Diễn biến mới quanh các bộ phim về Lý Công UẩnCó quá nhiều dự án phim lịch sử xoay quanh nhân vật Vua Lý Công Uẩn gây dư luận trong thời gian qua nhưng đến thời điểm này chỉ có duy nhất một bộ phim ra mắt.

Tiến độ... "vắt chân lên cổ"

Bộ phim hoạt hình 3D Người con của rồng dù không gây ồn ào nhưng lại là bộ phim đầu tiên về vua Lý Công Uẩn hoàn thành và ra mắt báo giới hôm 13/9. Phim có kinh phí xấp xỉ 7 tỉ đồng và được thực hiện trong gần 2 năm với sự tham gia của ê kíp các hoạ sĩ 2D và 3D lên đến 30 người. Các hoạ sĩ đã phải thiết kế 20 bối cảnh lớn và thực hiện hơn 800 cảnh diễn xuất theo phân cảnh hình ảnh của đạo diễn Nguyễn Minh Trí.

Hai bộ phim truyền hình lịch sử cùng có sự tham gia của Hãng phim truyện I là Thái sư Trần Thủ Độ Huyền sử Thiên đô cũng đang trong giai đoạn nước rút. Sau hơn 1 năm quay ròng rã (từ tháng 6/2009), đầu tháng 8/2010 vừa qua, Thái sư Trần Thủ Độ, bộ phim truyền hình dài 30 tập từng tốn không ít giấy mực của báo chí đã đóng máy và đang trong giai đoạn hậu kỳ. Trong khi đó, Huyền sử thiên đô tuy bấm máy muộn (tháng 5/2010) nhưng đến thời điểm này phim đã hoàn thành được 5 tập đầu tiên để kịp lên sóng vào dịp Đại lễ.

Bộ phim truyện nhựa duy nhất về vua Lý Công Uẩn là Khát vọng Thăng Long của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng đang "chạy đua" với thời gian để hoàn tất những khâu cuối cùng. Vì phải hoàn thành trước dịp đại lễ nên chi phí của phim hiện tại, theo tiết lộ của nhà đầu tư đã bị đội lên gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu và con số cuối cùng chỉ có khi phim ra mắt. Khởi quay từ 13/6, phim đóng máy sau hơn 2 tháng. "Với một bộ phim lịch sử có độ dài hơn 100 phút thì các bạn hình dung là phải vắt chân lên cổ mà chạy. Chạy hết công suất. Đoàn làm phim rất đông, 200 người làm phim và quay bằng 4 máy quay", đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói.

Diễn biến mới quanh các bộ phim về Lý Công Uẩn_0
Dù tất cả các bối cảnh đều được dựng và quay tại Việt Nam nhưng rất nhiều thành phần làm phim là người nước ngoài hoặc Việt kiều.

Khát vọng Thăng Long đã đóng máy và đang trong giai đoạn làm hậu kỳ nhưng đạo diễn vẫn hết sức lo lắng khi nghĩ đến ngày phim ra mắt, cũng là lúc anh phải đối mặt với những dư luận nhiều chiều về bộ phim.

"Khi làm phim thì cắm đầu vào làm nhưng khi xong rồi thì thấy sợ hãi, đêm mất ngủ là vì thế. Đầy sự lo sợ. Cả ngàn thứ nhìn vào, giá treo cổ trước mặt, dao kề đầu", đạo diễn Lưu Trọng Ninh nói.

Trước những băn khoăn về tính chân thực trong lịch sử, Lưu Trọng Ninh cho biết: "Bộ phim không mang chức năng chứng minh lịch sử. Nó là một sản phẩm để người ta giải trí và hưởng thụ. Người này có thể khen, người kia có thể chê, người thích, người không thích nhưng quan trọng là bộ phim mang lại cảm xúc cho người xem". Được biết, ngày 21/9 tới đây bản phim Khát vọng Thăng Long sẽ được mang đi trình duyệt nhưng đến thời điểm này chưa thể biết chính xác khả năng ra rạp của phim đến đâu.

Phim chưa công chiếu đã gặp rắc rối

Diễn biến mới quanh các bộ phim về Lý Công Uẩn_1
Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long được quay chủ yếu tại trường quay Hoành Điếm, Trung Quốc.

Thời gian gần đây bộ phim truyền hình Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long đang là tâm điểm của dư luận. Đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi về tính thuần Việt cũng như về màu sắc Trung Quốc trong bộ phim này dù Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long chưa chính thức công chiếu.

Vấn đề là ở chỗ, một bộ phim về đề tài lịch sử lấy bối cảnh cách đây 1000 năm khi nguồn sử liệu không nhiều, phim lịch sử Việt Nam lại quá ít, thiếu cơ sở để đối sánh trong khi khán giả Việt Nam phần đông đã quá quen với các phim lịch sử Trung Quốc nên dễ áp đặt "phim Ta giống phim Tàu".

Ngay khi mới triển khai dự án phim này đã gây chú ý bởi tính nhạy cảm của nó bởi Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long làm về vị vua có thật trong lịch sử, người đã có công dời đô đến Thăng Long và được thự hiện nhân dịp Đại lễ 1000 năm. Dù diễn viên chính đều là người Việt Nam nhưng phim lại được thực hiện phần lớn tại trường quay Hoành Điếm của Trung Quốc với sự tham gia của một đạo diễn Trung Quốc. 

Diễn biến trở nên phức tạp khi ngày 6/9 vừa qua, Cục Điện ảnh đã có công văn gửi nhà sản xuất về việc thẩm định Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Bộ phim được Hội đồng Cục điện ảnh đánh giá là đã cố gắng bám sát các mốc lịch sử quan trọng và tái hiện được một phần lịch sử từ thời Đinh - Tiền Lê đến khi Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế, quyết định rời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Hội đồng duyệt cho rằng các nhà làm phim đã cố gắng xây dựng được một bộ phim có tính chuyên nghiệp cao, tạo được sự hấp dẫn cho người xem, dàn diễn viên thể hiện khá xuất sắc ở tất cả các tuyến nhân vật.

Tuy nhiên, văn này cũng nêu rõ: "... vì đa số các cảnh quay phim được thực hiện tại Trung Quốc nên có thể gây cho người xem dễ có cảm nhận đây là một bộ phim truyện truyền hình Trung Quốc, một số chi tiết và lịch sử cần được tái hiện và làm đúng với lịch sử để tránh phim mang dáng dấp dã sử Trung Quốc như giám định kịch bản đã nêu".

Căn cứ vào ý kiến của các thành viên Hội đồng, Cục điện ảnh đã đề nghị nhà sản xuất cắt bỏ một số cảnh quá quen thuộc của Trung Quốc dễ gây hiểu lầm cho khán giả như cảnh vua đi lại ở cầu dích dắc trên mặt hồ, một số cảnh có đông diễn viên quần chúng là người Trung Quốc... sửa chữa lại những câu thoại mang dáng dấp của phim dã sử Trung Quốc cùng một số lời thoại quá hiện đại.

Diễn biến mới quanh các bộ phim về Lý Công Uẩn_2
Làm phim lịch sử trong điều kiện không có trường quay, phải đi thuê một trường quay của Trung Quốc thì việc thấy dáng dấp phim Tàu trong phim Ta là chuyện khó tránh. 

Trao đổi với phóng viên liên quan đến dư luận xung quanh phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long bên lề cuộc họp báo về Tuần phim Ba Lan tại Hà Nội sáng 14/9, Cục trưởng Cục Điện ảnh Lại Văn Sinh nói ông không phải là người của Hội đồng duyệt phim và phải xem đầy đủ phim thì mới có thể phát biểu được.

Còn GS.TS Đinh Xuân Dũng, Uỷ viên thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật T.Ư, người từng tham gia cố vấn nội dung kịch bản phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long cho biết: "Cảm nhận của tôi khi xem phim xong là bộ phim này đã thể hiện sinh động bằng tình cảm rất sâu sắc với lịch sử dân tộc. Phim phản ánh trung thực những nét cơ bản nhất bằng ngôn ngữ điện ảnh một giai đoạn rất độc đáo của lịch sử dân tộc từ thời Đinh, Tiền Lê đến thời Lý.

Đứng về mặt nội dung, tôi cho đây là một bộ phim tốt. Không có một bộ phim nào không có khuyết điểm, nhất là khi đây lại là bộ phim được thực hiện trong điều kiện làm phim về lịch sử đang còn rất khó khăn... Những hạn chế trong việc làm phim lịch sử của chúng ta không thể nhanh chóng khắc phục được. Tôi cho là phải mất mươi, 15 năm nữa".

Ông Trịnh Văn Sơn, tác giả kịch bản đồng thời là giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành, đơn vị đầu tư sản xuất phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long cho hay việc cắt đi những cảnh dễ gây hiểu lầm như cảnh vua đi lại trên cầu dích dắc hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật và có thể dùng kỹ xảo để xử lý được mà không ảnh hưởng đến nội dung. Hiện tại bản phim chỉnh sửa đã được hoàn tất để gửi lại Cục điện ảnh kiểm tra. Tuy nhiên, việc cấp phép phổ biến bộ phim phải được sự đồng ý của các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.

Theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC