Quy định rất chặt chẽ về trang phục tập luyện, trơ cảm xúc giới tính, ký túc xá nam nữ riêng biệt, thay đồ biểu diễn trước nhau và nhiều bí mật hậu trường của sinh viên múa ở Việt Nam được chính giảng viên Bích Ngọc của Cao đẳng múa VN tiết lộ.
Sinh năm 1985, đã từng tỏa sáng trên sân khấu múa Ballet rồi xuất hiện trong một số bộ phim tạo được dấu ấn như Ban mai xanh, Quán kem tình nhân… rồi đóng quảng cáo, chụp hình thời trang, cuộc sống đang trải ra cho Bích Ngọc quá nhiều cơ hội để trở thành một người nổi tiếng và gần gũi hơn với công chúng. Thế nhưng, chỉ vì niềm đam mê từ nhỏ, hấp lực của những giai điệu, những vũ khúc đã kéo tài năng múa này về trường Cao đẳng múa VN và trở thành một giảng viên của bộ môn múa dân gian dân tộc. Tuy nhiên, cô gái năng động này hoàn toàn tự tin với công việc hiện tại. Cô cũng khẳng định đang sống được rất tốt bằng nghề của mình.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi xoay quanh những chuyện riêng của Bích Ngọc và cả hậu trường học sinh múa ở Việt Nam sau khi tâm sự của một sinh viên múa ở Trung Quốc đăng trên một tờ báo Việt Nam gây sốc trong dư luận.
Tự sự này, đăng trên tờ Sina, nhắc đến những "nguyên tắc ngầm" đáng sợ trong sinh viên một trường múa, như: Nữ sinh nếu để tăng cân thì bị phạt múa nude trước mặt các nam sinh, chỉ mặc độc một chiếc quần lót và biểu diễn các động tác xoạc, đá chân... Hay những nữ sinh học kém nhất phải làm nhiệm vụ giải tỏa những ức chế tình dục cho một số nam sinh... Những câu chuyện này khiến người ta đặt dấu hỏi tò mò và nghi hoặc về thế giới của sinh viên trường múa tại Việt Nam.
Trơ cảm giác giới tính, không múa nude và những bí mật khác
- Thưa chị, những quy định cho học sinh múa ở trường Cao đẳng múa có khác nhiều các trường khác?
- Có, khác nhiều lắm. Quy định học sinh lớp bé đến lớp lớn đều học từ 7h sáng đến 12 giờ trưa, nghỉ ăn trưa một tiếng lại học đến 6 giờ tối. Hôm nào cũng thế. Các em ngoài học chuyên môn còn phải học văn hóa. Tối về lại ôn bài nên chẳng có thời gian để làm việc khác.
- Gần đây, người ta chú ý đến một bài tự sự của sinh viên múa Trung Quốc với những quy định khắt khe từ việc mặc đồ. Ở Việt Nam, quy định về trang phục tập luyện, đầu tóc thì như thế nào?
- Các quy định về trang phục khi học cho cả nam lẫn nữ đều chặt chẽ. 18 em tập mà một em thiếu giày tập, thậm chí sẽ cho ra ngoài lớp luôn. Quy định về việc mặc đồ cũng tùy từng môn. Nếu là học múa Ballet sẽ mặc một chiếc váy mỏng và quần tico bó sát. Con trai cũng bắt buộc phải mặc quần đùi tico bó sát. Bắt buộc như vậy vì phải căn ke từng centimet động tác chính xác trên người. Nếu mặc rộng ra một chút là giáo viên không nhìn thấy và không thể sửa được.
Và đó là thói quen rồi. Con trai thì có thể mặc áo hoặc không. Giày tập là không thể thiếu. Riêng chuyện tóc để mái cũng cấm tiệt. Lớp bé, học sinh không được nhuộm tóc, không được cắt tóc ngắn, không được để mái mà lúc nào cũng búi ngược. Giảng viên đi dạy cũng phải như vậy. Phải rèn tính kỷ luận như vậy từ bé vì khi làm nghệ sỹ múa thì phục trang rất quan trọng. 10 người múa như một, nếu một người thiếu phục trang là không có thể lên sân khấu rồi. Như vậy, rèn luyện kỷ luật ngay từ bé là một điều bắt buộc với học sinh múa.
- Những bộ đồ sát mỏng dễ tạo ra những cảm giác về giới tính giữa hai người nam nữ, việc này phải hạn chế thế nào?
- Việc này có nhiều người rất thắc mắc. Nhưng ở trong trường, tuyển học sinh vào lớp múa đôi là tuyển từ bé, từ khi các em còn rất nhỏ tuổi. Nó giống như một ngôi nhà, học chung nhưng như trong một gia đình. Các em cũng ý thức được giới tính nhưng cũng giống như ngành diễn viên, sân khấu, nghệ sỹ còn phải thể hiện bằng tình cảm, tiếng nói, ánh mắt, hành động, nếu cứ yêu nhau hết thì chết.
Khi dạy múa thì chúng tôi dạy cho học sinh đây là tác phẩm chứ không phải ngoài đời. Ở trường, ký túc xá nam và nữ cũng tách riêng. Hơn nữa, đã sống, đã quen nhau từ nhỏ nên khi vào lớp hay có đi qua các lớp thấy hình ảnh ấy cũng là rất bình thường, chẳng có cảm giác trai gái.
- Có chuyện học sinh nam nữ phải thay đồ cùng nhau không? Và cũng để rèn luyện sự "trơ" cảm xúc giới tính?
- Có chuyện thay đồ chung nhưng người ngoài không hiểu rõ nên dễ hiểu sai. Tôi là diễn viên cũng hiểu rằng nhiều khi phải thay đồ chỉ trong 30 giây để bước sang bài sau. Nhưng kể cả như vậy thì trước đó cũng đã mặc đồ da rồi, không có chuyện gì khác. Không có chuyện thay đồ nude trước mặt nhau. Có thể ở các nước khác thì có chăng nhưng ở Việt Nam không có chuyện như vậy. Ở đây, chỉ có chuyện chồng chiếc áo nọ lên chiếc áo kia thôi.
Với các sinh viên nữ khi đến “ngày đặc biệt trong tháng” đều xin phép giáo viên được nghỉ học và chỉ ngồi nhìn các bạn luyện tập. Khi đã là gia đình thì không có chuyện gì để giấu giếm, đều có thể thổ lộ hết được. Ai cũng hiểu là rất mệt và không thể nghĩ đến những chuyện như vậy.
Thêm nữa, với những động tác mà con trai phải bế con gái lên bằng một bàn tay, cổ tay sẽ chạm vào phần nhạy cảm. Nếu lúc đó suy nghĩ linh tinh sẽ bị trẹo tay luôn vì cổ tay sẽ phải đẩy cả một bạn gái ở bên trên. Giáo viên lúc nào cũng thúc phải làm, phải làm. Có thể có ai đó học đến năm thứ 5, thứ 6 quá mệt mỏi, chán nản nên tỏ ra bất bình, nói không đúng về sự thật. Tôi cũng từng bị người yêu học sinh khủng bố điện thoại cả tuần vì không cho cô ấy nghỉ để đi chơi.
- Nếu có sai phạm, sinh viên bị xử phạt như thế nào?
- Ở trường, nếu học sinh không thuộc bài sẽ không được dự thi. Nếu đi học muộn hoặc nghỉ học sẽ bị phạt tiền chẳng hạn, đánh vào kinh tế. Số tiền đó sẽ dùng để may đồ cho lớp.
- Ở trường Cao đẳng múa VN nơi chị giảng dạy đã có tập múa nude?
- Khi tập thì không bao giờ nude cả, đã có đồ bó sát. Ở nhà hát lớn ở nước ngoài cũng đã có biểu diễn múa nude nhưng ở Việt Nam thì chưa có chuyện này.
- Với những thông tin được tung ra như thời gian qua, không được kiểm chứng, nhiều người sẽ hiểu không đúng về việc học múa?
- Trường múa ở Việt Nam được nhà nước, bộ quản lý nên không thể có bất kỳ một sai sót nào. Tất cả các giáo trình và quy chuẩn đều được kiểm tra kỹ. Hàng tháng phụ huynh học sinh đều có thể đến thăm con, lên phòng học để thăm quan. Tất cả các cửa lớp đều mở cửa công khai. Nếu bất kỳ ai có thắc mắc đều có có thể trao đổi. Đến năm 2011, các lớp học còn được lắp camera nên không thể có chuyện gì xảy ra và để giấu giếm cả.
"Linh Nga thành công một phần do PR thôi"
- Xin hỏi một chút về chuyện riêng của chị. Xinh đẹp, có nhiều cơ hội trong đời sống trong nghệ thuật nhưng đùng một cái, chị rút lui khỏi điện ảnh và các bộ môn nghệ thuật khác để trở thành một nhà giáo ở tuổi rất trẻ. Tại sao vậy?
- Trong nghề múa, những người có tiếng có tài thực sự chưa hẳn đã là nổi tiếng, như anh Cao Chí Thành chẳng hạn. Cuộc sống nó là thực tế, thị trường là như vậy. Thời còn là sinh viên, tôi may mắn nhận được nhiều cơ hội và cũng đã thử ở nhiều lĩnh vực như phim ảnh với một vài vai diễn. Khi làm phim Luật đời, đạo diễn cũng đã mời tôi trước khi mời Diệu Hương. Tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều rồi trả lại kịch bản vì muốn đi thi tài năng múa. Tôi trở về với múa vì bộ môn này đã nuôi dưỡng tôi từ bé. Yêu nghề thì phải có hiếu với nghề, không thể có cái mới, nới cái cũ được.
Sau này trưởng thành hơn, đi dàn dựng, đi dạy, nhiều lúc cũng mệt lắm. So với những công việc khác thì nghề múa thực sự rất vất vả. Đã có lúc tôi thực sự nản, muốn rẽ ngang, có thời gian tôi dừng lại, bỏ vào Sài Gòn làm phim suốt. Sau đó, các lời mời làm phim cũng nối tiếp nhau. Nhưng thời gian đó, tôi cũng đã nhận được lời mời về trường múa làm việc, dạy múa dân gian dân tộc. Tôi còn nhớ, một lần ngồi nghe một bản nhạc, tôi thấy mình nhớ múa kinh khủng. Thế là lại khăn gói quay về. Tôi nghĩ, điều quan trọng là được làm những điều mình thích, mình yêu.
- Nhưng người ta khó khước từ ánh hào quang, sự nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Có lúc nào, chị có cảm giác bị điện ảnh cuốn mình đi?
- Có chứ. Điện ảnh và múa đều có sức hút giống nhau. Nhưng khi đứng chông chênh giữa hai sức hút thì tôi lại nghĩ đến câu ăn cây nào rào cây đó. Với điện ảnh, tôi đã có cơ hội để thắp sáng và múa cũng như vậy. Nhưng nói về sự lâu dài thì múa đã là hơi thở, là cuộc sống của tôi. Điện ảnh có thể đem lại cho mình nhiều thứ nhưng không đem lại cho mình sự bình yên. Một lúc nào đó, khi cuộc sống có nhiều áp lực, bỗng nhiên người ta sẽ ước rằng mình không được ai biết đến. Điều ước đơn giản ấy có thể khó với một người nổi tiếng xuất hiện hàng ngày trước công chúng và các sự kiện.
Lúc đầu, khi lui vào hậu trường giảng dạy, hàng ngày lên lớp đúng giờ, tôi cũng cảm thấy không quen vì trước đó tôi có một đời sống rất sôi nổi. Trời lạnh 9 độ cũng phải dậy từ 7 giờ, thay quần áo tập, rồi khởi động, rồi gò ép học sinh bao giờ được thì thôi. Với một nhịp sống mới, lúc đầu, tôi cảm giác mình stress kinh khủng. Rồi suy nghĩ nhiều lắm nhưng nghĩ đến học trò, nhìn thấy học sinh thành công là lại thấy vui, một hạnh phúc bình dị.
- Sinh viên múa ra trường thường về một đoàn nghệ thuật và làm nghề cầm chừng. Nếu như không được mời về trường, chắc chị không đi theo hướng đó chứ khi có những cơ hội khác?
- Nếu không được mời về trường thì tôi cũng có những dự án múa cho riêng mình. Tôi là người yêu nghề nên chắc chắn sẽ không để mình phải trở thành người múa phụ họa cho một bộ môn nghệ thuật khác. Tôi có lòng tự trọng nghề. Dự án tôi đã ấp ủ nhưng chưa thể nói ra thật chi tiết, như mở trung tâm dạy múa nghiệp dư chẳng hạn. Ngay từ khi là sinh viên tôi đã nghĩ như vậy rồi.
- Nhưng nếu muốn múa có một dự án lớn thì cần phải có kinh phí rất lớn. Những liveshow như Vũ của Linh Nga cũng phải tốn rất nhiều tiền và cũng phải có tài trợ mới thực hiện được…
- Tôi hiểu, nhưng không phải cứ dựng vở mới chứng tỏ được sự yêu nghề của mình. Có rất nhiều người thầm lặng như giáo viên chỉ người trong nghề mới biết nhưng được các sinh viên đời đời biết ơn. Họ chỉ ở trường và suy nghĩ dựng tác phẩm cho học sinh mình thể hiện và tỏa sáng trên sân khấu. Dự án của tôi cũng không hướng đến sân khấu mà cần một tấm lòng nữa. Tôi muốn truyền bá nghề múa tới các trường học trên cả nước.
- Nhưng là nghệ sỹ múa, tôi nghĩ chẳng ai là không muốn có một lần tỏa sáng, được cổ vũ nhiệt thành như Vũ của Linh Nga?
- Thực sự là dạy cho học sinh, chúng tôi luôn mang ánh hào quang ra để sinh viên cố gắng. Nhưng hạnh phúc là do mình nghĩ, mình lựa chọn và không nhất thiết phải bằng một con đường. Tôi từng múa ballet, từng làm vở và biểu diễn với sự tán thưởng của rất nhiều người nước ngoài nhưng thời đó, làm gì có PR mà người ta biết đến. Tôi nghĩ Vũ của Linh Nga thành công cũng một phần do PR thôi. Với tôi, quan trọng là người trong nghề có nể phục mình hay không.
- Xin cảm ơn Bích Ngọc.
Theo VTCNews.