Trong khi màn ảnh nhỏ đang rộn ràng với khá nhiều bộ phim mang màu sắc giải trí, nhẹ nhàng thì những bộ phim chính luận như Bí thư Tỉnh ủy về ông Kim Ngọc (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) - “cha đẻ của khoán 10” vẫn được nhiều người chờ đợi...
Nói lên tiếng nói của người dân
Cách đây hơn chục năm, chương trình Văn nghệ Chủ nhật với những bộ phim phản ánh hiện thực không yên ả của nông thôn Bắc Bộ đã được khán giả đón nhận: Vui buồn sau lũy tre, Chuyện làng Nhô, Khi đàn chim trở về... rồi đến Người vác tù và hàng tổng, Chuyện nhà Mộc, Đất và người...; hay gần đây, đời sống đô thị với những mặt trái, những tiêu cực được “mổ xẻ” trong Chuyện phố phường, Chạy án, Luật đời... đều để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) cũng cho “ra lò” nhiều bộ phim có sức “nóng”: Đồng tiền xương máu, Blouse trắng, Nữ bác sĩ ...
Cảnh trong Chạy án
Đó là những bộ phim bám sát thực tế cuộc sống và phản ánh những vấn đề được nhiều người quan tâm; cất lên tiếng nói và làm thỏa mãn khát khao của người dân là được nói sự thật; chỉ ra những cái chưa được ở một địa phương, chỉ bất cập trong cơ chế vận hành bộ máy quản lý hành chính hay trong một bộ phận cán bộ, quan chức...
Bộ phim đang trên trường quay Bí thư Tỉnh ủy (48 tập, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài THVN (VFC) đụng đến những vấn đề nhức nhối của một thời và dĩ nhiên đó không chỉ là câu chuyện của một con người hay chuyện trong quá khứ... Bộ phim tập trung tái hiện một phần lịch sử những năm 60 của thế kỷ trước, khi hợp tác hoá bậc cao đã bộc lộ những nhược điểm của nó, dẫn đến việc làm ăn của bà con nông dân có những đình trệ và Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc đã tìm cách tháo gỡ bằng cách “khoán hộ” cho nông dân.
Bộ phim đưa ra những điển hình lý tưởng về cán bộ từ cấp xã, huyện, tỉnh là “công bộc của dân” mà người dân khát khao mong đợi. “Làm phim chính luận để nói được những vấn đề cần nói mà không gây phản ứng tiêu cực và để... không bị “cắt xén”, chúng tôi phải dò từng chữ để “điều chỉnh” nội dung kịch bản cho phù hợp, nhất là lời thoại của các nhân vật”, một nhà biên kịch của VFC cho biết.
“Xã hội của chúng ta hiện nay còn có quá nhiều vấn đề tạo nên sự bức xúc, ưu tư trong lòng người dân: kinh tế tăng trưởng, đồng tiền trong túi mọi người rủng rỉnh hơn nhưng bên cạnh đó là nạn tham nhũng, lạm phát, khoảng cách giàu nghèo ngày càng rõ rệt, sự xuống cấp của các giá trị đạo đức xã hội, môi trường sống bị ô nhiễm... Chính vì vậy, bộ phim nào chạm được vào những khía cạnh khác nhau của hiện thực này, nói giùm người dân ít nhiều những điều mà họ không có điều kiện để nói đều tạo được sự đồng cảm nơi người xem”, đạo diễn Song Chi - người thành công với bộ phim Nữ bác sĩ (20 tập) “thổ lộ”.
Cảnh trong Luật đời
Đề tài có vai trò quan trọng, nhưng...
Dường như bất kỳ vấn đề bức xúc, gai góc ở lĩnh vực nào của đời sống đều được phim truyền hình “đụng” đến: từ chuyện đất đai bị xâm phạm đến học hành thi cử, chuyện kinh doanh, xây dựng, thị trường chứng khoán đến vấn đề hội nhập toàn cầu, cả những tệ nạn xã hội: tham ô, hối lộ, buôn lậu, tội phạm ma túy, buôn người...
Nhưng không phải bộ phim nào đụng đến đề tài “nóng” đều có thể “nóng” khi lên sóng. Phim về những vấn đề xã hội dễ bị “khô” và “nặng”... Ngược lại, có phim chuyển tải những chuyện trọng đại và vấn đề rất to tát nhưng thể hiện chưa đến “độ”.
Khán giả xem phim truyền hình trước hết để giải trí, vì vậy phía sau những vấn đề lớn lao được gửi gắm, các nhà làm phim phải đi đến tận cùng những thân phận người, xây dựng nhân vật có cá tính và khắc hoạ đậm nét tính cách của họ. Sự chân thật, sinh động trong cốt truyện, tình tiết, hình tượng và tâm lý nhân vật... cùng cách thể hiện hấp dẫn góp phần lôi cuốn người xem.
Tuy nhiên, bám sát hiện thực cuộc sống nhưng phải bằng cái nhìn tích cực, lành mạnh, có tính phê phán và đem đến những cảm xúc nhân văn cho khán giả. Những bộ phim như vậy thường chiếm được cảm tình của người xem.
Có khá nhiều đề tài “nóng” đã được xới xáo nhưng không đi được đến cùng của vấn đề hay sự việc. Theo nhà văn Nguyễn Như Phong - tác giả kịch bản Chạy án, người viết kịch bản ở Việt Nam không phải không có tài nhưng không dám nói một cách thẳng thắn về những tiêu cực, cái xấu trong xã hội. “Nói chung, phim đụng chạm đến các vấn đề tiêu cực của xã hội thường hời hợt.
Cảnh trong Nữ bác sĩ
Cái đáng nói lại không nói, và nhiều khi mượn lời của nhân vật để chửi vung lên”, anh chia sẻ. Anh cho biết thêm: “Phim Trung Quốc dám nói thẳng, nói thật, dám đi vào những vấn đề nảy sinh phức tạp của đời sống xã hội mà không sợ mang tiếng “nói xấu chính quyền” bởi người ta dám... sòng phẳng, công khai”.
Không khó nhận ra, những bộ phim chính luận này ngày càng nói đúng và nói trúng những vấn đề người xem quan tâm, chứ không chỉ nông thôn với bàng bạc những quan hệ bà con lối xóm, dòng tộc... Các nhà làm phim không còn né tránh chuyện tranh giành quyền lực, kết bè phái đấu đá nhau và chiếm đoạt của công, biển thủ công quỹ, đàn áp người đấu tranh...
Để phim về đề tài xã hội, phim chính luận gửi gắm được những vấn đề cần nói, những trăn trở, nghĩ suy trước thời cuộc, còn là kết quả của một chặng đường dài phấn đấu về nhiều mặt, của nhiều người...
Theo VHXH.