Khát vọng tình yêu trong "Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu"Những năm gần đây, văn học đương đại Trung Quốc mang lại cho độc giả những "món ăn" khá hợp khẩu vị. Đó là tính bạo liệt và hấp dẫn của các sự kiện và cách miêu tả các sự kiện đó.

Cuốn Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu của nhà văn Trung Quốc Kỷ Đạt thuộc loại này. Tính bạo liệt của tác phẩm không chỉ thể hiện ở tên sách, mà còn thể hiện rất rõ thông qua các nhân vật và tình tiết trong sách. Cách kể chuyện nhanh, gọn với ngôn từ mạnh mẽ cũng làm cho cuốn sách trở nên hấp dẫn hơn.

Sau 30 năm đổi mới thành công, xã hội Trung Quốc bước vào một giai đoạn mới. Giai đoạn này đặt ra nhiều vấn đề phức tạp và lý thú. Nhà văn Kỷ Đạt nắm bắt được cái không khí xã hội Trung Quốc đương đại nên đã chọn cho mình đề tài ăn khách trong Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu.

Tuy là viết về chuyện hôn nhân - gia đình, nhưng thực chất đây là cuốn sách về sức mạnh của đồng tiền trong xã hội đang làm giàu. Trên cái nền cuộc hôn nhân của Thúy Thúy và Đại Lâm, những toan tính về tiền bạc quay cuồng trong con người của mẹ Đại Lâm và những người thân của bà đã chi phối mọi hoạt động của họ. Chính điều này là nguyên nhân gây nên những mối bất hòa và những cuộc xung đột tàn khốc.

Con người luôn hống hách và ngông cuồng như mẹ của Đại Lâm, lúc cần cũng biết “xuống nước”, nhưng đó chỉ là những hành động hướng thiện giả vờ, phục vụ những âm mưu sâu xa hơn. Phần lớn các mưu mô của nhân vật là nhằm mục đích triệt hạ đối phương và kiếm cho được thật nhiều tiền. Cuốn sách cũng thiên về hành động với những vụ ẩu đả theo kiểu nửa dằn mặt, nửa trả thù. Điều này gợi lại tính chất “chưởng” - vốn là “đặc sản” trong văn học Trung Quốc. Nhóm của Vương Hinh (em con dì của Thúy Thúy), Đại Thiếu, Minh Minh là đại diện điển hình cho một bộ phận thanh niên của những gia đình giàu có ở Trung Quốc - họ ngổ ngáo, ngang tàng, hành động nhiều, suy nghĩ ít.

Vấn đề khiến không ít người băn khoăn là, tại sao hai con người trẻ tuổi, có học thức, hiểu pháp luật, trong sáng và lương thiện - Đại Lâm và Thúy Thúy (nhất là Thúy Thúy) lại hoàn toàn bị những mối quan hệ gia đình chi phối và trở thành những nạn nhân của các vụ tính toán vị kỷ, trả thù trả thù kiểu xã hội đen? Phải chăng họ cũng bị những thói xấu “thâm căn cố đế” từ xa xưa dẫn dắt?

Tác phẩm lột tả rất nhiều tính cách điển hình của người Trung Quốc. Ngoài việc họ giỏi làm ăn, buôn bán, tính toán sâu xa, họ còn bị tư tưởng Nho giáo chi phối nặng nề. Đó là việc mẹ của Thúy Thúy chết do không chịu nổi những lời chửi rủa độc địa của mẹ Đại Lâm. Chửi rủa một cách thâm thúy và tác động lên đối thủ bằng tất cả sức mạnh ác hiểm của ngôn từ vốn là một đặc tính của người Trung Quốc.

Dẫu là bạo liệt, nhưng thông qua nhân vật Thúy Thúy, cuốn sách cũng khẳng định khát vọng tình yêu trong sáng, mãnh liệt ở con người không thể nào mất đi. Sau khi cuộc hôn nhân với Đại Lâm tan vỡ, Thúy Thúy đã dành tình yêu cho Dương Chiến. Cô yêu âm thầm, mãnh liệt và hoàn toàn không vụ lợi. Cô quyết định giữ lại giọt máu của người mình yêu, sinh ra một đứa con khỏe mạnh, xinh đẹp, dù bị người yêu bỏ rơi. Đây là nét đẹp lấp lánh ở một người con gái dịu dàng, thông minh và lương thiện, dù đã phải trải qua bao khổ đau, mất mát. Đây cũng chính là điểm tích cực của cuốn sách - gợi cho con người vươn tới cái Thiện, cái Đẹp.

TH.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC