Lạ lùng lão nông làng lụa Vạn Phúc làm phim"Phim của Mỹ, máy của Nga, sang bên ta là bác cải tiến. Nét như Sony, đi như vô tuyến, hiện đại như Samsung. Stereo tách nhạc bằng mồm, radio chạy bằng dây dù, chỉnh âm bằng dây chun. Chuyển hệ bằng dây buộc nút. Would you like cinema? (Bạn có muốn xem phim không?). Tây còn phải xem nữa là Ta".

50 năm qua, ông Nguyễn Văn Long (Vạn Phúc – Hà Đông – Hà Nội) dành trọn thời gian cho từng thước phim quay tay. Hướng tới Đại lễ 1000 năm, ông còn sáng tạo một bộ phim đặc biệt, chẳng giống ai và chỉ... rất quê mùa.

Làm phim kiểu Long “nghẹo”

Những tháng mùa đông rét mướt năm ngoái, đoàn phim theo kiểu kênh truyền hình Discovery do đạo diễn Hoàng Mạnh Cường đã làm một bộ phim về chính ông Long trong dự án phim tài liệu dựa trên chủ đề Đô thị hoá ở Việt Nam.

Bộ phim quay về ông Nguyễn Văn Long hàng ngày đi xe đạp đến công viên Thủ Lệ, dùng một chiếc máy thô sơ "chiếu" những bộ phim do chính ông làm từ những hình vẽ cho bất cứ ai muốn xem. Nay ông đang bị bệnh ung thư, thêm bệnh cổ nghẹo nữa nhưng vẫn miệt mài làm phim Thánh Gióng để phục vụ cho Đại lễ 1000 năm.

Trong nhiều tháng làm việc cùng đoàn làm phim, ông Long thức khuya dậy sớm để vẽ, cắt dán, tô màu cho những khuôn hình đầu tiên của bộ phim Thánh Gióng cử động bằng tay.

Trước đây, ông làm 10 hình vẽ/tập phim, nay ông làm trên 200 hình/tập phim. Dự tính bộ phim dài 2 phút, chia làm 2 tập, tương đương 400 hình ảnh. Sau đó, ông Long đóng thành tập như quyển sổ nhỏ có chiều dài 8 cm, rộng 5cm.

Khi xem, ông bật tay thì sẽ tạo ra 24 hình/giây. Tuy nhiên, ông Long cũng cười vui là do tay dù khéo đến mấy không thể tạo ra đủ 24 hình/giây để tạo ra một hình ảnh động chuẩn. Nhưng đây là kiểu làm phim nguyên bản của các cụ để lại nên ông Long không muốn thay đổi và đoàn làm phim kiểu Discovery cũng rất hài lòng. Sau khi ông làm xong bộ phim Thánh gióng cũng là lúc đoàn làm phim quay trọn một bộ phim tài liệu về lão nông làm phim kiểu quê mùa này.

Đạo diễn Hoàng Mạnh Cường xúc động: “Tôi bị thu hút bởi ông Long nhiều năm qua và đã viết hẳn một kịch bản để khắc họa chân dung ông. Điều tôi học được từ kênh Descovery là tìm cách thể hiện ông như thế nào cho sống động nhất, chân thực nhất về người nông dân Việt Nam yêu vốn cổ dân tộc”.

Nửa thế kỷ sống trọn với nghề

2/3 đời người đã trôi qua nhưng ông Nguyễn Văn Long vẫn nhớ lại ngày đầu tiên được người thân đưa đi xem phim ở Bờ Hồ vào năm 1952. Phim ngày ấy chiếu kiểu cinema thùng, nghĩa là những thước phim chạy bằng ắc quy. Ông còn nhớ họ chiếu bộ phim “Ô tô đâm đổ cột đèn” – chỉ có một hành động là ô tô đâm đổ cột đèn, thế là hết. Phim đó ám ảnh ông, khiến ông quyết theo nghiệp phim quay tay từ thời đó đến nay.

Lạ lùng lão nông làng lụa Vạn Phúc làm phim_0
Chiếc xe đạp Thống Nhất đời 1987 này đã gắn bó với ông Long  dằng dặc7km từ nhà đến Bảo tàng Dân tộc học 23 năm.

1959 là năm đầu tiên ông cho ra đời bộ phim cử động bằng tay “Linh Thoong và Can”. Thông qua lời kể của thầy giáo dạy trên lớp, ông tưởng tượng lại và vẽ trên giấy pơ-luy. Sau đó ông bôi dầu hỏa lên giấy cho trong suốt. Ông đục bỏ chuôi bóng đèn, đổ nước vào làm kính hội tụ rồi chiếu hình lên tấm vải.

Chiếu cho bạn cùng xóm xem, mỗi bạn vào xem phải nộp 1 viên gạch, số gạch đó ông xây được cái chuồng ngan cho thầy u. Sau đó, dân làng kêu mất gạch, ông “khuyến khích” các bạn thu giấy nháp. Làm mãi cũng chỉ được vài cân giấy bán ăn kẹo kéo. Ông mạnh dạn mang ra đình chiếu cho người lớn xem để kiếm vài hào ăn phở.

Say sưa với việc làm phim phục vụ nhân dân nên 1973 ông Long bầu làm trưởng ban văn hóa xã Vạn Phúc – thị xã Hà Đông. Những năm “chập chững” bước vào nghề, ông sưu tầm những bộ phim như: Đường về quê mẹ, Mối tình đầu, Đằng sau vụ án hồ con Rùa… rồi chuyển thể sao cho ngắn gọn, chiếu cho dân làng xem.

Phim giấy được coi là đặc sản của ông. Nội dung phim ông chuyển thể từ các truyện cổ tích rồi phân cảnh, vẽ hình cho phù hợp. Ngoài ra, ông Long còn làm phim cử động bằng giấy, phim nổi nhựa, phim nổi giấy, phim tĩnh…

Dù hơn 70 tuổi nhưng ông Long có thể lồng tiếng hoàng tử trẻ tuổi, cô Tấm, công chúa Lọ Lem... Ngoài ra, ông còn biết hát Tuồng, Chèo, Cải lương, Quan họ; các thứ tiếng Anh, Nga, Trung, Nhật, Hàn để phục vụ trẻ em các nước này mỗi khi vào Bảo tàng Dân tộc học tò mò xem phim.

Mỗi tháng, ông Long làm từ 3 – 5 phim. Trong tháng 7, ông vừa hoàn thành danh mục phim giấy Tĩnh: Nàng tiên cá, Con mèo đi hia, Tèo và Ten, Hạc trả ơn, Bé tí hon và một phim phụ kèm theo là “Đại bàng và Rắn”,

Những phim này cùng với phim giấy Thánh Gióng cử động bằng tay sẽ phục vụ các em nhỏ từ nay đến Đại lễ 1000 năm.

Theo VNN.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC