9 điệu múa cổ truyền thể hiện tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân mang đến sự bất ngờ cho tất cả những ai có mặt trong buổi biểu diễn. Mỗi điệu múa, mỗi động tác đều thể hiện truyền thống, những tích truyện và phong tục riêng có cổ xưa của từng vùng đất.
Mưa ngày càng nặng hạt, nhưng khán giả vẫn yên vị hướng lên sân khấu.
Múa Bài Bông: Là điệu múa mang ý nghĩa chúc tụng, nghiêm trang với đèn hoa sen, vừa múa vừa hát, gồm những khúc hát: giáo đầu, bái chúc, rước chải, chúc bình an
Múa Lục Cúng: Là sản phẩm của Phật giáo, được sử dụng vào dịp lễ Phật Đản, lễ Vu Lan bồn, lễ khánh thành chùa, lễ hô thần nhập tượng, thể hiện lòng tôn kính dâng lên Tam Bảo.
Múa Trống Hội: Tiếng trống đình, trống hội đã là những âm hưởng, những tín hiệu thông báo với nhiều ý nghĩa của cư dân vùng châu thổ sông Hồng, đã trở thành linh hồn của lễ hội. Điệu múa do các nghệ nhân xã Phú Mỹ, Phú Xuyên trình diễn.
Múa Giảo Long: Kể lại tích truyện công chúa con vua Phật mã tức Lý Thái Tông du thuyền trên sông Thiên Đức bị Giảo Long hãm hại. Chàng trai họ Hoàng làng Lệ Mật xin vua đi cứu công chúa và chiến thắng trở về.
Múa Hội Gióng: Là hình thức nghệ thuật diễn xướng anh hùng ca, biểu tượng sức mạnh dân tộc trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Liên khúc Hội Gióng do nghệ nhân làng Phù Đổng trình diễn.
Múa Trống Bồng Triều Khúc: Là điệu múa cổ có tính cách, được sử dụng trong nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Động tác múa phóng khoáng, mạnh mẽ, giàu tính tạo hình. Điệu múa do các nghệ nhân làng Triều Khúc trình diễn.
Theo Dân trí.