Người mẫu Tiến Đoàn trong "trang phục truyền thống tự thiết kế
Rồi tới đây, ngàn năm Thăng Long, ta sẽ mặc "trang phục truyền thống" nào để thắp hương cho tổ tiên? Ta sẽ nhân dịp này để tôn vinh - gìn giữ những giá trị truyền thống, hay để trình diễn những cải tiến thiếu cẩn trọng?
Tối 17/11, tại lễ đón tiếp thí sinh Mr International tổ chức ở Đài Loan. Hoa Vương Việt Nam 2006 Tiến Đoàn đã xuất hiện trong trang phục có tên gọi "Hùng ca chim lạc" - bộ khố với áo choàng, mão, giày dây leo núi.
Chung cuộc, Tiến Đoàn đã vượt qua 33 thí sinh, dành ngôi vị cao nhất trong cuộc thi.
Theo yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi,có một phần thi mà " tất cả thí sinh đều mặc trang phục truyền thống và giới thiệu với mọi người về dân tộc mình". Người mẫu Tiến Đoàn đã giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc mình là... bộ khố mà anh tự thiết kế. Qua đó "thể hiện dòng dõi con Lạc cháu Hồng của người Việt", và cảm thấy nó "truyền cho người mặc sức mạnh của niềm tự hào dân tộc".
Về mặt thẩm mỹ và tính chất của cuộc thi, Tiến Đoàn hoàn toàn có thể tự chọn cho mình trang phục và cách cách thức thể hiện để thu hút, khoe vẻ đẹp hình thể và giành ưu thế trong cuộc thi. Còn độc giả và người xem cũng hoàn toàn tự do có những cách cảm thụ riêng.
Tuy nhiên, khi theo dõi cuộc thi, với băn khoăn liệu bộ khố kia có đúng là trang phục truyền thống của ta, mà thí sinh của "Mr International" dày công thiết kế để tôn vinh văn hóa dân tộc, người đọc có thể đặt một câu hỏi giản dị: vậy trang phục truyền thống của Việt Nam là gì?
Đối với nữ giới, chiếc áo dài vẫn được coi là trang phục truyền thống (dù chiếc áo dài mới xuất hiện ở ta khoảng 1 thế kỉ trở lại đây). Còn đối với nam giới, trang phục truyền thống chính thức là áo dài thụng, áo the khăn xếp, áo vải thâm may dáng bà ba hay... đóng khố khoác áo choàng?
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa có ý kiến cho rằng lấy chiếc áo dài thụng kiểu triều Nguyễn làm trang phục truyền thống là hợp lý nhất. Loại trang phục này, hiện nay vẫn được lưu giữ cẩn thận trong Bảo tàng cổ vật cung đình Huế, có nhiều bộ từ thời Gia Long.
Theo đó, áo cho bậc vua chúa có màu vàng, được thêu chỉ vàng, hoa văn rồng 5 móng - biểu trưng của quyền lực. Áo cho cung phi thêu hoa văn phượng. Áo cho bậc quan có màu xanh, tía, thêu rồng 4 móng. Màu sắc và hoa văn của các bộ trang phục chính thức đều có quy định rõ ràng. Qua trang phục, có thể thấy được thứ bậc của người mặc.
Trong Hội nghị cấp cao APEC, từ năm 1994, việc mặc trang phục truyền thống của quốc gia đăng cai ở buổi họp tổng kết đã trở thành một nghi thức truyền thống. Năm đó, nước chủ nhà Indonesia chọn trang phục bằng vải batik nổi tiếng của mình cho các nhà lãnh đạo.
Indonesia chọn trang phục bằng vải batik nổi tiếng của mình cho các nhà lãnh đạo trong buổi lễ tổng kết Hội nghị APEC năm 1994. Ảnh: AFP |
Việt Nam đăng cai Hội nghị lần thứ 14, năm 2006. Trong buổi họp tổng kết, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc Tuyên bố chung của lãnh đạo các nền kinh tế APEC trong bộ áo thụng dài màu vàng, hoa văn là hình bông sen.
Mặc dù hoa sen là một biểu tượng cao quý, được tôn vinh trong văn hóa Việt, đặc biệt là trong Phật giáo. Nhưng, hoa sen vốn chưa từng là họa tiết được sử dụng trong các trang phục truyền thống, mặc trong các lễ nghi trang trọng của nước ta.
Trong dịp lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, các vị quan chức cũng mặc "trang phục truyền thống" để thực hiện nghi lễ cúng viếng tổ tiên. Chỉ có điều trong buổi lễ này, xuất hiện đủ các các loại áo màu sắc phong phú như: xanh, đỏ, tím, vàng, tía... Không biết Ban tổ chức có phân cấp cụ thể các trang phục cho mỗi vị hay không, chỉ thấy rằng khi sắp hàng thắp hương và chiếu lên truyền hình cho người dân cả nước xem, nếu cứ nhìn màu áo, trang phục, người xem không thể phân biệt được thứ bậc.
Các nhà thiết kế hoàn toàn có quyền cách điệu trang phục truyền thống, làm cho nó có vẻ hiện đại và lạ mắt bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng, trang phục truyền thống cách điệu có chỗ riêng của nó: trên sàn diễn, ở các bộ sưu tập, trong cuộc thi thời trang...
Còn trang phục truyền thống chuẩn mực, cần phải được đặt đúng vị trí trang trọng của nó: trong các nghi lễ chính thức, các dịp giao lưu để giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc, trong bối cảnh truyền thống chung tương quan với các nước bạn bè...
"Mr International" tuy không phải là một buổi lễ nghi thức chính thức, nhưng đó là buổi lễ mà "tất cả thí sinh đều mặc trang phục truyền thống và giới thiệu với mọi người về dân tộc mình".
Rồi tới đây, ngàn năm Thăng Long, ta sẽ mặc "trang phục truyền thống" nào để thắp hương cho tổ tiên?
Hi vọng, sẽ không có một cuộc thi thiết kế nào được tổ chức để thiết kế trang phục truyền thống sử dụng cho dịp lễ truyền thống thiêng liêng này.
Hi vọng, những giá trị truyền thống - bắt đầu từ bộ trang phục nghi lễ, được bảo tồn, và được trang trọng sắp đặt đúng thứ bậc.
Nhà văn Võ Thị Hảo: Nếu hiểu đơn giản trang phục truyền thống chỉ là trang phục mà ông bà ta đã từng mặc trong quá khứ, thì chuyện ứng xử như Tiến Đoàn cũng là điều dễ hiểu. Cuộc tranh luận về quốc phục của ta đã diễn ra nhiều năm, nhưng vẫn chưa tới hồi kết. Chúng ta đã bỏ quên văn hóa trong một thời gian dài. Sự lãng quên đó đương nhiên dẫn đến những lộn xộn như ta thấy, đáng tiếc là hiện tượng này lại xảy ra ngay tại những sự kiện lớn. Nhưng, trách người làm thật khó, bây giờ, điều cần thiết là cần có một quy định chuẩn cấp nhà nước về trang phục truyền thống cho cả 2 phái. Quy định này cần được tham khảo ý kiến các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử và công luận. Theo tôi được biết, Bộ Văn hóa đã có quy định về quốc phục trong dịp giỗ tổ mùng 10 tháng 3 hàng năm, đối với nữ là áo dài, đối với nam là áo the khăn đóng. |
-
Linh Thủy