"Gửi tới mai sau" để làm gì ?Chúng ta đang bày ra một việc làm tốn kém mà chẳng thấy được hiệu quả. Nên chăng tập trung kinh phí để xây dựng một công trình có giá trị làm di sản cho con cháu muôn đời sau vẫn hay hơn.

Dự án “Gửi tới mai sau” của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội, một công trình dấu ấn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, đang được dư luận quan tâm lên tiếng, đặc biệt là các nhà khoa học, sử học, những người tâm huyết với Hà Nội.

Nhà khoa học không được hỏi ý kiến

Theo đề án, Quỹ Văn hóa Hà Nội sẽ cho xây khu lưu giữ và thiết bị lưu giữ vật phẩm “Gửi tới mai sau” đặt trên khuôn viên rộng 1.000 m2 nằm trong khu trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Hà Nội. Theo thông tin từ Quỹ Văn hóa Hà Nội - đơn vị triển khai thực hiện khu lưu giữ vật phẩm “Gửi tới mai sau” - sẽ có 1.000 vật phẩm được chọn lựa để “gửi tới mai sau”. Trong  1.000 vật phẩm ý nghĩa này sẽ có 63 hiện vật là những gì tinh túy nhất của 63 tỉnh, TP trong cả nước, 937 hiện vật còn lại do người dân đề xuất... Theo “đề bài” của ban dự án, “những vật phẩm được gửi đến từ các tỉnh, thành trong cả nước phải mang được nét đặc trưng, gợi nhớ nét văn hóa, trình độ khoa học công nghệ và con người vùng miền đó. Nhưng dựa trên tiêu chí nào để chọn lựa tặng phẩm thì ban quản lý dự án không đưa ra được. PGS- TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng “Gửi tới mai sau” là một ý tưởng hay, nhưng từ ý tưởng đến khi bắt tay vào hiện thực là sự chênh nhau một khoảng cách rất lớn. Ý tưởng có thể bay bổng, lãng mạn nhưng thực tế khi bắt tay vào thực hiện thì không có chỗ cho sự lãng mạn nữa. Lựa chọn cái gì, đưa cái gì vào khu lưu trữ vật phẩm “Gửi tới mai sau” đều phải có tiêu chí cụ thể chứ không phải là cái gì cũng có thể gửi như đề xuất từ dự án này.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng chia sẻ: Cái gì chúng ta làm được, chúng ta sáng chế ra, đáng tự hào thì mới nên gửi tới mai sau. “Tôi thấy lạ là ý tưởng của những người làm dự án còn đưa cả điện thoại, đầu thu phát sóng  gửi tới con cháu 1.000 năm sau, cái đó biểu trưng gì cho người Việt? Nó đâu phải là phát minh của người Việt” - ông nói.

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho biết truớc đây, ông đã từng nghe nói ban tổ chức sẽ mời ông đóng góp ý kiến cho dự án này nhưng rồi không thấy ai mời. PGS- TS Phan Khanh cũng cho biết năm 2006, ban dự án khu lưu trữ “Gửi tới mai sau” có nhờ ông góp ý cho dự án. Nhưng từ đó cho đến nay, không thấy trao đổi thêm lần nào nữa. Riêng nhà sử học Dương Trung Quốc được mời tham gia góp ý cho dự án này cách đây 2 năm, khi nó mới chỉ là những ý tưởng ban đầu. Ông Quốc cho biết thời điểm đó, ông đã đặt câu hỏi là làm công việc này để làm gì, nhằm mục đích gì? Song đến nay dường như vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ những người có trách nhiệm thực hiện dự án...

Bày ra cho tốn kém ?

Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết cách đây mấy năm, khi được biết có ý tưởng này, ông đã phản bác. Còn TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng nếu để cho con cháu 1.000 năm sau biết con người thời nay thế nào thì với kỹ thuật hiện nay, chúng ta có rất nhiều cái để lựa chọn. Nhưng có nhất thiết phải gửi đồ vật để con người của tương lai hình dung được cuộc sống của con người ở thời điểm năm 2010 không?

Theo KTS Nghiêm, chúng ta đang có rất  nhiều hình thức lưu trữ bảo đảm rồi, vì thế, cái nên gửi cho mai sau là những điều mà chúng ta mong muốn và kỳ vọng vào họ. Để họ biết rằng các bậc tiền nhân đã nghĩ về họ như thế nào, họ sống có xứng đáng với sự mong mỏi đó không? “Chúng ta rất cần cho thế hệ sau hiểu chúng ta đang suy nghĩ thế nào, hơn là cách gửi hiện vật” - ông Nghiêm nhấn mạnh. Cũng cùng suy nghĩ, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng chỉ nên gửi một bức thư cho thế hệ mai sau như trước đây chúng ta đã làm tại thủy điện Hòa Bình, thế là đủ.

Quả thực, với một công viên được xây cất vội vàng, vật phẩm được lựa chọn chẳng theo tiêu chí nào thì sau 1.000 năm nữa, những người con của Thăng Long - Hà Nội 2.000 tuổi chắc chẳng thể đoán nổi thông điệp mà tổ tiên của họ gửi lại! Đó chưa nói là họ chẳng nhận được gì vì ngoài đá, đồng và gốm sứ được xem là những vật liệu có giá trị bền vững lâu dài có thể tồn tại hàng ngàn năm, còn các thứ khác khó còn lại gì. Trong khi đó, chúng ta đang bày ra một việc làm tốn kém mà chẳng thấy hiệu quả. Cũng có ý kiến cho rằng nên chăng tập trung kinh phí để xây dựng một công trình có giá trị làm di sản cho con cháu muôn đời sau vẫn hay hơn.

TH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC