Hà Anh Tuấn: "Sự lịch lãm vượt lên giá trị vật chất"Phải nói ngay rằng, Hà Anh Tuấn không thuộc top ca sĩ quá đẹp trai hay có ngoại hình gợi cảm. Cũng chưa ai khẳng định chàng ca sĩ này sở hữu giọng hát trời phú. Tuy nhiên, trên sân khấu, Hà Anh Tuấn lại có một sự lôi cuốn kì lạ, mà ta chỉ có thể nói, đó là sức hấp dẫn của người “đàn ông – thư sinh” lạnh lùng, lịch lãm. “Lạnh lùng, lịch lãm” của người nghệ sĩ trên sân khấu và trong cuộc sống cũng chính là chủ đề trong bài phỏng vấn này giữa PV và Tuấn.

Cái dễ làm mình lâng lâng là sự tế nhị

- Hầu như tất cả những người từng tiếp xúc với anh đều nhận xét anh quá “lạnh”. Đó là phản xạ tự nhiên, hay ý thức, hay sự phòng thủ?

Tất cả những gì tôi thể hiện là suy nghĩ, thái độ của tôi đối với tập thể hay cá nhân. Tôi không cố tình tạo nên sự lạnh lùng như chị nói, mà đó là sự suy nghĩ, nhận thức của tôi đối với những gì xung quanh. Nó không phải là sự thiếu tôn trọng. Có lần tôi hỏi một đồng nghiệp: “Tại sao bạn để mọi người nói bạn kiêu?”. Bạn ấy nói thế này: “Thà để mọi người gọi kiêu còn hơn là nói người nghệ sĩ dễ dãi. Điều đó đồng nghĩa, mọi người đánh giá mình rất rẻ. Mà nghệ thuật ở Việt Nam vốn dĩ đã hơi rẻ, nên rất cần được hạn chế”.

 

- Theo anh, sự “rẻ” trong nghệ thuật là gì? Nó có mối liên hệ gì với sự lạnh lùng và khoảng cách của anh?

Tôi thấy không có nền nghệ thuật nào giống Việt Nam. Ở đó, người nghệ sĩ phải bươn chải như một công việc mưu sinh hàng ngày. Đó cũng là thiệt thòi cho nghệ sĩ Việt Nam. Họ không muốn, nhưng đôi khi phải hạ thấp giá trị của mình xuống để thích ứng với cuộc sống. Trên thế giới, nghệ sĩ chỉ đầu tư một vài sự xuất hiện trong một năm, nên giá trị của họ chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều.

Còn môi trường hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam buộc nghệ sĩ phải làm điều ngược lại. Họ không thoát được hoạt động nghệ thuật hằng đêm, nên giá trị nghệ sĩ bị rẻ và người nghệ sĩ cũng lao đao lắm.

- Khi người nghệ sĩ bị rẻ đi, thì sự lạnh lùng, khoảng cách là một giá trị, và anh ý thức được điều đó?

Tôi thích sự tinh tế, kể cả trong nghệ thuật và cuộc sống. Xem một tác phẩm nghệ thuật, cái dễ làm mình lâng lâng nhất vẫn là sự tinh tế. Nếu ý thức được điều này, khi làm nghệ thuật, mình không thể đánh mất sự tinh tế. Sự tinh tế của người ca sĩ được thể hiện khi hát nhiều hơn những gì họ làm. Mình cho khán giả ít nhưng họ cảm nhận nhiều.

Tôi không chê trách những sự trình diễn, cống hiến khác, nhưng đối với tôi, việc nhìn nhận sự tinh tế trong nghệ thuật phải như thế. Đứng trên sân khấu, tôi không định nghĩa được mình sẽ làm gì để hấp dẫn, có duyên và tinh tế. Tôi sống đúng theo những gì mình yêu thích, và thể hiện nó ra bên ngoài, qua âm nhạc.

Tôi vô tư nhưng tỉnh táo

- Anh không phải hình tượng làm “điêu đứng” fan hâm mộ bằng ngoại hình, cũng không thuộc tuýp ca sĩ sở hữu giọng hát trời phú. Vậy thì lạnh lùng, lịch lãm có phải là một trong những thế mạnh, tạo nên giá trị của anh?

Hiện nay, giọng hát hay không mang quá nhiều phần trăm cho sự thành công của một nghệ sĩ, mà người ta sẽ nhìn vào con người cục bộ trên sân khấu để đánh giá. Nó bao gồm giọng hát, chất liệu nhạc, phong cách, cái duyên, mà tôi gọi nôm na là hình tượng. Nếu trong hình tượng của Hà Anh Tuấn, người khó tính sẽ phân tích có bao nhiều phần trăm giọng hát, bao nhiêu phần trăm phong cách. Nhưng người nghe nhạc vô tư sẽ đánh giá hình tượng đó có hấp dẫn hay không.

Nếu đã trụ được trên sân khấu, được khán giả chấp nhận, thì đó là hình tượng tốt. Điều đó tuỳ thuộc vào sự đánh giá của khán giả. Cũng có người không thích sự lạnh lùng, lịch lãm như chị nói, mà họ lại  mê, lại say giọng hát của tôi. Đó là khi tôi một mình đánh ghi-ta và hát như “thời bị chê” ở Sao Mai Điểm Hẹn. Điều đó có nghĩa, nghệ thuật không có biên giới, và không có thang điểm. Cái được nhất của tôi là tôi luôn đặt ra nhiệm vụ quan trọng nhất khi làm nghệ thuật, đó là phải vô tư. Chỉ có sự vô tư mới đạt được những khoảnh khắc bay bổng. Còn làm nghệ thuật mà tính toán quá, sẽ không thành công như mình mong muốn.

Hà Anh Tuấn:

"Tôi thích sự tinh tế, kể cả trong nghệ thuật và cuộc sống" (Ảnh: TGNS)

- Anh nói giá trị của anh là sự vô tự, còn tôi lại nghĩ, sự lạnh lùng phải tính toán mới có được! Nghĩa là anh phải có cái đầu tỉnh và trái tim lạnh mới kiểm soát được hình ảnh luôn chừng mực và có khoảng cách. Nếu không, anh sẽ “điên”, sẽ “say”, sẽ “over”?

Vậy thì tôi xin nhận mình là người tỉnh táo. Vì tôi sợ nhất những gì “over” (cười). Tôi nhìn sự vô tư khác. Vô tư không phải thoải mái, mà phải có giới hạn. Chỉ có sự giới hạn mới kiểm soát được sự lố lăng, phản cảm, mà điều đó rất cần cho một nghệ sĩ. Còn nếu nói đùa, cười như dưới sân khấu, tôi không cho đó là giá trị nghệ thuật. Nó đánh mất tất cả sự cố gắng của người nghệ sĩ. Nói tóm lại, tôi vô tư nhưng tỉnh táo.

- Trong cuộc sống, anh có tỉnh táo, lạnh lùng như Hà Anh Tuấn trong âm nhạc?

Tôi trên sân khấu và ngoài đời không khác nhau nhiều. Thực tình, tôi không thuộc tuýp người quá gần gũi, kể cả với những người trong đại gia đình. Nghĩa là, bố mẹ, anh chị em gần gũi là điều tất nhiên, còn với những người trong họ hàng, tôi thường hết sức bình tĩnh không quá hồ hởi. Có những người tôi rất thương đấy, nhưng thường không thể hiện bằng lời nói. Không hiểu tại sao, nhưng từ nhỏ tính cách của tôi đã như vậy, mặc dù tôi được mọi người yêu thương và tôn trọng nhất trong dàn cháu của đại gia đình.

Còn với bạn bè, khi đi học tôi đã làm lớp trưởng, được mọi người yêu quý, nhưng tôi lại đứng ở vị trí nhìn mọi người xung quanh và ít có bạn thân. Đến giờ, bước vào cuộc sống nghệ thuật, bạn thân của tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay, dù mối quan hệ xã hội rất nhiều. Có người nói Hà Anh Tuấn lạnh lùng quá, có người lại nói tôi gần gũi, thân thiện. Tôi nghĩ mình là người phù hợp với hoàn cảnh. Tôi không làm cho mọi người quá yêu mến mình, cũng không làm cho họ quá ghét mình.

- Biết kiểm soát, tiết chế cảm xúc, chọn lọc đối tượng kết thân... Tại sao anh phải chọn cách sống “đánh vật” với bản thân như vậy?

Nếu “đánh vật” tôi sẽ không sống cuộc sống như vậy, vì tôi là người rất cưng bản thân. Còn hỏi tại sao sống có kiểm soát? Tôi chỉ có thể trả lời là tôi rất dễ chịu và hài lòng với cuộc sống đó. Tôi thấy giá trị của mình được mọi ngưòi tôn trọng. Ngược lại, tôi tôn trọng mọi người với những hoàn cảnh riêng. Với tôi, kiêu, lạnh, chảnh cũng là giá trị. Còn rẻ, không có giá trị là điều tôi cảm thấy bị xúc phạm và sợ nhất trong cuộc sống này.

Tôi rất khâm phục những người biết cưng bản thân, nhưng đôi khi bản thân có nhiều nhu cầu trái khoáy. Ví như người ta hay nói con người một ngày có 15 phút... điên. Nhưng chắc chắn “điên” không bao giờ thuộc “phạm trù cuộc sống” của Hà Anh Tuấn!

Chị đang vạch ra sự kiểm soát cho tôi, chứ tôi không kiểm soát bản thân chặt như chị nói. Cái lợi nhất và cũng hại nhất của người nghệ sĩ là có quá nhiều cảm xúc... Tôi cũng có rất nhiều cảm xúc. Nhưng nếu để mọi thứ chi phối bản thân, kể cả cảm xúc, thì đến một lúc mình sẽ “over”. Mà tôi không thích sự “over”. Với tôi, nó là sự phản cảm. Tôi là người lí trí khá mạnh. Nhiều người nói như thế không tốt cho hoạt động nghệ thuật. Nhưng những gì tôi đạt được chứng minh ngược lại. Tôi hát bằng một cái đầu tỉnh và một trái tim say. Hát bằng trái tim, nhưng cái đầu sẽ níu chân trên sân khấu, nếu không mình sẽ ngã xuống!

Đẹp và khoan dung thì mặc bộ đồ nào cũng lịch lãm

Hà Anh Tuấn:

"Người đàn ông lịch lãm, theo hình tượng tôi xây dựng cho mình, thứ nhất là tính quyết đoán trong hành động, thứ hai là sự khoan dung. " (Ảnh: TGNS)

- Chúng ta đã nói nhiều về sự “tỉnh” và “lạnh”. Nhưng còn một yếu tố nữa, tạo nên giá trị của anh, đó là sự lịch lãm. Anh định nghĩa và xây dựng sự lịch lãm như thế nào?

Người đàn ông lịch lãm, theo hình tượng tôi xây dựng cho mình, thứ nhất là tính quyết đoán trong hành động, thứ hai là sự khoan dung. Với tôi, không phải người đàn ông xuất hiện trên sân khấu phải sáng bừng, và mọi người trầm trồ anh này đẹp quá, cơ thể anh ấy to con quá là đàn ông đẹp. Đàn ông đẹp và lịch lãm ở sự quyết đoán và khoan dung. Có hai yếu tố đó thì mặc đồ nào cũng là người lịch lãm.

- Vậy mà tôi cảm nhận sự lịch lãm của anh thông qua những bộ vest nền nã anh thường mặc!

(Cười) Như vậy thì tôi đã thất bại!

- Sự thật thì sự quyết đoán và lòng bao dung chỉ có những người trong cuộc biết. Còn chúng ta vẫn thường đánh giá sự lịch lãm của người đàn ông thông qua hình thức và “phương pháp ngoại gia”?

Ở góc độ nào đó thì chị đúng. Bộ đồ nói lên tính cách của người mặc rất nhiều. Tôi là người rất thích mặc quần đùi, cái sơ mi rộng và đôi dép lào để đi chơi. Nhưng những lúc đó mọi người sẽ không nhận ra tôi, và tôi chỉ xuất hiện ở những chỗ không ai biết Hà Anh Tuấn. Ở những nơi đó, tôi thấy không cần thiết phải ăn mặc quá đẹp.

Trên sân khấu, mình ăn mặc làm sao để mọi ngưòi nói tôi không biết anh này mặc hiệu gì, nhưng tôi thấy bộ đồ đó rất vừa vặn. Còn nếu họ bàn luận về bộ vest này, đôi giày này mắc lắm, tôi sẽ rút vào cánh gà. Vì giá trị tinh tế đã mất. Trong cuộc sống cũng vậy. Sự lịch lãm của đàn ông là cái kéo người ta ra khỏi giá trị vật chất. Nên, sự vừa vặn chứ không phải vật chất sẽ tạo nên giá trị lịch lãm!

Theo Tintuconline.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC