"Bây giờ các tác giả trẻ muốn nói cái tôi, tưởng đã ra khỏi sự định hướng đó nhưng thưc tế là chưa. Tính tập thể đè nặng còn cái tôi cá nhân vẫn bị coi là cá biệt...", đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói về câu chuyện điện ảnh Việt Nam hiện nay.
Điện ảnh VN - trẻ con hay người lớn?
- Người ta vẫn nói một đất nước hơn 80 triệu dân, có lịch sử phát triển điện ảnh hơn 50 mà đến Cánh diều 2008 chỉ có 6 phim nhựa dự tranh giải điện ảnh của Hội, như vậy nền điện ảnh đó vẫn còn là... đứa trẻ con. Phải chăng đó là chuyện bất thường?
- Chắc chắn là không bình thường. Điều này bắt đầu bị ảnh hưởng bởi cơ chế làm phim.
Mấy năm trước, Cục Điện ảnh giao cho các hãng sản xuất 4,5 phim/năm. Hai năm lại đây, hãng phim nhà nước đưa kịch bản lên, hãng nào có kịch bản được duyệt thì cục mới giao phim về. Các hãng phim truyện VN, Hãng phim truyện 1, Hãng phim Giải Phóng cộng lại được 7, 8 phim; thêm 3, 4 phim của tư nhân thì trung bình có trên dưới 10 phim hàng năm.
Còn nay, các hãng nhà nước có kịch bản tốt thì Cục mới duyệt nên xảy ra trường hợp có năm không tìm ra được kịch bản nào đáng kể hoặc chỉ có một, hai cái. Hiệu ứng rõ ràng là số lượng phim được duyệt ít đi.
Còn ai đó nói nền điện ảnh của chúng ta vẫn như đứa trẻ con chỉ là để cho sướng mồm thôi. Nền điện ảnh của chúng ta là một người lớn như thế nào quan trọng hơn là một đứa trẻ con.
- Nếu sự "sàng lọc" để cho ra lượng ít như vậy thì lẽ thông thường, chất phải tăng. Vậy mà hai mùa Cánh diều liên tiếp, không tìm ra phim nào cả giám khảo và khán giả thấy hài lòng?
- Cái này do con người quyết định. Hiện nay, vẫn những con người đó làm phim; vẫn theo cách dàn trải, cào bằng quen thuộc lâu nay.
- Lực lượng những nhà làm phim, đạo diễn, người viết kịch bản mới đang ngày càng nhiều lên đấy chứ?
- Đang có rất đông người làm phim, có nhiều nhà biên kịch hơn, nhiều nhà đạo diễn hơn, nhưng đó là mặt bằng rộng. Để điện ảnh Hàn Quốc như hôm nay, ngoài chuyện kinh tế phát triển thì họ đã đưa hơn 100 sinh viên trẻ đi học ở Mỹ.
Họ cũng mất đi khoảng 20 người thành danh ở lại, chỉ có gần trăm người trở về và từ gần chục năm trở lại đây, lực lượng đó là trụ cột cho sự phát triển của điện ảnh nước này. Phải có những chính sách, chiến lược và tầm nhìn sâu rộng như thế.
Hiện nay chúng ta có nghĩ đến tương lai nhưng vẫn để thế hệ đã và đang làm phim hiện tại bơi lung tung. Thỉnh thoảng mới có việc thực tập một vài tháng, tham quan nơi này nơi khác làm phim. Tôi vẫn chưa thấy hiệu quả của những chính sách làm phim hiện nay là sẽ tạo ra những phim tốt, kể cả những phim sắp ra đời.
“Làm phim là sự phơi mình trước mọi người qua tác phẩm”
- Cũng như BTC giải Cánh diều, nhiều nhà làm phim, đạo diễn của chúng ta lâu nay quen chọn giải pháp an toàn, hoặc phải "gọt chân cho vừa giày", nên nhiều phim dở ông dở thằng, khó tìm ra cá tính hay sự bứt phá, nổi trội. Cha anh, NSND Hải Ninh, khi phát biểu đã bày tỏ "những người làm phim trẻ hiện nay cần táo bạo hơn nữa". Hay nói như vợ anh, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang: "Phim tư nhân thì bát nháo. Phim nhà nước nộp lên Cục điện ảnh thì chỉ thích những kịch bản trong như bi ve, phục vụ tuyên truyền, làm xong cất vào kho". Đó có phải là lý do để thiếu vắng những bộ phim hay, xứng đáng để trao giải vàng?
- Đó là tâm lý cố hữu trong một tổng thể. Chúng tôi vẫn hay nói với nhau bản thân những nghệ sĩ của mình thực ra là tự kiểm soát , thỏa hiệp với chính mình trước. Rất nhiều trường hợp tự "diệt" mình.
Điều này thành một quán tính dài hàng chục năm, là tính định hướng mà quản lý đặt ra. Nghe có vẻ rất chung chung nhưng vô hình lại trở thành cản ngại: cái người ta muốn thì người ta bảo là nằm trong định hướng, và định hướng đó lại là định hướng về đề tài. Đề tài ở đây là về lãnh tụ, về thiếu nhi, về miền núi... chứ người ta không định hướng là tác phẩm hay và nhân bản!
Bản thân tính định hướng theo đề tài như làm về ngàn năm Thăng Long hay về miền núi… như thế đã rất hạn chế sự sáng tạo, khó tạo ra cái hay. Kiểu định hướng về đề tài như vậy vô hình chung còn xuất hiện tính cơ hội của không ít người.
Bây giờ các tác giả trẻ muốn nói cái tôi, tưởng đã ra khỏi sự định hướng đó nhưng thực tế là chưa. Đó là cả một quán tính, cách làm tồn tại từ quá lâu rồi. Tính tập thể đè nặng còn cái tôi cá nhân vẫn bị coi là cá biệt, là lệch lạc.
Với phim tôi làm, điều quan trọng nhất là mình có thực sự rung cảm với câu chuyện, vấn đề mình muốn kể hay không. Mỗi tác giả, nếu thực sự là có phong cách thì nó sẽ bộc lộ nguyên vẹn trong tác phẩm của mình, dù câu chuyện trong phim diễn ra trong thời gian, không gian nào. Làm phim là sự phơi mình trước mọi người qua tác phẩm.
- Anh có nghĩ, bây giờ có hàng trăm triệu USD đưa ra chúng ta cũng không có phim đẳng cấp thế giới?
|
Ngay bây giờ đưa ra số tiền lớn như thế thì nó giống như thế này: Một gia đình với mức lương tầm hai triệu, bao năm quen với món ăn đơn giản như đậu rán, rau muống luộc. Bỗng một ngày đẹp trời đưa cho người ta hàng chục triệu nói anh hãy làm món đặc sản đi thì liệu người đầu bếp của gia đình đó có kịp chuẩn bị món đặc sản đó ngay lập tức dù đã sẵn tiền để làm nó? Đơn giản là người ta chưa biết thế nào là đặc sản, là ngon, chưa có sự chuẩn bị để làm ra món đặc sản ấy.
Điện ảnh cũng vậy thôi. Người ta biết chắc được cái nào là ngon trong khoảng tiền một, hai triệu ấy, với thứ đã quen thuộc với người ta trong hàng chục năm trời. Chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, chưa làm món ngon khác thì giao cho họ số tiền khổng lồ chắc chắn cũng chỉ tiêu phung phí mà thôi!
- Nhìn thực tế hơn thì chúng ta vẫn cần tạo ra những món ăn dân dã hấp dẫn mọi người bên cạnh sơn hào hải vị, tức là có tác phẩm dù nhỏ nhưng hay, có bản sắc, phong cách của mình hơn là hoành tráng mà khoa trương, thiếu chiều sâu. Điện ảnh Iran đã có những bộ phim có bản sắc, gây tiếng vang, dù kinh phí thấp. Oscar vừa rồi vinh danh phim "Slumdog millionaire" (Triệu phú khu ổ chuột) của nhà làm phim độc lập. Hay Trung Quốc có điều kiện làm những phim hoành tráng 80 triệu USD như “Đại chiến Xích Bích” nhưng vẫn có những phim gây tiếng vang không kém như "Xe đạp Bắc Kinh" với câu chuyện từ đầu đến cuối chỉ xoay quanh một chiếc xe đạp. Điều này có trái ngược với điều anh vừa nói?
- Ý tôi là chúng ta nên làm phim theo hướng tiền vừa phải thôi nhưng đạt đến cái tinh xảo và riêng biệt. Chứ bây giờ có 200, 300 triệu USD cũng không chắc đã có tác phẩm đỉnh cao đâu. Lựa chọn con đường này cũng là vấn đề quan trọng.
Từ cách đây hơn chục năm, khi chúng tôi ngồi nói chuyện trước cổng hãng phim truyện VN số 4 Thụy Khuê cũng có đặt ra câu hỏi: "Cho ông 200 triệu ông có làm được phim như thế hay không?". Anh Đỗ Minh Tuấn bảo "Tôi làm được!". Mọi người lắc đầu bảo "Anh không thể làm được!". Anh Tuấn nói: "Với số tiền đó tôi có thể dựng một con phố!".
Đấy, tư duy như thế là đơn giản, sai. Tức là tìm cách tiêu tiền, cho số tiền hút đi mà không phải là sử dụng nó một cách hữu ích. Đôi khi, chẳng cần dựng một con phố mà chỉ dựng một căn buồng người ta vẫn có thể tiêu 200 triệu. Vấn đề là phố như thế nào, buồng như thế nào.
- Cha anh - NSND Hải Ninh chọn cách làm phim khai thác những đề tài "vĩ mô", hoành tráng, có tính biểu tượng cho cả thời kỳ, thời đại, còn anh thì ngược lại, tập trung đi sâu khai thác những góc khuất số phận của từng con người nhỏ bé. Đó có phải là sự khác biệt của phong cách điện ảnh giữa anh và bố anh?
- Đúng là người ta nhận ra sự khác biệt giữa hai bố con tôi trong điện ảnh là như vậy.
- Trong thời hiện đại ngày hôm nay, vấn đề "vĩ mô" hay thân phận con người đơn lẻ thôi thúc người làm phim như anh nhiều hơn?
- Riêng chuyện khai thác những vấn đề về số phận con người là sự lựa chọn của cá nhân tôi. Còn thực ra, cuộc sống bây giờ cần đến cả hai hướng khai thác đó. Vấn đề là để đi theo hướng nào thì phải có cảm hứng cá nhân với từng vấn đề đó.
Ví dụ, không ai bảo không cần có những phim như về lãnh tụ Indira Gandhi chẳng hạn. Cuộc đời vẫn phải có những phim lớn, có tính tôn vinh như vậy. Vĩ nhân cũng có nhiều điều để khai thác lắm, nhưng hãy khai thác yếu tố con người trong vĩ nhân.
Để trở thành vĩ nhân thì trước hết họ là con người kiệt xuất. Vấn đề là làm cái gì thì tới nơi tới chốn cái đó. Riêng để làm "vĩ mô" thì chắc chắn phải kèm theo rất nhiều tiền, có công nghệ tiên tiến. Chúng ta cũng không nên chỉ có một món ăn trong thực đơn điện ảnh của đất nước.
"Lúc này tôi khó ngồi yên được"
Vợ chồng đạo diễn Thanh Vân - Nhuệ Giang |
- Có những ý kiến cho rằng nhà nước nên rút bớt sự đầu tư vào điện ảnh mà tập trung để các hãng phim tư nhân phát triển? Cũng như giải thưởng Cánh diều, phải thu hút sự tham gia của tư nhân vào khâu tổ chức, để công tác xã hội hóa sát thực hơn, đời sống điện ảnh năng động?
- Thực ra mỗi người đều có cơ hội tìm kiếm sự hỗ trợ của tư nhân cho dự án của mình, chứ có ai ngăn đâu. Ở thời điểm hiện tại, nếu không có sự hỗ trợ nhà nước thì chúng ta chưa chuẩn bị được cho việc đó. Cụ thể, hiện nay những phim nhà nước là những phim mang hinh ảnh VN đến quốc tế.
Nhưng bây giờ nếu không có những phim như “Đời cát”, “Mùa ổi”, “Bến không chồng”... thì hình dung một ngày khán giả chỉ xem “Nụ hôn thần chết” hay “Đẹp từng centimet” thì bạn thấy được không, thậm chí còn bi thảm hơn. Qua gương mặt điện ảnh VN người ta còn thấy xã hội VN; với các tác phẩm điện ảnh như thế thì hình ảnh VN sẽ thế nào trong con mắt thế giới?
- Các nhà sản xuất phim tư nhân cũng đang lấy ngắn nuôi dài. Họ cần tạo ra những bộ phim có khả năng kéo khán giả đông đảo tới rạp, tạo doanh thu rồi song song hoặc dần hướng đến những bộ phim có tính nghệ thuật cao hơn hay đạt cả hai yếu tố nghệ thuật và thương mại? Như tôi được biết, trong năm 2009, Thiên Ngân đưa vào sản xuất hai phim, một phim giải trí và một phim nghệ thuật cho Tết là “Nhật ký Bạch Tuyết” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và “Khi yêu đừng quay đầu lạI” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đã quen thuộc với "Mùa len trâu" về vùng đất Nam Bộ...
- Đó cũng là cách đi của hãng phim nhỏ và trung bình. Tức là họ sẵn sàng làm 8, 9 phim giải trí, phải hút được đông khách để nuôi một phim nghệ thuật. Và phim nghệ thuật đó phải đạt mục đích là giành một giải quốc tế để có thương hiệu. Sau đó, họ sẽ thu hút được đầu tư từ các nơi khác, và rồi sẽ tạo ra những bộ phim ăn khách khác để nuôi điện ảnh. Cách làm đó cũng đúng thôi.
Dù có làm phim nghệ thuật đến mấy, tích lũy được kinh nghiệm, công nghệ làm phim, thì tôi tin chắc chắn rằng tư nhân sẽ không bao giờ làm những phim về lãnh tụ, về chiến tranh cách mạng, Điện Biên Phủ chẳng hạn... Lúc đó dù hay dở thế nào thì cũng vắng hẳn một mảng mà nhà nước cần để quảng bá.
Còn phim "Huyền thoại bất tử" không hề hiền hay chậm buồn, nó có những pha hành động rất dữ dội, chưa kể đã bị hạn chế bớt, để thu hút khán giả bên cạnh phần đầu phim nói về tình mẫu tử. Phim đó có tính "lưỡng phân" là ở chỗ đó nên đã không tạo nên sự đồng nhất.
"Với phim tôi làm, điều quan trọng nhất là mình có thực sự rung cảm với câu chuyện, vấn đề mình muốn kể hay không. Mỗi tác giả, nếu thực sự là có phong cách thì nó sẽ bộc lộ nguyên vẹn trong tác phẩm của mình, dù câu chuyện trong phim diễn ra trong thời gian, không gian nào. Làm phim là sự phơi mình trước mọi người qua tác phẩm". (Ảnh: Thanh Niên) |
- Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đang làm gì?
- Tôi đang triển khai làm phim truyền hình 30 tập "Lều chõng" dựa theo truyện của Ngô Tất Tố. Ngoài ra đang tìm đầu tư cho một kịch bản phim nhựa. Lúc này tôi khó ngồi yên được. Nghề nghiệp, cuộc sống, thực tế nền điện ảnh và xã hội thôi thúc tôi muốn làm việc nhiều hơn nữa.
Cũng như bạn nói về tư nhân người ta đang làm phim, lấy những tác phẩm khác để nuôi các tác phẩm nghệ thuật thì tôi cũng vậy, qua những phim truyền hình sẽ hỗ trợ tôi trong cuộc sống để quay lại với phim nhựa. Phim điện ảnh sắp tới tôi sẽ chuyển hướng sẽ tìm kiếm đầu tư từ bên ngoài chứ không dựa vào tiền đầu tư từ nhà nước. Với tôi, đồng tiền của nhà nước hay tư nhân vẫn là đồng tiền mình đưa vào sản xuất, điều quan trọng là tạo ra kết quả cuối cùng là bộ phim tốt như thôi thúc của sự "độc lập" từ chính mình.
- Anh có nghĩ rằng khi những nhà làm phim VN thành công với những bộ phim mà người ta tự thân tự lực lo kịch bản, huy động vốn, tự bỏ tiền túi ra làm thì sẽ làm lay động ít nhiều đến những nhà làm phim chỉ chờ sự rót tiền của nhà nước, và điều ấy có thể góp phần làm thay đổi ít nhiều bộ mặt của điện ảnh nước nhà?
- Xu hướng phim tác giả hiện nay đang thắng thế và điều bạn nói là đúng. Tôi cũng hy vọng sẽ là như thế!
- Cảm ơn đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã nhiệt tình trao đổi!
Theo Vietnamnet.