Trên những cung đường xa từ Gia Bắc, Tân Thượng, Đưng K’Nớ... của Lâm Đồng có nhiều phụ nữ bám mình trên từng tuyến xe, tạo nên những cái "chợ di động", miệt mài đưa chợ đến với bà con.
Sáng sớm, khi sương còn níu trên những vườn chè B’Lao thuộc TP Bảo Lộc, chị Trần Thị Huệ đã dậy để ra chợ, chuẩn bị cho một phiên chợ mới lên các xã vùng sâu. Cá, thịt, rau, gia vị... thêm vài món đồ chơi, thức ăn cho trẻ con, chất đầy chiếc xe máy là lên đường. “Cao nguyên này rộng lắm xây chợ đâu cho hết, bà con ở xa chợ không có phương tiện chỉ biết mấy cái chợ của tụi tui” - chị Huệ tâm sự. Thời gian đầu rong ruổi bằng chiếc xe đạp, khi khá lên sắm được chiếc xe máy thì những món hàng của chị trở nên đa dạng hơn và hành trình cũng từ đó dài thêm.
Vừa dừng xe tại một xóm nhỏ thuộc xã Tân Thượng, Di Linh, chị Nguyễn Thị Nga đưa chiếc cân ra bên cạnh đường rồi nói: “Hôm nay cá Bình Thuận lên muộn quá nên em đến hơi trễ, mấy chị thông cảm” và bắt đầu cân những con cá tươi rói.
Bảy năm nay, bất kể nắng hay mưa, xóm nhỏ vùng sâu xã Tân Thượng đã quen thuộc với người phụ nữ dáng thon gầy, chất giọng Nam Định này. Cầm tay lái qua biết bao đèo dốc hiểm trở, có khi ngã xe phải nhờ người đi đường nhặt nhạnh từng cọng rau, con cá, chị Nga chia sẻ: “Vất vả lắm nhưng đi mãi cũng quen, giờ bà con quen cái chợ nhỏ của mình rồi”.
Thâm niên ít hơn như chị Tưởng Thị Hòa, mới vào nghề chưa đến hai năm phải tìm đến tận Đưng K’Nớ, xã nghèo và khó đi nhất của Lạc Dương. Mỗi ngày chị phải dậy lúc 3g sáng để lấy hàng từ chợ Đà Lạt rồi vượt hơn 30km đường đèo, mùa mưa bùn lầy bám đầy xe hàng nhưng chị vẫn miệt mài rong ruổi. Chị bảo cung đường này chưa có phận nữ nào bám trụ quá ba năm vì sự vất vả và khó khăn của đường sá.
Cái nghề đi đường xa, không ít lần các chị trở thành cứu tinh trên những con đường vắng. Chị Hòa kể một lần có hai thanh niên đi xe máy bị thủng lốp, giữa rừng núi cheo leo, đang ngơ ngác thì gặp được chị trên đường về. Chị Hòa lấy dụng cụ vá xe ra, 15 phút sau bánh xe đã được vá xong.
Chị bảo chị và mấy chị em thạo nghề vá lốp từ những lần thủng lốp dắt bộ hàng chục kilômet, đến nơi thì đã quá trưa, không còn ai mua, phải chở về nhà ăn dần. “Từ mấy lần đó nên mò mẫm học vá xe, mua lại mấy dụng cụ cũ mang theo như vật bất ly thân”, chị Hòa cho biết.
Cứ hễ có dịp mua gì hay cần gì là người dân ở các bản vùng xa lại nhờ mấy “chợ di động” mua giúp từ áo quần, khay mứt, đồ trang trí... “Mình chẳng lấy lời đâu, dù nặng thêm tí nhưng vui vì giúp họ được phần nào” - chị Nga bộc bạch.
Theo Tuổi trẻ.