Những tưởng số hắn sướng, vừa giàu lại vợ đẹp con ngoan. Vậy mà, đưa vợ sang Đức 3 năm, chỉ vì một cái tát bi kịch, hai người li dị, gã thành gà trống nuôi con. Rồi hắn cưới một cô vợ trẻ 18 xuân xanh.

Hắn được gọi là ông Trần. Đấy là họ, nhưng ở Đức gọi họ chứ không gọi tên. Tôi quen hắn trong một phiên chợ biên giới gần Werder. Người hắn thấp nhỏ, mặt mũi chả nỗi nào.  Ngày ấy, khi tụi tôi còn đi chợ với cái xe Trabant đít dài, vỏ giấy ép của Đông Đức thì hắn đã chệm trệ một cái xe lớn hiệu Mercedes, nổ hơi to nhưng còn rất tốt. Hắn trải ra một dãy bàn, khoảng 15 tấn hàng bầy trên đó mà chỉ có một mình hắn quần quật từ 4 giờ sáng tới 12 giờ đêm.  Dăm ba ngày bán hàng bên nhau, đủ để quen và cà kê hỏi chuyện. Một tối ít khách, ăn cùng nhau cái xúc xích nướng và rượu vang nóng, tôi hỏi hắn: “Cứ lọ mọ một mình như thế ư? Sao không kiếm một em nào đó cho đỡ vất vả?“. Hắn cười: “Vất vả mô? Năm sau em đón vợ sang. Chờ xây nhà xong đã“. Ba tháng sau, nghe tin hắn về ăn Tết ở Việt Nam sang, tôi tới thăm, một cái phòng hẹp trong khu nhà dành cho những người về hưu mất sức. Toilet nằm bên ngoài hành lang, khai mù.  Thấy tôi tới, ôm lên bó củi, chẻ ngắn ngay tại nền nhà, ném vào lò đốt lửa đùng đùng. Tôi hỏi: “Bình thường không đốt lò ư? Sao không mua than?“. Hắn cười. Tôi chợt hiểu, phiên chợ Noel hắn xin một đống thùng gỗ của tụi Thổ bán hoa quả để làm gì.  Hắn còn khoe: “Lạnh nữa em vẫn chịu được“. Hắn chỉ cho tôi một bọc toàn những hộp cao sao vàng nói: “Em mách anh thế này, rét quá cứ lấy một lọ cao xoa khắp người là ngủ ngon. Này nhé, sưởi một đêm hết 2-3 D.M than. Lọ cao này có 20 cent dùng ba lần mới hết“.  Thảo nào người hắn khi nào cũng toàn mùi cao. Hắn khoe chuyến vừa rồi mang về cho vợ 50 ngàn đô. Xây nhà năm tầng giữa làng, năm sau vợ sẽ sang. “Ừ, mừng cho mày“, tôi bảo. Năm sau nữa, hắn đón vợ và hai con sang thật. Một đứa bé trai 7 tuổi và đứa con gái 5 tuổi.   

Người đàn ông ba đời vợ và cái tát đầy bi kịch- Kỳ 1 - 0 Xây xong nhà ở quê, hắn đón vợ con sang Đức đoàn tụ (Ảnh: ST)

Cô vợ 28 tuổi là giáo viên cấp 3, rất ít nói, nom còn mặn mà xuân sắc lắm. Lại năm sau, tôi thấy hắn thuê một cửa hàng 200m2, khách ra vào tấp nập. Tôi ghé qua, thoáng quan sát, với mật độ khách thế này, mỗi tháng hắn bỏ lọ 5 ngàn đô là ít. Những tưởng số hắn sướng, vừa giàu lại vợ đẹp con ngoan. Vậy mà, 3 năm sau, hai người li dị.  Ban đầu là chuyện hắn lúc nào cũng lôi thôi, trong khi vợ hắn mỗi ngày một trẻ và đẹp ra, lại bán hàng giỏi hơn hắn. Tiền cuồn cuộn chảy về nhà và lại chảy chả cân bằng về hai họ nội ngoại.  Hắn bùi ngùi kể: “Anh xem, em lo cho vợ con thế, nhịn ăn nhịn tiêu, bồ không cặp. Nay gửi về cho mẹ có 3 ngàn đô nó cũng làm toáng lên. Mà em có phải là người quên cha mẹ vợ đâu“.  “Già néo đứt dây“, hắn nỡ tát vợ một cái, làm hỏng mối duyên tình đã có với nhau hai mặt con. Tôi ngậm ngùi chia sẻ với hắn, ở Đức người ta bênh vực phụ nữ lắm. Nhưng hắn cũng là kẻ cao thượng, sau khi ly hôn, cửa hàng mang tên vợ hắn và mỗi bên nuôi một đứa con. Tất nhiên, hắn nuôi thằng con trai.  Bẵng đi nửa năm, hắn tới nhà mời ăn cưới. Nom hắn trẻ ra trong bộ quần áo comple tươm tất. Cô dâu mới 18 xuân xanh kém hắn tới 25 tuổi, người miền trong, mày ngài mắt phượng.  Tôi ái ngại nhìn theo cái dáng thon thả, dây chuyền gắn đá kim cương lóng lánh giữa cái hõm ngực gợi cảm. Tôi vui với hắn một ngày. Chỉ có con trai hắn không vui. Tôi hỏi chuyện cậu bé 13 tuổi, nó lầm lì, không nói không rằng. Tôi dò hỏi hắn: “Có phải mày cố tìm vợ trẻ không?“. Hắn nghiêm túc nói: “Không phải thế, nhưng đã lấy vợ thì phải lấy vợ trẻ“. Hóa ra vợ hắn là dân tị nạn từ Việt Nam sang. Người như hắn khi có hộ chiếu với giấy cư trú vô thời hạn thì đắt giá lắm, khối ứng cử viên. Nhất là khi hắn có những hai cửa hàng bán quần áo.  Tôi cầu mong cho họ hạnh phúc. Rồi 6 tháng sau, tôi thấy hắn báo đến ăn đầy tháng con. Nhẩm bấm đốt tay, khi cưới cô vợ đã có bầu ba tháng. Tới nơi, khách khứa chật ních hai phòng.  Một cậu con trai xinh xắn, mũm mĩm ra đời ở nước Đức, mang giấy phép vô thời hạn. Thôi thì cũng là một sự may mắn lớn của thằng đàn ông ở xứ “đàn bà đẹp quý hơn vàng ròng“. Tôi ẵm đứa trẻ trên tay, chúc cho gia đình bạn hạnh phúc. Kỳ sau: Ngậm ngùi 62 tuổi vẫn phòng không

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC