Âm nhạc nghiệp dư lấn chuyên nghiệpNhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nói rằng Hội Nhạc sĩ không là cơ quan có thể điều hành đời sống âm nhạc. Thực tế cho thấy đời sống âm nhạc hiện không thể bị chi phối bởi bất kỳ tổ chức nào.

- Phóng viên: Đời sống âm nhạc hiện nay được cho là đang xuất hiện những nguy cơ làm mất đi tính chuyên nghiệp, tụt hậu, thậm chí là thảm họa, trên cương vị Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đánh giá thế nào về những nhận xét này?

 

- Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Rất đúng. Hoạt động âm nhạc thời gian gần đây đã bộc lộ không ít yếu kém, bất cập mà dễ nhận thấy nhất là sự nở rộ và nghiêng hẳn về âm nhạc giải trí. Trào lưu tự sáng tác, tự biểu diễn lai căng của một bộ phận lớp trẻ tạo ra những sản phẩm thiếu tính nghệ thuật, ca từ thô thiển, lệch lạc về thẩm mỹ.

Nhiều ca khúc kém chất lượng được phát hành, truyền bá tràn lan, gây tác hại đến công chúng, nhất là lớp trẻ, trong khi những ca khúc có giá trị nghệ thuật thì lại không được dàn dựng, biểu diễn, phổ biến đến công chúng.

Hiện tượng “đạo nhạc” thô thiển, trắng trợn từ nội dung đến hình thức vẫn ngang nhiên tồn tại. Một điều nữa khiến tôi rất buồn là không ít cơ quan truyền thông tập trung quảng bá cho dòng nhạc trẻ theo khuynh hướng giải trí và thị trường đơn thuần. Chính điều này đã khiến cho sự mất cân đối trong đời sống âm nhạc trở nên gay gắt, dẫn đến nguy cơ “nghiệp dư hóa” trong hoạt động âm nhạc là rất cao vì  nghiệp dư đang lấn sân âm nhạc chuyên nghiệp.

Những điều ông kể ra không phải bây giờ mới có, thậm chí diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng nặng thêm nhưng hầu như các hội âm nhạc các địa phương  và Hội Nhạc sĩ Việt Nam không có tác động gì để cứu vãn?

- Không nên nhầm Hội Nhạc sĩ là nơi có thể điều hành đời sống âm nhạc. Thực tế cho thấy đời sống âm nhạc hiện không thể bị chi phối bởi bất kỳ tổ chức nào, ngay như Cục Nghệ thuật Biểu diễn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, dù là cơ quan bao quát toàn bộ đời sống âm nhạc nhưng chỉ có thể quản lý các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trực thuộc, trong khi lực lượng biểu diễn riêng lẻ ở bên ngoài lại rất đông đảo.  

Hội chúng tôi chỉ là một hội nghề nghiệp có chức năng phát hiện vấn đề, đề xuất và tư vấn các giải pháp cho cơ quan chức năng quản lý văn hóa để các cơ quan có thẩm quyền kịp xử lý vấn đề. Bên cạnh việc đề xuất còn có cả sự phối hợp, nếu sự phối hợp ấy được mặn mà thì hiệu quả nhanh, tốt.

Ông từng nói, nếu cho hội một kênh truyền hình, có thể đời sống âm nhạc đã khác. Tuy nhiên, ông có thực sự tin kênh truyền hình âm nhạc ấy sẽ thực sự có tác dụng cải thiện tình hình âm nhạc đang xuống cấp hiện nay?

 

- Tôi cho rằng việc thành lập một kênh truyền hình âm nhạc đối với một tổ chức như Hội Nhạc sĩ Việt Nam là rất khó nhưng trong ý tưởng, anh em muốn tư vấn để thiết kế một kênh âm nhạc dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc như kênh Ariang. Khi có một kênh riêng, ban biên tập của kênh đó có thẩm quyền để chuyển tải, lựa chọn, điều phối các loại hình âm nhạc. Khi càng có nhiều dòng âm nhạc được chuyển tải đến với công chúng thì đối tượng khán thính giả đến với kênh âm nhạc này phong phú hơn, đa dạng hơn.  

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã đề cập về việc đề xuất xây dựng Luật Âm nhạc, nhưng liệu những gì đang diễn ra đối với đời sống âm nhạc hiện nay là do thiếu luật không?

- Đối với các nước, khi hoạt động văn hóa, người ta phải dựa vào luật. Luật đó là cơ sở pháp lý để trên cơ sở đó, người ta điều hành bộ máy hoạt động văn hóa, âm nhạc cũng không ngoại lệ. Hiện nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang xây dựng nghị định về biểu diễn nghệ thuật, trong đó phần lớn là lĩnh vực âm nhạc. Tôi nghĩ nghị định này là một bước đệm trước khi có Luật Âm nhạc. Các nước như Đức, Pháp, Trung Quốc..., người ta cũng điều hành hoạt động âm nhạc bằng luật.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VIII sẽ có những hành động thiết thực nào để đời sống âm nhạc có thể đi vào bình ổn, cân bằng như mong muốn?

- Trước mắt, chúng tôi tăng cường hợp tác với các đài phát thanh truyền hình. Rất may là trong ban chấp hành (BCH) hội có một ủy viên công tác tại VTV, đó là nhạc sĩ Lương Minh, một nhạc sĩ nữa công tác ở VOV3. Công việc đầu tiên của BCH lần này là chúng tôi bắt tay thực hiện ngay chủ đề: Hội Nhạc sĩ Việt Nam với các cơ quan truyền thông, bộ phận âm nhạc của các đài.

Đời sống văn hóa rất ngổn ngang, nhiều vấn đề phải bàn, phải làm, tôi rất hy vọng, với sự chủ động từ phía Hội Nhạc sĩ, chúng tôi và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có những cái bắt tay chặt chẽ hơn nữa để đời sống âm nhạc trở lại trạng thái cân bằng, bình ổn hơn.

Theo NLĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC