"Khát vọng Thăng Long" giải cơn khát phim mừng đại lễTừ thiết kế bối cảnh, quần áo đến diễn viên, bộ phim nhựa duy nhất hiện nay về vua Lý Công Uẩn đã thuyết phục được khán giả dù không phải không có sạn.

Thành công đầu tiên của phim là phục trang. Theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đây là yếu tố làm ông vừa lòng nhất. Những đứa trẻ đóng khố, những cô gái yếm nâu sồi, những chàng đô vật áo cánh vải. Vua quan, hoàng hậu không đội mũ miện mà búi tóc vấn khăn. Áo bào của vua Long Đĩnh màu nâu thẫm, thêu hình rồng ở cuối đuôi. Mũ tướng quân có hình hoa sen, biểu tượng Phật giáo rất hưng thịnh thời tiền Lê.

Lưu Trọng Ninh cho biết, rất khó để phân định rạch ròi thế nào là quần áo Trung Quốc, thế nào là của Việt Nam vì cách đây hơn 1000 năm, trang phục Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhà Tống. Tướng quân nhất định phải mặc áo, lính mặc quần phải thắt ở dưới vì họ vận động rất nhiều - có người bảo thế lại giống Trung Quốc, hay như thích khách phải bịt khăn - người ta bảo thế giống ninja của Nhật.

Đạo diễn dựa vào hai yếu tố để thuyết phục người xem. “Thứ nhất, Việt Nam - Trung Quốc thổ nhưỡng khác nhau nên màu sắc sử dụng sẽ khác. Thời đó, phục trang dệt thô và nhuộm màu bằng cây cỏ. Trong tác phẩm của tôi, chỉ Hoàng hậu lượt là một chút vì đó là oai phong, nghi lễ. Phong kiến Trung Quốc lấy màu vàng của Hoàng Hà làm chủ đạo nên áo vua gọi là hoàng bào, còn chúng ta dùng màu đỏ chìm của sông Hồng. Thứ hai thời tiết ở Việt Nam nóng ẩm, không lạnh như phương Bắc nên quần áo dân chúng mỏng hơn, trang phục vua chúa ít tầng lớp hơn” - Lưu Trọng Ninh lý giải.

Điều thứ hai thuyết phục khán giả trong buổi công chiếu tối 7/10 là thiết kế bối cảnh. Khác với những bộ phim lịch sử thực hiện cùng thời điểm, Khát vọng Thăng Long hoàn toàn không có một cảnh quay nào ở Trung Quốc. Cảnh những đứa trẻ đua trâu dưới con đường đất mát rượi bóng tre, cảnh dệt vải vấn tóc, cảnh giặt giũ trên sông, cảnh chợ trên bến dưới thuyền, cảnh đấu vật hay câu hát “Gái Đại La trồng dâu nuôi tằm” là những cảnh mang đủ cả chất nông thôn, thị thành Việt cổ. Đắt giá nhất là chi tiết về cô gái chửa hoang bị gọt đầu bôi vôi, thả trôi sông, tái hiện một hủ tục xưa hay cảnh lễ hội tịch điền, vua cử hoàng tử đi cày.

Phim được quay bằng bốn tay máy, ở các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Huế, Hà Nội, có đủ non nước Hoa Lư, những mái đình, chùa nâu thẫm. Đạo diễn chia sẻ, để quay bộ phim này, có cảnh phải quay ở 5 nơi khác nhau. “Hai nhân vật đang đối thoại nhưng góc quay của nhân vật này ở một tỉnh, nhân vật kia lại quay ở tỉnh khác. Để ghép nó vào một mạch liên tục vô cùng khó, mất rất nhiều công. Căn chỉnh sao cho ánh sáng hai nơi không được khác nhau” - Lưu Trọng Ninh chia sẻ. Toàn bộ phim mang một màu sắc nâu nhẹ gợi cảm giác cho người xem về một bộ phim tư liệu đáng tin cậy. Đại cảnh quay trên chiến trường, cận cảnh chém giết, đấu võ đều tinh tế, không gượng ép cứng nhắc như Tây Sơn hào kiệt. Đây là công lớn của Johnny Trí Nguyễn trên tư cách chỉ đạo võ thuật.

20101009 04 02 25 0

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (bìa trái) và con gái (giữa).

Dàn diễn viên trong phim cũng là điều làm nên thành công của bộ phim. Theo Lưu Trọng Ninh, cả hai diễn viên chính là Ngọc Ngoan và Đình Toàn không phải lựa chọn thỏa mãn của ông. “Thực ra tôi không muốn diễn viên chính của mình đẹp trai. Yêu cầu đầu tiên của tôi là diễn viên phải thật đàn ông, nhưng trong số các diễn viên VN tôi chưa thấy một ngôi sao nào có vẻ quyến rũ thực sự. Anh Ngọc Ngoan ban đầu tôi thấy, rất đẹp trai nhưng khía cạnh đàn ông không mạnh, cái gai góc, cá tính không nhiều. Song khi làm việc tôi cảm thấy anh ta đã tải được điều tôi muốn. Vai chính thứ hai là Lê Ngọa Triều, tức vua Long Đĩnh. Ban đầu tôi rất thích chất Thành Lộc vì anh là người đa sắc, ác cũng được, đau cũng được lại có chút gì toát ra vẻ “ái ái” nhưng Thành Lộc quá lớn tuổi. Vì thế, tôi tìm được Đình Toàn, đệ tử của Thành Lộc, một người cũng có gì của Thành Lộc” - Lưu Trọng Ninh giải thích lựa chọn của mình.

Trong phim, Ngọc Ngoan thể hiện ra chất anh dũng, kiên cường của một tướng quân khi đứng trước vua hay khi xả thân trên chiến trận, lại vẫn cho thấy được tình yêu nồng thắm với người ca nữ Dạ Hương, lòng nhân với cô gái bị thả trôi sông, em bé có cha tử trận. Diễn xuất của Ngọc Ngoan dày dặn hơn hẳn trong Long Thành cầm giả ca (vai Tố Như). Hình thể chàng siêu mẫu cũng thích hợp vào vai tướng lĩnh hơn hóa thân thành một thi nhân.

Tuy nhiên, người được đánh giá cao nhất trong phim là diễn viên Đình Toàn. “Tuyệt vời” là từ khán giả dành tặng cho anh. Kinh nghiệm của một diễn viên sân khấu lâu năm cho phép anh đi đến cùng những cảm giác của nhân vật: sự điên loạn hung tàn của một vị vua, sự đau đớn cô độc của một kẻ chạm vào đáy nỗi cô đơn khi bị chính mẹ mình từ chối thừa nhận, bị người bạn tri kỷ Lý Công Uẩn từ bỏ. Thật khó có thể hình dung một diễn viên khác vào vai Long Đĩnh thay cho Đình Toàn.

Cô giảng viên trẻ trường Cao đẳng múa Việt Nam Thu Trang vào vai người ca nữ không chỉ thể hiện tốt những điệu múa mà còn gây xúc động với tâm trạng của người con gái sẵn sàng chết vì tình yêu. Đáng khen ngợi là diễn xuất của em bé vào vai Lý Công Uẩn khi nhỏ, rất tự nhiên, thể hiện những cảnh võ thuật chính xác, đẹp mắt. Ngôn ngữ phim cũng không bị nhầm lẫn với Trung Quốc. Nhân vật xưng hô “bố - mẹ, anh - em” thay cho “phụ thân, mẫu hậu, chàng - nàng”. Những yếu tố này cộng hưởng làm nên một bộ phim mà theo diễn viên Chiều Xuân là “không thể không xem”.

20101009 04 02 29 1

Thu Trang múa lại điệu múa trong phim "Khát vọng Thăng Long" tại buổi ra mắt phim tối 7/10 ở Hà Nội.

Tuy nhiên, phim cũng không tránh được những hạt sạn nhỏ. Khi Long Đĩnh 18 tuổi, vua Lê Đại Hành vẫn trẻ như lúc hoàng hậu sinh Long Đĩnh nhưng chỉ hai năm sau, nhà vua đã râu tóc bạc phơ. Vào vai Phụng Càn Chí Lý Hoàng hậu - người sinh ra Lê Long Đĩnh - Ngô Mỹ Uyên từng chia sẻ, cô không ngại xấu để hóa trang khi về già cho phù hợp. Nhưng xem phim, khán giả chưa thật thuyết phục bởi hình ảnh hoàng thái hậu tóc vẫn còn đen, tuổi tác bề ngoài không nhỉnh hơn con trai là mấy. Nhân vật người ca nữ rõ cả vết nối tóc khi múa hay cảnh quay đằng sau người phụ nữ chửa hoang bị gọt đầu bôi vôi thả trôi sông vẫn thấy tóc lộ rõ dưới vết vôi. Phần cuối phim diễn biến quá nhanh, chưa khắc họa rõ nét biến cố lịch sử sau khi Long Đĩnh chết, Lý Công Uẩn lên ngôi và dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long.

Đây chưa phải là bản hoàn chỉnh của bộ phim lịch sử dài 100 phút. Bà Lê Minh Tâm - nhà đầu tư - cho biết, khi ra rạp vào tháng 11, phim sẽ được chỉnh sửa nhưng không nhiều. “Chúng tôi quan niệm, Đại lễ là cả năm 2010 chứ không phải chỉ ngày 10/10” - bà Tâm phát biểu.

Khát vọng Thăng Long là phim lịch sử duy nhất về Lý Công Uẩn kịp ra mắt nhân kỷ niệm Thủ đô nghìn tuổi. Hai bộ phim truyền hình là Huyền sử thiên đô và Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long đều không kịp lên sóng. Huyền sử thiên đô đã quay cuốn chiếu xong 15 tập nhưng chưa làm hậu kỳ. Còn Đường tới thành Thăng Long đang bị yêu cầu chỉnh sửa vì mang nhiều yếu tố Trung Quốc.

Theo VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC