Body art - Nhiều chuyện để nóiThực ra Body art cũng có lợi thế của một loại hình nghệ thuật hiện đại đó là tiếp cận gần với công chúng, khai thác trên “chất liệu” mới lạ - vẽ trên thân thể người. Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam, loại hình nghệ thuật này lại vấp phải những phản ứng trái chiều nhau.

Bức tranh “sống”...

Không giống như các loại hình nghệ thuật khác, Body art được các họa sĩ dùng chính thân thể con người để trực tiếp thể hiện ý tưởng của mình. Như vậy, bức tranh sống cùng một lúc làm được 2 cái mà ít thể loại hội họa nào có thể làm được. Khán giả vừa có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hóa, đồng thời lại đón nhận ý tưởng mà người họa sĩ muốn gửi gắm.

Theo các nhà chuyên môn, Body art được chia thành 3 dòng là Body art painting (vẽ trên cơ thể), Body tattoos (xăm hình lên cơ thể) và Body piercings (treo vào da thịt những đồ trang sức hoặc trang trí).

Thực chất Body art đã xuất hiện ở Việt Nam lâu rồi, dưới dạng các hình xăm hoặc là cách vẽ mặt tuồng trong các lễ hội dân gian. Còn Body art painting hiện đại thì thực sự vẫn còn mới mẻ nhưng cũng không phải là không có những họa sĩ đã thể nghiệm loại hình nghệ thuật này.

Tuy về mức độ thể hiện không bạo dạn như ở các nước phương Tây, song cũng đã manh nha và phôi thai một vài cách thức thể hiện gắn liền với nghệ thuật trình diễn.

Vào năm 2007, trong cuộc trình diễn, sắp đặt “Vào chợ” do họa sĩ Ngô Lực làm trưởng nhóm, nghệ sĩ Phạm Văn Trường đã vẽ hình trái tim màu trắng lên ngực và bụng trên chính cơ thể mình và muốn công chúng cùng tham gia vẽ lên cơ thể một hình bất kỳ.

Tác phẩm của anh đã gây được sự chú ý đối với người xem có lẽ bởi sự lạ lẫm và một hình thức thể hiện gần gũi với công chúng.

Cần tới sự điêu luyện

Ở Việt Nam, những nghệ sĩ làm Body art chưa có nhiều. Lý do thì có nhiều, song chủ yếu vẫn là thái độ e dè trước loại hình nghệ thuật này bởi thuần phong mỹ tục vốn là vấn đề rất được coi trọng ở các nước á Đông.

Công chúng Việt Nam hẳn sẽ khó chấp nhận hình ảnh của một người mẫu trong tình trạng khỏa thân với những hình vẽ nhằng nhịt trên người đi lại và trình diễn trong không gian công cộng và càng nực cười hơn khi người họa sĩ thực hiện tác phẩm lại luôn mồm nói rằng anh ta đang truyền đến cho người xem những ý tưởng cao đẹp.

“Tiền trảm hậu tấu...”

Hiện nay, Body art vẫn đang được các họa sĩ làm trong “bóng tối” mà không xin phép nhà quản lý. Điều này cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý.

Vì nếu các họa sĩ bỏ qua bước kiểm định thì chất lượng các tác phẩm Body art không biết sẽ đi đến đâu, có còn nằm trong phạm vi cho phép nữa không, trong khi ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật là rất mong manh.

Body art - Nhiều chuyện để nói
 

Ngược lại cũng đã có những trường hợp các nghệ sĩ bị từ chối cho tác phẩm xuất hiện trước công chúng. Vậy nên nhiều nghệ sĩ thích thì làm, không xin phép cơ quan quản lý. Làm xong, nếu không được trình diễn thì mời bạn bè đến xem.

Theo nghệ sĩ Phạm Văn Trường thì: “Tôi không dám xin phép cho tác phẩm của mình được trình diễn vì biết chắc rằng sẽ bị đình chỉ ngay. Vậy thì làm theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, ít ra còn được đem tác phẩm mình mất nhiều công sức ra khoe với thiên hạ”.

Điều đó chứng tỏ rằng với mong muốn đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật cả nước về một loại hình nghệ thuật đương đại, các họa sĩ trẻ vẫn tiếp tục theo đuổi Body art.

Nghệ sĩ Minh Đăng, một trong những người làm dự án GPRO trong TP Hồ Chí Minh vẫn âm thầm tìm kiếm người mẫu để vẽ và làm một bộ sưu tập  Body art. Anh hy vọng sau này sẽ được nhà quản lý đồng ý làm một cuộc triển lãm đầu tiên ở Việt Nam về Body art.

Theo Phạm Hương
ANTĐ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC