Phòng trà, bar: Ế ẩm
Phòng trà ca nhạc hoạt động kiên trì và đều đặn nhất ở Hà Nội hiện giờ có lẽ là Aladin của NSND Thanh Hoa. Với dòng nhạc đặc trưng và có lẽ là câu lạc bộ duy nhất “chuyên” về nhạc truyền thống ở Hà Nội, Aladin có một lượng khán giả trung thành hằng đêm.
Thế nhưng, những cái tên Thanh Hoa, Anh Thơ, Việt Hoàn, Tân Nhàn, Tuấn Anh, Hồ Anh Dũng... dù hấp dẫn đến mấy cũng chỉ kéo được vài ba chục khách. Phải là những ngày cuối tuần hay chương trình thực sự lớn, khán phòng vài trăm chỗ của Aladin mới tạm gọi là đông.
Hồ Gươm Xanh - quán bar có thể coi là sành điệu nhất, cũng là sân chơi âm nhạc đẳng cấp nhất của giới trẻ Hà Nội sau khi New Century bị đóng cửa - những ngày giữa tháng 3 cũng rất âm thầm. Cũng giống Aladin, chỉ những tối cuối tuần hay dịp đặc biệt, “ngôi sao” mới xuất hiện ở đây. Còn những ngày bình thường, ngoài màn múa khêu gợi, phần lớn ca sĩ chỉ là ca sĩ độc quyền của công ty này, như Trà My, Anh Tú, Việt Dũng...
Ca sĩ Thu Ba, người quản lý âm nhạc của Hồ Gươm Xanh, cho biết quán bar này hoàn toàn không có chương trình đặc biệt nào cho những ca sĩ Hà Nội trong thời gian tới. Tuy nhiên, kế hoạch biểu diễn của những ca sĩ trẻ đến từ phương Nam như Đoan Trang, Hà Anh Tuấn hay đã rất quen thuộc như Jimmy Nguyễn, Hương Lan... cũng đã có.
Jazz club của cha con nhạc sĩ Quyền Văn Minh - Quyền Thiện Đắc cũng là một điểm hẹn âm nhạc của những người yêu nhạc jazz ở Hà Nội. Say đắm hằng đêm với những giai điệu đẹp, nhưng điểm diễn này hoạt động cũng rất cầm chừng bởi nhạc jazz rất kén khán giả.
Khách của câu lạc bộ này phần nhiều là người nước ngoài, số còn lại là dân trường nhạc. Khách ở xa đến Hà Nội muốn tìm một phòng trà nghe nhạc trữ tình e là sẽ phải thất vọng vì không tìm đâu ra.
Ca sĩ vắng sô
Kinh tế khủng hoảng đã khiến cho thị trường âm nhạc Hà Nội vốn trầm lắng nay lại càng ảm đạm hơn. Dịp 8-3, ở Hà Nội chỉ vỏn vẹn có hai chương trình: Ru tình và Hoa cúc vàng tháng 3 với dàn sao Hà thành hùng hậu gồm: Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồ Quỳnh Hương, Nguyễn Ngọc Anh, Trọng Tấn.
Dù thu hút đông khán giả nhưng các chương trình này cũng chỉ diễn hai đêm là hết. Nếu ở TPHCM các ngôi sao hạng nhất xuất hiện khá đều đặn ở các phòng trà hạng sang thì ở Hà Nội, những ngôi sao như Mỹ Linh, Thanh Lam không bao giờ xuất hiện ở Hồ Gươm Xanh hay những quán bar khác.
Diva Thanh Lam cho biết trước khi lên kế hoạch phát hành album Nơi bình yên vào tháng 6 tới, chị không có kế hoạch gì cho công việc ca hát của mình ở Hà Nội. Còn với Mỹ Linh, lịch biểu diễn có vẻ bận rộn hơn nhưng cũng chỉ là góp mặt trong đêm nhạc Phạm Duy vào ngày 27-3 và lễ hội hoa anh đào vào ngày 11-4.
Mỹ Linh tâm sự vẻ ảm đạm của thị trường âm nhạc ít nhiều đã ảnh hưởng đến cuộc sống của chị. Và để vượt qua những lúc khó khăn thế này, cần phải sống bằng những hoạt động ngoài âm nhạc, ví dụ tham gia đóng quảng cáo. Ca sĩ Sao Mai Ngọc Anh có vẻ đắt sô hơn các đàn chị, nhưng cô phải tất bật chạy sô giữa Đà Nẵng với Quảng Ninh, Hải Phòng.
Xem miễn phí qua tivi
Lý giải cho đời sống âm nhạc ảm đạm trên đất Hà thành, ca sĩ Thanh Lam cho rằng kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành giải trí và rất khó để kéo khán giả đến với các sân khấu ca nhạc. Các bầu sô cũng không dám mạo hiểm bỏ tiền cho một “canh bạc” có tên là nghệ thuật.
Nhưng cũng còn một lý do nữa, theo Thanh Lam, là chưa bao giờ sân khấu Hà Nội nhộn nhịp như ở TPHCM. Thói quen cuối tuần đi nghe ca nhạc không tồn tại trong đa số người Hà Nội. Người thủ đô ít ra đường và khi rơi đúng vào thời kinh tế khủng hoảng thì cách tốt nhất là ở nhà xem ca nhạc miễn phí qua tivi.
Theo Người lao động.