Thành công của dòng phim ca nhạc quốc tế khiến không ít nhà làm phim Việt hăm hở. Nhưng thực lực để đáp ứng đặc thù của dòng phim này đến đâu vẫn còn là dấu hỏi.

Khán giả, đặc biệt là khán giả tuổi teen, không còn xa lạ với các bộ phim ca nhạc: Mamma Mia!, High School Musical, Những cô gái Gêpa… Sức hút này không chỉ bắt nguồn từ nội dung, cốt truyện mà nó còn nằm ở chỗ diễn viên với khả năng diễn xuất, ca hát cùng với vũ đạo tuyệt vời của diễn viên.

Ngấp nghé ngưỡng… musical

Phim ca nhạc rất phổ biến ở các kinh đô điện ảnh thế giới, đặc biệt là Bollywood (Ấn Độ). Không chuyên như Bollywood nhưng ở Hollywood, phim ca nhạc đã để lại những dấu ấn đặc biệt. Gần nửa thế kỷ sau, khán giả điện ảnh Việt Nam ở nhiều thế hệ khác nhau vẫn nhắc đến những bộ phim ca nhạc như The Wizard of Oz (1939), Singin' in the Rain (1952), West Side Story, (1961), The Sound of Music (1965), Cabaret (1972), Mary Poppins (1964), Chicago (2002), Beauty and the Beast, (1991), Moulin Rouge (2001).

Thế nhưng ở Việt Nam, phim ca nhạc gần như chưa từng xuất hiện. Có chăng chỉ là những đoạn phim do các ca sĩ thực hiện (giống như một video clip). Dẫu vậy, với tư duy “dám làm” của đội ngũ trẻ hiện nay, phim ca nhạc không phải là điều quá xa vời.

 Điện ảnh Việt trước

Điện ảnh Việt trước

Điện ảnh Việt trước
Cảnh trong phim Em muốn làm người nổi tiếng

Minh chứng rõ nét cho điều này là sự ra đời của khá nhiều bộ phim theo xu hướng phim ca nhạc thời gian qua như Em muốn làm người nổi tiếng, Lương tâm bé bỏng, Em còn nhớ hay em đã quên…, và mới đây nhất là bộ phim Giải cứu thần chết.

Bản thân đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (đạo diễn Giải cứu thần chết) cũng không dám tuyên bố đây là một phim ca nhạc nhưng sự xuất hiện của âm nhạc và vũ đạo tràn ngập trong phim cũng đủ để khán giả thấy “mùi” phim ca nhạc của nó.

Tuy nhiên, những bài hát trong phim này mới chỉ đan xen vào câu chuyện, chứ chưa đóng vai trò lời thoại hay phát triển tính cách nhân vật như ở phim nước ngoài. Không tính đến những đoạn mang… hơi hướng của High school musical thì thành công của Giải cứu thần chết phần nào tiếp sức cho quyết tâm thực hiện phim ca nhạc “Made in Việt Nam”.

Nhà biên kịch trẻ Hà Thanh Phúc, đang viết kịch bản cho một bộ phim của TFS (dự kiến sẽ là thể loại phim ca nhạc) phát biểu: “Thế giới làm được thì sao mình không làm được?. Thử mới biết”.

Còn quá nhiều trở ngại


Không phải ngẫu nhiên mà Hà Thanh Phúc tự tin như vậy. Theo anh, ca sĩ Việt có rất nhiều cảm hứng với môn nghệ thuật thứ bảy và nhiều người đã để lại dấu ấn trong lĩnh vực điện ảnh như Hồng Nhung, Phương Thanh, Siu Black, Nguyên Vũ, Nguyễn Phi Hùng, Thùy Lâm, Minh Hằng, AC&M…

Điện ảnh Việt trước

Điện ảnh Việt trước

Điện ảnh Việt trước
Cảnh trong phim Giải cứu thần chết

“Đây chính là lợi thế để thực hiện một bộ phim ca nhạc, bởi diễn viên, ngoài khả năng diễn xuất, còn phải biết hát và vũ đạo”, Thanh Phúc nhận xét. Như vậy, điều quan trọng còn lại là kịch bản hấp dẫn. Đó cũng là vấn đề nan giải nhất.

Đạo diễn Đỗ Phú Hải nói: "Chúng tôi đã nghĩ đến việc làm phim ca nhạc từ lâu, thế nhưng “nghĩ” thì rất dễ nhưng làm thì hàng vạn khó khăn. Khoan nói đến kỹ thuật trường quay, điện ảnh Việt thường bị chỉ trích gay gắt về kịch bản phim. Một bộ phim bình thường mà lời thoại còn chưa hấp dẫn thì làm sao một bộ phim ca nhạc (lời thoại cần có cả nội dung và giai điệu) có thể thu hút khán giả.

Đó là chưa kể, một nhạc sĩ có thể giỏi về âm nhạc nhưng lại không hiểu điện ảnh. Nếu những ca khúc trong phim chỉ hay về mặt âm nhạc mà không đáp ứng được những đòi hỏi tối thiểu về thoại thì cũng… thua. Bên cạnh đó, diễn viên đóng phim ca nhạc cần phải hát hay, diễn tốt. Tại Việt Nam hiện nay có nhiều người hát hay nhưng diễn chưa tốt và ngược lại.

Có thể nói rằng: dù liều mình thể nghiệm nhưng phim ca nhạc Việt mới chỉ nằm bên lề không gian “musical” mà thôi.

Theo Đất Việt.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC