Nhiều học sinh từ bỏ đăng ký xét tuyển đại học để học nghề với mong muốn sớm tìm được công việc ổn định hoặc chọn đi du học để thử sức với môi trường mới.

1 Hoc Nghe Du Hoc Thay Vi Dang Ky Xet Tuyen Dai Hoc

Nhiều học sinh THPT chọn học trường nghề sau khi tốt nghiệp. Ảnh minh họa: Finanztrends.

Chọn cao đẳng vì phù hợp năng lực

Chia sẻ với Zing, Hạo Nam cho biết nếu cố chấp xét tuyển vào đại học, em sẽ tốn nhiều thời gian và học phí. Cụ thể, theo nam sinh này thời gian học cao đẳng là từ 2,5 đến 3 năm, nhanh hơn so với học đại học (thường kéo dài trong 4 năm). Bên cạnh đó, sau khi ra trường, nam sinh cũng có việc làm sớm; trong thời gian học có thể được tuyển dụng và làm việc ở nơi đăng ký thực tập.

Trước đó, ở Trung tâm GDTX tỉnh Bình Phước, Hạo Nam học nghề Điện lạnh. Với kiến thức đã được học, nam sinh hy vọng có thể học tốt ngành Điện công nghiệp ở trường cao đẳng nghề.

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, Phạm Đình Thiên (cùng lớp với Hạo Nam) cũng lựa chọn đăng ký xét tuyển bằng kết quả học bạ vào ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí ở Cao đẳng Lý Tự Trọng.

Nam sinh cho biết mức điểm thi của bản thân chỉ đạt tốt nghiệp, không thể xét tuyển vào đại học. Vì vậy, Đình Thiên đã không điền nguyện vọng vào đại học trong thời gian Bộ GD&ĐT quy định.

“Em biết rõ khả năng học của mình nên khi đậu tốt nghiệp em đã chọn nơi phù hợp hơn. Học cao đẳng, em có thể học nhanh và đóng học phí rẻ hơn các trường đại học. Ở đây, em cũng có thể học nghề mà bản thân yêu thích”, Thiên nói.

Sợ thất nghiệp khi học đại học

Khác với Đình Thiên và Hạo Nam, Nguyễn Trần Anh Hào, học sinh lớp 12, trường THPT Phú Riềng (Bình Phước), chọn học cao đẳng nghề vì sợ thất nghiệp.

Nỗi ám ảnh về việc sinh viên đại học ra trường thất nghiệp của Anh Hào bắt đầu từ những lần đặt xe ôm công nghệ ở TP.HCM. Mỗi lần đi xe, Anh Hào thường nói chuyện với tài xế và nghe họ chia sẻ từng học đại học, ra trường thất nghiệp nên chọn công việc này.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Hào đạt trên 7 điểm ở các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và trên 4 điểm ở các môn Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn. Nam sinh quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Công nghệ ôtô của Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM và không điền nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Trước đó, Anh Hào đã đánh dấu vào ô “Thí sinh có dùng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐSP” của phiếu đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

“Em thấy bản thân không có hy vọng học đại học. Em chọn cao đẳng vì học không giỏi. Ai phù hợp với cái gì nên học cái đó. Nhiều người học đại học cũng thất nghiệp, em không cố chấp đi học đại học bằng được”, Anh Hào nói.

Quyết định theo học cao đẳng của Hào được mẹ ủng hộ. Nam sinh còn nhớ mẹ đã nói: “Học gì cũng được, miễn là con có nghề nghiệp và tự nuôi sống bản thân sau này”.

Cũng giống như Anh Hào, Nguyễn Văn Thịnh, học sinh lớp 12, Trung tâm GDTX tỉnh Bình Phước, không điền nguyện vọng vào đại học mà nộp học bạ vào ngành Công nghệ ôtô của Cao đẳng Lý Tự Trọng.

Điểm thi tốt nghiệp THPT của Thịnh ở tổ hợp khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) có tổng là 19. Biết điểm thi của con trai, gia đình Thịnh khuyên nam sinh thử nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường đại học tư thục trong nước. Tuy nhiên, vì hiểu sức học của bản thân và sợ thất nghiệp khi ra trường, Thịnh quyết định nộp kết quả học bạ THPT vào trường cao đẳng nghề.

Hơn nữa, nam sinh nhận thấy những anh, chị học cao đẳng nghề ngành Công nghệ ôtô ra trường và làm việc ngay ở Bình Phước. Trong khi đó, không ít người học đại học lại chưa có công việc ổn định.

“Trường cao đẳng nghề em lựa chọn có đảm bảo cơ hội việc làm sau khi ra trường nên em không còn lo lắng nhiều về việc thất nghiệp. Ngoài ra, em cũng có thể làm đúng ngành nghề đã được học, chứ không phải làm trái ngành”, Thịnh nói.

Cô Hoàng Thị Hồng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A, Trung tâm GDTX tỉnh Bình Phước, cho biết sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, lớp của cô có 60% đăng ký học cao đẳng, trung cấp nghề. Số lượng các em đặt nguyện vọng xét tuyển vào đại học là 3 em.

“Tôi hiểu quyết định này của các em. Các em học ở trung tâm GDTX đều có xuất phát điểm là những em không thi tuyển sinh vào 10, hoặc thi nhưng không đậu hay không theo kịp chương trình học THPT nên nộp hồ sơ học tại đây. Một số em còn học theo hình thức vừa học, vừa làm. Với năng lực ban đầu như vậy, các em thường sẽ quyết định chọn học cao đẳng, trung cấp nghề”, cô Hồng nói.

Bên cạnh đó, cô giáo cũng nhận định việc nhiều học sinh trong lớp chọn học cao đẳng, từ bỏ đăng ký xét tuyển đại học vì mong muốn học nhanh, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, ra trường có việc làm ngay. Cô Hồng ủng hộ quyết định này của học sinh vì hiện tại ai cũng muốn học đại học để làm "thầy" thì lựa chọn học làm "thợ" sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.

2 Hoc Nghe Du Hoc Thay Vi Dang Ky Xet Tuyen Dai Hoc

Nguyễn Thị Quỳnh Như nhận được học bổng trị giá 6 tỷ đồng từ Franklin and Marshall College (Mỹ). Ảnh: NVCC.

Quyết tâm đi du học

Một số thí sinh khác lại lựa chọn hướng đi du học nên quyết định không đăng ký xét tuyển lên hệ thống dù ban đầu chọn ô thi để lấy kết quả xét tuyển.

Lê Hữu Đại là trường hợp như vậy. Ước mơ vào ĐH Ngoại thương, nhưng khi biết bản thân trúng tuyển ĐH Fulbright Việt Nam, Hữu Đại quyết định tạm gác ước mơ ban đầu và nhường cơ hội xét tuyển cho các bạn khác.

Nam sinh chia sẻ điểm thi 3 môn khối D của em được 27. Thầy cô, bạn bè khuyên Đại nên điền thêm nguyện vọng trên cổng đăng ký nhưng em không làm.

"Hồi đầu, khi chưa biết mình trúng tuyển Fulbright, em vẫn bấm chọn mục 'Thí sinh có dùng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐSP'. Nhưng khi có kết quả, em không điền nguyện vọng nữa, em muốn nhường cơ hội học tập tại các trường tốp đầu cho những bạn khác vì các bạn đã nỗ lực rất nhiều", nam sinh chia sẻ.

Cũng không đăng ký xét tuyển đại học, Nguyễn Thị Quỳnh Như, học sinh trường THPT Châu Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), lựa chọn đến Mỹ, nhập học Franklin and Marshall College (bang Pennsylvania, Mỹ). Được biết, nữ sinh đã nhận được học bổng toàn phần trị giá 6 tỷ đồng từ ngôi trường này khi đang học lớp 12.

Quỳnh Như chia sẻ vì đã nắm chắc suất học bổng tại đại học Mỹ, em không cần mất nhiều thời gian để ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Khi biết điểm, em cũng không phải đau đầu suy nghĩ nên lựa chọn học ngành nào, trường nào ở Việt Nam như các bạn cùng lớp.

Nuôi ước mơ du học từ năm lớp 8 nhưng nhiều lần bị gián đoạn do làm hồ sơ xin học bổng không thành công. Nữ sinh quyết tâm sau khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ đi du học bằng được.

"Giả sử năm nay vướng dịch bệnh không thể qua Mỹ, em vẫn chọn du học online vì học ở môi trường quốc tế là ước mơ của em", nữ sinh nói.

Chung mục tiêu với Quỳnh Như, Dương Trà My (hiện học tại Gettysburg College, Mỹ) cũng lên kế hoạch đi du học sau khi tốt nghiệp THPT tại Việt Nam. Nhiều lần, nữ sinh lo lắng bản thân không đủ khả năng để nộp hồ sơ xin học bổng nhưng vẫn quyết định thử. Trà My giả sử năm nay không đậu, em sẽ chuẩn bị tinh thần gap year để chờ cơ hội khác.

Chia sẻ lý do chọn du học thay vì học đại học trong nước, Trà My nói em mong muốn được thử những trải nghiệm mới và thoát khỏi lộ trình giống nhiều bạn trẻ ở Việt Nam là "học trường chuyên, vào đại học tốp đầu". Nữ sinh cũng mong muốn khẳng định bản thân là người có thể làm tốt ở nhiều lĩnh vực, nhiều môi trường khác nhau.

"Người thân, bạn bè khuyên em học Ngoại thương, Sư phạm nhưng em vẫn quyết tâm đi du học. Sau này, khi học xong, em sẽ trở về Việt Nam và tìm công việc phù hợp với năng lực", Trà My nói thêm.

Du học cũng là một trong những lý giải cho việc hơn 320.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

Trước đó, trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng một lượng lớn thí sinh đi du học nên không đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học.

Trước đó, vào các năm 2020 và 2021, nhiều em bỏ lỡ việc đi du học do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm nay, ngay khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, các em bắt đầu hành trình đi du học ở nước ngoài.

Ngoài ra, theo bà Thủy, khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ biết năng lực của bản thân đang ở mức nào. Một số em tự ý thức kết quả thi không cao, không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học nên quyết định không đăng ký.

Theo: ZING.VN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC