Giữa trưa nắng nóng lên đến đỉnh điểm, gia chủ vẫn dứt khoát chỉ cho đoàn làm phim mượn... chiếc cổng nhà để quay, quyết không cho bước qua cửa.
Biến nhà dân thành hiện trường vụ án mạng
Không có trường quay thì phải đi nhờ vả bối cảnh, chuyện đi mượn nhà dân để quay phim cũng từ đó mà sinh ra bao chuyện cười ra nước mắt. Diễn viên Thanh Hoa kể lại rằng thời điểm quay bộ phim Cảnh sát hình sự "Đầm lầy bạc" là vào giữa mùa hè nên mọi người phải đánh vật với cái nắng nóng.
Tưởng chỉ phải lo đóng phim thôi, ai ngờ còn phải vã mồ hôi vì chuyện đi nhờ bối cảnh. Rõ ràng là trên phim, khán giả có thể hình dung một căn biệt thự hiện lên vô cùng hoàng tráng với đủ phòng ốc, cổng, sân vườn. Cứ ngỡ có bối cảnh sẵn thế, chỉ việc đến quay nhưng thực ra người trong cuộc mới gọi là cơ cực.
Có nhà đoàn làm phim chỉ "đàm phán" được với chủ nhà cho phép quay... ngoài cổng. Gia chủ vốn mê tín, nhà lại mới xây, ban ngày chỉ có người giúp việc trông nom nên không cho phép đoàn làm phim vào trong nhà. Nhưng vì muốn quay được cái cổng đẹp nên cả đoàn đành nghiến răng chấp nhận. Trời nóng như đổ lửa, cả đoàn làm phim phải tắm nắng cả ngày ngoài trời, đến chỗ thay phục trang cũng chẳng có, các diễn viên nữ thì trèo lên ô tô của đoàn làm phim còn các diễn viên nam thì ra sau một gốc cây to để thay đồ sau mỗi cảnh quay.
Bữa khác, khi đã mượn được một căn nhà khá ưng ý rồi, tưởng sẽ được tự do mà bày biện, muốn quay gì thì quay nhưng chuyện cũng chẳng đơn giản. Số là hôm đó đoàn làm phim "Đầm lầy bạc" phải quay cảnh hiện trường một vụ thảm sát trong nhà với những cảnh chết chóc, máu mê rợn người. Rất nhiều tiết lợn đã được tưới lên sàn nhà, rất tanh nhưng bù lại khi lên phim trông đỡ giả. Chắc chẳng có đoàn làm phim nào khi mượn nhà lại dám... khai ra việc mình sẽ tạo ra những bối cảnh "ghê rợn" như thế với chủ nhân bởi biết chắc là chẳng ai đồng ý vì vừa mất vệ sinh lại... xúi quẩy.
Tốt nhất là âm thầm quay trong bí mật cho được việc. Mất cả sáng chuẩn bị, hoá trang cũng đã xong xuôi, các diễn viên giả làm xác chết cũng đã sẵn sàng vào vị trí, chỉ chờ bấm máy. Nhưng đột nhiên đến trưa chủ nhà trở về. Cả đoàn nhanh chóng đóng kín cửa phòng để che dấu "hiện trường", lục tục kéo nhau xuống nhà tiếp chuyện cho đến khi chủ nhà rời đi mới lại hò nhau lên quay tiếp. Vậy là mất toi vài tiếng ngồi chơi xơi nước.
Nhưng nhiều khi được chủ nhà tạo điều kiện hết sức cho đến quay thì khó khăn vẫn chưa hết. Bộ phim "Blog nàng dâu" là một ví dụ. Cả đoàn làm phim nhiều ngày trời đóng chốt ở một nhà hàng tại Hà Nội để thực hiện các cảnh quay chính.
Vào giờ cao điểm là bữa trưa và bữa tối, nhà hàng rất đông khách nên đạo diễn quyết định cho thực hiện những cảnh quay diễn ra trong phòng ông chủ Lý. Khi nhà hàng ít khách thì các cảnh quay được thực hiện dưới bếp dù các đầu bếp "xịn" vẫn đang nấu ăn bình thường.
Căn bếp vốn đã chật chội, trời mùa hè nắng nóng, lại cộng thêm hơi nóng từ bếp và hệ thống đèn chiếu thẳng vào người làm cho các diễn viên chỉ còn biết kêu trời vì nóng. Nhiều khi mọi khâu đã chuẩn bị xong rồi nhưng đột nhiên diễn viên bị đầu bếp... đòi lại chảo để nấu món mới cho khách, vậy là lại phải chờ. Các cảnh quay ở bên ngoài nhà hàng cũng chẳng dễ xơi như... trên phim. Mỗi cảnh quay đều diễn ra lâu nên không thể "lợi dụng" được những khách hàng đang ngồi sẵn ở bàn. Do vậy chờ khách đi hết, đoàn làm phim còn ai chưa lên hình thì chia nhau ra ngồi vào bàn, giả làm khách.
Giấu bàn thờ của gia chủ sau chiếc tủ giả
Việc quay phim truyền hình thì có vẻ dễ dàng hơn, dễ ứng biến hơn, nhưng việc đi tìm bối cảnh cho các bộ phim nhựa, đặc biệt là những phim ghi hình và tiếng trực tiếp thì không phải là công việc dễ dàng.
Hoàng Điệp, đạo diễn của các phim truyền hình Bộ tứ 10A8, Chít và Pi đồng thời là giám đốc sản xuất của bộ phim truyện nhựa vừa gây chú ý tại LHP Cannes 2010, "Bi, Đừng sợ" còn nhớ như in hành trình đi tìm bối cảnh cho bộ phim này. Trước tiên là những cảnh quay trong nhà máy nước đá.
Đạo diễn và nhà sản xuất rất thích bối cảnh là Nhà máy rượu HN nhưng khổ nỗi ở đây, nguyên tắc tối thượng là không được quay phim chụp ảnh. Sau khi thuyết phục ông giám đốc nhà máy rượu đến gãy cả lưỡi, cũng may ông cũng là một người yêu nghệ thuật, nên cuối cùng đã gật đầu đồng ý cho đoàn làm phim đến quay.
Tuy nhiên, do phải thu tiếng trực tiếp nên không thể bấm máy các cảnh có thoại vào giờ công nhân nhà máy đang làm việc với tiếng máy móc ù tai. Không thể yêu cầu nhân viên nhà máy rượu nghỉ cho diễn viên làm việc, đoàn làm phim phải tranh thủ quay vào giờ nghỉ trưa. Khổ nhất vẫn là những ngày đi thuê bối cảnh tại một căn nhà cổ sập sệ trên phố Lãn Ông. Thuyết phục được các thành viên trong nhà chuyển đi chỗ khác rồi mà vẫn chưa hết khổ. Chiếc bàn thờ trong nhà nghe nói rất thiêng và không thể dọn đi chỗ khác.
Vậy là Giám đốc sản xuất lại phải đứng ra cúng lễ, xin phép cac cụ cho giấu bàn thờ phía sau một chiếc tủ giả để đoàn tiến hành quay. Khó khăn chưa hết, căn nhà cổ nay đã xuống cấp, lại vô cùng chật chội nên mỗi ngày quay lại khiến cho cả đoàn làm phim và mồ hôi.
Ngôi nhà có kết cấu yếu nên cùng một lúc không thể chịu nổi cả chục người trong đoàn làm phim và hệ thống máy móc cồng kềnh. Đã thế, do quay phim tại khu vực phố cổ nên không thể đỗ ô tô ngoài đường. Căn nhà cổ lại quá hẹp nên ai không có nhiệm vụ thì phải di tản ra quán xá quanh đó để trú tạm bởi không thể túm năm tụm ba trước cửa hàng của người ta.
Bối cảnh không tiện cho việc quay nhưng đạo diễn Phan Đăng Di rất ưng mắt nên không còn cách nào khác là cả đoàn phải khắc phục khó khăn. Song khá nhiều bối cảnh ở trung tâm thành phố rất vừa ý đạo diễn và nhà sản xuất nhưng rồi cuối cùng đành phải chào thua vì giá thuê nhà quá cao. Chẳng phải ở đâu gia chủ cũng sẵn sàng mở cửa, nhường nhà cho đoàn làm phim đến quay miễn phí.
Theo VNN.