Bi hài phục trang sân khấu ViệtHoàng hậu nhà Lê mặc trang phục tân thời, cô Tấm cổ tích diện áo trễ cổ, kịch bản yêu cầu mặc “bạch bào bạch giáp” nhưng trên sân khấu, diễn viên lại “diện” áo xanh xen vàng chói lóa… chuyện phục trang của diễn viên sân khấu không ít lần khiến chính người trong cuộc dở khóc dở cười .

Không sai mới lạ

 

Chi hơn 300 triệu đồng dành riêng cho phục trang trong vở Oan khuất một thời, sự chịu chơi này của Nhà hát Chèo Hà Nội khiến dư luận xôn xao. Nhưng, điều làm dân tình bàn tán xôm tụ không chỉ vì kinh phí vượt trội, mà bởi “cái sự lạ” của phục trang diễn viên: hoàng hậu trong váy áo tân thời; quần áo của nông dân miền Bắc lại chẳng khác người miền Nam là bao…

Một số người trong nghề tiết lộ, chi phí dành cho phục trang sân khấu thường rất thấp và bị giảm thiểu đến mức tối đa. Vở Nàng Sita mới đây được thuê làm với mức 40 triệu đồng, vậy mà con số đó với không ít đoàn vẫn được xem là “chơi sang”. Còn để làm trang phục với hơn 300 triệu như Oan khuất một thời, ngoài nhà thiết kế Sỹ Hoàng chắc không ai dám mơ. Nhưng, có tiền chi sang, chưa hẳn đã có phục trang đúng “tuồng”.

NSƯT Hoàng Việt, một chuyên gia phục dựng tuồng cổ đã không khỏi “choáng” khi chứng kiến vở diễn có nội dung thời Lý, nhưng diễn viên lại mặc quần áo thời... Trần. Thậm chí có vở trang phục từ vua chúa, quan lại cho đến dân thường đều lóng lánh kim sa, kim tuyến…

Một trong những xu hướng của các nghệ sĩ hiện nay là “cách tân”, bởi thế, không ít khán giả “sốc” vì sự “quá táo bạo” trong trang phục khi phải ngắm nàng Mạnh Lệ Quân mặc sườn xám dạ hội, nàng Tấm diện áo hở cổ...

Màu sắc trang phục của từng loại vai vốn được quy định rất rõ, nay cũng bị sử dụng lẫn lộn. Triều nhà Trần quy định rõ, quan nhất phẩm mặc màu tía; nhị phẩm màu đại hồng; tam phẩm màu đào hồng; tứ phẩm mặc ngũ phẩm màu lục, người không có phẩm hàm và nô bộc dùng màu trắng, người hầu phải mặc váy mở, không dùng xiêm. Tuy nhiên, không phải người thiết kế sân khấu nào cũng tuân theo nguyên tắc này.

Họa sĩ Hoàng Song Hào, Trưởng khoa Thiết kế mỹ thuật, ĐH Sân khấu điện ảnh, bày tỏ quan điểm: “Lẽ ra phải có một nhà thiết kế trang phục riêng cho các vở diễn sân khấu, nhưng vì thiếu người và kinh phí eo hẹp nên nhiều khi, người ta phó thác cho các họa sĩ thiết kế sân khấu làm cả, dẫn đến nhiều sai sót”.

Trang phục muốn đẹp trước hết phải đúng

Bi hài phục trang sân khấu Việt_0
Hoạ sĩ Song Hào phác thảo chân dung Tuyên phi Đặng Thị Huệ

Theo lời họa sĩ Song Hào, Việt Nam chưa có nhà thiết kế trang phục chuyên nghiệp. Ông Hào cho biết, " ở Trung Quốc, điều này được khắc phục bằng cách quy tụ đội ngũ những người giỏi nhất vẽ ra các bộ mẫu chuẩn trang phục của từng thời kỳ và in thành sách, các nghệ sĩ cứ thế làm theo, sáng tạo gì cũng phải dựa trên tiêu chuẩn đó".

“Trang phục muốn đẹp, trước hết phải đúng đã”, ông Hào nói. Ông Hào cũng nhiều lần đề xuất ý kiến này với Bộ VH-TT-DL, nhưng đến nay, niềm mơ ước của ông vẫn… bị “treo”.

Một số công trình nghiên cứu đơn lẻ như Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam - tác giả Trịnh Quang Vũ, Trang phục Việt Nam - tác giả Đoàn Thị Tình vẫn gây nhiều tranh cãi, bởi vậy cho đến nay, chưa có sự thống nhất nào cho các tiêu chí thiết kế trang phục sân khấu ở Việt Nam. Chưa kể, một số người làm trang phục tốt đã chọn cách bỏ nghề vì không thể duy trì cuộc sống với thù lao quá “bèo”.

Trong khi chờ chủ trương, các họa sĩ vẫn âm thầm sưu tập và lưu giữ cho mình một kho tư liệu riêng. Từ năm 2001, ĐH Sân khấu điện ảnh bắt đầu đào tạo chuyên ngành "Thiết kế trang phục sân khấu" với 10 chỉ tiêu mỗi năm. Trong con số ít ỏi đó, lượng người trụ lại với nghề sau khi ra trường còn ít hơn.
 
“Tôi gặp nhiều em đã tốt nghiệp giờ lại đi thiết kế thời trang, có em còn mở shop bán váy bầu, quần áo Trung Quốc…”, họa sĩ Song Hào nói chua chát. Tuy nhiên, ông Hào cũng khẳng định, dù khó làm đến đâu, việc đào tạo các họa sĩ thiết kế phục trang sân khấu cũng cần được đầu tư và quá trình này còn lâu dài, bởi “phải đi thì mới thành đường”.

Theo Đất Việt.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC