Chỉ có 2 giây cô Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ trong siêu phẩm điện ảnh trị giá 45 triệu USD "Shanghai" còn Hồ Quỳnh Hương thì thậm chí còn chẳng có một giây nào trong dự án làm phim bất thành với Hàn Quốc.
Chuyện sẽ chẳng có gì mà ầm ĩ, nếu như nó không được chính người trong cuộc tỏ ra quá lạc quan, và là "lạc quan tếu". Để rồi phải lần lượt làm một việc "cực chẳng đã" là lên báo "thanh minh thanh nga" hoặc "thừa nhận thất bại". "Im lặng là vàng" xem ra mãi là công thức khó học thuộc nhất đối với không ít sao Việt, khi có những chuyện quả đúng là "khôn ngoan không lại với trời"!
2 giây không phải là một... "cái tội"
2 giây - nào có hề gì! Chớ quên, cố nhà văn khả kính Nguyễn Tuân cũng đã từng khăn gói qua Hongkong chỉ để đóng vai y tá khênh cáng cứu thương, đi rất nhanh, không rõ mặt, ngang qua khuôn hình cũng chỉ trong vài giây. Tham gia vai quần chúng trong phim không phải là cái tội, không ai dám thất vọng với cụ Nguyễn vì chuyện này, khi chính cụ cũng chỉ coi đó như một chuyến đi chơi, "thay thực đơn cho giác quan".
Cảnh diễn có sự xuất hiện của 2 người đẹp Việt Nam, Lý Nhã Kỳ và Vũ Thu Phương trong vai kỹ nữ đang biểu diễn trên sân khấu |
Nhưng chuyện xuất ngoại đóng phim của hai người đẹp này dường như không được coi là một "chuyến đi chơi". Nó đã được khéo léo đưa tin rất nhiều lần bằng nhiều cách khác nhau. Để rồi khi phim ra, công chúng Việt mới được một phen chưng hửng, khi không ngờ cơ hội cho hai người đẹp Việt lại "khiêm nhường" đến thế!
Dù có biện minh thế nào chăng nữa, thì 2 giây cũng vẫn là một thời gian quá ngắn để phải cần đến sự hiện diện của những ngôi sao điện ảnh, dù có là "ngôi sao" của quốc gia đang ở vùng trũng của điện ảnh thế giới. Vậy thì tại sao đạo diễn của "Shanghai" là Mikael Hafstrom lại bỏ tiền để mời những người đẹp từ một đất nước xa xôi, mới gia nhập WTO được vài năm, đến tham gia vào vai diễn có thể chỉ cần vài cô sinh viên bản xứ có đôi chút nhan sắc là cũng có thể đảm đương, với một chi phí chắc chắn là rẻ hơn rất nhiều lần?
Ai có lợi trong cuộc chơi này, và kèm theo đó là những được, mất gì, có lẽ những người trong cuộc hiểu hơn ai hết. Nhưng khi PR là "nghề của nàng" thì chuyện không trở nên ầm ỹ mới là lạ.
Rất ít người biết được những nhà sản xuất phim "Shanghai" tốn bao nhiêu tiền (hay là được bao nhiêu?) cho hai giây đóng phim của hai người đẹp Việt Nam. Theo kinh nghiệm của những nhà làm phim, thì thù lao cho vài giây đóng một vai quần chúng không đáng là bao. Thậm chí thực tế làm phim ở Việt Nam, có rất nhiều bạn trẻ còn sẵn lòng đóng miễn phí chỉ để được lên hình. Trong một số trường hợp đặc biệt, đạo diễn còn được diễn viên năn nỉ, "quà cáp", để được một lần lọt vào ánh sáng ma lực của phim trường.
Lý Nhã Kỳ ... |
và Vũ Thu Phương đã có những bức hình, những thông tin "hoành tráng" về vai diễn của mình trong Shanghai |
Nhưng chắc chắn rằng vài giây đó đã giúp bộ phim này nhanh chóng giành được sự quan tâm của hàng triệu người Việt Nam ngay từ khi nó bắt đầu quay. Hiếm có bộ phim nào được đưa tin nhiều như thế trên các tờ báo lớn của Việt Nam. Tâm lý sính ngoại đã ăn sâu vào trong tâm trí của chúng ta.
Tất cả những gì có chút liên quan đến yếu tố ngoại quốc, dù là căn chung cư cao cấp, tấm bằng tiến sĩ rởm, dự án đóng phim Hàn Quốc không thành hiện thực, hay vai quần chúng lướt nhanh qua khuôn hình, cũng đều gây sự chú ý trên mức bình thường. Nữa đây, "Shanghai" không chỉ là phim nước ngoài, nó còn là bộ phim lớn với sự tham gia của những ngôi sao điện ảnh tầm cỡ thế giới, đang rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Giá kể, không chỉ Việt Nam, mà các quốc gia đang phát triển khác cũng có lòng ái mộ với điện ảnh nước ngoài cuồng nhiệt như vậy, có lẽ đạo diện Mikael Hafstrom đã mời mỗi nước vài cô diễn viên qua chỉ để đóng vai phụ cho những cảnh quay của mình. Thật ra một bộ phim như "Shanghai" thì cần đến hàng ngàn vai phụ, thậm chí hàng chục ngàn nếu nhà sản xuất thấy có lợi. Đơn giản chỉ cần làm cho đường phố đông đúc lên, quán rượu nhiều người hơn, gái nhảy nhiều hơn, hay nhiều... xác chết hơn, chẳng hạn! Hàng ngàn vai phụ đó tổ chức hàng ngàn buổi họp báo "công bố vai diễn trong phim "Shanghai" trên toàn cầu, có lẽ sẽ tạo cho "Shanghai" một chiến dịch PR rẻ tiền và hoành tráng nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.
Vũ Thu Phương còn cho biết là trước ngày khởi chiếu 16-7 ở Việt Nam, nhà sản xuất sẽ sang tận Việt Nam để tổ chức họp báo và giải thích về vai diễn của cô. Nhưng rổt cuộc, tất cả mọi thứ đều rơi vào im lặng cho đến khi phim được chiếu ra… |
"Vài phần trăm sự thật" đã là...?
Lẽ dĩ nhiên, không ai mất hàng tuần bỏ công bỏ việc chỉ để bay qua Trung Quốc chụp hình chung với chị Củng Lợi, vì nếu chỉ để được như thế thì có nhiều cách rẻ tiền và đẹp hơn rất nhiều, ví dụ như phần mềm chỉnh sửa ảnh photoshop. Tham gia bộ phim này, chắc chắn hai người đẹp Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết thời lượng và giá trị vai diễn của mình chỉ ở mức độ nào.
Và cũng chẳng ai khác ngoài họ biết rõ những cái được, cái mất khi tham gia vào vài giây trong phim. Những phát ngôn thổi phồng quá đáng xung quanh vai diễn, thực ra cũng là điều có thể thông cảm được. Có những người sống bằng tin tức, sống bằng scandal, có những người trả tiền cho tin tức, trả tiền cho scandal. Và thực tế thì có rất nhiều tin tức còn lá cải và rẻ tiền hơn rất nhiều vẫn được nhét vào mắt người đọc hàng giờ trên đủ các loại báo.
Ngoài những khoản cát-sê tượng trưng cho hai giây đóng vai quần chúng (ở Việt Nam, giá mỗi ngày quay cho vai diễn kiểu này vào khoảng 200 ngàn cho nghệ sĩ bình thường đến 500 ngàn cho NSND), cái lợi của những người đẹp tham gia vào dự án phim này còn là những dòng tự giới thiệu hoành tráng trong lý lịch cá nhân. 2 giây trong bộ phim được đầu tư lớn như "Shanghai" với hàng loạt các ngôi sao lớn của Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, nói cho cùng thì cũng còn giá trị hơn nhiều so với vài ngày du học với phiên dịch để lấy bằng tiến sĩ rởm của một số quan chức Việt Nam. Vài phần trăm sự thật dù sao cũng có giá trị hơn là sự dối trá toàn diện? Có phải không nhỉ?
Vài phần trăm sự thật dù sao cũng có giá trị hơn là sự dối trá toàn diện? |
Vẫn biết, có nhiều nghề nghiệp phải kiếm sống bằng hư danh, nhiều cô gái phải thành danh bằng bộ ngực bơm silicon, nhiều chàng trai phải vươn lên dành chỗ dưới ánh mặt trời với những tấm bằng giả chứ không phải bằng kiến thức của chính mình. Nhưng đừng quên, mọi sự thật rồi sớm muộn cũng được lôi ra ánh sáng trong thời đại của Google, Facebook và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Thành tựu ngoại giao của Trung Quốc từng có thành ngữ "Ngoại giao gấu trúc" cho thấy hiệu quả của việc sử dụng "sứ giả" một cách khôn khéo. Hẳn nhiên, đó không phải là một thủ đoạn xấu xa, khi những con gấu trúc xinh xắn trong bàn tay các nhà ngoại giao Trung Quốc trở thành những biểu tượng cho mối quan hệ bằng hữu. Nhưng khi mưu sách "sứ giải" được những doanh nhân sử dụng, thì dưới ảnh hưởng của đồng đô la, mọi thứ cũng chưa biết thế nào. Chỉ mong rằng sau này sẽ không có công ty nào nhuộm lông các chú gấu thành màu vàng của thuốc lá 555 hay là treo lên lưng chúng một đoạn poster quảng cáo, rồi lôi đi họp báo và làm từ thiện khắp nơi để thu hút sự chú ý của đám đông vốn có bản năng hết sức tò mò với những gì quái lạ, bất thường và xinh đẹp.
"Khôn ngoan không lại với giời": Theo khảo sát của chúng tôi, bộ phim "Shanghai" thoạt tiên tuy gây chú ý cho công chúng Việt Nam nhờ tin tức hot: có sự hiện diện của hai người đẹp Việt Nam bên cạnh bộ sưu tập các ngôi sao đa quốc tịch, nhưng sau khi gây chưng hửng cho những đợt khán giả mua vé đầu tiên và "sự kiện 2 giây" được đưa lên mặt báo cũng như các diễn đàn mạng, thì hiệu quả PR lại thành "tác dụng ngược". "Shanghai" không những không chiếm được khung giờ vàng tại các rạp chiếu phim lớn ở Việt Nam (một phần đụng sân với các bộ phim hè bom tấn khác) với số lượng suất chiếu rất hạn chế, mà thậm chí còn phải "rời sân" trước dự đoán.
Theo Đẹp.