Pháo hoa, múa lân và sắc đỏ rực rỡ tràn ngập đường phố, nhà cửa và quần áo là dấu hiệu của Tết Nguyên đán ở các nước Đông Nam Á.

Mỗi một đất nước, một nền văn hóa lại được dịp khoe sắc vào dịp Tết Nguyên đán này. Được trải nghiệm trong lễ hội này, chúng ta sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị.

Malaysia

Với gần 1/4 dân số là người gốc Hoa, Tết Nguyên đán tại Malaysia được tổ chức rất hoành tráng và sôi động. Trong 2 tuần nghỉ lễ, người dân sẽ trang trí nhà cửa bằng hoa tươi, câu đối, tranh vẽ... đa phần đều mang sắc đỏ với hy vọng về năm mới bình an, hạnh phúc.

Ngoài đường, các khu phố tổ chức múa rồng, múa lân. Các gia đình tụ họp, bạn bè gặp mặt ngày Tết.

1 Cac Nuoc Dong Nam A Don Tet Nguyen Dan The Nao

Các cô gái Malaysia viết lời ước lên quả quýt trong lễ hội Chap Go Mei

Đặc biệt, vào đêm thứ 15 của Tết Nguyên đán, còn gọi là Chap Goh Mei, người Malaysia gốc Hoa sẽ tổ chức lễ hội dành riêng cho những cô nàng độc thân.

Theo phong tục, vào dịp Tết Nguyên đán, những cô gái chưa chồng sẽ ném những quả quýt ghi ước nguyện của mình xuống dưới biển để cầu duyên lành cho năm mới. Chap Goh Mei cũng được coi là ngày Valentine của người Malaysia gốc Hoa và để kỷ niệm dịp nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc. Lễ hội này thường được tổ chức ở Penang.

Ngày nay, lễ hội đã được mở rộng sang nhiều tỉnh, thành có nhiều người Hoa sinh sống tại Malaysia. Người dân, bất kể tuổi tác hay tình trạng mối quan hệ, đều mua một quả quýt, viết điều ước hoặc tên, số điện thoại và thả xuống biển để cầu chúc những điều tốt đẹp nhất cho năm mới.

Indonesia

2 Cac Nuoc Dong Nam A Don Tet Nguyen Dan The Nao

Người dân Indonesia tổ chức Lễ múa rồng

Dù là một trong những quốc gia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, tại Indonesia, người dân vẫn coi Tết Nguyên đán là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm. Đặc biệt là tại thành phố Singkawang, đảo Borneo, nơi có 70% dân số là người gốc Hoa và được mệnh danh là “Phố Tàu của Indonesia”.

Tại Indonesia, Tết Nguyên đán còn gọi là Imlek, được tổ chức vào ngày 1/1 Âm lịch hàng năm giống với Việt Nam hay Trung Quốc. Từ năm 2002, Indonesia công nhận Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ quốc gia của đất nước Hồi giáo này.

Vào dịp Tết Nguyên đán, người dân Indonesia cũng tất bật dọn dẹp nhà cửa, trang trí nhà cửa bằng hoa, đèn lồng, câu đối... Những chiếc đèn lồng đỏ rực trên đường phố là hình ảnh phổ biến báo hiệu đất nước này đang tổ chức đón Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, người dân thường sơn lại cửa sổ, cửa ra vào và dán chữ “Phúc” bằng tiếng Hán trước cửa. Theo quan niệm truyền thống, vào thời khắc Giao thừa, thần tài sẽ tới thăm từng nhà nên những cánh cửa cần được trang trí thật đẹp. Nhiều người mở rộng cửa nhà trong đêm Giao thừa với hy vọng mọi tài lộc, may mắn sẽ thu hút vào nhà.

Sau khi xem pháo hoa hoặc múa lân, người dân thường đi chùa cầu bình an, đi chúc Tết họ hàng, làng xóm. Trong những ngày Tết, họ thường ăn bánh tổ, một món bánh truyền thống có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bánh tổ được chế biến từ bột gạo nếp, thường dùng để cúng lễ hoặc làm món tráng miệng.

3 Cac Nuoc Dong Nam A Don Tet Nguyen Dan The Nao

Tatung diễu hành trên đường phố Indonesia vào ngày tết để xua đuổi tà ma

Tại thành phố Singkawang, hàng năm đều tổ chức lễ hội mừng năm mới Cap Go Meh (tạm dịch là Lễ múa rồng). Vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, những người đàn ông, phụ nữ trong trang phục sặc sỡ và dùng que kim loại đâm xuyên qua má (gọi là Tatung) sẽ tham gia vào cuộc diễu hành trên đường phố. Đây là một phong tục pha trộn giữa các dân tộc người Hoa và người gốc Indonesia tại Singkawang.

Các Tatung được cho là người truyền đạt thông tin cho các vị thần và có những khả năng phi thường. Họ tổ chức diễu hành trên các đường phố trong dịp Tết Nguyên đán nhằm xua đuổi tà ma, cầu an lành và bảo vệ sự an toàn cho thành phố.

Thái Lan

4 Cac Nuoc Dong Nam A Don Tet Nguyen Dan The Nao

Người dân Chiang Mai, Thái Lan, đi chùa cầu chúc an lành đầu năm mới

Thái Lan là một trong những quốc gia có người Hoa kiều sinh sống lớn nhất thế giới với hơn 40% dân số là người gốc Hoa. Do đó, Tết Nguyên đán, trong tiếng Thái gọi là Wan Trut Jin, được tôn vinh và tổ chức rộng rãi, bên cạnh ngày Songkran (Tết Thái).

Nếu như Tết Nguyên đán được tổ chức vào ngày 1/1 Âm lịch thì Tết Thái được tổ chức vào ngày 13/4.

Tại thủ đô Bangkok, các lễ hội chào mừng Tết Nguyên đán được tổ chức tại Khu phố Tàu Yaowarat. Đường phố được trang trí bằng hoa tươi, đèn lồng, biến một góc phố trở nên đỏ rực trong ngày lễ.

Thành viên của hoàng gia Thái Lan đôi khi cũng tham dự sự kiện đón năm mới tại Bangkok để chung vui cùng người dân cả nước.

Giống như cách tổ chức Tết Nguyên đán ở nhiều quốc gia châu Á khác, người dân Thái Lan cũng dọn dẹp, trang trí nhà cửa và nấu những món ăn truyền thống trước thềm năm mới.

Trong dịp lễ, họ hạn chế cãi nhau vì những ngôn từ tiêu cực sẽ mang lại điều xui xẻo; đồng thời, không dọn dẹp nhà cửa vì sợ cuốn trôi tài lộc, thịnh vượng trong năm mới.

5 Cac Nuoc Dong Nam A Don Tet Nguyen Dan The Nao

Múa lân tại khu phố Tàu ở Bangkok, Thái Lan

Ở một số địa phương, người dân tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, đan xen giữa phong tục truyền thống của người gốc Hoa và người dân địa phương vào dịp Tết Nguyên đán.

Tại huyện Pak Nam Pho, tỉnh Nakhon Sawan, người dân làm lễ tôn vinh các vị thần hộ mệnh trong lễ đón Tết Nguyên đán để cầu mong được các vị thần che chở, phù hộ. Trong những ngày Tết cuối cùng, họ tổ chức đám rước các vị thần trên đường phố, biểu diễn văn nghệ, chợ Tết... khiến Nakhon Sawan trở thành một trong những nơi chào năm mới rực rỡ nhất tại Thái Lan.

Singapore

6 Cac Nuoc Dong Nam A Don Tet Nguyen Dan The Nao

Bố mẹ Singapore tặng trẻ nhỏ phong bao lì xì cầu may mắn

Là quốc gia có ba nhóm dân tộc Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia, Singapore hàng năm đều tổ chức tôn vinh truyền thống văn hóa của từng dân tộc. Vì vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, không chỉ người gốc Hoa, mà cả quốc gia sẽ chào mừng năm mới.

Trong những năm qua, người dân Singapore đã ghi dấu ấn riêng vào các lễ hội Tết Nguyên đán bằng cách pha trộn truyền thống mới và cũ, kết hợp nhiều nền văn hóa khác nhau.

Không khí đón Tết tại Singapore rực rỡ nhất là tại khu phố Tàu với các khu chợ lễ hội, món ăn chào đón năm mới như bánh gạo ngọt, bánh nếp,... các chương trình biểu diễn múa lân, múa rồng.

Vào năm mới, người Singapore thường mua bất cứ món gì có chữ “Phúc” bằng tiếng Hán để cầu mong sẽ nhận được may mắn, an lành. Cha mẹ cũng tặng con cái các phong bao lì xì màu đỏ, chứa số lượng tiền chẵn đề cầu may mắn.

Dịp Tết Nguyên đán cũng là cơ hội để người dân Singapore bày tỏ lòng thành kính với Đức Phật. Vào dịp Tết, người dân thường đi chùa thắp hương, dâng cam, quất - biểu tượng của sự giàu có, cho các vị thần hoặc cho nhà sư ban phước lành.

7 Cac Nuoc Dong Nam A Don Tet Nguyen Dan The Nao

Yusheng là món ăn truyền thống ngày Tết tại nhiều quốc gia như Singapore, Trung Quốc...

Món ăn phổ biến trong ngày Tết tại Singapore là Yusheng, còn gọi là gỏi cá tài lộc, được xem là biểu tượng cho sự phát tài, phát lộc. Đây là món salad đầy màu sắc với sự pha trộn của các loại rau củ, quả tươi và những lát cá hồi hoặc cá thu xắt mỏng, rưới đẫm nước sốt đậm đà lên trên.

Theo cách ăn truyền thống, các thành viên trong gia đình dùng đũa trộn đều các thành phần trong salad và tung cao 7 lần trong khi đồng thanh hô to “Lo Hei”. Người ta tin rằng, tung càng cao thì sẽ đón đầu phước lộc, cầu được may mắn, xua tan xui xẻo trong năm mới.

Theo Giáo dục thời đại




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC