Không ít nhà văn hóa, khoa học lo ngại về Dự án Công viên Văn Miếu cùng với cách lưu danh tên tuổi các nhà khoa học cận hiện đại trên bia đá.
Dự án Công viên Văn Miếu đương đại (quy mô 25ha) mô phỏng Văn Miếu cũ và có hệ thống văn bia mới lưu danh các nhà khoa học thời cận hiện đại vừa được Ủy ban Nhân dân và Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hòa Bình cấp phép đầu tư. Dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 đưa vào hoạt động.
"Tiến sĩ là đối tượng nghiên cứu"
“Cách này xưa lắm rồi, không có nước nào làm như vậy. Đây có thể gọi là bệnh siêu thành tích, háo danh. Người ta chỉ tôn vinh những người có công trình thật, những nhà văn hóa lớn chứ mấy ai bỏ tiền đi tôn vinh cả những người có… “bằng rởm”, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai - Chủ nhiệm Trung tâm Minh triết Việt nhận định.
Là người trực tiếp triển khai Dự án Công viên Văn Miếu, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy cho rằng, "tất cả các tiến sĩ đều thuộc đối tượng nghiên cứu" |
Nhà văn Băng Sơn băn khoăn: “Làm thế nào phân biệt đâu là thật, đâu là giả? Phải có hội đồng xác minh các ông tiến sĩ này. Từng có người đã khoe với tôi về cái bằng tiến sĩ… mua được(?) Vậy có nên xếp họ cùng hàng với các tiến sĩ phải dày công nghiên cứu hay không? Không biết các tiến sĩ được vinh danh đến đâu nhưng hiện nay, một số cơ quan quản lý Nhà nước khi được hỏi cả nước có bao nhiêu tiến sĩ đều lắc đầu. Riêng ngành giáo dục thống kê có tới 6000 vị tiến sĩ”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam, người trực tiếp triển khai dự án này cho rằng: Tất cả các tiến sĩ đều thuộc đối tượng nghiên cứu. Về mặt thủ tục pháp lý họ được Nhà nước công nhận. Về mặt bằng cấp không có ai có quyền truất bằng của họ trừ khi họ vi phạm và bị Nhà nước thu hồi. Bằng học vị đó đã qua đánh giá của Hội đồng Nhà nước, do vậy việc bằng thật bằng giả không đưa ra bàn ở đây. Đã là tiến sĩ, họ tự nguyện đưa đến, trung tâm sẽ lưu giữ thông tin phục vụ lâu dài cho công tác nghiên cứu.
Không tôn vinh theo lối đề danh
Nếu ai đọc kỹ những tấm bia ở Văn Miếu ghi danh tiến sĩ sẽ thấy, bên cạnh những lời tôn vinh còn có cả lời cảnh báo: Phàm đã lưu danh vào bia đá, nếu tài xứng với danh, đó là sự tôn vinh. Còn tài không xứng với danh thì có ý nghĩa như một gương xấu cho muôn đời biết đến.
“Giả sử có một vườn (đúng hơn là một cánh đồng) bia tạc tên tuổi các tiến sĩ hiện đại, nếu hiểu theo cả hai nghĩa theo các cụ ngày xưa thì cũng là một thông điệp có ích”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay.
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh - Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, cho rằng: Bia rùa sẽ là một phép thử, các “loại” tiến sĩ giấy, công trình “mua” chắc cũng không dám đưa vào.
Trên bia tiến sĩ trong Văn Miếu, cạnh lời tôn vinh còn có lời cảnh cáo |
Xét về góc độ lưu giữ thông tin, theo tiến sĩ Vịnh: Dự án triển khai vừa có yếu tố công viên, giải trí, vừa bảo tồn, thư viện với chất lượng cao. Những công trình được tuyển vào, là những công trình có giá trị nên sẽ là nguồn tư liệu tham khảo rất tốt cho những ai quan tâm.
Nhưng ông Nguyễn Khắc Mai nêu ý tưởng: Nếu có tiền chỉ cần làm một tòa nhà giống như một đại thư viện tập hợp tất cả các luận văn tiến sĩ, phân loại theo từng ngành. Bên cạnh đó cần có cá nhân hoặc tổ chức đứng ra xem công trình nào dùng được, công trình nào cần bỏ đi, tránh mang tiếng với hậu thế. Những công trình giá trị nên tuyên truyền để đưa vào ứng dụng. Không nên tôn vinh tiến sĩ theo lối đề danh.
“Hợp lý nhất là nên làm trung tâm nhân tài, hay hiền tài, tức là trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy “nguyên khí quốc gia”, không nhất thiết phải lấy học vị tiến sĩ làm điều kiện tiên quyết”, nhà sử học Dương Trung Quốc đề xuất.
Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam với thành phần chính là Công viên Văn Miếu có tổng diện tích gần 25ha tại xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Trung tâm sẽ sưu tầm các hiện vật: văn bản luận văn tiến sĩ, kể cả bản thảo viết tay chưa hoàn chỉnh; các công trình được đăng tải và các bản thảo liên quan; các hiện vật kỷ niệm cá nhân; sưu tầm các tiểu sử: bản tự khai, tự kể chuyện; các hồi ký liên quan; các giấy tờ cá nhân; ghi âm, phỏng vấn các nhà khoa học về tiểu sử và quá trình hoạt động cùng những đóng góp của nhà khoa học; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tiểu sử cá nhân… |
Theo Bích Ngọc
Đất Việt