Nhiều cá nhân và hội nhóm Việt Nam trên mạng xã hội đang lên tiếng đòi tẩy chay một số nghệ sĩ Việt Nam khi có những hình ảnh cho thấy các nghệ sĩ này từng biểu diễn trên sân khấu có sự xuất hiện của lá cờ vàng ba sọc đỏ.

1 Hang Loat Nghe Si Viet Bi Cong Kich Vi Chuyen Co Vang

Ca sĩ Phan Đinh Tùng, ca sĩ Myra Trần

Lá cờ của chế độ Việt Nam Cộng hòa đến nay vẫn được nhiều cộng đồng người Việt hải ngoại sử dụng, nhưng lại là nỗi ám ảnh của chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Ca sĩ Phan Đinh Tùng và ca sĩ Phạm Khánh Hưng - những người đang tham gia chương trình truyền hình Anh trai vượt ngàn chông gai - là hai trong số các mục tiêu mới nhất của những lời kêu gọi tẩy chay vì "chuyện cờ vàng".

Nguyên nhân đến từ việc có người phát hiện một số video quay cảnh những nghệ sĩ này biểu diễn tại sân khấu có sự xuất hiện của lá cờ vàng ba sọc đỏ ở Mỹ.

Theo báo Công Thương - cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương - ca sĩ Phạm Khánh Hưng xuất hiện chung sân khấu với "đối tượng thường có những lời nói, phát ngôn nhạy cảm về chính trị" - được cho là ông Trương Quốc Huy, chủ kênh YouTube N10Tv thường đăng tải các nội dung chỉ trích chính quyền Việt Nam.

Báo Công Thương cũng cho rằng hình ảnh biểu diễn của ca sĩ Phan Đinh Tùng gây phẫn nộ, khiến cộng đồng mạng "vô cùng bức xúc và đòi tẩy chay".

Hai nghệ sĩ đã đăng tải lên trang mạng xã hội của mình lời giải thích và xin lỗi.

2 Hang Loat Nghe Si Viet Bi Cong Kich Vi Chuyen Co Vang

Lời giải thích và xin lỗi của hai ca sĩ Phạm Khánh Hưng, Phan Đinh Tùng

'Phong sát'

Vào tối 22/8, trang Facebook Tifosi (có gần 300.000 người theo dõi) viết như sau:

"Cũng ở Việt Nam, không ít ca sĩ vì tiền bạc (chắc chắn là ít hơn tiền kiếm được ở Việt Nam) mà chấp nhận biểu diễn đứng dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ, không những một lần mà còn là nhiều lần.

Là người Việt Nam chân chính, tuyệt đối không thể chọn lợi ích cá nhân mà chà đạp lên lợi ích, danh dự của dân tộc, đất nước."

Tifosi được biết đến là trang Facebook chuyên đả phá những hành động mà theo họ là trái với quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

3 Hang Loat Nghe Si Viet Bi Cong Kich Vi Chuyen Co Vang

Chụp lại hình ảnh,Hình ảnh ca sĩ Phan Đinh Tùng biểu diễn trên sân khấu có cờ vàng ba sọc, khi lên báo Công Thương đã bị gạch chéo (ảnh nhỏ)

Phạm Khánh Hưng và Phan Đình Tùng không phải là các trường hợp nghệ sĩ đầu tiên gặp phải rắc rối do liên quan đến lá cờ vàng.

Hồi tháng 7/2024, hình ảnh nữ ca sĩ Myra Trần hát trong một đám tang có lá cờ vàng trở nên phổ biến trên mạng xã hội. Cô nhanh chóng hứng chịu làn sóng "phẫn nộ" đòi tẩy chay của cộng đồng mạng.

Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH) hôm 28/7 đưa tin Myra Trần đã bị cắt sóng trên sóng chương trình "Anh trai say hi" - một chương trình cũng đang phổ biến với khán giả Việt Nam.

VOH cho hay nguyên nhân đến từ "những ồn ào đời tư gần đây" của nữ ca sĩ.

Hôm 15/8, Myra Trần đăng lên trang Facebook của mình lời xin lỗi đến khán giả Việt Nam vì "không tìm hiểu cẩn thận và tham gia vào những chương trình không phù hợp".

Trước đó, vào ngày 28/5, Công an TP HCM đã có buổi làm việc với Nhạc viện TP HCM liên quan đến vụ ca sĩ Ngọc Mai (tên đầy đủ Lê Như Ngọc Mai, thường gọi là O Sen Ngọc Mai) đăng tải video có hình ảnh cờ vàng ba sọc đỏ.

Hiện nay, các nhóm trên Facebook chuyên bàn tán về giới giải trí Việt Nam như "Bí Mật Showbiz Group" với khoảng một triệu thành viên hay với quy mô nhỏ hơn như "Hội phong sát Việt Nam" (hơn 4.000 thành viên), liên tục xuất hiện những bài đăng về các nghệ sĩ Việt Nam bị cho là liên quan tới các hình ảnh của VNCH khi hoạt động nghệ thuật ở hải ngoại như Việt Hương, Trấn Thành hay Khải Đăng.

Không khí sục sôi được nhiều nhà quan sát đánh giá là "như săn phù thủy".

"Phong sát" là cụm từ thường xuất hiện trong giới giải trí Trung Quốc khi nước này cấm sóng, phạt nghệ sĩ vì bê bối đời tư hoặc "lệch chuẩn". Các trường hợp nổi bật có thể kể tới là Trịnh Sảng và Lưu Diệc Phàm.

"Phong sát" cũng từng được các quan chức phụ trách văn hóa Việt Nam đề cập như một hình thức trừng phạt các nghệ sĩ "lệch chuẩn". Giờ đây, khi các cuộc "truy vết" nghệ sĩ đang diễn ra khốc liệt, những lời kêu gọi "phong sát" cũng được đưa ra.

Trước làn sóng phản ứng của một số cá nhân và hội nhóm, dù là đối với hình ảnh của nhiều năm trước, nữ ca sĩ Tóc Tiên và nữ nghệ sĩ hài Việt Hương đã phải lên tiếng phân bua trên trang Facebook có hàng triệu lượt theo dõi của mình vào hôm 23/8.

Việt Hương cho biết hình ảnh đang được lan truyền gần đây của cô là trong một chương trình ngắn cô đã tham gia hơn mười năm trước. Tóc Tiên cũng nói "những sai sót trong quá khứ" của cô đã xảy ra "hơn 10 năm trước".

Cả Phạm Khánh Hưng, Phan Đinh Tùng, Myra Trần, Việt Hương và Tóc Tiên đều khẳng định mình tự hào là người Việt Nam, không có ý định chống phá nhà nước và mong khán giả tha thứ.

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 24/8, ông Vũ Quí Hạo Nhiên, Giáo sư toán, người dẫn chương trình Đài Little Saigon TV ở bang California, Mỹ, đánh giá:

"Hiện tượng này có bề sâu của nó, và có lẽ vì vậy mà mọi người mới phản ứng rất nhanh như vậy. Một mặt, hiện tượng này cho thấy có những nghệ sĩ rất yếu bóng vía, rất dễ bị sợ những thứ dư luận vu vơ. Nhưng mặt khác, cũng phải biết là xã hội chung quanh nó phải làm sao mới đẻ ra những người sợ bóng sợ gió như vậy. Nó làm tôi liên tưởng đến thời sau Nhân Văn Giai Phẩm, hay thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, khi ai cũng phải sợ hồng vệ binh.

"Tiếng Anh có cụm từ 'canary in the coal mine' có nghĩa là việc gì đó báo hiệu một mối nguy ở trước. Ngày xưa người ta đem con chim xuống mỏ để nếu có khí độc thì nó chết trước. Tôi sợ rằng những hiện tượng yếu bóng vía này là một thứ "canary in the coal mine' báo hiệu chính quyền Việt Nam đang trở lại siết chặt tự do ngôn luận kiểu thập niên 1970, song song với những việc như bắt tù nhà báo Huy Đức và một tướng công an lên nắm quyền."

Biểu tượng cấm kỵ

4 Hang Loat Nghe Si Viet Bi Cong Kich Vi Chuyen Co Vang

Đồng hai đô la Úc có hình ảnh cờ Việt Nam Cộng hòa

Đã gần 50 năm trôi qua kể từ khi chính thể Việt Nam Cộng hòa sụp đổ.

Tuy nhiên, với chính quyền do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hiện nay, các biểu tượng Việt Nam Cộng hòa vẫn là điều cấm kỵ.

Ngày 4/5/2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Úc dừng lưu hành đồng tiền lưu niệm hai đô la Úc có in hình cờ vàng ba sọc do Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc phát hành.

Năm 2018, Tòa án tỉnh An Giang xử tù bốn người về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước", trong đó có việc treo lá cờ Việt Nam Cộng hòa.

Báo chí do nhà nước quản lý luôn phải kiểm soát chặt để không lọt các hình ảnh có cờ vàng ba sọc đỏ lên trang báo, dù đó là trong bản tin về một cuộc vận động tranh cử ở Mỹ hay một trận bóng đá ở châu Âu.

Ở các di tích liên quan đến Việt Nam Cộng hòa, cờ vàng trên các hiện vật lịch sử (như máy bay, xe,…) cũng bị gạch chéo, chẳng hạn tại Dinh Độc Lập.

Trong các nội dung giáo dục và tuyên truyền của chính quyền đối với người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, lá cờ này là đối tượng cần bị bài xích, phủ nhận.

Điều đó đã hình thành một tâm lý “dị ứng”, thù ghét hoặc cảnh giác ở một bộ phận người dân khi thấy hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ, theo đánh giá của một nhà quan sát tại Sài Gòn.

Trên mạng xã hội, có nhiều nhóm chuyên đi lùng các hình ảnh cờ vàng để đả phá, những ai xuất hiện cùng hình ảnh cờ vàng, dù vô tình hay hữu ý, đều trở thành đối tượng bị công kích.

Hồi tháng 2/2023, Hanni Phạm, ca sĩ người Úc gốc Việt và là thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc NewJeans, đã bị nhiều người kêu gọi tẩy chay sau khi có người phát hiện trang mạng xã hội của thành viên gia đình cô treo cờ vàng.

Những người tẩy chay ca sĩ Hanni cho rằng việc ủng hộ một người có gia đình “theo VNCH” là phản bội đất nước Việt Nam.

Vụ việc này khi đó căng thẳng tới mức khiến Ban Tuyên giáo Trung ương phải chỉ đạo báo chí tránh làm căng thẳng dẫn tới gây ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc.

Khi đó, Giáo sư Alex-Thái Đình Võ từ Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ, Đại học Texas Tech (Mỹ) đã bình luận với BBC News Tiếng Việt:

“Lời kêu gọi tẩy chay cho ta thấy sự độc hại của những sự phân biệt vẫn tồn tại gần 50 năm sau cuộc chiến, dù ở Việt Nam hay ở cộng đồng tị nạn hải ngoại. Phần nhiều cũng do giáo dục, giáo dục ở đây là sự bưng bít thông tin về lịch sử, chính trị và xã hội."

Theo ông, cách phản ứng của giới trẻ cho thấy lỗ hổng trong việc tìm hiểu một cách trung thực và cẩn trọng nhất có thể về lịch sử và văn hóa của chính họ, tức của Việt Nam.

Nguồn BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC