Giúp người dân được tự hào về phố cổNhà văn hóa Hữu Ngọc cho rằng giãn dân phố cổ Hà Nội là một việc làm cực kỳ cần thiết và bắt buộc, là cơ sở đầu tiên cho chúng ta thực hiện các biện pháp bảo tồn những giá trị văn hóa cả về vật chất lẫn tinh thần...

Sau khi giãn dân, chúng ta phải giúp những người dân còn ở lại trong khu phố cổ hiểu rằng họ xứng đáng được tự hào về thành phố của mình và cần có cách hành xử đúng mực với các giá trị của thành phố.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc cho rằng giãn dân phố cổ Hà Nội là một việc làm cực kỳ cần thiết và bắt buộc, là cơ sở đầu tiên cho chúng ta thực hiện các biện pháp bảo tồn những giá trị văn hóa cả về vật chất lẫn tinh thần của phố cổ.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Theo tôi, đến bây giờ Hà Nội mới có chủ trương giãn dân là quá chậm. Nếu vấn đề này được đặt ra cách đây khoảng 20 – 30 năm về trước thì vấn đề này dễ giải quyết và có hiệu quả cao hơn. Bởi lúc đó dân số của Hà Nội còn thấp và tình trạng người ở nông thôn di cư ra thành phố chưa nhiều.

Đứng trên góc độ văn hóa, theo ông, việc giãn dân phố cổ cần phải quan tâm đến những yếu tố gì?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Văn hóa là gì? Văn hóa chính là con người, là cách ứng xử của con người với môi trường sống và tập thể. Vì vậy, việc di dân cần quan tâm nhất đến yếu tố con người, cần hành xử sao cho thật nhân văn.

Sự phát triển chóng mặt của thời đại đã khiến cho rất nhiều giá trị văn hóa trên thế giới bị ảnh hưởng, Việt Nam, Hà Nội và khu phố cổ cũng không thể nằm ngoài?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Ở một số nước như Thụy Điển, Pháp, hay khu phố cổ của người Hoa trên đất Mỹ…, những giá trị văn hóa cổ được giữ gìn và bảo tồn gần như nguyên vẹn. Còn chúng ta thì chưa làm được gì nhiều cho không gian văn hóa cổ của khu phố cổ. Hội An còn giữ được nhiều hơn và tốt hơn ở Hà Nội.

Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gai, mãi đến năm 17, 18 tuổi mới chuyển đi. Nay về nhìn lại, tôi không thể nhận ra Hà Nội của tôi ngày xưa nữa.

Nhìn vào phố cổ ngày nay, ta dễ nhận thấy nó là một trung tâm thương mại chứ không còn mang những nét văn hóa đặt trưng như trước kia.

Ông có thể nói rõ hơn về khía cạnh này?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Chúng ta không thể mang những cái hiện đại như cửa hàng, cửa hiệu, những nhà cao tầng để mà khoe với thế giới được.

Cái mà chúng ta có thể tự hào là gì? Đó là niềm tự hào về một đất nước nhỏ bé mà kiên cường đã đánh thắng 2 đế quốc đầu sỏ; là Thủ đô Hà Nội có 36 phố phường cổ kính, là những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng mà chỉ đến Việt Nam mới có thể thưởng thức được… Vậy chúng ta phải biết dựa những cái là thế mạnh của ta để mà “khoe”, đó là các giá trị văn hóa cổ và độc đáo của Việt Nam, là tính cách con người Việt Nam.

Có lần, tôi đưa vài người bạn nước ngoài của tôi đi tham quan phố phường và gặp một em bé bán hàng rong với những đồ lặt vặt. Ông bạn tôi không mua mà rút tiền ra đưa cho em. Nhưng em bé đã không cầm, trả lại tiền cho ông và nói: “Cháu chỉ bán chứ không xin”. Hành động nhỏ của cô bé nghèo đó đã khiến tôi rất tự hào với những người bạn ngoại quốc của mình và họ cũng rất cảm phục hành động đó.

Giúp người dân được tự hào về phố cổ_0
Người dân phố cổ xứng đáng được tự hào về thành phố mà họ đang sinh sống - Ảnh: HNM

Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để níu lại cái “hồn phố cổ”?

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Việc chúng ta cần làm lúc này là thực hiện giãn dân nhưng phải thực hiện song song với việc “ngăn dân”, nghĩa là chặn tình trạng nhập cư, nếu không sau một thời gian thì mọi cố gắng lại trở về vạch xuất phát.

Về những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, chúng ta phải có chính sách khôi phục và tiếp tục phát huy một cách kịp thời.

Cụ thể, mỗi một phố cổ đều có một ngành nghề đặc trưng. Chúng ta hãy cố gắng giữ lại hoặc tái tạo những phố nghề đó như phố Lò Rèn với nghề rèn, phố Tố Tịch với nghề tiện đồ thờ, phố Bát Đàn làm gốm sứ… và có thể mở rộng hơn các nghề như mở xưởng dệt lụa dành cho người dân Vạn Phúc… Những xưởng nghề này nên được tổ chức ngay trên vỉa hè để tạo ra một không gian cổ và thuận lợi cho sự tham quan của du khách trong và ngoài nước. Việc làm này sẽ tạo ra tính cách riêng biệt cho từng con phố, khu phố.

Chúng ta cũng nên tôn tạo lại những đình, chùa, đền thờ cổ với những kế hoạch trùng tu kịp thời. Nên có những chỉ dẫn cụ thể (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) cho những du khách trong nhu cầu chiêm bái như: Nơi này thờ ai, có điều gì đặc sắc, có từ bao giờ…

Chúng ta cũng nên kịp thời xây lại, khôi phục lại những ngôi nhà cổ… Cần có những tuyến phố là phố đi bộ hoàn toàn, điều này sẽ giúp cái hồn cổ của Hà Nội đọng lại sâu hơn trong tâm thức mỗi du khách khi đến với phố cổ và phố nghề cổ.

Về những giá trị mang tính tinh thần như các sinh hoạt văn nghệ, ca hát, đặc biệt là hát xẩm nên được tổ chức thường xuyên hơn. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa tiêu biểu trong xã hội Hà Nội xưa và là nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam ….

Còn về con người nơi phố cổ? Làm sao để Hà Nội có một “chốn cổ” đúng nghĩa khi con người sống trong “chẳng thơm cũng thể hoa nhài?”

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Đây là một vấn đề hết sức quan trọng và có ý nghĩa không kém so với việc giãn dân. Chúng ta phải giúp những người ở lại hiểu ra rằng họ xứng đáng được tự hào về thành phố mà họ đang sinh sống và cần phải có những cách hành xử đúng mực với các giá trị của thành phố đó.

Cần tuyên truyền họ để họ sống và cư xử như những con người của Hà Nội cổ ngày xưa để tái tạo lại một khu phố cổ theo đúng nghĩa cả về hình thức và nội dung.

Thành phố nào cũng cần có cái hồn riêng của nó. Khi người dân được tự hào về thành phố cổ của mình thì ắt họ sẽ nhận ra, nâng niu và bảo vệ  cái “vốn” vật chất và tinh thần, gắn liền với lợi ích của họ.

Theo VGP.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC