5 đề cử Album xuất sắc của năm 2008 ở giải Cống hiến vừa trao tối 11/3/2009 tại TPHCM hoàn toàn đứng ngoài chùm album xuất sắc nhất của giải thưởng Album Vàng năm 2008, trao trước đó chỉ một tháng. Với sự "lệch tông", khác biệt như thế, công chúng nên nhìn vào đâu để lựa chọn sản phẩm để nghe?
"Vàng" khác... "cống hiến"
"Cánh cung 2 - Thời gian để yêu" của Đỗ Bảo được nhiều nhà báo - phóng viên theo dõi mảng âm nhạc dành thời gian để... "yêu" nhiều hơn và đã trở thành Album của Năm tại Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến. 4 sản phẩm còn lại gồm các album chất lượng tương đương nhau khác: "Bóng tối ly cafe" (của Trương Thanh Hải), "Kiếp nào có yêu nhau" (của ca sĩ Đức Tuấn), "Trần Tiến" (của nhạc sĩ Trần Tiến), "Trở lại" (của ca sĩ Mỹ Tâm).
Khoảng 100 phiếu bình chọn của những người viết báo trên toàn quốc theo dõi mảng âm nhạc đã thống nhất để chọn ra 5 album đó để đưa vào danh sách đề cử. Ngoài ra, những album "ngấp nghé" đề cử cũng đã được nêu tên: "Mù tạt" (của Tinna Tình), "Chưa dừng lại" (Lương Bích Hữu), "Cà phê sáng" (Hà Anh Tuấn), "Listen Or Walk" (Võ Thiện Thanh), "365.hanoi.nk" (Ngọc Khuê), "Nơi em gặp anh" (Hồ Ngọc Hà), "Qua cơn mê" (Đàm Vĩnh Hưng), "Nước mắt thiên thần" (Ngô Thanh Vân), "I do" (Thu Minh)...
Với sự công khai số phiếu bầu, công khai đề cử, những cá nhân và sản phẩm âm nhạc được nêu tên ở giải Cống hiến được cho là tương đối đảm bảo hai yếu tố: chuyên môn và đại chúng. Giải Cống hiến có chặng đường đi 4 năm, vì thế, đơn vị khởi xướng là báo Thể thao & Văn hóa có lý do để kỳ vọng hướng giải thưởng này đến sự uy tín và chất lượng như giải Grammy của thế giới (tất nhiên, để thành hiện thực thì còn rất xa xôi).
Nhìn nhận một cách khách quan, trong hàng hà sa số album mọc nên như nấm sau mưa mấy năm trở lại đây thì những album nhạc được báo chí đưa vào giải Cống hiến thường là những album đáng nghe hơn cả. Đúng như tên gọi, những người đứng tên cho các album (được coi như "bộ mặt của làng nhạc") ít nhiều đã có những "cống hiến" cho công chúng, với âm nhạc nước nhà thông qua các sản phẩm của mình.
Và để lọt vào những đề cử của giải Cống hiến thì họ không tự đề cử, không chủ động gửi sản phẩm dự thi mà trở thành là đối tượng được bình xét, cất nhắc sau khi đã "ra với đời". Trong toàn bộ những sản phẩm âm nhạc có mặt trên thị trường, album nào đạt được những tiêu chí nhất định về tính chuyên môn cũng như đại chúng thì sẽ được nhà báo chọn. Sự khác biệt giữa các album xuất sắc ở giải Cống hiến và album được trao giải ở Album Vàng bắt nguồn từ lý do căn bản đó.
Toàn bộ những sản phẩm được trao giải của Album Vàng (do công ty Cát Tiên Sa và HTV tổ chức) tại chương trình trao giải của của năm 2008 (tối 9/2) hoàn toàn không có sản phẩm nào nằm trong đề cử giải Cống hiến, thậm chí có album còn không được nhắc tên ở những album... ngấp nghé đề cử.
Hai album do Hội đồng chuyên môn gồm nhiều nhạc sĩ, nhà sản xuất và nhà báo bầu chọn đoạt giải Album Vàng 2008 là "Khi ta yêu nhau" của ca sĩ Hồ Ngọc Hà và "Cánh mặt trời" của nhóm Năm dòng kẻ. Hai album nhận giải "Khán giả yêu thích" thuộc về "Thập nhị mỹ nhân" (của Đan Trường) và "Qua cơn mê" (của Đàm Vĩnh Hưng).
Như thế là thấy rõ "Cống hiến" và "Vàng" đã khác nhau; cho dù đều nhấn mạnh đến định hướng về nghệ thuật (chuyên môn) và yếu tố thị trường (đại chúng), cho dù cả hai cuộc xét giải đều có sự sàng qua lọc lại nhiều khâu, nhiều lần. Công chúng - đối tượng tiếp nhận các sản phẩm âm nhạc - lúc này sẽ chỉ thắc mắc rằng: vậy sự "cống hiến" qua mỗi sản phẩm đến đâu, "vàng" lấp lánh thế nào và cuộc chọn lựa và vinh danh nào lọc và sàng kỹ càng hơn?
Album Cống hiến - "đẳng cấp", Album Vàng - "thị trường"?
Nếu so cấp bậc album thuộc "hàng top" của giải Cống hiến và giải Album Vàng thì quả là... hơi khó và nhạy cảm - khi được hỏi thì chính một số nhạc sĩ đã trả lời như thế.
Cứ ngỡ album Vàng gần với thị trường, khán giả đại chúng hơn thì bán được nhiều đĩa hơn; nhưng thực tế là không ít album đề cử ở giải Cống hiến đứng trong hàng album có đĩa gốc bán chạy (best-seller), với thời gian trụ trên quầy đĩa lâu dài.
Giải thưởng Album Vàng xét theo từng tháng (với khoảng 5, 6 sản phẩm tranh đua nhau mỗi tháng) và hết mỗi năm có giải album của năm. Đó là một cơ hội tốt để các ca sĩ có album tiếp thị sản phẩm của mình và khán giả có cơ hội gặp gỡ ca sĩ.
Đây cũng chính là nơi các ca sĩ có thể chủ động tham gia Album vàng và ban tổ chức sẽ sắp xếp, lựa chọn để xét theo từng tháng. Nhiều album mang tính chất "tác giả", của các nhạc sĩ thì hiếm xuất hiện ở album Vàng, thế nên giải thưởng này bị khuyết mất một phần quan trọng.
Đêm công bố kết quả Album Vàng 2008 |
Có một cái "khuyết" nữa là không phải ai cũng chủ động gửi album của mình, ví dụ các album đề cử Cống hiến năm nay như "Bóng tối ly cafe", "Cánh cung 2 - Thời gian để yêu", "Trần Tiến" đều của các nhạc sĩ và không thấy có trong danh sách Album Vàng. Các sản phẩm âm nhạc của các ca sĩ - nhạc sĩ phía Bắc cũng ít chen chân trên sân khấu Album Vàng hơn là các ca sĩ - nhạc sĩ phía Nam.
Album Vàng mang tính chất lấy album để mời ca sĩ "diễn show", thu hút tài trợ và mang tính thương mại nhiều hơn. Nếu Cống hiến chưa phải là Grammy của Việt Nam thì album Vàng cũng chưa được coi như bảng xếp hạng âm nhạc Billboard để được xem là "hàn thử biểu" cho thị trường âm nhạc.
Vì những mục tiêu, tiêu chí hướng tới của mỗi giải thưởng khác nhau nên tính chất và sản phẩm chọn ra cuối cùng đã không giống nhau, cho dù đều là những danh xưng gắn với chất lượng ("vàng" hay "cống hiến").
Nói vậy để thấy rằng, nhiều giải thưởng khác trên nhiều lĩnh vực hiện nay chỉ là "vàng" ở một khuôn viên nào đó mà thôi, sự lấp lánh của nó không đủ sức định hướng cho cho sự lựa chọn của khán giả. Đồng thời, có những sự "cống hiến" ở nơi này nhưng chưa chắc đã được nơi khác coi là tạo nên những giá trị quý... như vàng.
Cuối cùng, công chúng và những con mắt phê bình sắc sảo, tinh tế sẽ là người lựa chọn ra vàng ròng, lựa chọn ra sự cống hiến đáng trân trọng để thu nạp vào tai nghe, mắt nhìn của mình.
Theo Vietnamnet.