Cụ Hồ - tướng Giáp trong mắt "người phụ nữ Mỹ duy nhất hiểu VN"Tôi gặp bà  vào một buổi chiều trung tuần tháng 8. Nữ  nhà văn Lady Borton - "người phụ  nữ Mỹ duy nhất hiểu Việt Nam một cách cặn kẽ".

Bà bận một chiếc áo hoa cũ  cộc tay, choàng một chiếc khăn tơ tằm thô và đón tôi bằng một cử chỉ thân thiện, một câu tiếng Việt "chào em". Sự mở đầu này làm tôi phấn chấn rất nhiều cho buổi trò chuyện với bà. 

Lịch sử  sống trong những hồi ức


Bà  đã viết cuốn "Những người thuyền nhân" (1984) - về những người di tản Việt Nam qua đường biển và "Tiếp sau nỗi buồn" (1995) - về những phụ nữ Việt Nam trong và sau hai cuộc chiến tranh. Bà đã rất nổi tiếng trên diễn đàn văn học thế giới với hai quyển sách này. Phải chăng vì hai cuốn sách đó mà bà được biết đến với tư cách "người phụ nữ Mỹ duy nhất hiểu Việt Nam"?

Tôi hoàn toàn không có mơ  ước hay dự định trở thành nhà nghiên cứu lịch sử. Nhưng tôi rất yêu thích lịch sử. Cách mạng Việt Nam rất mới và những nhân vật lịch sử  còn sống vẫn nhiều. Tôi rất quý những người như thế. Không cần đọc sách, chỉ cần nghe họ kể.

Bà  có thể chia sẻ  về hành trình tìm kiếm và  kiểm chứng sự thật qua những hồi  ức bà được nghe?


Tôi đã gắn bó với Việt Nam hơn 40 năm. Đã có những người bạn Việt thân thiết từng chứng kiến và tham gia những sự kiện lịch sử. Như về ngày Cách mạng tháng 8, ngày Quốc khánh 2/9. Chị bạn tôi đã kể cho tôi những ký ức được gặp Cụ Hồ từ năm chị 10 tuổi.

Đó là ngày Quốc Khánh 2/9/1945. Cụ đọc Tuyên ngôn độc lập. Chị kể cho tôi là chị và bố đi dọn dẹp đường phố. Tôi mới băn khoăn hỏi tại sao mẹ đâu mà lại là bố. Chị nói mẹ ở nhà thắp hương.

Thế là tôi biết thêm chi tiết, ngày đó, mỗi gia đình đều có người ở nhà dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ, treo đèn và thắp hương cúng ông bà, thông báo nước nhà độc lập. 

Những hồi ức sống thật quý và quan trọng, song sự thật lịch sử cần nhiều hơn thế?

Có một câu chuyện khác từ chị bạn tôi kể. Chị được tới dự một hội nghị có Cụ Hồ. Chị ngồi ở  hàng cuối cùng. Cụ đến, đọc diễn văn, rồi bỏ  kính ra nói chuyện. Rồi Cụ đi xuống dưới, gần hàng ghế của chị ấy và ngồi vào một cái ghế trống.

Cụ Hồ luôn muốn gần dân nên việc Cụ xuống ngồi thì chắc chắn không sai rồi. Nhưng tôi cũng nghĩ, một cuộc gặp gỡ với Cụ Chủ tịch thì không thể có một ghế trống. Tôi nói điều ấy với chị ấy và chị ấy công nhận  rằng: đúng, không bao giờ có cuộc gặp Hồ Chí Minh mà lại trống chỗ ngồi cả.

Nhưng việc chuẩn bị ấy chị không biết. Có thể có cán bộ đã lấy ghế cho Cụ mà chị không biết. Qua đó tôi đã biết thêm một phần nữa của lịch sử, một phần về Cụ. Nhờ những tư liệu đó tôi đã viết cuốn:  "Hồ Chí Minh một chặng đường".

Được biết ngoài viết sách về Việt Nam, bà cũng có dịch một số tác phẩm?


Tôi có dịch "Nhật ký  Đặng Thuỳ Trâm", "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử"..., Năm 2004, tôi dịch cuốn sách "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử". Có nhiều điểm tôi không hiểu. Để giải đáp những thắc mắc, tôi đã may mắn được gặp ông Hồng Cư - người viết cuốn: "Võ Nguyên Giáp thời trẻ".

Tôi biết đây là một cuốn sách quan trọng, viết về một nhân vật đặc biệt. Tác giả cuốn sách là một người rất thân thiết với gia đình cũng như với ông Giáp lâu năm và viết rất công phu, tỉ mỉ.

"Tướng Giáp hiểu người Pháp một cách sâu sắc"

Chị cảm nhận như thế nào về  tướng Giáp của chúng tôi?

Với người nước ngoài, người Việt Nam đầu tiên mà họ biết là Hồ Chí Minh sau là đến Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp giỏi lắm. Khi còn nhỏ ông Giáp học chữ Nho với bố. Đến giờ ông vẫn nhớ những câu thơ trong bộ sách "Tam tự kinh và "Ấu học tân thư" (xuất bản dưới thời vua Duy Tân).

Cụ Hồ - tướng Giáp trong mắt
Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Năm mười hai, mười ba tuổi, ông học trung học ở Quốc học Huế. Khi cụ Phan Bội Châu về nước, học trò thường đến, trong đó có ông Giáp. Nhiều sách nước ngoài viết rất khác về lãnh đạo, về kháng chiến Việt Nam. Họ cho rằng ông Giáp chưa bao giờ bị bắt nhưng họ đã sai. Ông Giáp đã bị bắt ở Huế.  

Theo quan sát của bà  vì sao tướng Giáp và  nhân dân Việt Nam chiến thắng Điện Biên, chiến thắng thực dân Pháp?


Nếu không có chiến tranh thì ông Giáp có lẽ trước hết sẽ là nhà báo. Ông có nhiều bài viết và biên tập bài viết in bằng tiếng Pháp khi giữ chuyên mục "Thế giới thời đàm" của tờ báo Tiếng Dân. Ông đọc và nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, chính trị khắp thế giới.

Lúc học đại học ở Hà Nội ông học Luật, sau đó là nhà giáo dạy lịch sử. Ông đã đọc rất nhiều lịch sử các nước thuộc địa Đông Dương và thế giới. Nhất là lịch sử Pháp, nhân vật lịch sử Napoleon. Tôi đã sang thư viện Bộ Quốc phòng Pháp và thư viện Bộ Quốc phòng thuộc địa của Pháp một tháng. Đọc nhiều tài liệu và cũng sao chụp được nhiều thông tin hoạt động này của ông Giáp.

Ông Giáp có một quyển sách thống kê giới thiệu tất cả các tướng của Napoleon đấy. Có lẽ người Pháp lúc đó không ngờ một người nước thuộc địa lại có thể hiểu về nước Pháp đến thế. Chính vì thế họ đã thất bại trong trận chiến với ông Giáp, với nhân dân Việt Nam.

Ông ấy hiểu người Pháp, lịch sử, tâm lý, cách quản lý, tổ chức của người Pháp rất sâu sắc. Nên chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của trí tuệ và toàn dân. 

Tôi  đang dịch “Vừa đi đường vừa kể chuyện”

Vâng, mặc dù  không trải qua những năm chiến tranh, nhưng từ  trong tâm thức của tôi - một người của thế  hệ trẻ thời bình: Ông Giáp là một thần tượng khả  kính, tôn sùng và mến yêu. Giờ đây mỗi khi nhìn thấy ông trên truyền thông tôi cảm thấy rất xúc động và lo lắng vì ông đang ngày một già đi và gầy hơn. Bà có còn biết thêm điều gì đặc biệt về tướng Giáp của chúng tôi không?

Ông Giáp không phải là không có thất bại đâu nhé. Ai nghĩ đến ông Giáp cũng chỉ nghĩ đến những thắng lợi mà thôi. Nhưng có đấy, năm 12 tuổi ông đã mơ ước học Quốc học Huế và tin rằng việc thi vào đó cũng đơn giản.

Vì ông là học trò đứng đầu lớp, đầu huyện, đầu tỉnh Quảng Bình lúc đó. Nhưng ông đã thất bại năm thi đầu tiên. Ông không biết vì sao. Cụ thân sinh ông chắc là người buồn nhiều nhất. Ông Giáp đã mất một năm để học và thi lại.

Có lẽ ông ấy đã rút ra một bài học là lúc nào cũng nghĩ mình giỏi quá thì thất bại. Chi tiết này nhỏ bé nhưng rất xúc động. Ông Giáp là người như thế, linh động, biến hoá và nhìn vào hoàn cảnh để thay đổi. Chính vì thế trong những trận chiến ông đã thay đổi chiến lược, chiến thuật rất nhanh. 

Công việc hiện nay của bà  là gì?


Một tuần một hai buổi tôi tới tạp chí Cửa sổ văn hoá của NXB Thế Giới làm công việc của một người biên tập tiếng Anh chính. Tôi đang dịch cuốn sách "Vừa đi đường vừa kể chuyện" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn "Từ nhân dân mà ra" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; "Tây Nguyên ngày ấy" của bác sĩ Lê Cao Đài, một nhà nghiên cứu chất độc hoá học Dioxin. Đây là những tác phẩm hay và viết rất chi tiết thời điểm lịch sử mà người nước ngoài không biết.

Người ta vẫn thường nói, một người không thể làm tốt  được nhiều việc cùng một lúc. Nhưng nghiệm  điều này vào bà có lẽ không phù  hợp. Trong bà là con người nhà văn, nhà hoạt động xã hội, nghiên cứu lịch sử, văn hoá Việt Nam và dịch giả. Bà làm việc không mệt mỏi và gặt hái nhiều thành công. Chúc bà thật nhiều sức khoẻ để tiếp tục những kế hoạch của mình!

-Xin cảm ơn bà!

Theo Bee.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC