Một buổi chiều Hà Nội ngồi trò chuyện cùng anh bên cây đàn piano, thấy cuộc sống vô vàn tươi mới và sống động. Cởi mở, hài hước và có chút gì đó rất đáo để, dường như Đặng Thái Sơn vẫn mang một tâm hồn trẻ thơ muôn màu sắc. Ký ức về một 'tuổi thơ hoang dã' cứ dần hiện ra trong giọng nói hiền hòa, êm dịu, trong tiếng cười sảng khoái, hồn nhiên của người nghệ sĩ đã vào tuổi ngũ tuần.
Khi tôi bắt đầu tập đàn piano, chả mấy khi được bố mẹ khen, thậm chí lại còn bị "đối xử" rất khắt khe nữa. Hồi đó, mẹ tôi nổi tiếng là khó tính và nóng tính, nên nhiều lúc tự nhiên tôi lại thành tự ti về khả năng chơi đàn của mình, trái ngược với nhiều gia đình, thấy con chơi được bản này tốt thì đã khen tràn cung mây, làm cho chúng bay bổng, ảo tưởng, nghĩ mình là nhất và không chịu cố gắng. Tôi thì cho rằng, hai thái cực khen quá và khó quá đều không tốt. Vì như thế nghĩa là làm cho mình không nhận thức đúng về năng lực bản thân.
Ngày nhỏ tôi cũng bị tự ti nhiều. Nói chính xác hơn là không nhìn được hết mình là ai. Nhưng cũng là một may mắn khi tôi đang học trung cấp tại Nhạc viện Hà Nội (năm 1974), thì có một chuyên gia người Nga sang làm việc. Chính thày đã phát hiện ra tôi và khơi dậy khả năng của tôi. Thày sang dạy một khóa ngắn hạn vài tháng cho các giảng viên tại trường nhưng cũng có nghe tất cả các học viên Nhạc viện chơi đàn. Năm đó, tôi mới 16 tuổi, cũng đánh các bài như các bạn khác, nhưng thày đã nhìn ra tôi và ngay lập tức thay đổi hoàn toàn giáo trình, đánh bài từ trung cấp nhảy vọt lên hẳn đại học và thật diệu kỳ là tôi vẫn "kham" được.
Chuyện đó cũng gây ra một cú sốc tại Nhạc viện. Và chính nhờ thày mà khả năng của tôi đã được nhà trường, các bộ ngành và nhà nước nhìn nhận. Để rồi vài năm sau đó tôi được cử sang du học ở Nga.
|
Gặp những câu hỏi thú vị anh cười "xả ga" hết cỡ. |
Có người hỏi tôi, bí quyết nào mang lại thành công? Tôi đã trả lời rằng cần có 3 yếu tố: tài năng thiên bẩm, lao động kịch liệt và cả may mắn nữa. Đến bây giờ, đi đâu tôi cũng nói một cách công khai là tôi may mắn, giống như là có quý nhân phù trợ vậy. Chứ giải thích thế nào mà bỗng dưng tôi gặp được giảng viên người Nga đó. Ngay cả khi sang học tại Nhạc viện Tchaikovsky, tôi cũng gặp được các thày giỏi và phù hợp, cần thiết cho từng giai đoạn phát triển của nghề nghiệp. Nếu như không có những người thày tuyệt vời đó thì chắc là đã không có một Đặng Thái Sơn hôm nay.
Bố tôi là nhà thơ Đặng Đình Hưng, mẹ là nghệ sĩ piano Thái Thị Liên và cả hai anh chị tôi đều theo học piano từ nhỏ. Tôi là con út trong nhà nên bố mẹ bảo: "Nhà này ầm ĩ quá rồi, thôi không cho cái thằng này học đàn nữa". Nhưng bố mẹ nói "không" thì mình lại cãi "ứ ừ, con thích học cơ". Và thế là tôi đến với âm nhạc một cách rất tự nhiên, không có sức ép nào hết.
Vả lại ngày trước, trẻ con đâu có trò gì chơi, quanh đi quẩn lại đánh bi đánh xèng là hết. Làm gì có nhiều thứ đồ chơi đủ loại hay game vi tính như bây giờ. Thế đâm ra thấy hay hay khi có cái máy mà đánh vào nó lại phát ra âm thanh, rồi thử đánh một hồi thì vang ra giai điệu như bài hát nên thích thú lắm. Thấy thế bố mẹ... nghĩ lại và bắt đầu thử xem "lỗ tai" của tôi thế nào. Vì nếu thích mà không có năng khiếu bẩm sinh thì cũng đành phải dẹp bỏ. Sau vài hồi thử lên thử xuống, thấy thằng con út có vẻ cũng không đến nỗi nào nên bố mẹ quyết định cho học. Khi đó tôi khoảng 4-5 tuổi và được học theo kiểu "thả rông", tự nhiên chứ không đi theo đúng trường lớp ngay. Đến lúc 7 tuổi mới chính thức thi vào Nhạc viện.
Đặng Thái Sơn độc tấu tại Nhà hát lớn Hà Nội tối 27/2. |
Đúng giai đoạn đó lại chiến tranh và cả gia đình tôi cùng các giảng viên, học viên của Nhạc viện phải sơ tán lên làng Xuân Phú ở Bắc Giang. Tôi đậu vào lớp Sơ cấp 1 của trường cũng là thời kỳ ở Xuân Phú. Tôi chỉ còn nhớ đêm đi lên đó, tất cả con của giảng viên được cho vào một xe tải. Đến thị xã thì phải chuyển sang đi xe bò kéo mới vào được trong làng, mà lại đi buổi đêm nữa vì tôi nhớ là có ánh trắng. Vất vả là vậy nhưng hồi trẻ con, mình thấy thế lại thích, lại thơ mộng vì chả mấy khi ở Hà Nội được ngắm trăng đẹp đến thế.
Ở Xuân Phú, mọi người chia nhau ra ở nhờ nhà bà con địa phương và cả đàn hay lớp học cũng là để nhờ. Cả gia đình tôi được một góc nhỏ trong nhà bà chủ và chả có đồ đạc gì ngoài một cây đàn piano và một cái giường. Cái đàn hồi đó giống như là cái hộp an toàn, có gì quý giá đều nhét hết vào hộc đàn. Còn giường trở thành cả một thế giới thu nhỏ đa chức năng: vừa là nơi ngủ, vừa là bàn ăn, bàn học, chỗ chơi… trăm thứ bà rằn. Suốt từ năm 1965 đến 1974, trừ 3 năm ở giữa là trở về Hà Nội thì tổng cộng khoảng 5 năm tôi và gia đình sống ở một "thế giới hoang dại" như thế.
Đi sơ tán với phương tiện vận chuyển lại thô sơ nên hầu hết đàn piano chuyển lên đều trong tình trạng rất thảm hại: bị xóc lọc xọc, nước mưa rơi vào, dây đứt, phím long... Thiếu thốn vậy nhưng ngày đó tôi ham học lắm. Một ngày được có mấy chục phút ngồi đàn, nên chỉ ngóng đến giờ là nhảy ngay đến chiếc piano và say mê tập luyện, thấy đó cũng là một niềm vui nho nhỏ.
Hồi đó, có những hôm đến lớp học, thấy đàn ôi thôi là bùn đất, phân trâu... thậm chí là trẻ con ở làng còn ị luôn ra đàn nữa. Vì họ không thích chúng tôi đàn, họ thấy ầm ĩ, ồn ào. Họ bảo họ không nghe được tiếng máy bay địch để xuống hầm. Và họ "cảnh cáo" mình bằng cách đó. Chẳng biết làm sao, lúc đó mọi người lại phải xắn tay vào dọn để tiếp tục học.
|
Ở tuổi 51, nghệ sĩ thấy mình tĩnh lặng hơn nhiều. |
Người lớn chắc là sẽ rất sốc vì tất cả mọi nếp sống khác biệt hẳn. Còn tôi, có lẽ vì quá nhỏ nên chưa thể cảm nhận hết được sự thay đổi. Chỉ nhớ là mỗi lần được về Hà Nội cứ như là được lên thiên đàng, sướng mê và chỉ mong được về thêm lần nữa. Mặc dù nhà tôi ở phố Tống Duy Tân cũng chỉ bé xíu, tổng diện tích khoảng 20 m2. Ngày xưa, đó là môt villa Pháp, chỉ dành cho một nhà. Nhưng người mình thì chia ra 6 hộ, mỗi hộ một phòng, cả gia đình ngần ấy người “nhét” hết vào trong đó, chả ai có cái góc nào riêng.
Ngày nhỏ, tôi đặc biệt thích gà. Khi chưa phải sơ tán, bố mẹ cho tôi một góc ở lan can ngoài cửa sổ để đặt mấy cái bu gà. Mặc dù nguy hiểm lắm, ở trên tầng 3 mà lỡ trượt chân rơi tõm xuống lúc nào không hay. Bố tôi cứ cấm vì ngoài lan can rất lắm rêu, dễ ngã. Nhưng mà mê quá mất rồi nên vẫn cứ nuôi. Đến khi lên Xuân Phú, tôi được giao "nhiệm vụ" chăm một đàn gà. Lúc mấy con gà mái đẻ trứng, sau khoảng 3 tuần thì nở ra gà con. Trời ơi, lúc đó tôi không làm được gì, cứ ngồi ngắm cả ngày vì chúng xinh quá.
Gà nuôi cũng không có gì, chỉ cho ăn cơm thừa, này kia. Nhưng thấy người ta bảo muốn nó nhanh lớn thì cho ăn giun đất nên ngày nào tôi cũng vác cuốc, đào giun cho gà. Tôi còn nhớ khi đi học, có bài văn tả con gà nhà em. Sau khi tả nó xinh đẹp, dễ thương, nó vui như thế nào thì tôi làm một cái kết luận: "Nuôi gà có hai2 cái lợi, vừa được ăn lại vừa được bán". Cơn cớ là vì mẹ giao cho nuôi gà như kiểu vốn riêng, đến khi nó lớn thì mẹ chiều nên mua lại, rồi khi mẹ thịt, mình lại được ăn nên đúng là... lợi cả đôi đường.
Gà thì hầu như chỉ Tết mới được ăn, còn thịt cá ăn cải thiện thì phải theo tem phiếu phân phối. Còn bữa cơm hồi sơ tán chủ yếu là cơm độn khoai, độn sẵn, độn mì, với thêm ít rau, may ra thì được vài con cua, con ốc... Mà cua đồng với ốc trong bữa là "chiến lợi phẩm" của tôi vì tôi bắt cua giỏi nổi tiếng. Phải chọn đúng lúc trời nóng, giữa trưa, khi cua vào hang thì mới đi bắt. Bắt cua thì phải thò tay vào hang để cua cắp rồi lôi ra. Nhưng phải vừa độ thôi vì mạnh quá thì bị cắp đau mà nhẹ quá thì cua tuột ra mất. Hồi đó, tôi như trẻ nông thôn, mò cua bắt ốc, nấu bếp rơm, lá tre rất giỏi.
Cũng kỳ lạ là đi dầm suốt vậy mà không ốm đâu gì cả. Dường như người Việt mình hồi chiến tranh miễn dịch đột biến tăng nên uống nước đồng cũng chẳng thấy đau bụng. Tay chơi đàn mà cứ cho cua cắp suốt, bố mẹ cũng không mắng vì thời ấy còn nhiều thứ nguy hiểm hơn là mấy cái càng cua.
|
Với nhiều nghệ sĩ Việt Nam, Đặng Thái Sơn vẫn là một thần tượng để học tập. |
Giờ nhớ lại những tháng ngày đó thật sự vẫn còn thấy y nguyên như mới hôm qua. Bạn bè đôi khi cũng ngồi với nhau ôn lại kỷ niệm một thời vất vả thơ bé. Thoáng đó mà tôi 50 còn mẹ tôi đã 90 tuổi. Mấy năm nay, cứ mùa đông tuyết rơi là tôi đưa mẹ về Việt Nam mấy tháng ở cùng anh chị. Vì thời gian đó tôi hay đi diễn, mẹ ở một mình tôi không yên tâm (Đặng Thái Sơn và mẹ đang sống ở Canada).
Đi qua nửa cuộc đời, tôi thấy mình trầm lắng và tĩnh lặng hơn nhưng vẫn cứ độc hành trên đường đời. Nghệ sĩ như tôi rất bốc đồng, luôn thay đổi vì nếu thăng bằng quá thì không đàn được nữa. Có lẽ lúc quá lý trí, khi quá mơ mộng mà đến giờ tôi vẫn "ngày lắm mối tối nằm không".
Nhiều người hay hỏi tôi bao giờ về Việt Nam sống? Tôi thì vẫn nói rằng cuộc đời là một vòng tròn và dù là ai đi nữa thì có ra đi là có trở về.
Theo Ngôi sao.