Bản hùng văn nặng nhất nước Việt!Đó là một quyển sách đồng đỏ nhưng qua thời gian nó đã ngả màu rêu xám có tên "Khâm ban đồng bài" hay gọi là “Cầu Không từ ký”, gồm hai tấm đồng tạo nên bốn trang sách khổ lớn nặng hơn 6,5kg...

Đất Hà Nam, nơi có nhiều lớp trầm tích văn hóa dân gian được đúc kết từ nghìn đời xưa. Người ta không những biết đến trống đồng Ngọc Lũ, mộ thuyền Yên Bắc, không chỉ nổi tiếng trong nước về giá trị văn hóa, lịch sử, một chứng tích của nền văn minh nông nghiệp của dân tộc Lạc Việt xa xưa mà còn biết đến nơi đây bởi là nơi lưu giữ cuốn sách bằng đồng đỏ độc nhất vô nhị từ thời nhà Lê thế kỷ XV.

Ông Nguyễn Văn Thùy (thôn Văn An xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam) một trong những người đương thời có cái duyên gắn bó nhất đối với những thăng trầm của cuốn sách quý này khẳng định chắc chắn với tôi rằng, ông không hề cất giữ cuốn sách đó tại nhà riêng của mình như người ta vẫn đồn thổi. Sau những biến cố mà cuốn sách đã phải lưu lạc giờ nó đã nằm yên vị tại một ngôi chùa của xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân.

Bản hùng văn nặng nhất nước Việt!
Ông Nguyễn Văn Thùy với những tư liệu viết tay về cuốn sách cổ

Tuy không giữ cuốn sách đồng đó nhưng trong ngôi nhà đơn sơ mà giản dị của ông Thuỳ, chứa đầy đủ những tư liệu quý nói về giá trị cuốn sách này do chính ông thu thập và viết lại bằng tay. Đã 81 tuổi đời và hơn 30 năm nay, giữ cái chức trưởng ban tiết lễ Cầu Không, thì cũng chừng ấy thời gian ông trực tiếp làm cái công việc bảo quản, gìn giữ cuốn sách cổ này.

Ông Thuỳ cho biết, hằng năm cứ đến ngày mồng 6 tháng 3 (âm lịch) là ngày lễ tế thần Cầu Không thì người dân mới được chiêm ngưỡng cuốn sách cổ này, ngoài ra ngày thường thì cho dù là ai đi chăng nữa, muốn đến cũng chỉ được xem sách qua… ảnh. Hỏi ông vì sao thì ông trả lời ngắn gọn: “Đã thành lệ rồi”. Thuyết phục mãi rồi tôi cũng được ông mở cửa chùa, để tận mắt xem cuốn sách quý đó.

Cuốn sách đồng cổ nhất Việt Nam

Đó là một quyển sách đồng đỏ nhưng qua thời gian nó đã ngả màu rêu xám có tên "Khâm ban đồng bài" hay gọi là “Cầu Không từ ký”, gồm hai tấm đồng tạo nên bốn trang sách khổ lớn nặng hơn 6,5kg. Như vậy mỗi tấm đồng nặng hơn 3kg. Tổng cộng sách khắc 580 chữ Hán và 2 chữ Nôm, hai trang ruột có tất cả 19 dòng đứng, có dòng chỉ có 1 chữ, dòng nhiều nhất 37 chữ, mỗi tờ đồng lá khắc chữ Hán nổi sắc nét dàn áp lại với nhau tạo nên những trang sách và gáy đóng bằng bốn khuyên tròn. Sách được làm ngày mồng 6 tháng 3 năm Hồng Đức thứ 3 (1472).

Ông Thuỳ giới thiệu: “Cùng là kim sách, song sách đồng là loại phổ biến hơn và gần gũi với đời thường bởi nó là loại sách tín ngưỡng do dân làm ra. Kho tàng sách đồng của Việt Nam chắc có khá nhiều nhưng hiện còn biết được khoảng 12 cuốn. Hai cuốn sách đồng của chùa Láng và chùa Dâu, sách đồng Cầu Không, sách đồng Đông Lao, 5 sách đồng Quảng Nam, sách đồng Mai Phúc - Gia Lâm. Sách đồng chùa Đậu ghi chép sự tích Man Vương và Tứ Pháp nay đã không còn”.

Qua những con số lịch sử cho thấy rằng cuốn “Cầu Không từ ký” ở Cầu Không, thôn Văn An xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam là cuốn sách đồng cổ nhất trong những cuốn sách đồng hiện được biết cho đến nay. Trong khi nó được đúc ở thế kỷ XV thì các cuốn sách đồng cổ khác phát hiện và lưu giữ được xác định là ra đời sau nó. Chúng ta có thể kể ra đây một số cuốn sách được coi là cổ và nổi tiếng trong lịch sử.

Bản hùng văn nặng nhất nước Việt!
4 mặt của cuốn sách đồng "Cầu Không từ ký"

Cuốn sách đồng ở Đông Lao được làm năm Chính hoà thứ 8 (1687) tức là thế kỷ XVII. Hiện sách được lưu giữ tại nhà thờ họ làng Đông Lao, huyện Hoài Đức, Hà Tây. Cuốn này có khối lượng đồng đỏ khá lớn khoảng 4,7 kg gồm 18 lá đồng.

Bảo tàng Quảng Nam còn may mắn mua được 4 cuốn đồng thư triều Nguyễn trong đó 3 cuốn đều là sách phong quân và phong vương cho cha con Nguyễn Phước Hiệu. Một cuốn đặc biệt khắc bài Ngự chế của vua Minh Mạng (1823).

Cán bộ viện nghiên cứu Hán Nôm, trong một lần đi điền dã đã phát hiện cuốn sách đồng làng Mai Phúc xã Ngọc Thụy, Gia Lâm (Hà Nội). Sách gồm 12 lá đồng cỡ 18x34cm nặng 1kg. Chữ Hán khắc chìm trên một mặt. Trên mỗi lá đồng số trang từ 1-12 ở góc bên trái, mỗi trang có 7 hoặc 8 dòng, mỗi dòng có từ 5 đến 25 chữ, tổng cộng khoảng 200 chữ. Nội dung sách là bản thần tích thần làng Mai Phúc được Đông các hoạ sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572.

So với những cuốn sách đồng trên, không những là cuốn sách đồng được coi là lâu đời nhất mà “Cầu Không từ ký” còn là cuốn sách nặng nhất, tuy nó chỉ có 4 trang. Theo ông Thuỳ thì so với một số quyển sách đồng sau này được làm vào thời Nguyễn, mặc dầu cuốn này ít chữ hơn nhưng so sánh mật độ chữ trên một tấm đồng, có 4 mặt đồng, không tính trang bìa thì 3 trang còn lại nghệ nhân đã khắc tạc được gần 600 chữ tất cả đều tinh xảo và điêu luyện. Điều đó cho thấy tài năng của người khắc chữ và sự phát triển rực rỡ của văn hoá khắc tạc thời bấy giờ.

Sử sách để lại nói rằng cuốn sách này vốn được cất giữ tại đền Cầu Không, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ngay từ lúc nó được tạc ra. Xưa kia đền toạ lạc ngay gian giữa của chiếc cầu gỗ 21 gian kiểu thượng gia hạ kiều. Chiếc cầu dài 21 gian, mỗi gian dài 2m, mái lợp ngói.

Đến năm 1952, do chiến tranh, không người để ý trùng tu, Cầu Không đã bị đổ, chấm dứt sự tồn tại gần 500 năm. Từ đó cuốn sách đồng quý này mới bị lưu lạc về nhà dân. Rồi một thời gian dài được đưa về viện Hán Nôm. Khoảng những năm 60 của thế kỷ trước Ty Thông tin Văn hoá của tỉnh Hà Nam mới xin lại về cho địa phương. Trong lần đưa từ viện Hán Nôm về ông Nguyễn Văn Thuỳ là người có mặt trong đoàn. Sách cổ được đưa về giao cho trường cấp II Bắc Ý sử dụng trong việc giảng dạy môn lịch sử.

Ông Thuỳ cho biết: “Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, chúng tôi đã xin lại nhà trường để mang về bảo quản. Bởi đó là một hiện vật vô giá của lịch sử để lại. Nhưng để trong nhà một ai đó thì cũng không hay cho nên chúng tôi đã cất cuốn sách đồng này ở Văn An Tự, đó là một ngôi chùa nhỏ nằm ở đầu thôn Văn An”. Từ đó đến nay, nó được nằm yên vị ở ngôi chùa này.

Ông Thuỳ cũng cho biết, hiện nay ở viện Hán Nôm cũng lưu lại và trưng bày bản dập của cuốn sách đồng này. Còn bản gốc thì được trả về với quê hương của nó và được cất giữ rất cẩn thận.

Một tư liệu lịch sử vô giá

Nếu như cuốn sách kinh Phật đồng ở chùa Láng, tương truyền sách được khắc kinh Phật chỉ để vua Lý tụng niệm mỗi lần ông đến lễ chùa thì sách đồng Cầu Không lại là pho dã sử kể về kỳ tích Lê Thánh Tông bình Chiêm ở phương Nam và cho dựng đền thờ Cầu Không. Cho dù có đôi chút thần thánh hoá, song thực sự là một tư liệu sử học quý về lai lịch Cầu Không cũng như cung cấp tư liệu chính xác về chiến tranh với Chiêm Thành và cả sự nghiệp an quốc nơi biên viễn phương Nam của Đại Việt hồi thế kỷ VI. Một biến cố lịch sử đã cách đây 536 năm.

Giá trị của sách đồng Cầu Không, chẳng những là sử liệu cho biết nhiều chi tiết quá trình xây dựng trùng tu Cầu Không, hành trang của vua Lê Thánh Tông mà còn là bản hùng văn ghi chiến tích bình Chiêm của ông cha, nội dung trong cuốn sách đã được dịch ra chữ Nôm, trong đó có đoạn: "Vào ngày mồng 6 tháng 11 năm Canh Dần (1470). Trẫm dẫn đại quân tiến đánh tiễu trừ Chiêm Thành. Đến ngày mồng 8 thuyền rồng của Trẫm mới dừng lại tại cửa sông Long Xuyên thuộc địa phận huyện Nam Sang. Đêm ấy Trẫm mộng thấy có một vị tướng tay cầm cờ vàng, hai chân trần, một chân bên tả; một chân bên hữu ngạn sông xin được theo để hỗ trợ uy vũ cho tới khi biển lặng sông yên mới thôi.

Nhân khi tỉnh mộng mới biết sông này có Dục Vân Linh Thần bèn sai lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ theo bờ sông này xem xét lại sự thật. Trong chốc lát tâu lên rằng: Qua địa phận Cầu Không có chợ, có sông, trên sông có một chiếc cầu giữa cầu có đền thiêng treo cờ giấy vàng, (vua) bèn sai quân đến cầu đảo. Nhân đây lấy cờ vàng này, treo ở thuyền rồng. Thuyền rẽ biển vào sông như đi trên đất liền... phất cờ này thì biển yên gió lặng, phá đồn Thị Nại, đánh tan Bồ Bàn, Trà Toàn bị bắt. Xa giá nhà vua thắng lợi trở về"… “Năm 1471, Trẫm truyền lâu dài ức vạn năm không mất bèn lấy sự tích khắc vào sách đồng đặng nghi nhớ mãi mãi trên đời vậy”.

Những cuốn sách đồng có giá trị sử liệu rất quý, bởi nó soi sáng cho rất nhiều sự kiện ghi chép trong chính sử. Cũng giống như cuốn sách “Cầu Không từ ký”, các cuốn sách đồng cổ khác cũng dùng để lưu giữ lại những sự kiện mang tính lịch sử.

Sách đồng tại nhà thờ họ Hoàng ở Điện Bàn, Quảng Nam cho biết, gốc gác ông Hoàng Diệu, vị tổng đốc đã tuần tiết khi Hà Nội đã thất thủ giữ vững khí tiết anh hùng. Ông vốn xuất thân từ một chi họ Mạc ở Hải Dương di tán vào Nam khi họ Mạc bị diệt vong.

Bảo tàng Quảng Nam còn may mắn mua được 4 cuốn đồng thư triều Nguyễn. Trong đó có 3 cuốn đều là sách phong quân và phong vương cho cha con Nguyễn Phước Hiệu. Một cuốn đặc biệt khắc bài Ngự chế của vua Minh Mạng (1823). Còn cuốn sách ở Đồng Lao thì nội dung sách thể hiện quy ước thờ cúng thành hoàng làng, một trong những danh tướng Lê - Trịnh có công lớn trong việc diệt Mạc.

Sách còn là cuốn khoán ước cổ có tuổi đời trên 300 năm. Ông Thuỳ so sánh: “Cũng đều là những cuốn nói khắc tạc lại một sự kiện lịch sử, nhưng sách đồng của chúng tôi đáng lưu ý ở chỗ là nó còn mang màu sắc thần linh nữa cho nên vừa mang tính lịch sử vừa là di tích lại còn mang màu sắc huyền bí. Cái hơn là ở chỗ đó”.

Ông Thùy hiện nay đã ngoài 81 tuổi, sức khoẻ đã yếu đi nhiều nhưng lòng tâm huyết với quê hương, với chính quyển sách quý đó thì vẫn còn nguyên vẹn. Ông tâm sự rằng ông như còn mắc nợ với chính những người đã sản sinh ra cuốn sách đồng cổ "Cầu Không từ ký" và cả những người đã truyền từ đời này qua đời khác gìn giữ nó: “Hiện nay trong làng còn có mươi lăm cụ độ tuổi như tôi, còn lại hầu hết là dân tứ xứ du nhập, lớp trẻ thì lo đi làm kinh tế. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất chính quyền địa phương dựng lại đền Cầu Không nhằm lưu giữ lại lịch sử và là nơi đặt cuốn sách cổ này nhưng họ vẫn chưa thấu. Mai này chúng tôi ra đi cả thì không biết thế nào”.

Theo Quang Thành
Gia Đình

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC