Việc ca sĩ, người mẫu nối gót nhau lên màn ảnh, sân khấu là câu chuyện không chỉ riêng ở ta và cũng không… mới. Và cũng rất khó để kết luận thực tế ấy hợp lý hay chưa khi câu chuyện này chưa bao giờ được mổ xẻ một cách thấu đáo. Chỉ biết rằng, lượng ca sĩ, người mẫu chen chân sang chốn phim trường ngày một nhiều, trong khi nhiều diễn viên chuyên nghiệp đang đứng trước nguy cơ… thất nghiệp.
Đi tìm cái gọi là chuyên nghiệp trong làng show-biz Việt, đặc biệt là đối với điện ảnh trong thời điểm hiện nay có lẽ là điều không dễ. Thế nên, diễn viên chuyên nghiệp ở đây xin tạm hiểu là những tài năng được phát hiện và đào tạo chính quy tại các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành.
Bộ phim Bỗng dưng muốn khóc (ĐD Vũ Ngọc Đãng - VTV1) vừa tạo ra được một cơn “sốt” trong dư luận. Khoan bàn về chuyện hay dở và chắc cũng không cần phải đợi chờ kết quả từ một cuộc tổng kết nào đó, người ta cũng có thể khẳng định rằng đây là bộ phim truyền hình “hot” nhất trong năm. Và đương nhiên cặp đôi “hot” nhất màn ảnh nhỏ 2008 cũng chính là Tăng Thanh Hà và Lương Mạnh Hải. Nhưng nhìn kỹ lại một tí thì rõ ràng cặp diễn viên này nếu ưu ái lắm cũng chỉ có thể xem là bán chuyên nghiệp. Lương Mạnh Hải xuất thân là một phóng viên “sang ngang”, còn Tăng Thanh Hà từng được biết đến với danh xưng người mẫu (dù cô có tham gia khóa học kịch ở Idecaf).
Ở một bộ phim khác, đình đám không kém, Cô gái xấu xí, người ta cũng nhìn thấy lượng diễn viên áp đảo trong bộ phim này là các chàng trai, cô gái “chân dài”. Muốn có cái nhìn chắc chắn hơn, người ta có thể ngắm vào thực đơn phim Tết 2009 (cũng như những năm trước) là có thể tự trả lời cho mình câu hỏi lực lượng diễn viên nòng cốt của điện ảnh Việt hôm nay là ai!? Vậy thì diễn viên chuyên nghiệp của ta đang ở đâu?
Những cuộc “đổi đời”
Huỳnh Trấn Thành (phải) - Chàng MC được HTV “khai quật” cũng xuất thân từ Trường CĐ SK-ĐA TP. HCM |
Thực tế cho thấy, tại TP.HCM, Trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP.HCM (CĐ SK-ĐA TP.HCM) từng là “cái nôi” phát hiện và nuôi dưỡng nhiều thế hệ nghệ sĩ. Trong số họ có những người đang giữ những vị trí quan trọng, quyết định sự sống còn của các sân khấu kịch như: NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu (Idecaf), Hồng Vân (Phú Nhuận)... Nói như nghệ sĩ Công Ninh, Trưởng khoa đào tạo diễn viên Trường CĐ SK-ĐA TP.HCM) thì: “Trường này đã “đổi đời” cho rất nhiều em, như: Quyền Linh, Kim Chi, Thanh Vân, Thanh Thúy, Đức Thịnh, Đại Nghĩa, Xuân Thùy, Huy Khánh, Trung Dũng, Cát Tường... Có nhiều em khi vào trường này thậm chí xe đạp để đi còn không có, bây giờ thì villa, xe hơi”.
Tuy nhiên, bên cạnh những gương mặt được “đổi đời” theo hướng “villa, xe hơi”, thì một thực tế khác là không ít sinh viên “đổi đời” theo hướng ngược lại. Nhiều sinh viên khi ra trường với tấm bằng xuất sắc hay chí ít được công nhận là có kỹ năng diễn xuất nhưng bây giờ chẳng biết đã “neo đậu” về đâu.
Trường CĐ SK-ĐA đã phát hiện và đào tạo được 11 khóa diễn viên hệ cao đẳng và trên 30 khóa diễn viên hệ trung cấp. Mỗi khóa từ 4 đến 5 lớp, mỗi lớp khoảng 20 sinh viên. Chỉ cần một phép tính đơn giản, ai cũng có thể thấy số lượng diễn viên ra trường mỗi năm là bao nhiêu, tuy nhiên số sinh viên bỏ học cũng không ít. Đạo diễn trẻ Văn Công Viễn (HK Film) ước lượng: “Có khoảng 40% sinh viên ngành diễn viên của trường này bỏ nghề, 60% còn lại có làm nghề nhưng không phải là làm diễn viên mà chủ yếu làm trợ lý”.
H.A là một trong số đó, sau khi học xong, chàng diễn viên này chỉ nhận được một vài vai diễn thấp thoáng trong các bộ phim nhựa và thu nhập chủ yếu phải đợi vào khoản lương làm trợ lý. H.A tâm sự: “Làm nghề này cực lắm, hay bị chửi oan và mấy anh chủ nhiệm ép. Em cũng chỉ mong được một vai hơi lớn như vai thứ thôi nhưng cơ hội đào đâu ra”.
Càng học cao càng có nguy cơ… thất nghiệp
Thúy Nga, Việt Hương – những cựu sinh viên SK-ĐA chỉ đắt show ở sân khấu hài
Song, xem ra những người như H.A vẫn còn may mắn vì ít ra còn sống được với nghề. V.T - một đạo diễn sân khấu trẻ đã tốt nghiệp tại trường này cho hay: “Có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi như Như Cầm, Xuân Phương..., có giọng đẹp, diễn hay, sắc vóc “ok”, nhiều người đánh giá Xuân Phương có chất giọng đẹp hơn cả cô Tú Trinh, nhưng sau khi ra trường là... mất tích. Tôi có theo dõi nhưng không biết cô này đi đâu và không hề thấy có mặt trong bất kỳ sân khấu nào. Tiếc lắm!”.
T.A - một sinh viên đang học đạo diễn sân khấu cho biết thêm: “Năm 2006, tôi vào trường song hành với một lớp diễn viên của cô Ca Lê Hồng gồm 20 người thì bây giờ chỉ còn lại mười người. Khóa diễn viên gồm năm lớp với gần một trăm con người thì bây giờ cũng chỉ còn trên dưới năm mươi. Trong năm mươi con người đó chỉ cỡ năm bạn có vai trong các phim truyền hình. Ngay cả Lý Thanh Thảo (diễn viên được biết đến qua các bộ phim truyền hình gần đây như Vòng xoáy tình yêu, Cỏ dại - PV) diễn khá tốt, có vai diễn để lại ấn tượng nhưng phải sống nhờ vào nghề... lồng tiếng. Tốt nghiệp xong, đi được vài phim thì giờ không có phim để đi nên phải mở một tiệm bán hoa để nuôi nghề...”.
Còn bốn mươi mấy người còn lại sẽ về đâu sau ba năm học tập với không ít tiền của? “Bạn nào lanh lẹ thì ra móc show diễn quần chúng để tuyên truyền chống ma túy, AIDS cho phường, xã, khu phố văn hóa nào đó. Hay đi tấu hài, đi làm “event” ở các nhà hàng, thậm chí đi làm những con rối ở các siêu thị, có người đi làm nhóm nhảy hiphop. Bi kịch không!?” - T.A vừa trả lời, vừa đặt một câu hỏi to tướng.
Sinh viên Trường SK-ĐA trong vở Chí Phèo (đạo diễn Hoàng Thúy) |
Thực tế còn những nghịch lý đến mức khó tin, như sinh viên càng chăm, học càng cao thì càng đứng trước nguy cơ... thất nghiệp. T.A bức xúc: “Nghịch lý là đa số sinh viên chăm chỉ học khi ra trường không làm được nghề, còn những sinh viên bỏ học đi show khi ra trường lại làm được nghề”. V.T bổ sung: “Thêm một nghịch lý nữa là sinh viên hệ trung cấp làm nghề được hơn sinh viên hệ cao đẳng và Việt Hương, Thúy Nga là những ví dụ điển hình”.
Tại anh, tại ả, tại cả… nhiều bên
Giải thích cho sự “tréo ngoe” trên, T.A cho biết : “Sinh viên muốn có đất để dụng võ, có những em chịu đi diễn với đồng lương rất thấp nhưng vẫn không có chỗ để hành nghề trong khi sân khấu của trường (Nhà hát Thế Giới Trẻ) thì gần như tê liệt. Nghề này như viên ngọc vậy, phải mài giũa thì mới sáng được! Diễn viên mới ra trường hiện nay rất khó lọt được vào các sân khấu của thành phố vì tất cả đều đã có ê-kíp!? Chị Hồng Vân dù có thương diễn viên đến mấy cũng không thể nuôi hết lượng diễn viên ra trường hàng năm. Thế nên 50% lượng sinh viên bước vào năm 2 là bắt đầu cảm thấy chới với”.
Một lý do khác cũng quan trọng không kém “góp phần” tạo nên làn sóng diễn viên thất nghiệp nằm ở giáo trình đào tạo diễn viên. Nhiều năm nay, sinh viên trường này vẫn học một giáo trình đào tạo diễn viên đa năng, nhập nhằng giữa 3 phần phim 7 phần kịch. Vì lẽ đó, sau khi ra trường, hầu hết các sinh viên chỉ giỏi kịch trong khi số lượng sân khấu ở TP.HCM có giới hạn. Phần “nảy nở” và “sầm uất” hơn là địa hạt phim truyền hình thì họ gần như không thể hòa nhập bởi lối diễn quá “over” - vốn chỉ hợp với sân khấu.
Ngọc Thuân - chàng sinh viên vừa học năm thứ nhất đã được đạo diễn Lê Hoàng mời làm “trai nhảy” trong bộ phim cùng tên |
Đạo diễn Văn Công Viễn nhận xét : “Các sinh viên ra trường diễn không nét, tất cả đều nam thanh nữ tú y chang nhau. Họ diễn quá thiên về kỹ thuật, diễn theo lối mòn, rập khuôn những trạng thái cảm xúc: buồn, vui, hờn giận một kiểu. Phim cần sự hợp vai chứ không chỉ là sự tròn vai. Chỉ khi hợp vai thì vai diễn mới tự nhiên và tươi mới”.
Yếu về sắc vóc, hạn chế về kỹ năng, non nớt về mặt kinh nghiệm lại phải học một giáo trình chưa phù hợp, nhưng nhiều sinh viên còn tự "chặt chân" mình bởi sự ảo tưởng quá mức về mình. Họ lửng lơ, bay bổng trong giấc mơ của một nghệ sĩ lớn. Một số đạo diễn cho rằng nhiều sinh viên ngành diễn viên bây giờ cứ nghĩ sau khi học xong mình được đóng vai chính, khi được mời không chịu đóng các vai nhỏ. Không ít sinh viên cằn nhằn khi casting vì họ nghĩ đó là việc không cần thiết. Họ không thể hiểu chẳng có nền điện ảnh nào trên thế giới mà không có casting. Trong khi đó, nhiều người mẫu giờ đây vừa đẹp, lại biết phấn đấu, tác phong làm việc dễ thương.
H.A, với kinh nghiệm vài năm làm trợ lý cũng đúc kết: “Các em vào trường cứ nghĩ mình là hay, là giỏi. Các anh trợ lý muốn mời mà cứ chê vai nhỏ, ít phân đoạn, ít tiền. Cái gì cũng phải từ từ chứ ! Hiếm có cơ hội được người ta mời ngay một vai lớn khi người ta chưa biết về diễn xuất của em đó ra sao. Chẳng khác nào người ta đánh cược với công việc của họ. Còn ở ngoài, các người mẫu rất dễ gọi, dễ hướng dẫn và giờ giấc cũng “ok” hơn”.
Tuy nhiên, một đạo diễn nghiêm túc và có tâm huyết trong công tác giảng dạy (xin được giấu tên) lại mở rộng vấn đề hơn và cho rằng phần cốt lõi và sâu xa hơn của những nghịch lý không nằm trong sự bất cập ở việc dạy và học của nhà trường với sinh viên mà phụ thuộc ở một “tầng” cao hơn. Đó là cơ chế làm phim hiện nay cũng như cách hành xử của các nhà quản lý phim ảnh.
Cát Tường (giữa) - từng là thủ khoa của Trường CĐ SK-ĐA nhưng cũng từng có mấy năm phải “rời nghề”. Hiện chị đã trở lại với sân khấu kiêm bà chủ của một số trung tâm thẩm mỹ |
Ông phân tích: “Đặc thù của điện ảnh là những gương mặt gần gũi với cuộc đời nên đôi khi may mắn tìm được những nhân vật trong cuộc đời đầy đủ vốn sống, đầy đủ những thứ theo yêu cầu của đạo diễn. Nếu cô ta dạn trước ống kính thì tuyệt vời. Một diễn viên kịch là phải đào tạo cực kỳ, làm việc cực kỳ nhưng điện ảnh thì có quyền chọn diễn viên bên ngoài. Nhưng điều đó không thể trở thành tiêu chí. Chúng ta tìm ca sĩ, người mẫu như hiện nay thì phải tìm trên cơ sở nào, chúng ta đi tìm người để xây dựng hình tượng hay làm phim kiểu hãy xem phim đi vì có cô người mẫu này, người mẫu kia đóng?
|
Trong gian nan hiện tại, điện ảnh chết dần chết mòn, còn truyền hình thì xã hội hóa nửa vời. Phim thương mại thực sự rất có giá trị, toàn bộ hệ thống điện ảnh Mỹ sống bằng phim thương mại. Hệ thống điện ảnh Pháp được chính phủ hỗ trợ tài chính nhưng phim không phải của chính phủ, chính phủ hỗ trợ hay những tập đoàn khác hỗ trợ nhưng phim là của tư nhân. Vậy thương mại ở đây là sự cạnh tranh dựa trên cơ sở phim hay. Còn mình bây giờ là sự thô bạo trong quảng cáo.
Tại ai? Tại những nhà quản lý. Phim phát sóng phát cái gì cũng được, người ta không có sự chọn lựa vì họ mua sóng rồi. Họ không cần phim chất lượng, họ chỉ cần phát sóng cái gọi là phim để đưa quảng cáo vào thôi. Chứ nếu phim thương mại có cạnh tranh thực sự thì những nhà quản lý phải là nhà điều tra, điều tra gu thẩm mỹ, về thị hiếu của xã hội, khuynh hướng người ta đang nghĩ cái gì. Phim truyền hình có cái giá của nó chứ không phải là thứ thô lỗ, đừng coi thường nó, đừng phá bỏ từ gốc như cách của các nhà quản lý. Xã hội hóa không tới, họ đẩy ra một loại phim mà không hiểu thế nào là phim cả. Từ sự vội vã đó, chúng ta phải công nhận rằng có những kịch bản, những bộ phim không đủ sức thuyết phục nên người ta phải tìm nhiều cách thuyết phục khác.
Tội nghiệp thay là nhiều sinh viên rơi vào tay của những kẻ làm phim cẩu thả và họ nghĩ đó là chuẩn làm phim. Thực tế hiện nay không phải làm phim, điện ảnh gần như chết còn phim truyền hình rất ít người nghiêm túc. Nên các em học ở trường đã không vững, khi ra các phim trường lại nghĩ đó là chuẩn mực.
Có sinh viên nói với tôi rằng thưa thày con được một vai gồm bốn mươi mấy phân đoạn, bữa nay con diễn một lèo mười phân đoạn luôn. Tôi đã nói với em ấy rằng con đừng nói với thày là con đã diễn mấy chục phân đoạn mà là con đang diễn gì, nhân vật gì, tâm lý gì cho thày nghe thì em ú ớ. Nhiều em đang tấu hài hạ cấp mà không biết, gieo trong đầu các em một suy nghĩ làm nghệ thuật là kiếm tiền nhanh và họ khựng lại với những tiêu chí đó. Đó mới chết! Thỉnh thoảng tôi vẫn nghe những hội thảo kịch bản hay, đạo diễn hay, tôi chán lắm vì tất cả những sự cố gắng đó chẳng dính dáng gì đến những người quyết định làm phim nào để phát. Lasta chẳng hạn! Yên tâm đi! Tôi mua rồi, 9h đến 10h chẳng hạn, anh muốn coi thì coi của Lasta thôi! Nhà của tôi rồi, ai chen vào được. Bây giờ chỉ cạnh tranh sóng này kia thôi chứ không phải là cạnh tranh phim.
Đó là nguyên nhân chính yếu tạo ra cái hệ quả hôm nay. Chúng ta bơ vơ đi tìm hiểu cách đào tạo diễn viên, đạo diễn đang bấn loạn, suy thoái mà không biết rằng việc cần thiết hơn là ở các nhà quản lý!”.
***
Các nghịch lý sẽ tiếp tục tồn tại bởi những “lỗi lầm” đã có tính hệ thống, có được rót xuống từ trên cao, mỗi nơi hứng một tí. Và như thế câu chuyện người mẫu đóng phim, diễn viên thất nghiệp chắc khó có cơ hội được khép lại, còn các “thượng đế” thì vẫn phải tiếp tục đợi chờ và hy vọng một ngày đẹp trời nào đó những vai diễn nhợt nhạt thôi trôi qua màn hình chiếc vô tuyến nhà mình.
Theo Hải Hà