Có duyên đi chợHà Nội có bốn chợ nổi tiếng mà tôi biết từ sau ngày Thủ đô giải phóng. Phía Bắc là chợ Đồng Xuân. Phía Nam: chợ Mơ. ở trung tâm: chợ Hôm. Gần chợ Đồng Xuân còn thêm chợ Hàng Da. Chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất, vì kề bên còn có chợ Bắc Qua.

Tôi từ nơi dạy học tận rẻo cao tỉnh Hòa Bình về Thủ đô, thì nơi đầu tiên đặt chân xuống đất Hà Nội là bến xe điện Bờ Hồ rồi theo đường tàu điện cứ thế đi bộ qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường mà tới chợ Đồng Xuân. Ai đi chợ Đồng Xuân từ Bờ Hồ cũng phải qua ba phố sầm uất, sực nức mùi vải, tơ lụa, gấm vóc và hương vị ngọt ngào ở phố Hàng Đường. Đặt chân lên vỉa hè Hàng Đào là đi chợ Đồng Xuân rồi.

Lần ấy, sau dịp Tết Nguyên đán năm 1955, tôi về Hà Nội đúng là để đi cho biết, đi thăm Bờ Hồ - Hồ Gươm và vào chợ Đồng Xuân lừng lẫy chiến công. Bờ Hồ đây leng keng tiếng tàu điện, xanh ngắt trong trẻo nước hồ lăn tăn soi bóng nhà Thủy Tạ, sừng sững bên kia đường mé tay trái là hai cửa hàng kem Long Vân và Hồng Vân kề nhau. Tôi thập thững sang đường....

Biết tôi đi Hà Nội, bạn bè cùng nơi dạy học gửi mua hộ thứ này thứ kia, có rất nhiều ở Thủ đô, có bạn chỉ nhờ mua cái mùi xoa, hộp thuốc đánh răng nhãn hiệu “Gíp” hoặc hộp kẹo. Oái oăm nhất là cô bạn gái thân, cũng là cô giáo, lại hồn nhiên nhờ tôi mua đôi bít-tất và chiếc áo con. Cô ấy còn gói chiếc áo làm mẫu trong mảnh giấy báo rồi bảo: “Cậu cứ đưa cái này ra, người ta bán y như thế cho là tớ mặc vừa đấy!”. Tình bạn thuở bấy giờ hồn nhiên lắm. Cô ấy còn khoe: “Mẹ tớ ngày xưa ở Hà Nội đấy!”.

Thế cho nên, vừa bước vào phố Hàng Đào bên dãy tay trái, hoa mắt trước các quầy vải vóc, súc lụa đủ màu và hàng may mặc trong tủ kính, tôi nhớ ngay “nhiệm vụ” của mình, nên chỉ qua chừng bốn, năm số nhà, tôi dừng chân trước một nhà hàng có tủ kính bày bán thứ của quý mà cô bạn tôi nhờ. Thấy tôi một anh cán bộ trẻ từ nơi “chiến khu” về ngơ ngơ ngác ngác đứng ngắm nghía  và ngần ngừ trước quầy hàng thì bà chủ - một phụ nữ đứng tuổi nhan sắc còn mặn mà lắm, má thoa phấn phớt hồng, ngón tay nhẫn vàng, hạt ngọc, cổ thả dây chuyền có đeo hình chữ thập, từ trong nhà bước ra. Tôi chưa kịp nói gì thì bà đã tươi cười:

- Cậu mua gì đấy ạ?

Tôi giật mình. Tiếng bà nói ân cần và trong trẻo quá. Xưng và gọi là cô, là bác thì vừa. Tôi khẽ “vâng” và lúng túng chỉ tay vào đôi bít tất. Chủ hàng lại khẽ nói:

- Cậu mua cho cậu à?

Tôi thực thà nói là mua cho người bạn gái. Chủ nhà tủm tỉm mở quầy hàng lấy ra một đôi bít tất màu mỡ gà xinh xinh, nhẹ nhõm:

- Loại này dùng để đi guốc hay đi dép cũng được.

Lúc đó tôi chưa biết nói lời cảm ơn, chỉ hỏi giá tiền và trả tiền. Nhớ là còn phải mua thứ nữa. Tôi hơi xấu hổ, bà chủ hàng lại điềm đạm khẽ khàng:

- Cậu cần thứ gì nữa không?

Tôi lại “vâng” và vội vàng móc gói giấy báo trong túi ra:

- Còn thứ này nữa ạ.

Lúc ấy, chắc hai vành tai tôi đỏ lắm. Chủ nhà hàng nhìn tôi không cười mà lại dịu dàng hỏi:

- Cậu mua cho mợ ấy à?

- Không ạ, mua hộ cô bạn thôi ạ!

Chủ nhà hàng nhìn tôi ý nhị, vừa theo mẫu, vừa chọn thứ hàng đẹp, đúng kích cỡ, gói lại đưa cho tôi.

Trả tiền lần thứ hai xong, tôi chào người bán hàng sao mà ân cần thế. Chào lại tôi xong, chủ nhà hàng cười:

- Chào cậu. Lần sau nhớ đến hàng tôi nhé!

Những năm sau, lần nào về Hà Nội, tôi cũng đến cửa hàng ấy. Cho tới dạo tôi về ở hẳn Hà Nội, người bán hàng đã là người khác, họa hoằn tôi mới ghé qua rồi cũng chẳng ghé qua nữa. Chẳng hiểu vì sao...

Lần ấy, tôi đã vào trong chợ Đồng Xuân để xem chợ. Chợ rộng thênh thang. Dãy phản thịt năm nào đã chuyển sang chỗ khác. Thẳng từ cổng chợ bước vào dãy hàng khô và những mẹt hàng ăn. Thấy đói bụng, tôi ghé mẹt hàng bún thang. Gọi là mẹt hàng vì mỗi hàng, người bán chỉ có cái thúng kê ở dưới, mẹt đựng các thứ thức ăn để bán, đặt ở trên. Tôi ngượng nghịu ngồi xuống. Người bán hàng là một bà đã già. Bà đơm bát bún thật công phu. Dùng khăn trắng tinh lau bát, rải thịt, trứng, hành rắc lên trên, bà dùng đũa sạch gắp chứ không bốc bằng tay. Trước khi chan nước dùng bà nhìn tôi:

- Cậu có xơi được cà cuống không ạ?

Bún thang mà không có cà cuống thì không còn là bún thang. Song khi ấy, tôi còn lơ ngơ lắm. Liền gật bừa:

- Được ạ, nhưng cà cuống là gì hở bà?

Bà cụ hiền từ giải thích cho tôi rõ: Cà cuống là lấy từ bọc nước thơm trong con cà cuống có đầy ở sông Tô Lịch. Bánh cuốn, bún thang mà không có vị cà cuống thì chán lắm. Đúng là ăn một miếng ở chợ, học được một miếng khôn là thế.

Từ buổi về đi chơi thăm Hà Nội mà hóa ra là một lần đi chợ như là một phần thưởng, một cái duyên cho các lần đi chợ. Sau lần về Hà Nội đầu tiên, mãi tới khi tôi được về Thủ đô học tập và ở lại mảnh đất này làm việc cho tới ngày nghỉ hưu, tới hôm nay, đúng là tôi có duyên với việc đi chợ.

Ghi chép của Phong Thu.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC