Bắt đầu từ bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" của đạo diễn Đặng Nhật Minh được kênh CNN chọn vào top 10 phim châu Á hay nhất mọi thời đại, một câu hỏi đặt ra: Tình trạng lưu trữ những bộ phim truyện những năm 1980 và trước nữa thế nào? Và còn việc lưu trữ những bộ phim chất lượng của điện ảnh tư nhân nữa, đó là minh chứng của một thời kỳ phát triển điện ảnh Việt Nam… Có rất nhiều điều vỡ vạc từ cuộc tìm kiếm này.
Từ mơ ước của một đạo diễn lớn
"Tôi mơ ước có một bộ DVD những bộ phim của mình". Đó là chia sẻ của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Có gì đó day dứt lắm trước câu nói này của ông.
Đặng Nhật Minh là một đạo diễn tên tuổi của Việt Nam và thế giới, phim truyện của ông không nhiều, đếm trên đầu ngón tay, nhưng đều rất ấn tượng, góp phần vinh danh cho điện ảnh Việt Nam. Người NSND nay đã ở tuổi thất thập đang mơ ước một điều tưởng như đơn giản nhất: có một tuyển chọn DVD những bộ phim của mình.
Vì sao như vậy? Xin bắt đầu từ bộ phim kinh điển "Bao giờ cho đến tháng Mười" của ông. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết: "Cách đây 2 năm có một người Mỹ, chủ rạp phim Cinématheque ở 22A Hai Bà Trưng, Hà Nội có ý định in một số phim Việt Nam sang đĩa DVD, trong đó có phim "Bao giờ cho đến tháng Mười".
Sau khi thuê bản phim âm bản này ở Viện Phim Việt Nam, ông thấy nó đã bị mốc trầm trọng. Ông thuê lau chùi, tu sửa bên Băngkok và nói nếu chỉ chậm một vài tháng thôi thì bản phim gốc này coi như hỏng hoàn toàn… Thực sự từ lần đó tôi mới giật mình và bắt đầu quan tâm đến khâu bảo quản phim, điều mà trước đây những người làm sáng tác chúng tôi rất ít biết".
Rõ ràng một nền điện ảnh được coi là có mặt trên đời là bởi vì nó còn lưu giữ được những bản phim gốc (âm bản) của mình. Không có những bản phim âm bản đó coi như không có bằng chứng gì để khẳng định sự hiện hữu của một nền điện ảnh. Vai trò của việc lưu trữ phim quan trọng là vì thế.
Ngẫm tới việc lưu trữ của ta
Viện trưởng Viện Phim Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho biết: Quãng 10 năm gần đây, công tác lưu trữ phim được quan tâm nhiều hơn. Với hai tầng tổng cộng hơn 600m2, kho phim của Viện tại Hà Nội đang lưu giữ khoảng 10 nghìn tên phim, chừng 30 nghìn cuốn.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lan, Viện thành lập năm 1979, sau đó vào cuối những năm 1980, các kho phim mới được xây dựng, mặc dù trang thiết bị tốt nhưng những bộ phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam trước đó đều được tiếp nhận từ các hãng phim và Fafim Việt Nam, nhiều phim đã ở trong tình trạng không được tốt, hoặc không đầy đủ do điều kiện bảo quản lúc đó.
Hiện nay, trong kho của Viện Phim Việt Nam, bộ phim truyện đầu tiên của nền điện ảnh cách mạng nước ta "Chung một dòng sông" đã không còn bản gốc. Một số phim khác còn bản gốc hình nhưng không còn bản tiếng, hoặc thiếu một cuốn…
Rõ ràng đây là một mất mát đối với nền điện ảnh Việt Nam. Mới đây ngày 20-11, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia khai trương sảnh điện ảnh tầng 2 giới thiệu những bộ phim kinh điển nước nhà. Trong số đó, có những phim khán giả khó lòng được xem lại, vì không còn đầy đủ, vì chất lượng thấp…
Một cán bộ từng công tác ở Fafim Việt Nam chia sẻ: Hãng phim NHK của Nhật mua khá nhiều phim của ta để lưu trữ tại Nhật. Nếu chúng ta không giữ cẩn thận thì sau này chính con cháu ta lại phải đi mua nước ngoài phim của ta. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia trước đây đã có chương trình Điện ảnh Việt Nam nhìn lại chiếu những phim hay trước đây. Nhưng nay không tiếp tục được vì lý do "thiếu nguồn phim, phim kém chất lượng…".
Hãng phim tư nhân còn kém mặn mà
Viện Phim Việt Nam hiện nay rất muốn các hãng phim tư nhân sẽ gửi bản gốc phim ở đây với mức phí khiêm tốn (15.000đồng/năm), đặc biệt là những bộ phim giá trị, đã đoạt nhiều giải thưởng. Mọi hoạt động khai thác thực hiện theo thỏa thuận với hãng. Tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị nào chủ động gửi phim tại đây.
Bộ phim duy nhất "Áo lụa Hà Đông" được giữ cũng chỉ là bản chiếu. Hãng Phước Sang, hay Vimaxfilm đều trả lời "gửi phim ở nước ngoài như Thụy Điển, Nhật…". Lý do là: "Khi cần có bản phim để chiếu, chỉ cần điện là họ in gửi về cho mình liền"…
Tuy nhiên, một số hãng phim tư nhân cũng khẳng định họ chưa nhận được lời đề nghị nào từ phía Viện Phim Việt Nam. Vimaxfilm và Phước Sang cũng bày tỏ tin tưởng sẵn sàng gửi phim vào kho phim của Viện Phim Việt Nam, không quan trọng mức phí.
Những gì đã mất rõ ràng không lấy lại được, nhưng để thế hệ mai sau còn biết về nền điện ảnh nước nhà, việc lưu trữ phim không chỉ cần tốt mà còn cần đầy đủ. Trước đây ta hay nói đến phim "mì ăn liền", nhưng không lưu được những phim này thì thế hệ sau cũng sẽ không biết "mặt mũi" nó thế nào.
Phim thuộc các hãng tư nhân cũng là một phần của điện ảnh Việt Nam, nó còn minh chứng cho một giai đoạn phát triển của điện ảnh trong điều kiện kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, lưu trữ phim còn một khía cạnh nữa là khai thác và phổ biến rộng rãi trong đời sống.
Theo Hải Giang
Hà Nội Mới