Gặp Hoàng Sa ở Lý SơnTỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức nghiệm thu và đưa vào sử dụng quần thể khu di tích lịch sử Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa tại huyện đảo Lý Sơn nhằm phục vụ khách tham quan nhân lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ được tổ chức vào cuối tháng 4.2010.

Có thể dễ dàng bắt gặp một Hoàng Sa kiêu hùng từ hàng trăm năm trước ngay tại hòn đảo xinh đẹp này.

Năm 2008, ngành văn hóa tỉnh Quảng Ngãi tiến hành trùng tu và xây mới hàng loạt các điểm di tích liên quan đến Đội Hoàng Sa tại Lý Sơn. Trong đó, đáng chú ý là nhà trưng bày và cụm tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa được xây dựng tại xã An Hải.

Các nghệ nhân làng đá Ninh Vân, tỉnh Ninh Bình đã thể hiện một cách hoàn hảo phác thảo của nhà điêu khắc Hà Trí Hiếu - tác giả cụm tượng đài. Sau nhiều lần xuôi ngược, trong đó có 4 lần đặt chân lên đảo Lý Sơn và tham khảo nhiều tài liệu, nhà điêu khắc Hà Trí Hiếu mới thể hiện được cụm tượng đài vừa uy nghiêm, nhưng cũng đầy hùng tráng của những binh phu Lý Sơn cách đây hàng trăm năm đã vượt trùng dương bằng những chiếc thuyền nan mỏng manh để có mặt tại Hoàng Sa, dựng bia chủ quyền cho đất nước.

Cụm tượng đài gồm 3 nhân vật đều cao 4,5m, nặng 40 tấn. Người đứng giữa là cai đội, mặc trang phục triều đình, tay cầm giáo chỉ hướng Hoàng Sa, tay kia đặt lên cột mốc khắc dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai nhân vật còn lại, một ở trần vác lưới, một người mặc áo chùng. “Chọn trang phục như vậy là hợp lý vì những cuộc ra đi thời ấy chỉ nặng về khẳng định chủ quyền chứ không nặng về lâm trận” - tác giả của cụm tượng đài lý giải.

Sau lưng tượng đài khắc dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”, nghĩa là “Quần đảo Hoàng Sa là vị trí cực kỳ hiểm yếu nơi biên giới quốc gia”. Nhà bảo tàng Hải đội Hoàng Sa rộng 374m2, trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh và nhiều hiện vật sinh hoạt liên quan Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa.

Các hiện vật như chiếu cói, dây mây, đòn tre, thẻ bài... là một phần hành trang của người lính, có thể giúp cho thế hệ hôm nay phần nào hình dung được “không khí” của những cuộc ra đi bảo vệ chủ quyền lãnh hải nơi Hoàng Sa của cha ông từ hàng trăm năm trước. Nhiều bức ảnh ghi lại cảnh sinh hoạt và tác nghiệp của những người ở Đài khí tượng Hoàng Sa của VN trước năm 1974, trong đó có cả những bức ảnh chụp cột mốc chủ quyền của VN.

Quần thể di tích còn có khu mộ tập thể cai đội Phạm Quang Ảnh, mộ cai đội Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám là những vị “thủ lĩnh” nổi tiếng, được vua trực tiếp giao việc ra Hoàng Sa đo đạc hải trình và cắm mốc chủ quyền quốc gia.

Cụm di tích còn có đình làng An Vĩnh được phục dựng trên nền cũ của đình đã bị hư hỏng. Đây là nơi từng diễn ra các cuộc tiễn đưa những người lính đi làm nhiệm vụ nơi Hoàng Sa vào tháng 2 âm lịch hằng năm tại Lý Sơn. Theo các bô lão ở Lý Sơn, đình đã được phục dựng gần như nguyên bản, bên trong đình có thêm dòng chữ: “Công đức dựng xây miền đảo lý. Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa” để tri ân các bậc tiền nhân.

Có thể nói đây là lần trùng tu và phục dựng lớn nhất những di tích liên quan đến Đội Hoàng Sa tại đảo Lý Sơn. Theo kế hoạch, lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày 28 và 29.4 tới, được tổ chức quy mô nhất từ trước đến nay, làm tiền đề cho Festival Biển - đảo VN lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 2012 tại Quảng Ngãi.

Theo LĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC