Một trong những chủ trương của Sở VH,TT&Dl Hà Nội là phát triển du lịch võ thuật chào mừng Đại lễ Thăng Long nghìn năm tuổi. Nhưng phát triển thế nào là một bài toán chưa có lời giải.
Mới mà không mới
Du lịch võ thuật không phải là loại hình du lịch mới lạ trên thế giới. Những quốc gia châu Á láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã phát triển sản phẩm này từ những thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX. Họ làm thành công tới mức hiếm ai lại không biết tới Thiếu lâm tự, Sumo hay Muay, Taekkyeo. Chính phủ các nước cũng cấp visa cho du lịch võ thuật để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho khách quốc tế muốn tìm hiểu và học tập tại các võ đường.
Tại Việt
Một trong những vướng mắc lớn nhất là cả Hà Nội không có một võ đường nào đúng nghĩa, tức là có tổ đường, có sơ sở vật chất hoàn chỉnh (đẩy đủ chứ chưa cần khang trang), có nơi cư trú và tập luyện thường xuyên, ổn định cho các môn sinh.
Hà Nội khó có thể liệt kê được số lượng các lò võ tự xưng là “võ đường” phát triển một cách tự phát và ồ ạt như hiện nay. Trong số đó, hầu hết đều phải đi thuê địa điểm luyện tập tại các trường học, nhà văn hoá, sân bóng, công viên… Chưa kể nhiều võ đường tự xưng không có tên môn phái cố định, không có nội quy hoạt động, thậm chí không có trụ sở. Số võ đường hoạt động có tính quy củ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như võ đường Khắc Trịnh (môn phái Nam Hồng Sơn), võ đường Y Phúc của Thiếu lâm Vịnh Xuân, võ đường của môn phái Võ lâm Phật gia… Ngoài ra trên địa bàn Hà Tây cũ nổi lên võ đường Bảo Long (thị xã Sơn Tây), Bách Linh từ (Ứng Hoà) và đất tổ của VOVINAM ở Hữu Bằng - Thạch Thất.
Y Phúc và Bảo Long là hai võ đường có dấu hiệu chuyên nghiệp trong việc tổ chức du lịch. Khá nhiều đoàn khách quốc tế đến đây tham quan, tìm hiểu và ở lại chữa bệnh hay học tập một thời gian. Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở hai võ đường này vẫn quá sơ sài để có thể tiếp đón khách du lịch một cách chu đáo chứ chưa nói đến việc thu hút hay giữ chân. Thêm nữa, lĩnh vực chính và thế mạnh của họ là bốc thuốc chứ không phải là võ thuật.
Bên cạnh đó, một tiêu cực đã nảy sinh trong hoạt động du lịch võ thuật tự phát này là tình trạng “chặt chém” khách tại các võ đường như tăng gấp ba bốn lần mức giá sinh hoạt và chi phí luyện tập so với thực tế. Điều này khiến khách ngoại quốc cảm thấy nản bởi phần nhiều trong số họ có thu nhập không cao, không đi du lịch thuần tuý mà mục đích muốn học tập, tìm hiểu về môn võ cổ truyền mà họ đam mê hay muốn đặt niềm tin vào một cách chữa bệnh mới.
Ông Patrick Levet– võ sư VOVINAM người Pháp nhiều năm làm môi giới du lịch võ thuật cho biết: VOVINAM được biết đến và yêu chuộng tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Rất nhiều người ngoại quốc lưu ý đến Việt Nam thông qua VOVINAM nhưng cũng không ít người thất vọng khi họ tích cóp cả năm trời để bay sang Việt Nam viếng tổ, mong muốn nhìn tận mắt cái nôi đã sinh ra môn võ họ đam mê thì lại không có một võ đường tử tế nào. VOVINAM không có tổ đường, cũng không có một võ đường có quy mô, toàn diện. Đó là hạn chế rất lớn khiến du lịch võ thuật Việt
Bối rối tìm hướng đi
Theo mong muốn của Sở VH,TT&DL Hà Nội, tour du lịch võ thuật sẽ được hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng trong năm tới (2010) nhằm hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia và Đại lễ 1000 năm. Bản thân các võ đường thì đặc biệt ủng hộ chủ trương này và bày tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác với các hãng lữ hành. Tuy nhiên, phía lữ hành lại không thực sự nhiệt tình.
Bảo Long hoạt động quy củ và chuyên nghiệp hơn cả nhưng lĩnh vực chính của họ lại là bốc thuốc (Cảnh tập luyện tại Võ đường Bảo Long- Ảnh Vietnamnet)
Không hoàn toàn là thơ ơ nhưng các công ty du lịch có lý do để ngần ngại khi đưa khách hàng của họ đến các võ đường. Họ cho rằng, với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay của các võ đường, chỉ có thể đưa du lịch võ thuật ghép vào các tour thông thường khác như một “món điểm tâm” lạ chứ không thể làm “món chính”.
Ở các nước khác, một tour du lịch võ thuật kéo dài tối thiểu 2 tuần - thời gian để các du khách tìm hiểu và luyện các bài tập sơ đẳng nhất của môn võ họ yêu thích. Thế nhưng, hầu hết các võ đường của Hà Nội không có chỗ lưu trú cho du khách qua đêm. Những võ đường ít ỏi có chỗ ăn nghỉ cho khách thì không thực sự tươm tất, và không phù hợp để lưu trú trong thời gian dài.
Chưa kể, để có thể làm những tour dài ngày, ngoài nơi ở và sân tập cố định, các võ đường còn phải xây dựng rất nhiều hạng mục du lịch như quầy hàng lưu niệm, quầy bán võ phục, binh khí, quầy phục vụ du khách tham quan trong ngày, hệ thống thông tin chuyên nghiệp về võ đường như tờ rơi, website, công khai bảng giá tham quan du lịch, lên kịch bản trình diễn của riêng võ đường… Tất cả những hạng mục đó chưa có một võ đường nào tổ chức được và cũng khó có thể tổ chức được trong tương lai gần.
Sở VH,TT&DL Hà Nội cam kết sẽ hỗ trợ cho các võ đường về vấn đề quảng bá, đồng thời sẽ có những chứng nhận cho các võ đường có uy tín, tầm ảnh hưởng rộng, hoạt động tốt, có tính văn hoá cao nhằm ngăn chặn tình trạng xô bồ hiện nay cũng như những tiêu cực nảy sinh khi phát triển du lịch võ thuật. Tuy nhiên, điều các võ đường cần nhất là kinh phí để đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất đón khách thì không tìm đâu ra. Trong khi đó nếu hiện trạng các võ đường vẫn tạm bợ nay đây mai đó như thời gian qua thì quả thực là khó khả thi để đưa võ thuật thành một sản phẩm tour độc lập, cho dù các võ đường lẫn nhà chức trách có hồ hởi và tin tưởng vào tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch võ thuật của Hà Nội đến đâu?.
Theo Tổ Quốc.