Lần đầu tiên đi dọn hố xí, tôi đã phải nhìn thấy những tư thế chả đẹp đẽ gì của kẻ khác giới. Vứt cái xô loảng xoảng xuống đất, tôi chạy ùa ra ngoài vì nhục nhã và sợ hãi đến cùng cực cái thử thách oái oăm của thời bình...
Năm 1976, sau chiến tranh, tôi trở về cùng hơn hai vạn binh sĩ và sĩ quan. Hà Nội khi ấy, đi đâu cũng gặp bè bạn, đồng đội tôi, xanh rợp sắc lính. Chúng tôi rất khó xin việc, vì khi đó nhiều cơ quan đang dịp giảm biên chế.
Tôi còn nhớ, tôi đã tới nhà máy sản xuất khăn mặt, khăn tay xin làm bảo vệ mà không được nhận. Tay cán bộ phòng tổ chức nhìn tôi thờ ơ, liếc nhìn giấy giới thiệu của phòng cán bộ Bộ Tư lệnh thủ đô, quyệt mũi nói:
“Hôm nào tôi cũng tiếp vài chục người như anh, có ông cấp cao hơn anh. Thông cảm nhé“. Một cựu sĩ quan chỉ huy đã đánh hơn 500 trận, giờ xin làm “lính trơn“ cũng không ai nhận. Nụ cười hắn mới đểu giả làm sao!
Tôi đã chán nản và buồn đến phát khóc như thế suốt một năm, sau 11 năm cầm súng. Ngày ngày về ăn bám chị dâu với đồng lương công nhân ba cọc ba đồng. Mỗi bữa ngồi vào mâm cơm, những khuôn mặt người thân cứ buồn và lạnh lùng dần.
Cha tôi về hưu được hưởng 60 đồng tiền lương và 22 năm qua không được tăng vì lương viên chức lưu dụng (được giữ lại từ chế độ cũ) đã cao hơn cả lãnh đạo. Ông chỉ thở dài khi thấy thằng con ngày nào cũng trở về nói: “Chưa gặp may cậu ạ".
Tôi đi xin việc khắp nơi mà chẳng gặp may chút nào (Ảnh: ST)
Tôi bán dần những kỉ vật, cái chăn Ponso rằn ri của lính biệt kích lấy được ở Tây Nguyên nhẹ như bấc, ấm vô cùng khi mùa đông tới, bán mấy cái túi mìn Claymo Mỹ lấy ở kho Đồng Dù và cả cái bật lửa Zippo đã từng theo tôi gần sáu năm trong rừng.
Tôi mang cả cái lưỡi lê AR15 chặt mũi đi, bán cho hàng thịt lợn... Bán cả cái ba lô, đến cái võng Tô Châu để ăn sáng, để gặp bè bạn cũ và đến dự tiệc cưới cô bạn ngồi chung bàn lớp 10 lấy chồng muộn màng.
Tôi nghiện thuốc lá. Sớm sớm, khi mọi người còn yên giấc, phố xá vắng ngắt, tôi ra chợ Giời nhặt những mẩu thuốc không đầu lọc về, lén lút sao lại với chút đường trên sân thượng.
Tôi tựa lưng vào bức tường loang lổ màu rêu, hút điếu thuốc chế từ những mẩu thừa ấy và thả khói lên trời qua giàn nho trĩu trịt, quả chua loen loét.
Một năm trôi qua, chị gái cả tôi thương em, nói mãi với một cán bộ quen thân chị, trưởng phòng tổ chức Công ty thủy sản cấp I Phú Viên. Anh đồng ý cho tôi chuyển ngành về. Tôi hớn hở nhận việc, đạp chiếc xe cọc cạch qua cầu phao đi nhận việc.
Công việc là chạy vặt, ai sai gì làm nấy, tức là không nghề nghiệp. Mỗi khi chạy loăng quăng qua phòng kiểm nghiệm nước mắm, cá khô, cá chượp, tôi thấy các kĩ sư mặc áo blouse trắng muốt đứng trong phòng chất ngập các ống nghiệm và hóa chất kiểm nghiệm, nhìn thằng bộ đội chuyển ngành về với ánh mắt đầy thương hại. Tôi rướn thẳng người bước qua ô cửa sổ có ánh đèn neon xanh dịu ấy, lòng đau như xé. Rồi một ngày chị tạp vụ nghỉ sinh nở, ông trưởng phòng gọi tôi lên bảo: “Ngày mai cậu đi làm tạp vụ“. “Dạ, thưa anh“.
Tạp vụ là ngày ngày nấu hai thùng nước cho chị em công nhân gánh mắm, đảo chượp. Là quét dãy 12 gian hố xí mỗi bên mà không bên nào có cánh cửa. Dãy hố xí sát hàng tre, trông sang bên dãy nhà công ty.
Thường buổi sớm, tôi đun nước cho công nhân, lấy vài phích nước sôi cho cán bộ lãnh đạo công ty và chiều tối ra dọn sạch 24 gian hố xí đó. Hố xí ngoại thành rất bẩn. Giấy vệ sinh không có mà toàn dùng giấy báo.
Ngày nào tôi cũng phải đi dọn hố xí từ sáng sớm (Ảnh: ST)
Tôi phải gom chúng lại và đốt. Dọn sạch các lỗ hố xí và rắc tro hay mùn than lấy từ mấy lò nấu mắm bên xưởng mắm.
Khi ấy, tôi 28 tuổi, từ chiến trường trở về, chưa từng yêu ai, ngày ngày xách cái xô tôn, một que cời và cái xẻng đi làm vệ sinh. Bởi các hố xí đều lâu năm, nên các cánh cửa tre đã mất hết, mỗi khi làm vệ sinh hố xí nữ, thu giấy đốt và quét, tôi đều hắng giọng để xem có ai ho hắng trả lời thì mới vào.
Một chiều nắng vàng mùa đông như rót mật, tôi ho mấy lần mà không ai trả lời. Tôi xách cái thùng đựng than xỉ vừa bước vào thì trông rõ ràng chị kế toán trưởng hơn tôi chục tuổi đang ngồi đại tiện.
Có lẽ chị ta mải mê đọc báo quá, nên không hề nghe tiếng tôi ho. Hay là cơn gió ngược đã thổi thốc tiếng ho của tôi bay đi. Tôi xấu hổ vô cùng.
Trời ơi, sao một gã trai trẻ như tôi, chưa một lần hôn ai, thậm chí cầm bàn tay mềm mại của con gái lại phải nhìn thấy những tư thế chả đẹp đẽ gì của người khác giới, trong mùi xú uế xông lên nồng nặc.
Tôi vứt cái xô loảng xoảng xuống đất và chạy ùa ra ngoài, phóng thẳng một mạch về gian phòng tay quản trị hành chính, người bạn tôi cũng từ bộ đội trở về. Vừa trông thấy bạn, tôi úp mặt vào giường, trên cái ba lô lính của bạn khóc nức nở. Nhục, nhục quá.
Câu chuyện trên sau đó được kể lại cho người bạn cũng 11 năm chiến trường như tôi và cả hai im lặng. Đêm hôm đó, dãy 24 gian nhà xí bốc cháy dữ dội. Gió Đông nổi lên thông thốc lửa, thiêu đốt chúng trong nháy mắt mà không ai thèm cứu nó.
Để một tuần sau, một dãy nhà xí gạch 12 gian được xây lên đều có cánh cửa. Chính hai thằng lính cựu binh đã bí mật vượt qua ao, tránh phòng bảo vệ và phóng hỏa chúng khi nửa đêm.
Ba tháng sau, tôi bàn giao lại công việc cho chị tạp vụ vừa sinh đứa con trai đầu bé bỏng và đáng yêu. Tôi nói với chị ta: “Em giao lại cho chị cái chuồng xí rất dễ vệ sinh, quét tước và có những cái cửa chắc chắn“.
Ngay sau đó, tôi thi đỗ đại học tại chức sau hai tháng ôn lại kiến thức cấp ba. Tôi đỗ đại học với số điểm 17 trong khi cán bộ đi học chỉ cần tổng điểm ba môn trên 10 là đỗ. Cũng thực là khó khăn khi bao kiến thức phổ thông Toán, Lý, Hóa thời trai trẻ đã bị chôn vùi trong khói lửa, chết chóc trong chiến tranh.
Nhưng kì lạ thật, mọi thứ như bừng sáng trở lại, lớp mây mù phủ trong bộ óc của tôi tan đi. Tôi trở lại vẹn nguyên là một anh chàng học các môn tự nhiên khá, giỏi như ngày nào xung phong vào trận. Cũng nhờ thế, sau khi tốt nghiệp đại học, trải qua vài chức vụ khác nhau, tôi được tín nhiệm, được gọi lên tổng công ty đảm nhiệm chức vụ thư kí cho thứ trưởng - kiêm tổng giám đốc.
Rồi vận dụng kiến thức của một cử nhân kinh tế và tinh thần kỉ luật của người lính đã kinh qua chiến tranh, tôi được đề bạt làm phó trưởng văn phòng tổng công ty. Ở cương vị có chức phận ấy, thứ tôi quan tâm đầu tiên không phải là quản lí xe pháo, xăng dầu hay ăn uống và công văn cho văn phòng gần 100 cán bộ nhân viên. Tôi đặc biệt chăm sóc nhà vệ sinh cho mọi người ở văn phòng. Hình như từ “toilet“ nguyên nghĩa là “Phòng thoải mái“. Vâng phải thoải mái cho con người, kẻ phục vụ vệ sinh và người sử dụng chúng.
Bây giờ ngồi nghĩ lại, ở công việc đầu tiên khi chuyển ngành, chăm sóc dãy hố xí với kỉ niệm như thế, tôi chợt nhận ra rằng, tự khám phá tâm hồn bản ngã của mỗi cá nhân là sự khám phá cực kì quan trọng.
Anh có thể dũng cảm ở chiến tranh, không hề rơi nước mắt hay bí bách lúng túng trước bạo lực và sự gian khổ trong rừng lạnh. Nhưng dễ gì với kinh nghiệm ấy, anh vượt qua được sự thử thách của thời bình.
Thời mà con người ta mới thực sự sống, thực sự biết anh là ai và tự vươn lên như thế nào để không thối chí, ôm mặt khóc trên cái ba lô năm ấy, tự thấy điều bình thường ấy là trớ trêu.
Kỳ sau: Bi hài chuyện dọn hố xí ở trời Tây
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ