- Khoảng 1.000 cây ngân hạnh (Ginkgo Biloba Line) sẽ được trồng tại nhiều đô thị mới, công viên, vườn hoa, di tích tại Hà Nội đón Đại lễ nghìn năm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng vừa đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng, cho phép tiếp nhận "quà tặng Hà Nội nghìn năm" này từ Tổng Đội Thanh niên xung phong. Đây là loại cây được xác định hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Việt Nam, đã được nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Ý, Mỹ, Bỉ... trồng trên đường phố, công viên. Đặc biệt, tại Hàn Quốc, đến đâu cũng thấy ngân hạnh.
"Ngân hạnh là cây thân gỗ, mọc thẳng, tán đẹp, cân đối, rễ cọc, tuổi thọ cao, khó đổ khi gió bão" - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết. Về mùa thu, lá ngân hạnh chuyển từ màu xanh ngọc sang vàng rất đẹp.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ngân hạnh có khả năng hấp thụ khí thải, bụi công nghiệp. Nó hút khí Carbonic (CO2) gấp ba lần và nhả Oxy (O2) gấp 5 - 6 lần loài cây khác. Nếu trồng ngân hạnh qui mô rộng ở các thành phố công nghiệp sẽ mang lại lợi ích to lớn về môi trường, vì vậy ngân hạnh còn được gọi là "cây môi trường".
Hiện các cây ngân hạnh giống Hà Nội vừa được tặng cao khoảng 1 - 1,5m; đường kính thân cây 1,5 - 2cm.
Cũng theo ông Dục, các tuyến phố, dự án mới của Hà Nội hiện giờ đều do Sở GTVT, các Ban Quản lý dự án của UBND TP hoặc Bộ GTVT quản lý. Các di tích lịch sử tại Thủ đô thuộc sự quản lý của Sở VH-TT&DL. Công viên, vườn hoa được giao trách nhiệm quản lý cho Sở Xây dựng và một số quận, ngành...
Hoa anh đào Nhật Bản |
Để "chia đều" số ngân hạnh (kể trên), Sở Xây dựng đã kiến nghị Thành phố giao Sở GTVT và các Ban Quản lý chú ý trồng các cây này khi thiết kế đường mới, dự án đô thị mới. Sở VH-TT&DL và các Quận, Thị xã Sơn Tây xác định vị trí để trồng bổ sung cây ngân hạnh vào công viên, vườn hoa, di tích trên địa bàn.
Riêng Sở Xây dựng dự kiến trồng khoảng 150 - 200 cây ngân hạnh vào Công viên Thống Nhất, Công viên Lê-nin, Vườn thú Hà Nội, Bách Thảo, Công viên Hòa Bình và một số vườn hoa nhỏ.
Thành phố Hà Nội thống nhất thời gian bắt đầu trồng cây ngân hạnh là từ tháng 1 - 3/2010 (hơn nửa năm trước lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội).
Vừa qua, UBND TP Hà Nội cũng chấp thuận cho Công ty TNHHNN 1 thành viên Công viên cây xanh tiếp nhận cây giống hoa anh đào (theo sáng kiến của một số Việt kiều tại TP Hồ Chí Minh và Nhật Bản) và tổ chức trồng tại nhiều đường phố Thủ đô.
Cây anh đào Nhật Bản tặng đã được trồng thử tại một số khu vực (Công viên Nghĩa Đô, phố Thụy Khuê...) tại Hà Nội, bước đầu kết quả khả quan. Thời gian tới, Công ty (trên) sẽ tiếp tục trồng anh đào tại nhiều tuyến phố, công viên khác trên địa bàn thành phố.
Theo Vietnamnet.