Chen lấn, xô đẩy, thói quen mua sắm của người Việt?Thói quen chen lấn, xô đẩy khi mua sắm của rất nhiều người, nói không ngoa, là nét “đặc trưng” của người Việt trước những cơ hội mua sắm hàng giá rẻ, chen mua vé bóng đá, chen để được vào khám bệnh trước.

Trong mua sắm, hành vi chen đường như được bộc lộ rõ nhất.

Tại những trung tâm siêu thị hiện đại, không ít người mặc những bộ quần áo nhàu nhĩ, phì phèo hút thuốc ngay khu vực có điều hoà và treo biển cấm hút thuốc. Bất chấp sự có mặt của bảo vệ và camera theo dõi, trẻ em tự nhiên bóc bánh kẹo và lén lút ăn ngay trong siêu thị. Nhiều người còn sẵn sàng đút túi những đồ vật nhỏ bé để khỏi phải trả tiền, nếu họ chắc chắn là hành vi này sẽ không bị ai phát giác…

Chen lấn, xô đẩy, thói quen mua sắm của người Việt?_0

Người người xô đẩy, chen chúc làm cho PICO vỡ kính đến 3 lần

Nhân viên của một siêu thị lớn tại Hà Nội than phiền: “Mặc dù đã có quy định là quý khách thử đồ xong phải để trả đúng nơi quy định, nhưng đại đa số vẫn vứt bừa bãi sau khi mặc thử, chưa kể nhiều người còn chọn rất nhiều, sau đó không mua nữa mà bỏ lại trên xe đẩy”….Người tiêu dùng hẳn không xa lạ với hình ảnh, khách hàng xúm đen đỏ quanh quầy bán bánh mì của Big C, tranh giành nhau những chiếc bánh mì nóng hổi và sắn sàng vứt xuống đất những mẩu bánh mì bị gãy, vỡ…

Và sẽ là điều ngạc nhiên với du khách nước ngoài khi họ nhìn thấy rất nhiều người Việt Nam vô tư xả vỏ lon, vỏ chai, giấy và túi bóng ngay dưới chân mình, trên đường phố, những nơi được gọi là Di sản thiên nhiên thế giới, thậm chí cả chốn đền chùa tôn nghiêm!

Nhưng đáng nói nhất vẫn là thói quen chen lấn, xô đẩy khi mua sắm của rất nhiều người. Không ngoa khi ai đó cho rằng, hình như chen lấn là nét “đặc trưng” của người Việt. Họ chen lên xe buýt, chen mua vé bóng đá, chen để được vào khám bệnh trước.

Trong mua sắm, hành vi chen đường như được bộc lộ rõ nhất. Dù tình trạng xếp hàng để chờ mua đồ theo tem phiếu thời bao cấp không còn, tuy nhiên thi thoảng nó lại “bùng lên” khi có một cửa hàng nào đó thanh lý, giảm giá, khuyến mãi hoặc bán với giá hời.

Người ta không chỉ xếp hàng mà sẵn sàng chen lấn, xô đẩy, thậm chí chửi rủa nhau để sở hữu mặt hàng mà mình muốn. Chính vì lẽ đó, hễ các trung tâm thương mại, hay các hệ thống siêu thị lớn như Nguyễn Kim, Pakson, Pico Plaza, Big C, Metro… có đợt khuyến mãi, các ngả đường quanh địa điểm đó tắc nghẽn, bãi gửi xe ngẫu nhiên mọc lên khắp nơi. Người tất tả, hồ hởi tay xách nách mang, người thì bực bội vì không mua được gì…

 

Gần đây nhất, dịp khuyến mãi 30/4 và 1/5, Hệ thống siêu thị điện máy có quy mô lớn nhất Hà Nội - Pico Plaza được một phen “tức thở” vì số lượng khách kéo đến mua hàng quá đông. Với hàng vạn lượt khách mỗi ngày, kết quả, cùng với một lượng lớn hàng khuyến mãi tiêu thụ hết trong thời gian ngắn thì cửa kính ra vào của siêu thị cũng liên tục bị vỡ đến 3 lần trong vòng vài ngày do lượng khách hàng quá đông cộng với “thói quen” chen lấn xô đẩy. Đã có không ít nhân viên bảo vệ của siêu thị phải đi bệnh viện. Không ít chuyện ‘dở khóc dở cười” cũng đã xảy ra với lượng khách hàng quá đông, tập trung vào một thời điểm tại 2 hệ thống siêu thị.

Tình cờ đi mua hàng tại Pico Plaza vào dịp nghỉ lễ  1/5, chứng kiến cảnh trên, ông Johnny Halliday - một chuyên gia người Pháp công tác tại Việt Nam đã rất ngạc nhiên: “Nước chúng tôi cũng có nhiều chương trình khuyến mãi, nhưng xô đẩy nhau để mua như thế này, tôi chưa gặp bao giờ…”.

Lời nhận xét của vị khách nước ngoài ít nhiều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Bởi bất kể người Việt Nam có ý thức nào cũng đều hiểu rằng, đất nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu với thế giới, bên cạnh những truyền thống tốt đẹp cần giữ gìn, có rất nhiều thói quen xấu mà chúng ta nên loại bỏ. Thiết nghĩ, cùng với những cách thức bán hàng quy mô, hiện đại; văn hoá mua sắm của mỗi người cũng rất cần được củng cố, thay đổi; bởi việc hướng tới văn minh thương mại phải được bắt đầu ngay từ ý thức trong mua sắm của mỗi khách hàng.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC