Thông tin về việc Google sẽ bồi thường hàng trăm triệu Đô la tiền tác quyền cho các tác giả Việt Nam được nhiều báo đăng tải trong tuần trước gây ra nhiều hiểu nhầm tai hại.
Thật ra có thể vào trang web chính thức (http://books.google.com/booksrightsholders), có cả tiếng Việt, để tìm hiểu. Đây không phải là trang web của Google mà là của Ban Điều hành vụ hòa giải - Google chỉ là nơi cung cấp kỹ thuật, nên có thể tin tưởng vào sự khách quan của thông tin.
Hiểu nhầm đầu tiên là không phân biệt được dịch vụ tìm kiếm thông tin bình thường của Google và dịch vụ tìm sách. Giả dụ gõ vào ô tìm kiếm của Google cụm từ “Nguyễn Huy Thiệp”, sẽ hiện lên rất nhiều trang web cho phép đọc hay tải về các tiểu thuyết của ông ở các định dạng như pdf.
Chuyện này hoàn toàn không liên quan gì đến Google và vụ kiện bản quyền sách họ đang phải đối mặt bởi với dịch vụ này Google chỉ tìm kiếm để trả về thông tin chúng ta tìm. Không hiểu sao lại có tuyên bố “tất cả các xuất bản phẩm Việt Nam sẽ không tồn tại trên bất kỳ cơ sở dữ liệu tìm kiếm nào của Google... nếu Việt Nam không đạt được thỏa thuận bản quyền với Google sau ngày 4/9/2009”.
Có lẽ phải nhắc lại ngắn gọn đầu đuôi câu chuyện (chi tiết xin xem trên trang web nói trên). Năm 2004, Google giới thiệu dịch vụ Book Search và đến cuối năm 2008 đã quét để số hóa khoảng 7 triệu cuốn sách nhờ vào thỏa thuận hợp tác với một số thư viện lớn của Mỹ.
Một khi đã số hóa nội dung, Google có thể giúp người dùng tìm kiếm thông tin về cuốn sách họ đang cần (tại trang books.google.com), cho xem trước vài ba trang rồi hướng dẫn họ mượn hay mua từ các nguồn khác.
Google chỉ cho phép đọc toàn bộ các cuốn sách đã hết thời hạn bảo vệ bản quyền. Mặc dù vậy, Hiệp hội Tác giả Mỹ vẫn kiện Google vào năm 2005 vì cho rằng Google vi phạm bản quyền; Google phản bác, cho rằng chuyện giới thiệu một số chi tiết cuốn sách hay vài ba trang xem trước trên mạng không vi phạm bản quyền.
|
Năm 2004, Google giới thiệu dịch vụ Book Search và đến cuối năm 2008 đã quét để số hóa khoảng 7 triệu cuốn sách nhờ vào thỏa thuận hợp tác với một số thư viện lớn của Mỹ |
Sau nhiều năm tranh cãi, đến tháng 10/2008 hai bên đạt được thỏa thuận, trong đó Google đồng ý trả 125 triệu Đô la cho những tác giả các cuốn sách họ đã quét. Thỏa thuận này còn phải được tòa án phê chuẩn mới có hiệu lực, dự kiến vào ngày 7/10/2009.
Thế vì sao có sách của Việt Nam dính vào đây. Trong số trên 7 triệu cuốn sách đã được số hóa có sách của Việt Nam, viết bằng tiếng Việt, do các nhà xuất bản trong nước ấn hành. Đó là do các thư viện hợp tác với Google nói trên có các cuốn sách này trong thư viện.
Muốn biết sách của mình có nằm trong số đó không, các tác giả có thể vào trang web nói ở đầu bài, sau một vài thao tác đăng ký đơn giản, sẽ được dẫn đến trang tìm cơ sở dữ liệu để gõ vào tựa sách hay tên tác giả hay nhà xuất bản và sẽ biết ngay kết quả. Ví dụ, gõ vào từ “Trẻ” ở ô nhà xuất bản, kết quả tìm kiếm cho thấy có trên 500 cuốn sách của nhà xuất bản này đã được Google số hóa.
Nếu thấy có sách mình bị Google số hóa, tác giả hay bên nắm bản quyền có thể điền vào mẫu yêu cầu bồi thường trên trang web trước ngày 5/1/2010 để được trả ít nhất là 60 Đô la mỗi cuốn. Sau đó Google sẽ thương mại hóa cuốn sách bằng nhiều cách như bán ở dạng sách điện tử hay quảng cáo kèm nội dung và tác giả sẽ được chia 63% doanh thu. Ở đây, đâu cần có một tổ chức như Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam đứng ra làm trung gian và nhận 20% hoa hồng!
Thế còn những thông tin có vẻ cấp bách như phải quyết định tham gia vụ kiện hay không trước ngày 4/9/2009 là gì? Trong một vụ kiện tập thể, những người có liên quan dù không trực tiếp kiện thường vẫn được xem là thành viên của bên đi kiện và nếu có thỏa thuận hòa giải, mọi người đều phải được hỏi ý kiến.
Nếu các tác giả Việt Nam không làm gì cả, điều đó có nghĩa họ vẫn đồng ý tham gia vào việc hòa giải. Cột mốc 4/9/2009 chỉ dành cho những ai phản đối, không muốn tham gia vào cách hòa giải như thế để sau này tự họ có thể kiện Google. Làm gì có chuyện đấy là hạn chót để các tác giả đăng ký tham gia như nhiều phát biểu trong tuần qua!
Nói tóm lại, các tác giả Việt Nam hầu như không cần phải làm gì cả, ngoài việc vào xem có sách của mình trong cơ sở dữ liệu của Google hay không để điền mẫu đòi bồi thường hay thậm chí yêu cầu xóa sách mình ra khỏi cơ sở dữ liệu của Google.
Những thông tin như “Google chào giá 400 triệu Đô la/năm bản quyền tác phẩm Việt Nam” là hoàn toàn vô căn cứ hay tuyên bố “Google đã gửi Thông báo pháp lý đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam - tổ chức đại diện quản lý tập thể quyền tác giả, để thương thảo” là không chính xác, gây hiểu nhầm không đáng có. Buồn cười nhất là khẳng định các trang web trong nước có nguy cơ bị Google kiện ngược lại nếu trả thấp hơn mức 60 Đô la mỗi lần số hóa một tác phẩm.
Như đã nói ở trên, vụ dàn xếp thỏa thuận này không mang tính độc quyền cho Google đối với các tác phẩm số hóa, khẳng định các chủ trang web khác không được đăng tải các tác phẩm đã “bán” cho Google là một chuyện hiểu nhầm nữa.
Theo TBKT.