Người Việt đang cực kỳ ưa chuộng hàng hiệu dù giá của chúng vẫn quá cao so với thu nhập chung.
Bức tranh dùng hàng hiệu của người Việt
Theo một khảo sát trực tuyến của hãng Niesel dựa trên 29.000 người tại 58 quốc gia toàn thế giới thì có tới 56% số người Việt Nam được hỏi cho biết sẽ sẵn sàng chi bộn tiền cho hàng hiệu. Theo như kết quả này thì người Việt mê hàng hiệu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc đứng đầu với 74% và Ấn Độ đứng thứ hai với 59%.
Cũng theo Niesel, tâm lý thích sử dụng và chịu chi cho hàng hiệu của người Châu Á nói chung đều nhằm thể hiện vị thế của mình trong mắt người đối diện và trong xã hội.
Và cụ thể hơn, chúng ta có thể thấy trong mọi câu chuyện nơi quán xá của lớp thanh niên trẻ nước nhà, cụm từ “hàng hiệu” luôn là một trong những chủ đề chính không thể thiếu, khiến cuộc trò chuyện thêm “xôm tụ” và muôn phần đẳng cấp.
Lướt một vòng quanh diễn đàn của chị em phụ nữ như diendan.eva.vn, webtre... hay lamcha... hoặc authent... những topic tán gẫu về hàng hiệu, đặc biệt là về quần áo túi xách xuất hiện nhan nhản. Ở đó, họ khiến những người thu nhập thấp phải giật mình thon thót khi những món hàng hiệu đắt giá hàng chục triệu tới hàng trăm triệu được trưng lên đầy tự hào. Thậm chí, các quý cô quý bà còn “khoe” hàng hiệu theo kiểu chạy đua với nhau về số lương và cả về giá tiền. Những ngôi sao hàng hiệu sáng giá trên các diễn đàn luôn nhận được sự tán thưởng và ngưỡng mộ. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cuộc đua hàng hiệu trên mạng ảo luôn gay cấn và không bao giờ đi tới chung kết.
Trên diễn đàn của cánh đàn ông thì ít khoe đồ hiệu hơn nhưng đã tham gia là giới mày râu sành điệu xứ Việt cũng khiến lớp bình dân phải choáng váng với các chủ đề xoay quanh giày nghìn đô, quần jean hạng bét rơi vào khoảng vài trăm đô trở lên, đồng hồ cỡ “bèo bèo” cũng phải Longines hay sang hẳn thì Rolex, Piaget đính đầy kim cương và có giá hàng tỷ đồng…
Tới các trang mua bán online, không quá khó khăn để chúng ta bắt gặp những lời mời chào mua hàng hiệu chính hãng đầy hấp dẫn hay những nơi nhận order (nhận đặt hàng) từ nước ngoài về Việt Nam. Và ở đó, những món đồ được rao bán cũng có giá cả cao chót vót nhưng cũng không hề thiếu người hỏi mua, hỏi đặt.
Theo chị Hằng Nga, một người chuyên nhận đặt hàng hiệu từ Anh thì mỗi chuyến chị gửi về Việt Nam không dưới 50 – 70 kg hàng, cao điểm có khi lên tới hơn 100kg hàng trong đó chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm mỗi tuần từ 1 – 2 chuyến. Hàng order chủ yếu là các nhãn hàng hiệu bình dân, tuy vậy cũng có giá khoảng 20 – 100 EUR (tương đương với khoảng 600 – 3 triệu VND) chưa kể phí đặt hàng khá cao.
Mức giá của hàng bình dân tuy rẻ so với nước ngoài nhưng cũng vượt khỏi tầm chi tiêu của nhiều người dân Việt. Hàng cao cấp cũng được chuộng tuy đơn hàng ít hơn so với hàng hiệu bình dân, theo chị Nga, mỗi chuyến hàng về, hàng hiệu bình dân chiếm khoảng 60-70%, số còn lại là hàng hiệu cao cấp khoảng từ vài trăm tới vài nghìn EUR. Chị Nga khẳng định, hàng hiệu nước ngoài luôn thu hút người Việt, shop nhận đặt hàng của chị luôn trong tình trạng đầy ắp đơn hàng, kể cả trong mùa cao điểm sale hay không.
Hàng hiệu cao cấp được bày bán tại một trung tâm thương mại tại Việt Nam
Nếu một món đồ hàng hiệu được nhập chính ngạch về Việt Nam và để đến tay được với người tiêu dùng thì thường nó sẽ cao hơn nhiều so với giá đặt ở nước ngoài về do bị cộng thêm nhiều thứ thuế, tiền quảng cáo, tiền thuê mặt bằng bày bán sản phẩm… Thêm vào đó, nỗi lo sợ nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái khiến người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chuộng đặt mua đồ hiệu ở nước ngoài.
Sự hội nhập đi liền với trào lưu sính ngoại của người Việt. Xu hướng sính ngoại đó thể hiện ngay ở tâm lý thích xài hàng hiệu nước ngoài của số đông hiện nay. Mặc dù các thương hiệu thời trang trong nước đang ngày càng phát triển và ổn định hơn về chất lượng song nhiều người vẫn cảm thấy tiếc rẻ và ngần ngại khi bỏ ra vài triệu để mua một món đồ thiết kế kế có số lượng hạn chế mang thương hiệu Việt. Thay vào đó, họ cho rằng cũng số tiền đó mua một sản phẩm ngoại nhập sẽ hợp lý hơn và chấp nhận những sản phẩm đó có thể được bán nhan nhản ngoài thị trường.
Nếu xét chung thì tâm lý thích dùng hàng hiệu của người Việt cũng dễ hiểu khi mà chất lượng của thương hiệu trong nước còn thường xuyên bị đặt dấu hỏi, mẫu mã chưa thực sự thuyết phục, tính ứng dụng và nắm bắt xu hướng còn rất kém.
Giật mình khi sao dùng hàng hiệu!
Nhắc tới người nổi tiếng thì ta thường nhớ ngay tới cụm từ hàng hiệu luôn theo cùng không rời nửa bước.
Trong thời gian gần đây, mặc dù tình hình kinh tế đất nước có phần khó khăn hơn trước song khả năng sử dụng hàng hiệu của nhiều sao Việt “tăng trưởng” đều. Họ vẫn đủ sức khiến người hâm mộ phải trầm trồ kinh ngạc vì độ chịu chơi trong việc vung tiền sắm hàng hiệu.
Các quý bà trong showbiz Việt tỏ ra không thua gì các sao thế giới khi vung tiền tấn, tiền tỉ ra để mua hàng hiệu. Ngày nay chuyện một sao nữ xài túi hay quần áo chục triệu giờ trở nên quá bình thường. Cuộc chạy đua đồ hiệu trong showbiz ngày một nâng tầm khi những chiếc túi Hermes hàng trăm triệu phủ sóng tràn ngập khắp mọi sự kiện, tiếp sau đó là cơn sóng càn quét của túi da Chanel hay chiếc Lady Dior xinh xắn đỏm dáng được hết người đẹp này tới người đẹp khác hững hờ cầm trên tay.
Váy áo cũng vậy, không dừng lại ở mức vài triệu, chục triệu, giờ giới sao đã mặc đồ hàng trăm triệu của những nhà thiết kế hàng đầu thế giới như Elie Saab, Chanel, Alexander McQueen, Valentino....
Có những món đồ như túi Hermes, túi Chanel, giày đế đỏ Louboutin hay túi Lady Dior được sao Việt mua theo kiểu rất "a dua". Tức là món đồ đó được coi như chứng chỉ "sành điệu", người người tập nập mua, nhà nhà lũ lượt sắm bất kể giá của nó không hề rẻ và nó cũng chưa hẳn phù hợp với phong cách của mình.
Thậm chí mới đây, kiều nữ Lý Nhã Kỳ đã gây choáng cho công chúng khi liên tiếp diện hàng loạt váy áo trăm triệu, có chiếc lên tới vài tỉ thuộc bộ sưu tập Haute Couture xa xỉ của Chanel, kèm với đó là phụ kiện đính kim cương chục tỉ … Thu Minh cũng tỏ ra không hề chịu “thua chị kém em” khi lộng lẫy như nữ hoàng tại ghế nóng The Voice với cây hàng hiệu trị giá 1,4 tỉ đồng hay mạnh tay chi hơn 700 triệu sắm vài bộ váy để biểu diễn cho live show cá nhân.
Một trào lưu mới nữa của các "con nghiện hàng hiệu" đó là công khai khoe hàng hiệu trên truyền thông. Trên báo mạng, chúng ta không hề khó khăn khi bắt gặp mô tuýp bài viết, bài phỏng vấn kiểu: Cô A xuống phố với cây hàng hiệu trăm triệu, lục túi soi hàng hiệu "xịn" của cô B, anh C lên tiếng về chiếc đồng hồ chục tỉ....
Điển hình và kinh điển nhất của màn khoe đồ hiệu đẳng cấp cao thì phải kể tới "ông hoàng" Đàm Vĩnh Hưng khi anh công bố với cánh báo chí hình ảnh phòng chứa đồ hiệu của mình trông hoành tráng không thua gì sao Hollywood.
Cây đồ hiệu 1.4 tỉ của Thu Minh
Một góc nhỏ của phòng trưng bày đồ hiệu mà Đàm Vĩnh Hưng sở hữu
Chuyện sính đồ hiệu cao cấp của sao khiến nhiều người hâm mộ phải nói vui với nhau rằng:"Sao Việt quá "hồn nhiên" khi khoe của. Họ làm gì ra chừng ấy tiền và khoe như thế chẳng nhẽ không sợ sở thuế hỏi thăm?"
Có một câu nói thế này thường được dùng trong thời trang:"Money can't buy style - Tiền không mua nổi phong cách". Quả vậy, câu nói này dùng cho nhiều trường hợp sao Việt xài đồ hiệu thì khó có thể lệch đi đâu được. Có nhiều sao dù phủ đầy đồ hiệu những vẫn thường xuyên lọt nhóm sao ăn mặc không đẹp như Trang Nhung một thời gắn với danh "nữ hoàng sến sẩm" hay một Lý Nhã Kỳ diêm dúa của thì quá khứ.
Nguyên nhân của việc mặc không đẹp có thể bắt nguồn từ việc nhiều sao Việt không hiểu tinh thần của sản phẩm. Một ví dụ cụ thể có thể kể tới là chiếc túi Hermes Birkin. Bản thân chiếc túi này được đặt ra theo yêu cầu của cô đào khả ái Jean Birkin. Cô muốn một chiếc túi thật cứng cáp, thật to, phóng khoáng để có thể đựng vừa mọi thứ đồ lỉnh kỉnh của cô trong những chuyến đi xa. Chiếc túi Hermes ra đời là một sự đề cao tính tiện dụng và có nét gì đó rất đường phố, rất năng động.
Ấy thế nhưng ở nước ta, chiếc Hermes Birkin được kiều nữ showbiz đưa len lỏi vào mọi bữa tiệc sang trọng nhất, kết hợp nó với đầm dạ hội, đi giày cao chót vót điệu đà, tóc chải bới cầu kỳ. Có khi trong một bức ảnh chụp sự kiện tiệc tùng có 5 cô thì tới 4 cô cầm túi Hermes Birkin to đùng, cầm một cách gượng gạo sao cho cả người cả túi đều được thu vào ống kính. Trong khi đó, một tín đồ nước ngoài có thể mặc trang phục phong cách đường phố đời thường, thản nhiên bỏ đôi giày vào chiếc túi trăm triệu hoặc đặt nó trên lề đường trong khi bắt taxi.
Bức ảnh nổi tiếng giúp ta hiểu hơn về tinh thần của chiếc túi Hermes Birkin huyền thoại. Trong ảnh là Jane Birkin, nguồn cảm hứng để hãng Hermes cho ra đời loại túi này
Và cách ăn diện kiểu tiệc tùng với mẫu túi năng động này liệu có lệch pha?
"Lời thú tội của tín đồ hàng hiệu"
Xu hướng thích dùng hàng thời trang có thương hiệu quốc tế khiến tình trạng buôn lậu trốn thuế và hàng giả, hàng nhái ngày càng tràn ngập vào thị trường Việt Nam do nhu cầu quá lớn của người tiêu dùng. Điều này không những ảnh hưởng tới nền kinh tế mà nó còn ảnh hưởng ngay cả tới những người tiêu dùng chân chính.
Vụ việc Milano trốn thuế hay gần đây và cụ thể hơn là vô số vụ lừa đảo túi hiệu, quần áo hàng giả giá thật trên các diễn đàn có lẽ là một bài học cảnh tỉnh chưa thật đắt nhưng cũng đủ khiến nhiều người phải "chột dạ".
Xu hướng "nghèo nhưng xài sang" còn gây một ảnh hưởng vô hình nhưng cực kỳ tệ hại. Với mức thu nhập bình quân đầu người thấp (GDP đầu người của Việt Nam đang cố đạt chỉ tiêu tới cuối năm 2013 là 2.300 USD/người/năm) thì việc dùng hàng hiệu đang vô hình chung đẩy người Việt tới nhiều nguy cơ hệ lụy của sự "tích tiểu thành đại".
Câu nói "Việt Nam là thị trường hàng hiệu tiềm năng của thế giới” của ông Philippe Léopold-Metzger, Chủ tịch tập đoàn Piaget cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang phải oằn mình gánh nợ công do nhập siêu, mà trong đó những món đồ thời trang đắt đỏ chiếm tỉ lệ ảnh hưởng không nhỏ. Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến hôm 5/7/2013, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 74,294 tỷ USD; bình quân mỗi người Việt đang phải gánh 826,4 USD. Và đáng ngại hơn, nợ công chiếm 48,9% GDP, tăng 12,2% so với năm 2012.
Và cũng theo Global Insights, Bain Analysis, tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 được dự báo sẽ thuộc loại cao nhất trong khu vực ASEAN, cao hơn cả Indonesia, Malaysia 5%, Philippines, Thái Lan và Singapore.
Trước xu hướng thích hàng hiệu và chi tiêu quá mức, trong một bài phỏng vấn, PGS. TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng sở thích hàng hiệu đặt trong bối cảnh kinh tế hiện nay của nước ta đang quá mức chịu đựng của nền kinh tế. Những người chi tiền để mua sắm hàng hiệu là giới giàu có, nhưng chưa chắc giàu chính đáng. Họ muốn biểu hiện ra bên ngoài bằng các vật phẩm như quần áo, đồ dùng, xe ô tô để tô điểm cho bản thân. Chính xu hướng đề cao hình thức bên ngoài đang khiến cho nhiều người lao vào cuộc đua mua sắm mà quên đi cộng đồng xung quanh.
Theo Khám phá.