Một bản tình ca về Hà Nội qua những năm tháng với nhiều lát cắt, góc cạnh đã được thể hiện xúc động qua hơn 40 giọng hát và những người mẫu Hà thành trong Đại nhạc hội Hà Nội đẹp mãi muôn đời diễn ra tối ngày 2/10.
Có lẽ đây là lần đầu tiên và cũng phải rất lâu nữa mới có thể tổ chức được một Đại nhạc hội quy tụ nhiều nghệ sỹ và hát riêng về mảnh đất nhiều dấu ấn hào hùng cũng như đẹp lãng mạn như thế này. Tham dự chương trình có Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và ông Trần Chiến Thắng, thứ trưởng Bộ VHTT và DL. Xúc động với tấm lòng của các nghệ sỹ, Phó Chủ tịch nước đã gửi một bức thư động viên, khích lệ các thế hệ nghệ sỹ tham gia chương trình.
Có thể nói, đêm nhạc hội với 4 màn chính và một màn kết đã vẽ lên một trang sử vàng của mảnh đất Thăng Long.
Màn đầu tiên có tên gọi Sẽ về thủ đô gồm có 6 ca khúc như Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Sẽ về thủ đô (Huy Du), Ba Đình nắng (Bùi Công Kỳ), Cảm xúc tháng mười (Nguyễn Thành), Tiến về Hà Nội (Văn Cao) và Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi) với sự góp giọng của nhiều nghệ sỹ nhân dân, những giọng hát hàng đầu từng đi qua thời bom lửa chiến tranh. Trong đó, có thể kể đến NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa, NSND Quốc Hưng, NSND Quang Thọ, các NSƯT Tố Uyên, Dương Minh Đức, Quang Huy,… Âm vang của một thời hào hùng nhưng không kém phần lãng mạn của một Hà Nội trong những ngày binh lửa được tái hiện sâu sắc và xúc động qua phần thể hiện của các nghệ sỹ. Nghe giọng hát, nghe khí thế hừng hực mà hình dung ra những lũy hào, những dòng người tấp nập ra tiền tuyến và lòng thì luôn hướng về Hà Nội với tháp rùa cổ kính, với nỗi nhớ mắt huyền nhung, …
Các NSND Thu Hiền, Thanh Hoa, Quang Thọ nhận hoa từ thứ trưởng Trần Chiến Thắng.
Và rồi, sau những ngày chiến đấu, Hà Nội lại tấp nập những công trình, của say mê xây dựng. Khi thành phố lên đèn, màn thứ hai của chương trình như vẽ lên một Hà Nội với không khí khẩn trương xây dựng. Những ca khúc quen thuộc như Những ánh sao đêm, Hà Nội những công trình, Khi thành phố lên đèn và cả những ca khúc ít được biết đến như Cô thợ hàn, Em là thợ quét vôi đã được thể hiện ngẫu hứng và sáng tạo bởi các nghệ sỹ trẻ như Khánh Linh, Phan Anh, Thành Lê, Việt Hoàn và Đăng Dương.
Sẽ thực sự rất ngạc nhiên khi những ca sĩ nhạc trẻ đã truyền một hơi thở mới vào những ca khúc của một thời xa xôi Hà Nội. Trên hết, Phan Anh hay Khánh Linh, họ đã không những thể hiện được khả năng biến hóa của mình mà còn cho thấy, với những gì sâu sắc và ý nghĩa, những thanh âm rung lên cũng hết sức tuyệt vời. Ngoài vai trò là ca sĩ, Phan Anh cũng hoàn thành khá xuất sắc vai trò MC của chương trình cùng MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng và MC Mai Anh. Họ đã tung hứng và kiềm chế vừa vặn đủ để cảm xúc của chương trình được đẩy lên cao.
Gồm 7 ca khúc, Hà Nội được vẽ lên như một bức tranh nhiều màu sắc nhưng lại là những gam màu tinh tế, trầm mặc của thành phố ngàn tuổi. Và ở đó, tình yêu Hà Nội được đẩy lên thật cao với những ca khúc quen thuộc như Hà Nội và tôi (Lê Vinh), Tình yêu Hà Nội (Hoàng Vân), Khúc hát người Hà Nội (Trần Hoàn), Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội (Nguyễn Cường), Chiều phủ Tây Hồ (Phú Quang), Mùa xuân làng lúa, làng hoa (Ngọc Khuê và Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải)… Những ca khúc này đã gắn bó với tên tuổi những nghệ sỹ biểu diễn. Vì thế, đây cũng là màn biểu diễn đem lại nhiều xúc động.
Mặt khác, yếu tố sáng tạo trong màn biểu diễn này cũng rất đáng được chú ý với màn biểu diễn đầy ngẫu hứng của ca sĩ Tùng Dương, màn biểu diễn áo dài của NTK Cao Minh Tiến, hay giản dị đến quá đỗi quen thuộc với phần trình diễn của ca sĩ Ngọc Anh, NSƯT Đức Chính. Phố đưa chân người đến những làng lúa, làng hoa, đến với mênh mang nước trời Hồ Tây bồng bềnh, nghiêng ngả sau lãng đãng khói hương. Dù xa ngái hay vẫn nơi đây, giữa Hà Nội đổi thay từng ngày thì ký ức của một Hà Nội ấu thơ vẫn rung ngân lên tiếng hát trong ngần thành những bản tình ca.
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Lam rực lửa với Một khúc sông Hồng của Lê Minh Sơn.
Tiếp nối mạch cảm xúc đầy đặn, cũng với một tình yêu sâu sắc, màn thứ 4 của chương trình với cái tên Nồng nàn Hà Nội là sự kết hợp giữa những tình khúc lãng mạn của Hà Nội trong mắt người trẻ hôm nay và có một chút gì nuối tiếc những hình ảnh yêu thương, đầy kỷ niệm của một chiều mưa Hà Nội, của những sắc lá vàng thu rơi ngập đường, của một quán ăn ven đường, góc phố rêu xanh, của sông Hồng dữ dội chảy và của cả một Hà Nội rất linh tiêng và hào hoa. Với ngần ấy vẻ đẹp, với ngần ấy nỗi nhớ nhung để khao khát trở về mỗi khi lòng xác xơ, cạn kiệt nỗi nhớ.
9 ca khúc được phối khí đặc sắc đã đem lại nhiều xúc cảm cho người xem. Ở phần trình diễn này, thêm một lần, màn trình diễn áo dài được tung ra với phần thể hiện ca khúc Ngẫu hứng phố (Trần Tiến) của Tôn Thất Sơn. Một trong những màn biểu diễn nhận được nhiều sự cổ vũ trong phần này là của Thanh Lam và ca sĩ Tấn Minh.
Tùng Dương đầy ngẫu hứng với Chiều phủ Tây Hồ.
Cuối cùng, một khúc vĩ thanh của đêm diễn được cất lên hào sảng, để tỏ lòng tri ân của những nghệ sỹ với mảnh đất đã gieo vào lòng họ tình yêu, sự khát khao cháy bỏng với nghề. Năm ca khúc Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh), Tiếng nói người Hà Nội (Văn An), Hà Nội – Điện Biên Phủ (Phạm Tuyên), Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp) và Hà Nội – niềm tin và hy vọng với sự góp giọng của tất cả những nghệ sỹ tham gia chương trình như một nốt son trưởng khép lại một bản tình ca với nhiều cung bậc cảm xúc. Cả hội trường nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) gần như vỡ òa trước màn biểu diễn hoành tráng này.
Ca sĩ Khánh Linh
Có thể nói, đêm nghệ thuật đặc biệt để chào mừng những ngày đại lễ Hà Nội nghìn tuổi của các nghệ sỹ là bữa tiệc đặc sắc trong vô vàn các chương trình nghệ thuật dịp trọng đại này. Dẫu rằng, quá trình chuẩn bị không được nhiều, dẫu rằng, có những điểm còn chưa đủ đầy xúc cảm, nhưng với 2 tiếng đồng hồ, Hà Nội đẹp mãi muôn đời đã thực sự đem đến không chỉ công chúng thủ đô mà còn cả những người con đất Việt luôn hướng về mảnh đất này nhiều dấu ấn. Sân khấu chật kín ca sĩ, khán phòng chật kín ca sĩ. Đó mãi sẽ là kỷ niệm khó quên trong lòng người.
Chương trình được thực hiện bởi Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC và Thanh Hoa Concert và phát sóng trên 10 kênh truyền hình của VTC và các đài địa phương.
Theo VTC.