năm đó thành đoàn tổ chức đội thiếu niên đi dự trại hè Arơtech. Dũng học giỏi, vừa chia với anh giải nhất học sinh giỏi toán toàn thành, chơi đàn từ bé, nói tiếng Nga choanh choách. Dũng là Liên đội trưởng Đội thiếu niên Hồ Chí Minh ba năm liền. Dũng là phó bí thư Đoàn trường. Dũng được đi. Ảnh Dũng đăng trên báo Tiền Phong và báo Thiếu niên. Ngày khai trường, bao nhiêu đứa chẳng biết mặt chẳng quen tên nhìn Dũng thì thào. Dũng hoàn toàn bình thản. Lúc đi qua hàng cây phượng non lấp lánh xanh như được rắc nhũ trong nắng sáng, Dũng hất đầu: "Cái Thư kìa!" Thư đi trên hè đường bên kia, nhìn sang, cười bối rối. Khi ấy, lần đầu tiên anh biết buồn. Khi ấy, anh không biết rằng những nỗi buồn như thế, nỗi buồn của người lớn, sẽ đeo đẳng anh nhiều năm sau. 

Thi đại học, hai đứa thừa điểm đi nước ngoài. Cả nhà anh không hy vọng nhiều. Bà chị và hai ông anh mấy năm trước đã bị gạt lại rồi. Lý lịch của ông bố thời kháng chiến hoạt động trong thành có một khoảng thời gian không xác minh được. 

Nhưng rồi anh được đi. Hạnh phúc không chờ đợi đến lúc thành thực làm người ta mệt mỏi. Dũng và anh mỗi đứa đi một nước. Ở Thanh Xuân (5) anh thân với Quyên, "Quyên đẹp trai", tính ngang tàng làm bọn con trai bất ngờ và hãi sợ đối với anh đầy quyến rũ. Sinh nhật Dũng, anh rủ Quyên cùng đi. Anh nhìn Quyên trao bó hoa hai đứa mua chung cho Dũng, giật mình. Dáng vẻ bối rối đó không phải là dáng vẻ của Quyên. Và Dũng, hào hoa như vẫn từng, nhưng hình như không bình thản. 

Nhà anh trở thành binh trạm tình yêu của Dũng và Quyên trong mùa hè cuối cùng còn ở trong nước. Anh sang Đức, quen và thân nhiều cô bạn. Vì anh đã thôi không còn rụt rè. Có cô bạn thích anh vì vẻ điềm đạm ít có ở một thằng con trai cùng tuổi ấy. Có cô lại ghét anh vì những câu hài hước độc địa mà ít thằng con trai tuổi anh nghĩ ra. Anh thản nhiên. Trong một cuốn vở của anh có câu này: "Tôi không xếp em vào con số thứ tự nào - Sao lại có điều kinh dị thế." Cuốn vở mới viết vài trang. Anh không ghi tiếp bài vào đó. Anh cất đi cùng những lá thư của Dũng và Quyên. Trong những lá thư đó có có những thông số về tình yêu của người này đối với người kia. Bây giờ anh không phải làm binh trạm trưởng binh trạm tình yêu cho họ. Nhưng anh vẫn là người thứ ba cần thiết và quan trọng. Bao giờ người ta cũng cần có một người nào đấy để có hai cái tai nghe và một nụ cười đồng tình. 

Quyên đã lấy chồng và ở lại nước ngoài. Từ đó tới nay anh bặt thư Quyên. Dũng đã chết. Mười lăm năm trước, trước ngày tốt nghiệp không lâu. Anh về nước, đến thăm nhà Dũng. Nhà Dũng đã chuyển khỏi khu tập thể. Dũng trên bàn thờ nhìn anh làm anh bứt rứt. Trong ảnh, Dũng không có cái vẻ bình thản tự tin đã làm anh mất tự tin vào mình nhiều năm. Dũng nhìn anh đau đáu. Cái nhìn của người đang kiếm tìm. 

Dũng kiếm tìm gì? Nếu một cuộc đời đích thực phải là không khổ thì Dũng đã không khổ, trong một nghĩa nào đó. Dũng không có một tuổi nhỏ vất vả đầy thèm nhạt như anh. Dũng không bao giờ là người trong hàng như anh. Dũng luôn luôn đứng ngoài hàng, được mọi người nhìn ngó. Dũng đã có Quyên, đã yêu và được yêu. Trong tình yêu, đưọc thấy cái mình ao ước đã là sung sướng, được có nó, đấy là hạnh phúc. Sung sướng và hạnh phúc cứ như là hai cánh của một vị thần bảo trợ vỗ bên đời Dũng. 

Như thế là Dũng đã sống hết cuộc đời phải sống rồi. Nghe nói là Dũng chết không đau đớn lắm. Phát bệnh trong hai tuần. Thầy bạn lũ lượt đến thăm. Quyên bên cạnh cho tới phút cuối cùng. Một giấc ngủ dài. Rồi đi. 

Vậy thì tại sao anh lại nằm mơ thấy Dũng buồn như thế này? 

Anh nhớ buổi chiều tháng mười anh đến nhà Dũng sau hôm về nước. Trời chưa lạnh. Nhà Dũng đóng kín cửa. Nắng vàng óng hắt những vệt sáng đắm đuối qua cánh cửa chớp hơi vênh vào căn phòng âm thầm. Ba mẹ Dũng đã về hưu. Ông bố lê từ phòng trong ra, người cứng ngắc một cách kì cục, nụ cười ngây ngô, chỉ có bờm tóc bạc dợn sóng là cái còn sót lại của phong thái đường bệ cũ. "Bác trai không nghe được gì nữa đâu cháu ạ. Năm trước, bác nằm liệt tưởng không qua nổi. Đến lúc dậy được thì chỉ đi lại lệt bệt như thế này thôi." Mẹ Dũng bình tĩnh kể. "Như thế từ hồi nhận được tin Dũng. Hai bác muốn đưa Dũng về. Điện qua điện lại. Sứ quán bảo để Dũng bên đó tốt cho tình hữu nghị hai nước. Bạn cũng bảo thế, hứa chăm sóc phần mộ Dũng chu đáo. Thôi thì đành vậy. Bác muốn thu xếp sang Nga một chuyến thăm mộ Dũng. Nhưng bác trai ra thế này. Lại còn bà nội Dũng, chín mươi rồi, mấy chục năm tập kết ra đây không lo được cho bà, nay chỉ sợ đi thì nhỡ ra..." 

Hình như Dũng thừa hưởng của mẹ khả năng luôn luôn bình tĩnh này. Nhưng còn ánh mắt kiếm tìm kia? Hai đứa thân nhau, nhưng hai nhà khác cảnh nhau. Anh bao giờ cũng giữ vẻ lễ độ xa cách khi đến nhà Dũng. Anh chỉ gần với bà chị trên Dũng nhưng cũng hơn Dũng đến mười tuổi. 

"Chị Mai thế nào rồi bác? Chắc chị đã có gia đình?" 

"Chị về bây giờ đó cháu. Chị ấy tốt nghiệp trước giải phóng mấy năm. Cả khóa tăng cường cho chiến trường. Chị ấy ra trước khi cháu với Dũng đi nước ngoài một năm cháu nhớ không?" Giọng mẹ Dũng đột nhiên cạn hết sinh lực. "Bác giục chị ấy lấy chồng bao lâu rồi mà chị ấy cứ cười bảo các chị chồng con bận rộn chị ấy phải ở nhà trông nom hai bác. Hôm vừa rồi lại nửa đùa nửa thật hỏi bác có bằng lòng cho chị ấy nhận một đứa bé về làm con nuôi không? Cung cách này đến thành bà cô thôi cháu ạ. Không thì lẽ mọn. Ba chín tuổi rồi...". 

Vậy là chị ấy không quên anh Hoàng. Anh chị cùng một khóa. Cùng đi chiến trường làm bác sĩ quân y. Anh Hoàng hi sinh ngay trước ngày giải phóng. Anh Hoàng tóc quăn, chơi ghi ta, nhà ở khu tập thể bộ Y tế kề bên. Gần nhà xa ngõ. Ai cũng nghĩ anh Hoàng và chị Mai chỉ thân nhau. Nhưng Dũng và mình toàn đưa thư giúp anh Hoàng... 

Anh muốn đứng lên nhưng không đủ can đảm cắt ngang lời thổ lộ đầy tin cậy của mẹ Dũng. Ngày xưa bà luôn bận rộn, quả đoán và tự tin. Ngày xưa bà làm bên thương nghiệp, cả khu tập thể nhờ bà mua vải, công đoàn trường ba Dũng cũng phải nhờ hàng năm để cải thiện cho anh em. Ngày xưa bà ít khi cởi mở, nếu có thì mọi chuyện cũng chỉ bắt đầu và dừng lại ở Dũng. 

Lúc anh về thì trời đã tắt nắng. Căn phòng nhá nhem và nồng mùi người ốm làm anh khó thở. Anh xin phép thắp một nén hương cho bạn, suýt chảy nước mắt, lại giật mình vì lời mẹ Dũng: 

"Cháu lúc nào rỗi rãi thì lại nhà chơi. Chị Mai nghe cháu về thì chắc mừng lắm. Có mấy đứa học cùng Dũng ở Liên Xô trước bao giờ cũng có mặt vào ngày giỗ Dũng. Hôm vừa rồi có cả con Quyên...". 

Quyên đang ở Hà Nội ư? Quyên có biết anh đã về? 

Giữa anh và Quyên có một mối tình sâu đậm, công khai của Dũng và Quyên, có một tình yêu say đắm và không thể công khai của riêng anh dành cho Quyên. 

Và có một người đàn ông nước ngoài xa lạ. 

Không bao giờ anh gặp lại Quyên. 

Và có lẽ không bao giờ anh còn có thể đến nhà Dũng. Anh đi làm. Rồi cơ quan giảm biên. Rồi đi xuất khẩu lao động. Thực ra anh không nằm trong danh sách dôi dư. Nhưng anh xin đi. Chính phủ vừa ban hành nghị định cấm tuyển người có bằng đại học và cao đẳng đi lao động xuất khẩu chống chảy máu chất xám. Chẳng khó gì. Năm chỉ đổi lấy một hồ sơ thật từ tên đến tuổi, chỉ ghi sai mỗi nghề nghiệp. Rồi anh thành người tị nạn nơi này. 

Anh có một người đàn bà cho riêng mình. Một người đàn bà đơn giản đến bất ngờ, thực tế đến bất ngờ, thường nhầm lung tung tên các nhà thơ nhà văn và có lần đã nổi khùng suốt mấy ngày trời chỉ vì anh trót cười sằng sặc khi cô hỏi ai là Lưu Quang Vũ ai là Vũ Trọng Phụng và than thở "sao mà lắm Vũ thế không biết!" Cô đi tất cả các đại nhạc hội, mua đủ bộ Thúy Nga Paris, mê phim bộ và thích hát. Khi cô đề vào băng là "ca nhạc thiện chiến" và réo rắt "cô bán giềng ơi" rút kinh nghiệm anh chỉ cười dịu dàng. Anh có với cô hai đứa con. Một đứa âm thầm giống anh. Một đứa sôi nổi vụng về giống mẹ. Tiếc là nó lại là con gái. 

Cốc chè đen ngai ngái đã nguội ngắt. Ở Tây bao năm rồi mà anh vẫn không thích được vị chè đen. Đã bảy giờ hơn. Sáng nay phải đi gia hạn Duldung. Anh liếc nhìn vợ ngủ say sưa, lẳng lặng mặc quần áo, lẳng lặng ra khỏi nhà. Hè đường đóng băng trơn trượt. Hơi lạnh xộc thẳng vào mũi làm trán anh nhức buốt. Anh đứng bên cái xe cà khổ, xốc cao cổ áo, ra sức cạo băng đóng trên kính xe, không nhận ra mình đã không còn nghĩ về bạn. Chỉ thấy thèm vợ, thèm được ôm lấy cái thân mình mỡ màng, nóng hôi hổi như một cái bánh mì mới ra lò, nồng nồng mùi hôi nách pha lẫn mùi thuốc chống hôi bôi không đều đặn ấy mà ngủ lịm đi. 

Có thể, trong giấc ngủ, giấc mơ đêm qua lại cùng anh trở về. 

_________________________ 

(1) Duldung: Giấy gia hạn tạm dung chuẩn bị trục xuất dành cho người tị nạn tại Đức. 

(2) Urlaub: nghỉ phép 

(3) Thơ Onga Becgon 

(4) Tên một tập thơ của Megiêlaitis và Rasun Gamsatốp 

(5) Thanh Xuân: Trường đại học ngoại ngữ Hà Nội, trong có các lớp dành cho lưu học sinh, đóng tại Thanh Xuân, nơi tiếp giáp Hà Đông Hà Nội. Lưu học sinh thường gọi thời gian học ngoại ngữ ở đây là học ở Thanh Xuân. Cách gọi này khác cách gọi của sinh viên cùng trường nhưng học trong nước.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC