Gọi 82 tấm bia tiến sĩ là "những trang sử bằng đá", nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng, với việc được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới, báu vật lịch sử của VN sẽ được biết đến rộng rãi hơn.
Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào chiều 9/3. Đây là Di sản tư liệu thế giới thứ hai của Việt Nam, sau Mộc bản triều Nguyễn.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Vinh Phúc chia sẻ: "Đây là thắng lợi của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, bởi báu vật lịch sử của chúng ta đã được thế giới biết đến. 82 tấm bia tiến sĩ là những trang sử bằng đá, lưu lại trí tuệ, văn hóa, tâm hồn và quan điểm giáo dục của các triều đại Việt Nam, sẽ tồn tại vĩnh viễn trong thời gian và ký ức của con người".
Được coi là pho sử đá đồ sộ, 82 tấm bia, chia làm hai hàng, đặt hai bên Thiên Quang tỉnh, trong khuôn viên Văn Miếu Quốc Tử giám, ghi tên tuổi của 1.304 tiến sĩ đỗ đạt trong các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779.
Nhận định về giá trị của Bia tiến sĩ Văn Miếu, ông Nguyễn Vinh Phúc nói: "Trước hết, đây là một di tích có giá trị lịch sử, ghi danh những danh nhân, trí thức của Việt Nam trong hơn 3 thế kỷ. 82 tấm bia cũng là tài liệu quý về địa lý, lịch sử. Bởi địa danh thay đổi theo thời gian. Những gì còn ghi lại trong những bia đá này ít nhiều sẽ giúp người đời sau tìm được tư liệu quý về dư địa chí. Đây cũng là nơi thể hiện quan điểm giáo dục, đào tạo con người của các triều đại Việt Nam, bộc lộ ngay trong tấm bia cổ nhất: 'Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh…'. Vì vậy, nó cũng có ý nghĩa đề cao đạo học. Hơn nữa, mỗi một tấm bia, ở một khía cạnh nào đó, còn là một công trình văn hóa, kiến trúc, thẩm mỹ".
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến chủ trương đề cao sự học, tôn trọng hiền tài, chăm lo giáo dục của các triều đại xưa thể hiện qua các văn bia. Ngoài ra, ông cho rằng, một thông điệp quan trọng nữa, ghi rõ trong các tấm bia là sự đòi hỏi nhân tài phải có đóng góp nhất định cho xã hội, tương xứng với vinh dự ghi danh bảng vàng bia đá mà họ nhận được.
Như mọi di sản vật thể và phi vật thể khác, sự công nhận của thế giới cũng đặt ra cho Việt Nam yêu cầu khắt khe trong việc bảo quản và phát huy di sản. Ông Dương Trung Quốc cho rằng, những năm gần đây, Ban quản lý di tích cũng đã thực hiện rất tốt việc bảo vệ Văn Miếu nói chung và bia tiến sĩ nói riêng. Trước đây, 82 tấm bia từng phải nằm trầm mình trong mưa gió. Nhưng từ năm 1993, nhờ sự tài trợ của một tổ chức nước ngoài, hai dãy mái che đã được dựng lên để bảo vệ các cụ rùa đội bia. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng thắt chặt hơn nội quy đối với khách tham quan, đồng thời có nhiều hình thức quảng bá, tuyên truyền về Văn Miếu qua các ấn bản giới thiệu.
Tuy nhiên, trước lượng khách du lịch ngày một tăng, 82 tấm bia tiến sĩ cũng đang đối diện với những nguy cơ hư hỏng. Sự ngưỡng vọng của thế hệ sau dành cho truyền thống khoa cử của người đi trước đã tạo nên thói quen tín ngưỡng ở Văn Miếu. Hàng năm, vào dịp mùa thi, hàng nghìn lượt sĩ tử đua nhau đến sờ đầu rùa để lấy may. Nhiều người thậm chí còn ngồi, đứng lên cả các cụ rùa. Hiện tượng đó đã khiến cho nhiều đầu rùa bị bào mòn, các dòng Hán tự bị mờ dần. Trước thực trạng này, ông Dương Trung Quốc cho rằng, không dễ gì để xóa bỏ niềm tin của dân chúng trong ngày một ngày hai. Điều quan trọng là phải giáo dục để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, có ý thức hơn trong việc bảo vệ di sản. Để làm được điều đó, ông Quốc khẳng định, cần có hình thức giúp lớp trẻ đọc, hiểu được thông điệp trên các tấm bia thông qua việc chuyển ngữ, phát hành các tập sách hướng dẫn, giới thiệu về Bia tiến sĩ tại Văn Miếu.
Ông Đặng Kim Ngọc - Giám đốc Trung tâm Văn Miếu cho biết - trong hồ sơ đệ trình lên UNESCO, Trung tâm cũng đã đề nghị Ủy ban UNESCO và Chương trình Ký ức thế giới quan tâm giúp đỡ trong việc bảo quản 82 tấm bia tiến sĩ - những di tích làm bằng chất liệu khá bền vững nhưng không thể vĩnh viễn với thời gian nếu không có những phương pháp bảo vệ đúng cách.
Theo VNE.