Giới thiệu hành trình nghìn năm của gốm sứ ViệtHướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, ngày 28/5 Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật thành phố, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ và các nhà sưu tập tư nhân tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề "Ngàn năm gốm Việt."

Chuyên đề gồm 260 hiện vật, thể hiện quá trình phát triển nghề gốm cổ truyền của dân tộc qua các thời kỳ Lý-Trần, Lê, Nguyễn...

Vào thời Lý-Trần (thế kỷ11-15), đồ gốm đạt được những thành tựu rực rỡ trên mọi phương diện từ quy mô sản xuất, chủng loại đến chất liệu sản phẩm với kỹ thuật tạo hoa là đắp nổi, khắc chìm và in khuôn trong.

Những trung tâm gốm sứ xuất hiện từ thời Lý-Trần đến nay vẫn còn hưng thịnh, đó là Bát Tràng (Hà Nội); Thổ Hà, Phù Lãng (Bắc Ninh); Hương Canh (Vĩnh Phúc); Quế Quyển (Hà Nam); Chum Thanh (Thanh Hóa). Hiện vật đại diện cho gốm thời Lý-Trần có đĩa men lục bên trong trang trí nổi hoa cúc dây, tô men ngọc, ấm trà hình quả dưa, bình tỳ bà, ấm men trắng vẽ nâu.

Thời Lê (thế kỷ 15-18) cũng đã hình thành nhiều trung tâm sản xuất có tính chuyên nghiệp để xuất khẩu. Gốm men trắng vẽ lam đặc trưng nổi bật của gốm thời kỳ này có dáng và chân đế cao, dưới trôn tô màu nâu đỏ, trang trí đồ án văn lá chuối,... Các sản phẩm gốm thời này được xuất khẩu sang tận Trung cận Đông, Ai Cập và châu Âu.

Chuyên đề cũng trưng bày giới thiệu dòng gốm miền Trung tiếp nối truyền thống của gốm Bắc và gốm Gò Sành (thế kỷ 13-16) trong dòng chảy gốm Việt. Đó là dòng đồ sành mộc mạc, thô ráp của gốm Quảng Đức (Phú Yên), Phước Tích (Thừa Thiên Huế), hoặc đồ gốm xốp men da lươn, xanh vàng, trang trí nổi của gốm Châu Ô (Quảng Ngãi)...


Theo VNE.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC