Một năm, mười năm, rồi hai mươi năm. Thời gian đã làm cho nỗi đau đớn bớt dần đi vẻ sắc nhọn ban đầu. Công việc bận rộn và trăm mối lo toan thường nhật cuốn mỗi người đi trong vòng quay tất bật của cuộc sống.
Nhưng đã 21 năm rồi, cứ đến dịp này là những hồi ức, kỷ niệm về anh Vũ, chị Quỳnh và cháu Mí lại cồn lên da diết trong nỗi nhớ của chúng tôi - những người ruột thịt của anh chị.
Mà đâu phải chỉ có chúng tôi! Theo truyền thống, gia đình tôi làm giỗ anh chị và cháu vào ngày âm lịch(18/7). Nhưng bạn bè và các cơ quan, đoàn hội lại thường hay nhớ ngày mất của anh chị theo dương lịch (29/8/1988).
Hôm nay, có một khán giả ở thành phố Hồ Chí Minh gọi điện thoại hỏi tôi địa chỉ nơi đặt bàn thờ để gửi một ít trái cây miền Nam thắp hương cho anh chị nhân ngày giỗ. Một Việt kiều đang sống ở Mỹ rất yêu thơ Xuân Quỳnh gửi email nhờ tôi thắp hương cho chị.
Cách đây hơn nửa tháng, nhà văn Ngô Thảo và NSND Trọng Khôi đã nhắc với tôi về ngày giỗ Vũ, Quỳnh vào cuối tháng 8 và nhớ lại bao câu chuyện về những ngày cùng làm việc.
Đặc biệt là NSND Lê Hùng – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, kiêm GĐ Nhà hát kịch Việt Nam đã giành cho Lưu Quang Vũ những tình cảm hết sức nồng nhiệt, trân trọng, quý mến. Tuần trước tình cờ gặp tôi, anh đã dừng lại say sưa nói về bao công việc đã thực hiện và những dự định sắp tới để làm sống lại những giá trị của kịch Lưu Quang Vũ trên sàn diễn. Năm 2007 đạo diễn Lê Hùng đã dựng lại vở "Điều không thể mất" cho Nhà hát kịch Quân đội.
Gần 20 năm sau ngày Lưu Quang Vũ mất, dưới bàn tay tài hoa của đạo diễn Lê Hùng, vở diễn vẫn tươi nguyên những xúc cảm nhân văn và giá trị nghệ thuật ngày nào. Trong kỉ niệm cúa NSƯT Hoàng Cúc những ngày diễn vở "Tôi và chúng ta" là thời kì hoàng kim nhất của chị và đoàn kịch Hà Nội. Những ngày đó hệt như một giấc mơ".
Hoàng Cúc nhớ lại: “Ngày ấy chúng tôi ngợp trong thắng lợi, trong niềm vui sướng. Với chúng tôi ngày ấy đồng nghĩa với hoa, với chúc tụng của bạn nghề, báo giới và khán giả. Bao giờ cho đến ngày ấy… Bao giờ? Nghĩ về Lưu Quang Vũ chúng tôi thêm nghị lực, lòng yêu nghề để đi tiếp quãng đường hôm nay, dẫu có nhiều gian nan thử thách ".
Cuộc đời và sân khấu vẫn đang náo động, xôn xao. Những vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn đang khuấy động trong tâm trí bao người. Có nhiều bạn đồng nghiệp vẫn trăn trở cùng anh qua những trang kịch bản, qua từng vở diễn. Và cũng thật tình cờ, trong ngày hôm nay tôi vừa được NSƯT Thúy Mùi – Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội thông báo, sắp tới đây nhà hát sẽ dựng lại vở chèo Ngọc Hân công chúa của anh trong chương trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long...
Trước mỗi kì hội diễn, những người bạn nghề lại nhắc nhở với nhau câu nói quen thuộc: “Giá như Lưu Quang Vũ vẫn còn…”. Và tất nhiên, không chỉ giới sân khấu, không chỉ trước và sau kỳ hội diễn, không ít người đã nói với anh chị em chúng tôi câu đó.
Trong những năm tháng ngắn ngủi của đời mình, anh đã sống, đã làm việc hối hả như một bó đuốc rừng rực cháy. Chợt nhớ tới một câu thơ anh viết tặng chị Quỳnh: “Anh biết tình yêu không phải vô biên – Như tia nắng, chúng mình không sống mãi – Như câu thơ chắc gì ai đọc lại – Ai biết ngày mai sẽ có những gì – Người đổi thay năm tháng sẽ qua đi – Giữa thế giới mong manh đầy biến đổi – Anh yêu em và anh tồn tại.”
Lưu Khánh Thơ