Chuyện tình đẫm nước mắt của "lão nông" Trần Hạnh"Lão nông" Trần Hạnh ít khi buồn lắm. Có chăng, đó là khoảng thời gian ít ỏi lúc trời nhập nhẹm tối. Trong ánh chiều nhá nhem, thấy vợ nằm co quắp, yên lặng trên gường, ông thấy xót xa vô cùng.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, nếm trải mọi nhọc nhằn, gian khó ở đời, nghệ sỹ Trần Hạnh giờ đây an lòng với tất cả những gì mà số phận đã nghiệt ngã dành cho ông: một căn nhà nhỏ, một người vợ liệt giường 9 năm và đứa con trai hơn bốn chục tuổi đầu ngây ngô.

Vợ Trần Hạnh vốn mắc bệnh cao huyết áp, rồi chuyển sang tai biến mạch máo não, bị bệnh viện trả về, cứ thế nằm liệt gường đã 9 năm nay. Anh con trai sinh năm 1965, giờ vẫn chưa có vợ con, cứ lẩn tha, lẩn thẩn, (theo lời ông là) "lớn tồng ngồng mà chả khác nào đứa trẻ", không giúp bố mẹ được bất cứ việc gì. Ngược lại, Trần Hạnh lúc nào cũng phải lo lắng, chăm sóc cho con.

82 tuổi, cuộc sống không một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn, nhưng “lão nông” nói, bây giờ là khoảng thời gian vui nhất với ông. “Thế là trải qua bao nhiêu năm lấy nhau, không có chuyện gì lớn xảy ra với cuộc sống vợ chồng tôi. Ngày trước, bà ấy còn khoẻ mạnh, vui đùa, dạy dỗ con cái, giờ nằm yên đó, không suy nghĩ, không vướng bận. Đôi khi, trong đau khổ, người ta cũng tìm được hạnh phúc cho mình”, Trần Hạnh bộc bạch.

Hỏi tại sao ông có thể vui vẻ với cuộc sống như thế, Trần Hạnh đáp, nếu cứ ngồi ân hận cuộc đời, cay cú với xã hội, sẽ sớm chết vì mệt mỏi. Ông quan niệm, trong cuộc sống, mọi thứ diễn ra đều rất bình thường: người sướng người khổ, kẻ ốm yếu, người khoẻ mạnh là lẽ đương nhiên, giống như mặt trời mọc xong thì lặn vậy.

Chuyện tình đẫm nước mắt của

“Lão nông” Trần Hạnh ít khi buồn lắm. Có chăng, đó là khoảng thời gian ít ỏi lúc trời nhập nhẹm tối. Trong ánh chiều nhá nhem, thấy vợ nằm co quắp, yên lặng trên gường, ông thấy xót xa vô cùng. Nhiều đêm trở trời, Trần Hạnh nằm trằn trọc, lo lắng liệu vợ có ngủ ngon giấc? Thế là ông nằm đấy, nhưng mắt cứ mở thao láo, thức cùng đêm dài.

Trần Hạnh của hiện tại 43 kg, thua hồi còn trẻ tới cả 20 kg. Nhưng trên khuôn mặt khắc khổ lúc nào cũng nở nụ cười tươi roi rói. Ông phấn khởi vì được trời phú cho sức khoẻ, để hôm nào cũng vậy, dậy sớm từ 5-6h sáng, quét tước nhà cửa, thu dọn chăn màn, vệ sinh và nấu ăn sáng cho vợ, con trai.

Hướng tâm tư về mấy chục năm trước, ông chia sẻ về câu chuyện tình lãng mạn của mình. Ngày đó, Trần Hạnh mới 23 tuổi, đang tham gia làm tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai tận Lào Cai, thì nhận tin báo mẹ ở nhà sắp mất. Được lãnh đạo ký quyết định cho nghỉ 3 hôm, ông cuống cuồng trở về Hà Nội ngay lập tức.  Ấy vậy mà, về tới nhà mới biết đó là “tin vịt”. Cả gia đình “lập mưu” lừa ông về nhà, ép cưới vợ. Và, trong vỏn vẹn 3 ngày nghỉ đó, ông lập gia đình.

Vợ Trần Hạnh sống ở số nhà 24, còn gia đình ông ở số nhà 50, cùng ngõ Phát Lộc (Hàng Bạc, Hà Nội). Hai bên gia đình biết nhau từ lâu, nhưng ông không hề biết nhiều về cô gái sẽ làm vợ mình. Mọi chuyện cưới xin đều được bà nội sắp xếp.

Trần Hạnh kể: “Lúc đó, lệnh bà nội là to nhất trong gia đình, nên ai cũng phải nghe theo. Việc bị bà nội gọi về lấy vợ làm tôi quá bất ngờ, nên cãi lại là: cháu có biết gì về cô ấy đâu mà bắt lấy? Bà nội quát: mày không lấy nó thì lấy ai? Tôi lấy lý do là đang bận làm đường sắt, chỉ được nghỉ có 3 ngày, sợ không kịp chuẩn bị, thì bà nội nói rằng ở nhà lo hết mọi thứ rồi, chỉ đợi về là cưới: "Cưới xong rồi, đi đâu thì đi”.

Chuyện cưới xin được an bài trước, Trần Hạnh không còn lý do nào cãi lại, đành chịu cưới. Ông về hôm trước, hôn lễ được tổ chức ngay hôm sau. Tân hôn được đúng một hôm, lại ngược lên Lào Cai làm việc.

Hoàn thành công việc tại công trường Lào Cai, Trần Hạnh được điều về công trường Thanh Hoá làm cầu Hàm Rồng. Làm việc được một thời gian thì bị ngã nước, ốm yếu quá, nên xin về nhà. Lúc đó, ông mới có thời gian gần vợ con. Để có thêm thu nhập cho gia đình, Trần Hạnh học đóng giày thủ công. Ngày đi làm, tối tham gia sinh hoạt văn nghệ ở Câu lạc bộ Thanh niên (của Thành đoàn Hà Nội)…

Trở lại thực tại, sau bao thăng trầm, vất vả, cuộc sống vẫn tỏ ra nghiệt ngã với “lão nông” 82 tuổi. Hằng ngày, ông vẫn phải lo toan kinh tế gia đình, vẫn phải chăm sóc người vợ liệt gường và đứa con trai ngây ngô 45 tuổi.

Nói về tương lai, “lão nông” Trần Hạnh không giấu được cảm xúc: “Có nhiều người, khi cuộc sống quá khổ ải, họ muốn tự giải thoát mình. Nhiều lúc tôi muốn được như thế, nhưng lại không thể. Tôi sợ chết, bởi lo, nếu không may “đi” trước vợ, bà ấy sẽ ra sao? Thằng con trai sẽ thế nào? Thực ra, chuyện “hậu sự” đã được tôi bàn bạc rất kỹ với 7 đứa con từ lâu rồi. Mọi chuyện đã được an bài. Nhưng, từ sâu thẳm trong trái tim, tôi vẫn lo….”

Theo VTCNews.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC