Tại nước Đức, tôi quen tới năm cô gái tên Hà, lấy chồng Tây nhưng mỗi người một cảnh, chẳng ai giống ai.
Dân gian ta có câu tục ngữ: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Câu nói đó dường như không có giá trị gì với nhiều chị em tới Đức, nhất là lại lỡ chân sảy bước ở xứ người.
Tại nước Đức, tôi quen tới năm cô gái tên Hà, lấy chồng Tây nhưng mỗi người một cảnh, chẳng ai giống ai.
Cô Hà 1
Cô Hà mới hai lăm xuân son, xinh gái, người Hà Nội, là sinh viên sắp tốt nghiệp tại Đức.
Một ngày, có thanh niên Đức hơn cô năm tuổi, tới sửa máy tính, cứ thi thoảng liếc sang phía cô đang đọc tài liệu, rồi khi về đăm đắm nhìn cô...
Tình yêu đâu ngại cội nguồn. Duyên trời đã se nên sau vài tháng, anh chàng chủ động làm quen và họ bện lấy nhau chẳng dứt.
Mẹ cô ở Hà Nội không đồng ý: “Ai lại lấy thằng Tây mũi lõ”. Cũng đắn đo hờn dỗi, tan hợp mấy bận do vài nguyên do, nhưng chủ yếu là cô ngại những lá thư khuyên nhủ của mẹ.
Cuối cùng ba năm sau, họ cưới, tổ chức tiệc nhỏ tại Đức và tiệc to ở Việt Nam.
Cô sinh cho chàng Tây một cậu con trai vô cùng bụ bẫm. Cô Hà nay làm ở một công ty bán vé máy bay cho người Việt, cô giao dịch với đồng hương rất chỉn chu nên đông khách, lương cũng khá.
Chồng trẻ, đẹp trai, lương thợ bậc cao, kinh tế không lo gì. Lấy nhau tới 6-7 năm mà mỗi khi ra vùng ngoại ô nhà tôi chơi, họ vẫn ríu rít như uyên ương. Lấy chồng Đức như thế rõ sướng.
Ảnh minh họa
Cô Hà 2
Tôi hay gọi đùa chị là Hà “già”, thuộc diện “rổ rá cạp lại”.
Chị học ở Đức rồi quay lại Đức. Ly dị chồng cũ ở Việt Nam sau bao năm tháng yêu buồn, chị đón con sang Đức học.
Rồi trời run rủi cho chị gặp anh bạn Đức già hơn chị chục tuổi, cảnh mất vợ, trên tầu điện ngầm.
Chuyện trò tầm phào cho hết đường dài, không ngờ tay Đức khoái, trao cardvisit cho chị và tiếp theo là những cuộc hẹn cà phê.
Chị cũng suy nghĩ mông lung lắm, có nên lấy trai Tây?
Tin đồn về tận nhà, có người thư sang khuyên nhủ, nhưng phận chị trời đã định rồi. Hai năm sau họ lấy nhau, chẳng cưới xin linh đình gì.
Cậu con trai đang học đại học cũng ủng hộ mẹ: “Bác ấy quá tốt! Dịu dàng hơn cả mẹ”.
Vừa rồi, tôi chứng kiến chị về Việt Nam và anh chồng tiễn vợ ra sân bay.
Người chồng dịu dàng ôm chặt vai vợ.
Họ không hôn nhau trước mặt tôi như những cặp vợ chồng thuần Đức tạm xa nhau, nhưng rõ ràng, họ vẫn là đôi uyên ương, tuy già lắm lắm.
Thế cũng sướng, mặc dù chồng đã về hưu và chị không thể sinh một mụn con cho anh ta.
Hạnh phúc đôi khi không cần đầy đủ lệ bộ như ai, mà hạnh phúc là biết tự bằng lòng, ngay cả trong sự thiếu hụt.
Cứ nhìn bao lần cho chị về quê biền biệt cả tháng là hiểu anh chồng Đức kia thông cảm với vợ thế nào.
Thiếu chị, anh phải cơm nước một mình, quạnh hiu xem ti vi và uống cà phê trên ban công, mắt cô độc ngắm đường phố Fiderichschein tràn ngập cảnh vợ chồng già dắt tay nhau băng qua con lộ.
Với chị Hà già hạnh phúc đôi khi không cần đầy đủ lệ bộ như ai, mà hạnh phúc là biết tự bằng lòng, ngay cả trong sự thiếu hụt (ảnh minh họa)
Được như vậy, chị tâm sự với tôi:
“Phụ nữ lấy chồng Tây bên này phải tự lực hết. Chồng có tốt tới mấy, nó cũng ghét õng ẹo và dựa dẫm.Có khi phải chín bỏ làm mười, tìm hiểu thói quen, văn hoá, phong tục của cả quê chồng thì tình cảm mới bền được.
Mà mình hiểu họ, sẽ làm cho họ thương mình, hiểu mình, nên em có bỏ lão hai tháng, lão vẫn chẳng ca thán gì. Nhưng em chưa khi nào bỏ lão quá 20 ngày cả. Phần vì công việc, song phần chính vì em nghĩ, mình sợ cô đơn thế nào, thì lão cũng sợ như thế”.
Tôi nghĩ, chả có gì dễ thông cảm hơn lời nói nho nhỏ của hai vợ chồng khi nằm bên nhau.
Nhưng muốn biểu đạt cho hết cái cần nói thì phải thông thạo ngôn ngữ, có tri thức, vốn sống nhất định mới làm được như chị.
Cô Hà 3
Có một cô Hà nữa ở gần nơi tôi ở, lấy chồng Tây thì cực chán.
Cô là đội viên đội lao động ở nhà máy ô tô nổi tiếng Đông Đức.
Hà gầy gò, nom như que đóm nên chẳng trai Việt nào tán. Năm ấy, Đông Đức tan, đội Việt Nam bấn loạn, kẻ đi, người ở.
Nhìn cô như cái bóng lả lướt trong khu tập thể cho công nhân, buôn buôn, bán bán mấy tút thuốc lá lậu mà tôi ái ngại.
Thế rồi, bỗng có một anh chàng Đức, trông vạm vỡ như hộ pháp, đồng nghiệp cùng phân xưởng tới tán cô.
Nhưng lời đàm tiếu nhiều khi cũng thắt lòng, song vì muốn ở lại Đức, khi điều kiện bắt buộc là có nhà có cửa... cô cũng nhắm mắt ào qua.
Họ cưới nhau.
Nước Đức thống nhất chính thức. Nhà máy tan. Anh chồng thất nghiệp rơi vào cảnh cáu bẳn và say sưa bét nhè ngày đêm.
Can mãi chẳng được, lại ăn mấy trận đòn mặt mày sưng húp,
Hà chán đời treo cổ tự tử.
Cô vĩnh biệt thế giới khi mà ở quê, tận chót mũi Nam Bộ, mẹ cô vẫn ngóng trông cậu con rể Tây, mũi lõ da trắng hứa sẽ về thăm mẹ vợ.
Anh chồng Đức vạm vỡ như hộ pháp của cô thất nghiệp, say sưa bét nhè, đánh vợ thừa sống thiếu chết (ảnh minh họa)
Cô Hà 4
Gần thành phố tôi ở, bên kia con sông đào là thị trấn Kleimachno, có gã kiến trúc sư tài ba người Đức từ Bonn về.
Nghe nói, tài sản của gã ngày xưa có tới dăm triệu D.m.
Rồi gã lập công ty và phá sản. Đông Đức mới nhập, gã đã già nhưng còn chí phục thù, nên mò từ Tây sang Đông, quyết lập lại cơ đồ.
Với đôi bàn tay trắng, nhưng gã vẫn cố cắp theo cô vợ hờ Việt Nam.
Song nghe tin, người vợ cũ của gã quyết không ly dị. Gã đành sống đời vợ chồng không hôn thú với cô gái Việt.
Xem ra, cuộc đời cô gái này cũng may mắn trong hoàn cảnh trớ trêu.
Cô là dân lang bạt, ở tuổi mười tám, hai mươi, nổi tiếng xinh đẹp ở Phnôm Pênh (Campuchia), cô từng là vợ một quan chức cỡ bự của chính phủ.
Sau nạn Pôn Pốt, cô chạy sang Pháp, rồi sang Đức, gặp gỡ lão kiến trúc sư khi đang làm vệ sinh nhà cửa cho gã.
Hai chục năm làm vợ không giá thú, cô được bảo đảm bằng một tài khoản luôn được rót tiền hàng tháng, giống như một người làm hưởng lương ở công ty chồng hờ. Xem ra, cuộc sống của cô chẳng tới nỗi nào.
Gã chồng không hôn thú luôn chạy xe Mercesdes chấm 5 đưa đón cô đi khắp nơi (ảnh minh họa)
Cô khoe, gã thích ăn nem rán, chả lá lốt và cơm rang. Còn cô, tôi chưa bao giờ thấy vẻ buồn trên mặt.
Đôi khi cô về Việt nam, chủ yếu là đi du ngoạn khắp thế giới với tiền kiếm được từ bản vẽ những công trình vài triệu Euro của chồng.
Xe hắn chạy đưa đón cô đi chợ và đi chơi là loại Mercesdes chấm 5.
Thôi, thế thật tốt, vì cô đã gần 60, chẳng sinh đẻ gì, vậy mong gì hơn? Nói với tôi về cuộc đời chồng vợ, cô bảo, ban đầu thì ngần ngừ đấy, song xét cho cùng, tây hay ta, đen hay trắng, Pháp hay Đức, có giấy hôn thú hay không... chẳng có giá trị gì, nếu chồng coi mình là sở hữu.
Đằng này, hai mươi năm, nó cưng em như cục vàng.
Cô gái này, tiếng Đức kém hơn hẳn chị Hà “già”, nhưng ngoài cái sắc lại được thêm cái thanh, giọng cô ngọt như mía lùi và chăm lo cho chồng từ cái cà vạt tới là ủi quần áo, cơm dẻo, canh ngọt.
Cô Hà 5
Cô từ Nga sang tị nạn cùng chồng. Chồng Việt mà chẳng ra chồng, anh ta đánh bạc, đem tiền của vợ đi chơi bời.
Trong một trận đánh cô thâm tím mặt mày, tay Tây da đen cùng trại lập tức phẫn nộ lên tiếng.
Gã trẻ hơn cô năm, sáu tuổi.
Rồi anh chồng Việt cuỗm hết tiền của Hà, bỏ cô về nước.
Duyên mới bùng lên sau gần chục năm chia sẻ.
Nhưng theo luật lệ của bộ tộc gã (người Sri Lanka không cho gã lấy vợ nước ngoài) nên cuộc hôn nhân theo con đường chính thống của họ không thành. Thế mà, họ vẫn bền thắm với nhau 21 năm qua, cả khi Hà đầy bệnh tật.
Gã trai đen ngòm như than ấy còn sung mãn lắm, nhưng quyết không lấy ai.
“Em ở với Hà tới chết. Nhiều khi nó ốm, em tưởng nó là em gái em”, gã tâm sự khi môi cứ đỏ chót nhấp nhấp.
Qua thư từ, gia đình Hà Nội gốc của cô phát hoảng khi nghe tin thằng ấy da đen như Châu Phi, sống với con gái mình như vợ chồng mà chẳng cưới xin gì.
Thế mà qua ba lần gã về Việt Nam, biết con gái bệnh tật dầm dề, lại cắt mất dạ con mà tình yêu của anh chàng da đen vẫn không hề thuyên giảm, bà mẹ hơn 80 tuổi nói với tôi: “Nhà tôi còn phúc lớn anh ạ”.
Ngay cả khi Hà đầy bệnh tật, gã trai đen ngòm ấy vẫn còn sung mãn nhưng quyết không lấy ai (ảnh minh họa)
Chuyện về gái Việt lấy trai Tây ở xứ Đức có hàng vạn.
Có cô lấy chồng Tây qua dịch vụ, đem thân sang đây, ngôn ngữ chẳng biết nên tan nát cả đời. Bởi ngôn ngữ chính là chìa khóa mở cánh cửa tình dài lâu.
Sau khi “lửa tình” tắt, ngôn ngữ giao tiếp yếu sẽ dẫn đến sự xa cách về văn hóa, làm nhiều cặp đôi trở thành “đồng sàng dị mộng”, làm nụ hôn sau dăm năm nguôi lạnh, tình cảm đôi bên cứ truội đi, xa nhau thêm thăm thẳm.
Khi ấy, mọi thứ mong đợi ở Việt Nam như nhà lầu, xe hơi, đời sống sung túc, chẳng còn ý nghĩa gì.
Kể cả khi người đàn bà Việt có tài sản lớn nhất là sự chịu đựng, cũng khó vượt qua bởi quan niệm sống quá khác biệt.
Nói chung, đại đa số trai Tây đều tôn trọng người phụ nữ, không bao giờ đánh vợ bằng một nhành hoa, nhiều khi còn cưu mang cả đàn con riêng của vợ.
Nhưng bất luận thế nào, lấy Tây, lơ ngơ về xứ sở họ mà tiếng Đức lại kém thì hôn nhân sẽ rất dễ đổ vỡ, thất vọng.
Và phụ nữ có bằng cấp mà quên đi câu “Một điều nhịn là chín điều lành” thì cũng dễ gặp bất hạnh.
*Những nhân vật trong bài viết đã được thay đổi tên thật
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ