Cũng nằm trong bộ môn nghệ thuật thứ bảy, song phim ngắn có số phận hẩm hiu hơn các thể loại điện ảnh khác khi lặng lẽ “ra lò” mà chẳng mấy ai biết đến. Khán giả thờ ơ, người làm phim cũng chẳng tha thiết mặn mà bởi: Lao vào sản xuất thể loại phim này vừa không có tiền, lại không có danh.

Chơi là chính

Đã có thời phim ngắn khá gần gũi với người xem khi “Cuốc xe đêm” (Bùi Thạc Chuyên) chuyển tải thành công nhịp sống dung dị đời thường của người lao động và được đánh giá cao tại nhiều LHP quốc tế, hay “Cái đệm” (Bùi Kim Quy) ám ảnh khán giả truyền hình bằng những thước phim ngồn ngộn suy tư và giàu xúc cảm...

Tuy nhiên, các tác phẩm đủ tầm để đời kiểu như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thành ra phim ngắn chỉ được xem như bài tập tốt nghiệp của những sinh viên trẻ bập bõm vào nghề hoặc thú vui xa xỉ của một số đạo diễn gạo cội đã thành danh.

Hẩm hiu... phim ngắn
Cảnh trong phim ngắn “Khi tôi 20” của đạo diễn Phan Đăng Di

Đối với các sinh viên làm  bài thực tập cuối khóa dù cũng phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để dựng được hơn chục phút phim ngắn ngủi, song không tránh khỏi sự vụng về do kinh nghiệm non nớt. Còn đối với những phim từng được đánh giá cao về kịch bản và được tài trợ miễn phí để sản xuất như: “Vết sẹo”, “Những cái bóng”, “Hạnh phúc đỏ”, “Trên mảnh sân rêu phủ”... vẫn không đủ sức làm hài lòng người xem bởi  diễn xuất của diễn viên thiếu biểu cảm, cũng như bố cục ánh sáng còn qua quýt.

Từng thành công với nhiều tác phẩm thuộc thể loại này song đạo diễn trẻ Phan Đăng Di phải thừa nhận: “ý nghĩa lớn nhất của phim ngắn là như giấy thông hành cho người mới vào nghề nên việc làm loại phim này chỉ để chơi là chính!”.

Mỏi mắt tìm chỗ xem

Không phải ở đâu và lúc nào, khán giả có nhu cầu đều có thể xem được phim ngắn. Ngoại trừ những buổi chiếu định kỳ miễn phí, Trung tâm Hỗ trợ tài năng điện ảnh (TPD-22A Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng mở cửa kho lưu trữ phim ngắn riêng tại thư viện song số lượng người xem có điều kiện tìm đến đây chủ yếu là các sinh viên chuyên ngành điện ảnh.

Một số địa điểm mang tính chất giao lưu văn hóa khác như Trung tâm Văn hóa Pháp hay Viện Goeth cũng tổ chức các tuần phim ngắn nhưng không nhiều. Còn ra rạp xem phim ngắn lại càng là chuyện “năm thì mười họa” bởi tính thương mại của thể loại này không cao, khả năng thu hồi vốn thấp nên chẳng rạp nào dám mạo hiểm đưa vào suất chiếu.

Hẩm hiu... phim ngắn
Cảnh trong phim ngắn "Trên mảnh sân rêu phủ” của đạo diễn Vương Việt

Đơn cử như rạp chiếu lớn như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng chỉ có thể trình chiếu phim ngắn trong khuôn khổ các lần diễn ra giải “Ong Vàng” do trường Đại học SKĐA tổ chức. Một thực tế nữa là sóng truyền hình cũng chẳng mấy khi chiếu phim này. Mà có thì biên độ và giờ chiếu cách xa nhau nên khán giả không thể tập trung theo dõi được. Song ngay cả khi nhà Đài có ưu ái dành thời lượng phát sóng phim ngắn thì e rằng thể loại này cũng chưa đủ khả năng “lấp sóng” khi mà chỉ có TPD là đơn vị hỗ trợ sản xuất phim ngắn duy nhất hiện nay.

Như lời tâm sự thẳng thắn của đại diện TPD: “Nói là 10 tháng/10 phim nhưng có khi phải mất 2 năm hoặc hơn thế mới ra đủ. Chưa có nguồn phim ổn định nên chúng tôi cũng chưa thể chủ động tìm đến Đài Truyền hình. Hơn nữa, TPD không kinh doanh phim ảnh, nguồn tài trợ sản xuất phim ngắn lại có hạn nên không thể ồ ạt chọn vào để lấp cho đầy sóng”. Và như vậy là khán giả vẫn cứ mỏi mắt tìm chỗ xem.

Làm phim chỉ để...dự thi

Dự án “10 tháng 10 phim ngắn” lần 3 của TPD dù phát động từ đầu năm 2007 song đến nay vẫn chưa tìm đủ số lượng kịch bản đạt yêu cầu để đưa vào sản xuất. Là người đọc gần hết các kịch bản gửi về dự thi, nữ đạo diễn trẻ Bùi Kim Quy không giấu nổi thất vọng: “Trong số hơn 300 kịch bản gửi về dự thi thì có tới 50 cái viết giống hệt nhau về... ma và nhiều hơn cả là các kịch bản đề cập đến vấn đề quan hệ giới tính. Song phần lớn câu chuyện đều còn non và không có tính thuyết phục”.

Đó có lẽ cũng là câu trả lời cho việc tại sao đến thời điểm này dự án mới chỉ chọn ra được 6 kịch bản và đang tiếp tục “chong đèn” đi tìm nốt 4 kịch bản còn lại để làm tròn vai trò Mạnh Thường Quân của mình.

Tuy nhiên, được biết ngay cả khi dự án hoàn tất thì việc đầu tiên là chọn tác phẩm gửi đi dự thi tại các Liên hoan phim, rồi tiếp đó mới là công chiếu. Song chỉ là chiếu có tính chất ra mắt, báo cáo trong khuôn khổ phòng chiếu nhỏ của TPD để đáp ứng quy định ngặt nghèo của các cuộc thi - không được công chiếu rộng rãi tác phẩm trước khi gửi đi dự thi.

Điều này khiến nhiều người băn khoăn phải chăng hướng đi của phim ngắn là nhắm đến thiểu số các vị giám khảo trong hội đồng nghệ thuật nhiều hơn là đại đa số công chúng người xem? Hơn nữa với mật độ thi thố và giới thiệu tại các kỳ cuộc Liên hoan điện ảnh tầm cỡ nước ngoài nhiều hơn trong nước, liệu đến bao giờ khán giả nước nhà mới có dịp thưởng thức những tác phẩm phim ngắn thực thụ và nóng hổi?

Theo Bích Hậu
An Ninh Thủ Đô




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC